Doanh nghiệp xa trường, cử nhân thất nghiệp
Để rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường – doanh nghiệp, hạn chế thất nghiệp và tránh phải đào tạo lại sau khi ra trường, nhiều ĐH, CĐ tuyển sinh theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Theo bản tin việc làm mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cả nước có gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ các ngành Quản trị kinh doanh, Marketing, Tin học, Chứng khoán, Ngân hàng, Điện lực… đang thất nghiệp.
Một thống kê khác cho thấy cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường, có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh. Trong 10 cử nhân, 4 người thiếu kiến thức chuyên môn. Vì vậy, cứ 10 doanh nghiệp tuyển dụng, 6 doanh nghiệp không hài lòng về chất lượng đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học và sau đại học.
Chính sự liên kết lỏng lẻo giữa nhà trường với doanh nghiệp dẫn đến cung – cầu vênh nhau trong đào tạo và hậu quả là nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Nhằm hạn chế thực trạng này, một số trường đã chủ động tuyển sinh theo đặt hàng của đối tác.
Từ dạy nghề đến “đặt hàng” cử nhân
Trước đây, việc đặt hàng đào tạo nhân lực thường diễn ra giữa doanh nghiệp và các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Cũng có một số đại học nhận đào tạo theo hình thức này nhưng chỉ là khóa nghiệp vụ ngắn hạn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đặt hàng nhân lực là cử nhân, kỹ sư.
Trước kỳ tuyển sinh 2016, Đại học Hòa Bình (Hà Nội) công bố chương trình đào tạo 60 cử nhân ngành Tài chính – Ngân hàng theo đơn đặt hàng nhân lực của doanh nghiệp. Trường cam kết sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đạt chuẩn, sinh viên sẽ được làm việc tại ngân hàng. Sau thực tập 1 năm, sinh viên được cấp giấy chứng nhận kinh nghiệm làm việc.
Học viên trong giờ thực hành Công nghệ thông tin. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Chương trình đào tạo cử nhân theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp sẽ ở cấp độ nâng cao và chuyên sâu hơn, bao gồm năng lực tác nghiệp, phân tích và hoạch định, nghiên cứu chính sách về tài chính, ngân hàng. Khóa học chú trọng đào tạo các kỹ năng theo định hướng ứng dụng như Tin học theo chuẩn Quốc tế IC3, tiếng Anh giao tiếp Quốc tế (TOEIC 500), kỹ năng mềm…
Hiện nay, việc đào tạo theo đơn đặt hàng cũng nằm trong danh sách các hình thức đào tạo của một số trường như Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Thái Bình Dương, Đại học Tiền Giang…
Theo thống kê tại tỉnh Hà Tĩnh, trong những năm 2013, 2014, các trường Cao đẳng Nghề Việt – Đức, Cao đẳng Nghề Công nghệ, Trung cấp Nghề Hà Tĩnh, Trung cấp Nghề Kỹ nghệ… đã ký kết hợp đồng dạy nghề cho trên 1.000 lao động của hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đa số lao động đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp được tuyển dụng, bố trí việc làm và có thu nhập ổn định.
Vài năm gần đây, trường Cao đẳng nghề Kiên Giang cũng hợp tác với Công ty cổ phần Sài Gòn Phú Quốc thực hiện chương trình hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch cho huyện Phú Quốc với nội dung hợp tác đào tạo các lớp dài hạn trình độ Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và lớp bồi dưỡng ngắn hạn dưới 3 tháng mở tại Phú Quốc.
Trường cũng ký hợp tác với Công ty cổ phần Cơ Khí Kiên Giang để phát triển đào tạo các nghề thuộc nhóm nghề Cơ khí, đặc biệt là nghề Cắt gọt kim loại.
Video đang HOT
Đặt hàng để tránh đào tạo lại
Việc các doanh nghiệp luôn than phiền về chương trình đào tạo của các trường chưa hợp lý và thiếu thực tiễn là điều khá phổ biến. Tiêu chuẩn của doanh nghiệp đưa ra đa số trường đại học, cao đẳng không đáp ứng được. Vì nhu cầu nhân lực, các doanh nghiệp “bất đắc dĩ” tuyển người và bắt đầu… đào tạo lại.
Trong bài tham luận gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2015, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra vấn đề hầu hết doanh nghiệp đang đóng vai trò “săn bắt” hơn là “nuôi trồng” nguồn nhân lực trong tương lai.
Hình thức hợp tác phổ biến hiện nay là tuyển dụng trực tiếp từ trường đại học, một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên làm thêm, thực tập.
