‘Đoạt 2 huy chương Olympic Toán quốc tế chỉ là thành tích bề ngoài’
Đoạt 2 huy chương Olympic Toán quốc tế, Phạm Kim Hùng theo học ĐH Stanford, Mỹ và quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp. Chàng trai này chưa từng hối tiếc vì từ bỏ cơ hội ở Mỹ.
Năm 2004, Phạm Kim Hùng là thí sinh duy nhất trong đoàn Việt Nam đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) khi mới học lớp 11. Một năm sau, nam sinh khối phổ thông chuyên Toán – Tin, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tiếp tục giành huy chương bạc tại kỳ thi này.
Hiện tại, anh là người sáng lập kiêm CEO của Base, nền tảng công nghệ tích hợp các ứng dụng cho các doanh nghiệp.
Quyết định liều lĩnh đến đại học hàng đầu thế giới
Sau khi tốt nghiệp THPT, với hai tấm huy chương Toán học, Phạm Kim Hùng trúng tuyển lớp Cử nhân tài năng của ĐH Tổng hợp. Khi đó, chàng trai đưa ra quyết định liều lĩnh là dừng học ĐH ở Việt Nam, tập trung chuẩn bị cho các kỳ thi cần thiết để du học.
Phạm Kim Hùng thừa nhận đây là lựa chọn rủi ro cao. Mong muốn của chàng trai này là học Công nghệ Thông tin tại ĐH Stanford, Mỹ. Năm 2007, Phạm Kim Hùng sang Mỹ cùng suất học bổng toàn phần. Khi còn là sinh viên, 8X viết cuốn sách “ Sáng tạo bất đẳng thức”, sau này được xuất bản bằng 4 thứ tiếng trên thế giới.
Kim Hùng tại lễ tốt nghiệp của ĐH Stanford.
“Tôi rất may mắn vì có cơ hội học ở trường đại học hàng đầu của Mỹ. Stanford trân trọng những người dám ước mơ và khát vọng tạo ra giá trị, sản phẩm mới”, Kim Hùng chia sẻ.
Với chủ nhân hai tấm huy chương IMO, điều quan trọng nhất là Stanford đã dạy nam sinh nhận thức đúng đắn về giá trị: Đó là thứ thứ mình tạo ra và cho đi chứ không phải thứ mình được người khác nghi nhận.
“Thực chất, huy chương vàng IMO chỉ là thành tích bề ngoài. Nếu chỉ là sự ghi nhận cho cá nhân mình mà không tạo ra giá trị cho những người xung quanh thì không phải thứ có giá trị thực sự”, vị CEO trẻ tâm sự.
Quan niệm sống này ảnh hưởng rất lớn đến con đường Hùng chọn hôm nay. Thời gian học, Hùng từng dừng học một năm để về nước, phát triển hệ thống thi công chức, giúp hiện đại hóa quy trình thi tuyển vào Nhà nước.
Sau khi tốt nghiệp, Phạm Kim Hùng từ bỏ tất cả cơ hội tại Mỹ, về nước lập nghiệp. Nhiều người có thể ngạc nhiên trước quyết định của anh nhưng với bản thân Kim Hùng, đây là lựa chọn dễ dàng.
Không hối tiếc và chưa hài lòng
Những năm đầu đại học, Phạm Kim Hùng nghĩ sau khi tốt nghiệp sẽ ở lại Mỹ làm việc một thời gian để “hoàn thành trách nhiệm” với Stanford và nước Mỹ.
Tâm sự điều này với giáo sư Rafe Mazzeo, Trưởng khoa Toán ĐH Stanford, Kim Hùng nhận được câu trả lời khá bất ngờ: “Stanford không cần em làm điều gì. Em hãy sống cuộc sống có ý nghĩa và tạo ra giá trị cho xã hội từ những điều em học được ở đây”.
Video đang HOT
Tốt nghiệp ĐH hàng đầu nước Mỹ, chàng trai từng đoạt 2 huy chương Olympic Toán quốc tế quyết định về nước khởi nghiệp.
