Độc đáo lễ hội dành cho các cụ “Thượng” ở đảo Hà Nam
Đó là ngày hội của lòng hiếu hỉ, với khăn áo, kiệu võng, lễ tế… dành cho các cụ đã lên lão (thường là từ 80 tuổi trở lên, được gọi là “cụ Thượng”) để con cháu rước lên Miếu Tiên Công ở đảo Hà Nam, TX. Quảng Yên ( Quảng Ninh) cáo yết, mừng thượng thọ.
Sự độc đáo của lễ hội này đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao quyết định.
Mọi công tác chuẩn bị cho đám rước cụ Thượng lên miếu Tiên Công đã được các dòng họ, gia đình chuẩn bị chu đáo từ nhiều ngày trước. Ảnh: Nguyễn Quý.
Đã thành phong tục từ nhiều đời nay ở đảo Hà Nam, cứ ngày mùng 7 Tết, các cụ Thượng được gia đình và dòng họ tổ chức rước và dâng lễ lên miếu Tiên Công cáo yết. Tín ngưỡng thờ Tiên Công được thể hiện qua những sinh hoạt như chạp tổ, lễ ra cỗ họ, nghi lễ chúc thọ, rước thọ, cúng, tế Tiên Công và nghi lễ đắp đê, đấu vật. Lễ hội Tiên Công là sự cúng tế các vị tiền hiền khai khẩn, một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Việt ở đảo Hà Nam, Quảng Yên.
Một trong những vật phẩm thường thấy để tế lễ là lợn quay. Ảnh:Nguyễn Quý.
Không thể thiếu phường bát âm trong đám rước cụ Thượng. Ảnh: Nguyễn Quý.
Theo truyền thuyết, vùng đảo Hà Nam là do một số nhóm Tiên Công và dân cư từ kinh thành Thăng Long đến đây quai đê, lấn biển, tạo dựng thành. Mỗi độ xuân về, các cụ Tiên Công (những người đầu tiên có công khai phá và tạo lập nên vùng đảo Hà Nam) lại nhớ những buổi hội hè, đình đám chốn kinh thành xưa, nên đã mời các bô lão tuổi tác cao nhất trong làng xã “trộm” đóng y phục giống như đức vua ngồi lên võng đào, kiệu rồng để con cháu xúm lại nghinh rước lên miếu đường và bày soạn vật phẩm tế lễ. Mọi hoạt động diễn ra như thể ở triều đình với lọng che, phường nhạc bát âm, hát xướng… dần dần đã hình thành lễ hội “Rước người” độc đáo của vùng đảo này.
Các cụ Thượng được nằm trên võng đào…
… hoặc ngồi kiệu như vua chúa để con cháu rước đi quanh làng, rồi lên miếu Tiên Công. Ảnh:Nguyễn Quý.
Video đang HOT
Cũng có cụ không ngồi kiệu hoặc nằm võng mà đi bộ cùng con cháu. Ảnh: Nguyễn Quý.
Còn theo các tư liệu lịch sử, từ thời Lý – Trần đã có một số vạn chài đến vùng đất Quảng Yên ngày nay sinh sống, họ đã dựa vào những gò đất cao trên triều để dãi chài, phơi lưới. Đến đầu thế kỷ XV, khoảng từ năm 1434 – 1500, có 6 nhóm Tiên Công và dân cư đến quai đê lấn biển, khẩn hoang đất đai trồng lúa, lập làng, tạo thành khu đảo Hà Nam. Trong đó có 17 vị Tiên Công, người quê ở phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức), phía Nam thành Thăng Long (nay là Hà Nội). Để tưởng nhớ công ơn các vị Tiên Công, người dân toàn xã Phong Lưu đã lập miếu thờ thập thất Tiên Công ở thôn Cẩm La để tuần rằm lễ tiết, tứ thời phụng thờ.
Đường làng chật cứng bởi các đám rước cụ Thượng vào ngày mùng 7 Âm lịch. Ảnh:Nguyễn Quý.
Tới cửa miếu, các cụ Thượng phải bước xuống đi bộ vào trong cáo yết. Ảnh:Nguyễn Quý.
Miếu đường nơi diễn ra nghi lễ chính thức để các cụ Thượng cáo yết các vị Tiên Công. Ảnh: Nguyễn Quý.
Trải qua hơn 500 năm tồn tại, lễ hội Tiên Công vẫn giữ nguyên sắc độc đáo của một lễ hội cổ xưa (thế kỷ XV). Năm 1990, lễ hội Tiên Công đã được Nhà nước xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia.