Theo ông Sơn, rào cản lớn nhất của hợp tác trường đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt thông tin từ cả hai phía. Bên cạnh đó, phần lớn hoạt động hợp tác đều xuất phát từ mối quan hệ cá nhân giữa cán bộ, giảng viên trong trường đại học với đại diện doanh nghiệp, làm giảm tính bền vững và chuyên nghiệp trong quản lý, tổ chức các hoạt động.
Chính vì vậy, “liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp” chính là giải pháp phát triển nguồn nhân lực chiến lược cho các doanh nghiệp hiện nay nói riêng và giải quyết bài toán liên quan đến “khoảng cách” giữa đào tạo và sử dụng nói chung hiện nay.
Hai bên chưa gặp nhau về lợi ích
Trong chương trình Đối thoại chính sách: “Lập kế hoạch đào tạo kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động”, diễn ra mới đây tại TP HCM, nhiều ý kiến quan ngại về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cụ thể là thiếu mặn mà trong quá trình đào tạo sinh viên; cách thức để hợp tác với doanh nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo hiệu quả.
Theo ông Sean Kenedy, Phó giám đốc Văn phòng Quan hệ Quốc tế, Cao đẳng Niagara, Canada, một chương trình đào tạo thành công phải có sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cũng như đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động một cách kịp thời.
Ông Sean khẳng định, những thông tin từ thị trường lao động là quan trọng nhất đối với việc xây dựng chương trình đào tạo nghề. Trong đó, dữ liệu đáng tin cậy là thông qua việc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp để đánh giá độ tương thích chương trình đào tạo với nhu cầu thực tiễn và khả năng đáp ứng của sinh viên.
Còn ông Brent Howell, Trưởng khoa Công nghệ Kỹ thuật và Tài nguyên thiên nhiên, Cao đẳng Bắc Đại Tây Dương, Canada, nói, do lợi ích của đôi bên chưa gặp nhau nên khó lòng khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác.
Nhìn ở góc độ hợp tác đào tạo theo nhu cầu thực tế, cũng như việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, từ thực tế trên mà nhiều người cho rằng: Tại doanh nghiệp, tại trường, sinh viên thất nghiệp.
Theo Zing
Chọn ngành học qua số liệu... thất nghiệp
Tham khảo số liệu mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với 225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, thí sinh nên cân nhắc kỹ để tránh những ngành học đang thừa nhân lực.
Báo cáo mới nhất của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 24/12/2015 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp chung đã giảm nhưng số lượng người có trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng cao: 225.500 người.
Dư thừa nhân lực "ngành hot"
Nếu như trước đây, Kế toán - Kiểm toán hút nhân lực với thu nhập cao, thì hiện nay, đây là một trong ngành dư thừa lao động. Kết quả khảo sát tình hình cung - cầu lao động trên địa bàn Hà Nội quý ba năm 2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, nhóm ngành này đang có chênh lệch nguồn cung gấp 11,8 lần so với nhu cầu của xã hội.
Biểu đồ thống kê quý ba năm 2015 cho thấy số lao động trình độ đại học thất nghiệp nhiều hơn hẳn các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hiện nay, tính riêng khu vực Hà Nội, gần 30 trường đại học đào tạo ngành Kế toán - Kiểm toán. Dù các thống kê vài năm gần đây cho thấy ngành này đang dư thừa nhân lực, các trường vẫn tuyển với chỉ tiêu ở mức cao.
Năm 2015, Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh ngành Kế toán với 480 chỉ tiêu, lớn thứ ba trong số 24 ngành đào tạo đại học của trường.
Đại học Công Đoàn tuyển 350 chỉ tiêu ngành Kế toán, trong khi những ngành khác như Công tác xã hội, Xã hội học, Bảo hộ lao động chỉ tuyển 150 chỉ tiêu.
Năm 2016, ngành Kế toán tiếp tục được mở thêm ở một số trường trên cả nước như Đại học Công nghiệp TP HCM, Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu...
Theo thống kê quý hai của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhu cầu tìm việc làm ngành Kế toán - Kiểm toán cao nhất cả nước với 25,44%. Đến quý ba, nhóm nghề có người đăng ký tìm việc nhiều nhất vẫn là Kế toán tài chính (22,1%), xếp sau là Quản trị nhân sự (12,8%), Quản trị kinh doanh (7,6%).
Bên cạnh Kế toán - Kiểm toán, ngành Tài chính - Ngân hàng cũng ghi nhận số cử nhân thất nghiệp gia tăng.
Thống kê quý hai năm 2015, các ngành - nghề mà người lao động khó tìm được việc làm nhất là: Nhân viên ngân hàng, Nhân viên hành chính - Văn phòng, Kế toán và một số ngành kỹ thuật như Hóa dầu, Sinh học, Hóa chất.