Câu nói của giáo sư góp phần thúc đẩy chàng trai về nước ngay sau khi nhận bằng.
Năm 2013, Phạm Kim Hùng về Việt Nam cùng khát vọng áp dụng những điều học được tại nền giáo dục hàng đầu thế giới để phát triển đất nước. Hùng theo đuổi lĩnh vực công nghệ.
Chàng trai cho biết bản thân muốn nhìn thấy sản phẩm mình làm ra giúp mọi người. Nó mang lại cho 8X niềm vui, đam mê lớn hơn khi sản phẩm tạo ra được giá trị cho người khác trong cuộc sống, công việc và mọi người xung quanh. Hơn nữa, lĩnh vực này cũng yêu cầu ứng dụng nhiều kiến thức Toán học.
Thời gian đầu luôn khó khăn với các nhà khởi nghiệp (startup). Cựu sinh viên Stanford cũng vậy. Hùng may mắn luôn có bạn bè sát cánh từ lúc bắt đầu đến nay.
Sau vài năm khởi nghiệp, anh nhận thấy điều quan trọng hơn – ý tưởng tốt nhất không chỉ là thứ thú vị mà phải gắn với quan điểm giá trị cá nhân mà mình thấy tự hào nhất. Từ đó, chàng trai tìm ra con đường đi trong nhiều năm tới – ứng dụng dành cho doanh nghiệp.
Vị CEO trẻ giải thích có sự khác biệt rất lớn giữa B2B (business) và C2C (customer). Khi khách hàng là những doanh nghiệp, bài toán họ gặp phải rất cụ thể, điều quan trọng là phải tìm ra cách giải bài toán đó như thế nào.
Thời gian khởi nghiệp với TechElite cho Kim Hùng nhận ra rằng các doanh nghiệp ở Việt Nam đang rất cần những phần mềm đủ tốt để hỗ trợ công việc.
Từ năm ngoái, anh bắt đầu với BASE Enterprise, tập trung phát triển một nền tảng cho phép đồng bộ và thống nhất toàn bộ ứng dụng trong doanh nghiệp. Dù được phát triển độc lập bởi các nhà cung cấp khác nhau, BASE vẫn có thể tích hợp các ứng dụng vào một môi trường trung.
Với những gì đạt được, năm 2016, Phạm Kim Hùng lọt vào danh sách 30 under 30 do Forbes Việt Nam bình chọn.
Chia sẻ với Zing.vn, anh cho biết không nuối tiếc vì đã bỏ cơ hội ở Mỹ và chưa hài lòng với hiện tại vì bản thân cũng như BASE còn một chặng đường rất dài để đi, trước mắt là mở rộng thị trường trong khu vực Đông Nam Á.
“Tôi hài lòng vì những đồng nghiệp đã rất cố gắng để ra mắt được sản phẩm. Nhưng đặc thù của ngành công nghệ là không có sản phẩm hoàn hảo, phải liên tục thay đổi, cập nhật, do đó, không bao giờ được phép tự hài lòng với những thứ mình đang có”, Phạm Kim Hùng nói.
Theo Zing
Tiến sĩ Việt tại Amazon: Hãy quên đi tấm huy chương vàng Toán quốc tế
Giành huy chương vàng Toán quốc tế năm 2007, tốt nghiệp 2 trường danh tiếng của Mỹ, đầu quân cho tập đoàn Amazon, Phạm Thành Thái vẫn chưa hài lòng với những gì mình làm được.
Năm 2007, Phạm Thành Thái là học sinh lớp 12 Toán trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), đã xuất sắc đoạt huy chương vàng tại Olympic Toán quốc tế (IMO).
Sau 10 năm, từ cậu bé vàng Toán học, chàng trai Việt trở thành nhà khoa học được công ty hàng đầu thế giới Amazon đón nhận.