Lễ hội Tiên Công diễn ra trong 4 ngày từ 19.2 đến 22.2.2018, tức ngày 4 đến ngày 7 tháng Giêng năm Mậu Tuất, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, các các trò chơi dân gian phong phú. Ảnh:Nguyễn Quý.
Với những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, ngày 8.5.2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 1852/QĐ – BVHTTDL ghi danh lễ hội Tiên Công của TX Quảng Yên, tỉnh (Quảng Ninh) là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây cũng là lễ hội mở đầu cho chương trình Năm Quốc gia du lịch 2018 của tỉnh Quảng Ninh.
Theo Danviet
Quảng Ninh: Mất mùa, 6 sào thu được 3 túi thóc đắng, chỉ gà ăn được
Hàng trăm hecta lúa của người dân tại TX.Quảng Yên (Quảng Ninh) bị ảnh hưởng, mất trắng trong vụ mùa. Theo người dân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cảnh bị mất mùa "xưa nay hiếm" này...
Lúa bị thất thu, mất trắng nên người dân chỉ đi tuốt lấy ít bông đem về cho lợn, gà ăn.
6 sào được... 3 túi thóc
Nhìn khu ruộng lúa cuối cùng của gia đình chuẩn bị gặt, bà Vũ Thị Năm, khu Biểu Nghi 2, phường Đông Mai, TX.Quảng Yên không khỏi ngán ngẩm khi chỉ thấy lá cháy, còn thóc thì chẳng thấy đâu. Theo bà Năm, mấy chục năm nay, bà chưa bao giờ chứng kiến cảnh lúa mất mùa thảm hại như năm nay.
"Tôi đã gặt 6 sào rồi, nhưng chỉ toàn hạt lép, vớt vát mãi cũng chỉ được 3 túi bóng nhỏ, cân lên được hơn yến", bà Năm mếu máo.
Cũng theo bà Năm, không hiểu sao năm nay lại nhiều sâu bệnh đến thế, gốc và lá cứ tự thối, vụ này bà phải phun đến 3 lần thuốc nhưng cũng không chữa được. Lá cháy, không có thóc, bỏ cũng dở, gặt về cũng dở.
6 sào, nhưng bà Năm chỉ thu hoạch được 3 túi bóng như thế này, cân lên được hơn yến thóc.
"Nhờ người quen cày hộ 6 sào, mất 1 triệu đồng, công cấy, công gặt, giống, thuốc trừ sâu mất thêm mấy triệu nữa. Nhưng thu về được hơn yến đều bị lép, nghiền ra đen xì, gãy đôi, ăn đắng ngắt nên chỉ để cho gà ăn. Nhà chỉ trông chờ vào mấy sào lúa, nay mất hết chỉ biết ăn đong. Chẳng bao giờ đúng mùa gặt, gạo lại đắt hơn ngày thường như năm nay, mấy hôm trước đang 13 nghìn/kg, nay lên hẳn 15 nghìn/kg rồi", bà Năm cho biết.
"Khu vực này còn đỡ, dưới kia, cả cánh đồng người dân bỏ không gặt, nhà ít thì 1 - 2 sào, nhà nhiều thì 5 - 6 sào. Mọi người không thuê gặt mà chỉ ra tuốt được bông nào về cho gà thì tuốt, không thì để đấy, sau đốt lấy tro, chứ tiền công mất nhiều hơn tiền thóc", bà Năm cho biết thêm.
Theo chỉ dẫn của bà Năm, chúng tôi ra cánh đồng cách đó không xa rộng hàng chục hecta, lúa chín rũ, nhưng chỉ toàn lá khô. Cả cánh đồng ấy, chỉ 1 vài nhà đã gặt, còn đâu thì bỏ đó.
Cùng hoàn cảnh với bà Năm, gia đình bà Trần Thị Tâm tại xã Tiền An trồng 5 sào lúa, tuy nhiên năm nay cũng chỉ thu hoạch được 2 bao thóc với khoảng 30kg. Theo bà Tâm dù chỉ được thu 30kg nhưng cũng không thể ăn được vì xay ra gạo bị gãy hết, đen xì, nấu cơm không thể ăn được.
"Năm nay tôi cũng chăm sóc lúa kỹ lắm, cũng hy vọng sẽ được thu hoạch như mọi năm. Thường thì như các vụ khác, mỗi sào cũng được ít nhất cũng 200kg, năm nay thất thu hoàn toàn nên chỉ biết đi mua. Gia đình đã khó khăn, trông chờ vào vụ lúa lại coi như mất trắng như thế này khiến cuộc sống gia đình tôi càng thêm eo hẹp", bà Tâm buồn bã.
Bỏ bao công sức, tiền bạc nhưng đến vụ mùa, người dân ở Quảng Yên chỉ biết "nuốt nước mắt vào trong" đi nhặt nhặn được tí thóc nào hay tí đó.