Trong khi đó, kỳ thi năm ngoái, ngành Tài chính - Ngân hàng vẫn được tuyển sinh ở nhiều trường với số chỉ tiêu lớn. Ví dụ, Đại học Đại Nam tuyển 250 chỉ tiêu, Đại học Sài Gòn tuyển 350, Đại học Tôn Đức Thắng 180... Lượng chỉ tiêu ngành này luôn vượt trội so với những ngành còn lại.
Đến tháng 10 và 11/2015, Tài chính trở thành nhóm nghề có nhiều người tìm việc nhất cả nước (21,9%), tiếp đến là Quản trị nhân sự (11,1%), Kế toán (10,5%)...
Những ngành nghề dễ xin việc làm
Trong khi cử nhân đại học thất nghiệp nhiều thì tình trạng thiếu lao động vẫn xảy ra ở một số nghề như nhân viên kinh doanh, nhân viên chăm sóc khách hàng, giám sát bán hàng tại siêu thị (27,8%); tiếp đến là nhân viên tư vấn tín dụng, đầu tư tài chính (14,6%); kỹ sư cơ khí, bảo trì, thợ hàn, vận hành dây truyền (11,2%); lao động quản lý chất lượng, thủ kho, nhân viên kỹ thuật (8%).
Trong tháng 10 và 11/2015 có 7.257 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với tổng số cần tuyển 58.591 người. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng của nhóm công ty trách nhiệm hữu hạn vẫn chiếm tỷ trọng cao (40,83%).
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM, Công nghệ thông tin đang là ngành đòi hỏi nhu cầu nhân lực lớn. Năm 2015, trường tuyển sinh ngành này với 300 chỉ tiêu, các chuyên ngành gồm Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Quản trị mạng. Trường dự kiến mở thêm chuyên ngành An ninh mạng để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này.
Nhóm ngành Công nghệ và Kỹ thuật dự kiến cũng có nhu cầu nhân lực cao trong những năm tới. Sự kết hợp giữa nhóm ngành trên dẫn đến sự xuất hiện các ngành: Kỹ thuật thương mại, Quản trị viên của các ngành kỹ thuật.
Những ngành này đòi hỏi tính ứng dụng cao, do đó ngoài mặt lý thuyết, học sinh cần rèn luyện khả năng thực hành, kỹ năng làm việc nhóm và quản lý thời gian hiệu quả.
Một ngành học khác dự kiến cũng có nhu cầu nhân lực cao trong vài năm tới là Tâm lý học. Theo tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT đang dự thảo đề án đưa cán bộ tâm lý học đường vào các trường phổ thông.
Theo đó, mỗi trường đều phải có cán bộ chăm sóc tâm lý cho học sinh. Đây là cơ sở để nhu cầu nhân lực ngành Tâm lý học tiếp tục tăng và đi sâu vào các chuyên ngành Tâm lý học tham vấn, Tâm lý học trị liệu.
Thí sinh có thể học ngành này tại các trường lớn như Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa tâm lý Đại Sư phạm Hà Nội, Đạị học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.
"Trống" định hướng nghề nghiệp
Trước đó, trao đổi với Zing.vn về vấn đề 225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, nước ta đang tồn tại phong trào hiếu học đến lạc hậu, học vì hư danh. Người người, nhà nhà đều muốn tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, ngành nào cũng được, chủ yếu để "oai". Nhiều trường dạy nghề, đảm bảo công việc sau tốt nghiệp nhưng ít người học.
Đồng tình ý kiến trên, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - nhận định, tâm lý chung của nhiều người là thích học đại học và học lên cao, không cần biết có cơ hội xin việc làm hay không. Trong khi đó, nhu cầu của người học lại mâu thuẫn với việc chất lượng đào tạo giáo dục đại học.
Tất cả những nguyên nhân trên xuất phát từ việc "trống" hướng nghiệp trong nhà trường. Điều này dẫn đến tâm lý, học sinh không hiểu được sở thích bản thân, nhu cầu xã hội, cứ nghĩ theo đại học mới thành tài.
Trong khi đó, "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", một người đầu bếp giỏi cũng có thể đi khắp thế giới và thành đạt. Công việc phải đáp đứng được kinh tế và nhu cầu của gia đình, xã hội. Vì vậy, định hướng nghề nghiệp phải được thực hiện từ bậc THCS.
Theo Zing
Vì đâu cả nước thừa hàng vạn giáo viên? Hiện cả nước đang có tới 3,5 vạn giáo viên dư thừa ở các cấp học. Đào tạo tràn lan là nguyên nhân khiến có hàng chục nghìn giáo viên dư thừa, không tìm được việc dạy học. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện đang thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT. Thừa giáo viên là tình trạng...