Con đường đến Amazon
Trở về từ IMO lần thứ 48, Phạm Thành Thái chọn ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) làm điểm đến. Với niềm tin nếu muốn làm việc có tầm ảnh hưởng lớn, không đâu tốt bằng Mỹ, anh sớm xác định đây chính là mục tiêu của mình.
Phạm Thành Thái trong một lần gặp gỡ GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: NVCC .
Cũng từ lúc này, ngành Kinh tế đến với Thái hết sức tình cờ. Anh đã tự hỏi rất lâu rằng mình có muốn và hợp làm nghiên cứu Toán không. Câu trả lời là không.
"Tham gia IMO là niềm vui lớn nhất với tôi trong những năm THPT nhưng theo đuổi Toán cả đời lại là phạm trù khác. Tôi nghĩ rằng nếu dùng Toán học vào các ngành khác thì sự đóng góp sẽ trực tiếp hơn", Phạm Thành Thái tâm sự với Zing.vn.
Tại thời điểm chàng trai 18 tuổi băn khoăn tìm hướng đi cho mình, một đàn anh từng thi IMO và đã tu nghiệp ở nước ngoài khuyên Thái nếu không chọn Toán, có thể theo học Khoa học Máy tính hoặc Kinh tế học, cụ thể là Lý thuyết Trò chơi (Game Theory).
Trúng tuyển Học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) năm 2009, Thái quyết định chọn Lý thuyết Trò chơi và tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu chuyên ngành Toán, Kinh tế và Khoa học Quản trị 4 năm sau đó. Thành Thái tiếp tục theo học và mất 4 năm để lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại ĐH Kinh doanh Stanford (học viên thông thường sẽ mất 5-6 năm).
Anh thừa nhận IMO là cuộc chơi mà phần thưởng nó mang lại không nhỏ. Tấm huy chương vàng Toán quốc tế góp phần quan trọng giúp chàng trai Việt giành được học bổng toàn phần của MIT.
"Stanford là câu chuyện khác vì ở bậc tiến sĩ, họ quan tâm chủ yếu những gì bạn làm được khi học đại học", Thành Thái nói.
Phạm Thành Thái trong thời gian học tại MIT (hai người bên cạnh là vợ chồng Hiệu trưởng MIT Leo Rafael Reif). Ảnh: NVCC.
Tại Stanford, anh chọn ngành nghiên cứu khác, mặc dù cũng trong lĩnh vực kinh tế. Lần này, nghiên cứu của "anh chàng Hải Dương" dùng nhiều dữ liệu hơn, và ngoài Toán ra còn có Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI).
Một phương thuốc mới có tác dụng thế nào đối với việc chữa bệnh? Mô hình trường chuyên có tác động thế nào đối với thành tích học tập của học sinh? Một tính năng mới của Facebook có ảnh hưởng thế nào đến người dùng? Trả lời các loại câu hỏi này là nghiên cứu về quan hệ nhân - quả (Causal Inference).
"Trong nghiên cứu, tôi trả lời các câu hỏi như vậy bằng cách sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) và các kỹ thuật máy học (Machine Learning) tiên tiến kết hợp trong các mô hình nhân - quả", Thành Thái giải thích về nghiên cứu của mình.
Anh nói thêm AI đang tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới và đây là công cụ nhiều tiềm năng, đặc biệt là khi lượng dữ liệu có sẵn ngày càng lớn.
Thông thường, AI hay cụ thể hơn là Machine Learning, giải quyết các vấn đề về dự đoán rất tốt. Tuy nhiên, khi cần ra quyết định quan trọng liên quan chính sách chính phủ, y học, hay kế hoạch lớn ở công ty, dự đoán đơn thuần là không đủ.
"Lấy ví dụ khi nhận diện hình ảnh, nếu máy tính nhận diện sai cũng không gây ra hệ quả quá lớn lao. Nhưng nếu dự đoán sai trong các quyết định quan trọng nhắc đến bên trên, hậu quả sẽ vô cùng to lớn. Các phương pháp về quan hệ nhân quả sẽ khỏa lấp chỗ trống này", Thành Thái nói.