Giống như gia đình bà Năm, bà Tâm, gia đình ông Đinh Văn Lình trú tại Đông Mai cũng có 5 sào, nhưng theo ông năm nay mất trắng hết rồi, chẳng biết lấy gì mà ăn. Ông Lình rất hy vọng sẽ được TX.Quảng Yên hỗ trợ cho người dân phần nào để người dân đỡ khó khăn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh ở Sông Khoai, năm nay có nhiều yếu tố dẫn đến việc thất thu, mất mùa. Nhà ông trồng 4 sào, cũng được hơn tạ thóc, nhưng cũng không thể ăn được.
"Năm nay mưa nhiều, lúa ngập, tiếp đến là bị bệnh vàng lá, gia đình phát hiện sớm, phun thuốc mấy lần nhưng không cứu được. Mọi năm, những lần lũ lụt, hay lúa bị ngập, thị xã có về chụp ảnh sau đó hỗ trợ, nhưng năm nay thì không thấy, chẳng biết vụ mùa này thất thu, mất trắng như vậy, người dân có được TX.Quảng Yên hỗ trợ nữa hay không?", ông Thanh cho biết.
Ông Vũ Ngọc Hùng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng TX.Quảng Yên.
Thất thu nhưng không được hỗ trợ?
Theo báo cáo kết quả năng suất, sản lượng lúa vụ mùa năm 2017 của TX.Quảng Yên tính đến 23.10, tổng diện tích lúa bị thiệt hại năm nay là 345,6ha, tăng 324,8ha so với năm 2016.
Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Ngọc Hùng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng TX.Quảng Yên cho biết, đây vẫn chưa phải là con số chính xác và thiệt hại có thể cao hơn rất nhiều.
"Lúc thống kê, lúa mới chỉ chín 70 - 80% thôi. Hiện nay, các xã đang tiến hành cho người dân kê khai thiệt hại cụ thể, con số thiệt hại chính xác phải chờ đến ngày 10.11 mới có", ông Hùng cho biết.
Cũng theo ông Hùng, vụ mùa năm nay TX.Quảng Yên rất quan tâm đầu tư làm thủy lợi, hướng dẫn bà con nông dân cày xới,chọn giống, gieo mạ, chăm sóc lúa với hy vọng sẽ bội thu. Tuy nhiên, khi lúa vừa bén rễ lại gặp vào đợt mưa nhiều, sau đó là sâu bệnh hoành hành nên bị thất thu nặng.
Ông Hùng cho biết thêm, mặc dù bị thiệt hại nhưng muốn được hỗ trợ thì theo quy định, tỉnh phải ra quyết định công bố thiên tai, dịch bệnh. Nhưng năm nay, tỉnh chưa ra quyết định đó.
Về việc người dân có phản ánh, việc thất thu này có liên quan đến giống lúa, ông Hùng cho biết, vụ mùa này, người dân đa phần mua giống tại Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TX.Quảng Yên và một số đại lý có uy tín nên không thể liên quan đến giống mà do thời tiết, dịch bệnh.
"Việc người dân thống kê thiệt hại để nắm con số cụ thể thôi, còn hỗ trợ thì rất khó. Chủ trương của tinh là, nếu có hỗ trợ thì tỉnh phải có công bố về thiên tai, dịch bệnh. Việc công bố này là do tỉnh, nhưng năm nay chưa thấy công bố gì nên người dân sẽ không được hỗ trợ", ông Hùng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TX.Quảng Yên cho biết, vụ mùa này, trung tâm đã cung cấp 50.960kg thóc giống cho người dân, diện tích cấy tương đương khoảng 926,5ha lúa. Về nguyên nhân vụ mùa thất thu, mất trắng, ông Hưng cho biết đã có đánh giá, nguyên nhân chính là do thời tiết bất thuận, mưa nhiều, đặc biệt là cơn bão số 10 vào 2 cơn áp thấp nhiệt đới đúng vào thời điểm lúa đang ra trổ bông và sắp chín.
Ngoài ra, năm nay, một số vùng ven biển, trong đó có Quảng Yên xuất hiện loại bệnh mới là bệnh lùn sọc đen, đây là bệnh do con rầy gây ra chứ không hề liên quan đến giống.
Theo Danviet
Chuyện về người gánh hành trang, tháp tùng Bác Hồ về nước Ngày 2 Tết năm Tân Tỵ (1941), sau "ba mươi năm ấy chân không nghỉ" lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của mình đã đặt bước chân đầu tiên lên đất mẹ tại cột mốc 108 (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Những bước chân để tiến tới thành công của cuộc tổng khởi nghĩa tháng...