Chàng trai này cũng có nhiều nghiên cứu quan trọng được xuất bản trên các tạp chí, trình bày tại hội thảo ở Mỹ cũng như trên thế giới. Tháng 5 vừa qua, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ "Large Scale Causal Inference with Machine Learning".
Sắp tới, Thành Thái gia nhập tập đoàn Amazon, nghiên cứu về lĩnh vực anh đang theo đuổi là quan hệ nhân - quả, học sâu (Deep Learning), tự động hóa (Automation)...
Quên đi tấm huy chương vàng Olympic
Chủ nhân huy chương vàng IMO 48 luôn coi Toán là điều kỳ diệu, là gốc của hầu hết ngành khác và có thể mở ra muôn vàn cánh cổng. Bản thân anh dùng Toán vào Kinh tế học, bên cạnh Tài chính và Khoa học máy tính.
Phạm Thành Thái chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng TS Lê Viết Quốc - người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách 35 nhà phát minh dưới 35 tuổi xuất sắc do tạp chí MIT Technology Review bình chọn. Ảnh: NVCC.
Trong quá trình học tại Việt Nam, hai giáo viên Toán cấp ba là thầy Phí Văn Dương và Mạc Đăng Nghị đã giúp Thành Thái xây gốc vững chắc về môn này. Nhờ đó tại Mỹ, anh có thể thích nghi tốt ở môi trường giàu tính cạnh tranh hơn.
Phạm Thành Thái khẳng định các thầy cô ở Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc xây dựng nền móng vững chắc cho học sinh. Câu hỏi đặt ra cho các em có lẽ là làm gì sau đó, sau IMO và những năm cấp ba.
"IMO hay những cuộc thi khác thời phổ thông chỉ là cuộc chơi mà người thắng đã chơi tốt hơn ở thời điểm đó. Điều đó không đồng nghĩa việc họ sẽ chơi tốt ở các cuộc khác. Tôi quen rất nhiều người, mặc dù không thi quốc tế, đã làm nghiên cứu khoa học rất thành công ở phạm vi thế giới", Thành Thái nhận định.
Theo anh, những người thành công tại các cuộc thi quốc tế nên quên tấm huy chương càng nhanh càng tốt. Nó như con dao hai lưỡi, nếu dùng sai, bản thân sẽ bị tổn thương về mặt tinh thần.
Thành Thái nói: "Khi chưa được rèn nhiều về tâm lý ngoài cuộc sống mà phải đối diện nhiều áp lực hay kỳ vọng từ xã hội, chúng ta thường sẽ rất bối rối, căng thẳng. Theo tôi, có một cái đầu lạnh là điều tối cần thiết. Rồi sau này, cứ mỗi khi ta đạt đến một cột mốc mới, hãy mỉm cười nhưng đừng hài lòng mà bước tiếp trên con đường mình chọn".
Với thế hệ sau, Phạm Thành Thái khuyên các em nên tìm một người hướng dẫn để được tư vấn về hướng đi phù hợp. Gần 10 năm trước, nếu không nhờ những người đi trước chỉ dẫn, anh không thể trở thành một trong những người Việt đầu tiên được nhận vào chương trình đại học ở MIT trực tiếp từ Việt Nam.
Phạm Thành Thái cũng luôn sẵn lòng tư vấn cho những thí sinh bước ra từ IMO và hy vọng các em tìm được hướng đi chính xác.
Theo Zing
Vì sao học sinh ở tỉnh có điểm số cao nhất Olympic Toán quốc tế 2017? Thành công của Hoàng Hữu Quốc Huy, cậu học trò tỉnh lẻ đã xuất sắc đoạt giải quán quân Olympic Toán quốc tế (IMO) cùng hai thí sinh người Iran, Nhật Bản khiến nhiều người bất ngờ. Theo dõi thành phần đội tuyển Việt Nam dự thi toán quốc tế những năm gần đây, chúng ta có thể thấy vùng địa lý của...