Doanh nghiệp trong trường đại học: ‘Sân chơi’ cho các nhà khoa học
Việc hình thành doanh nghiệp trong các trường đại học sẽ rút ngắn khoảng cách nghiên cứu của các nhà khoa học với các sản phẩm khoa học công nghệ. Chính những doanh nghiệp này sẽ thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ. Tuy nhiên, để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cần có cơ chế, chính sách cụ thể.
Để thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ cần phải có doanh nghiệp. Ảnh: ST.
Thúc đẩy nghiên cứu khoa học
Năm 2008 trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã công bố thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings). Đây là mô hình doanh nghiệp lần đầu tiên được phép thành lập tại một trường đại học ở Việt Nam. Doanh nghiệp hoạt động theo hình thức huy động và quản lý vốn phục vụ cho quá trình ươm tạo và thương mại hoá các sản phẩm khoa học công nghệ từ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; cung cấp các dịch vụ đào tạo thích nghi kỹ năng nghề và cập nhật kiến thức theo yêu cầu xã hội…
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc BK-Holdings, doanh nghiệp đã tạo ra “sân chơi” cho các giảng viên trong trường khi đưa những nghiên cứu khoa học trở thành sản phẩm khoa học công nghệ, từ đó, gián tiếp tạo ra việc làm cho sinh viên. “Các trường đại học có hệ thống doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học thành các sản phẩm khoa học. Bởi những nhà nghiên cứu khoa học sẽ không thể thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ mà phải có một doanh nghiệp trung gian thực hiện việc này”, ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, hiện Nhà nước đang “bơm” nguồn lực ở giai đoạn nghiên cứu của các nhà khoa học, còn giai đoạn hoàn thiện sản phẩm khoa học để thương mại hóa thì chưa có nguồn lực. “Việc hình thành doanh nghiệp trong trường học để kéo những nghiên cứu của nhà khoa học gần với sản phẩm khoa học công nghệ nhưng hiện doanh nghiệp lại đang thiếu nguồn lực, thiếu cơ chế hoạt động để thực hiện việc này. Khi thành lập doanh nghiệp, lãnh đạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã nhận ra những khó khăn, nhưng lại không có cơ chế “rót” vốn để doanh nghiệp phát triển. Do đó, doanh nghiệp trong các trường đại học cần có luật để cho phép huy động nguồn lực từ trường, nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Dũng nhấn mạnh.
Nhiều năm nay, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã hình thành một cơ sở sản xuất gần 600 lao động. Với xưởng sản xuất như vậy, nhà trường có đủ điều kiện để hình thành doanh nghiệp, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp được hình thành trong trường này. Ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho biết: “Do trong Luật Giáo đại học chưa quy định các trường đại học được phép thành lập doanh nghiệp nên nhà trường muốn lập doanh nghiệp phải xin cơ chế hoạt động đặc thù của Thủ tướng Chính phủ và số vốn không được quá 500 triệu đồng. Trong khi đó, nhà máy của trường phải có số vốn 30 tỷ đồng mới có thể hoạt động được”.
Video đang HOT
Theo ông Hiệp, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học cho phép các trường thành lập doanh nghiệp là phương án mở cho các trường. Khi quy định này đi vào thực tiễn, nhà trường sẽ thành lập doanh nghiệp. Việc thành lập doanh nghiệp trong nhà trường có thể xuất nhập khẩu hàng hóa, các sản phẩm khoa học có thể ký hợp đồng với doanh nghiệp bên ngoài thông qua doanh nghiệp của trường.
“Không nên biến thành trào lưu”
Nét mới trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học là trong trường có thể thành lập doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc thể chế hoá tư tưởng trong Nghị quyết 19 nhằm có cơ chế chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các trường đại học, hướng tới thực hiện hoạt động ứng dụng triển khai thương mại hoá các kết quả nghiên cứu và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
“Mục đích của việc thành lập doanh nghiệp đều giới hạn trong thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học là chính chứ không phải kinh doanh. Điều này thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đào tạo nghiên cứu trong trường gắn với nhu cầu thị trường. Nếu để các nhà khoa học tự thương mại hoá kết quả của mình thì hiệu quả sẽ không cao, bởi nhà khoa học không có kiến thức về kinh doanh và khó khăn trong thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu. Vì vậy, doanh nghiệp trong các trường đại học cần có cơ chế hoạt động để giúp đỡ các nhà khoa học”, bà Phụng cho hay.
Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của doanh nghiệp trong trường học phải được cụ thể hóa bằng những văn bản dưới luật. Trong quá trình hoạt động Công ty BK-Holdings đã gặp nhiều vướng mắc ở Luật Doanh nghiệp, Luật Giáo dục đại học… “Thực tế là luật đã đi sau thực tiễn của cuộc sống và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thấy được những vướng mắc của các trường nên đã tiến tới sửa, bổ sung một số điều trong Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, các nghị định, thông tư hướng dẫn dưới luật cũng cần phải làm rõ ràng, để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trong trường đại học. Nếu Luật Giáo dục đại học sửa đổi không được đưa vào thực tiễn thì các trường đại học sẽ không mặn mà việc hình thành doanh nghiệp”, ông Dũng khẳng định.
Từ những kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp trong trường đại học, ông Dũng cũng đưa ra cảnh báo, không nên biến việc mở doanh nghiệp trong trường đại học thành trào lưu mà nên dành cho những trường đại học tốp đầu có đủ nguồn lực để phát triển. “Theo tôi đánh giá, hiện chỉ có vài trường đại học ở Việt Nam có khả năng hình thành doanh nghiệp. Chỉ có những trường đại học có điều kiện nhất định, hội tụ được các yếu tố như nguồn lực, vốn, con người mới có thể hình thành doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Theo Baohaiquan.vn
Stress vì học hành, du học sinh từng nghĩ tới cái chết
Trượt kỳ thi điều kiện, chàng trai từng được 5 đại học tốp đầu thế giới trao học bổng tiến sĩ, thấy cuộc đời ảm đạm và định tự tử.
Nhiều du học sinh phải điều trị chứng trầm cảm. Ảnh minh họa.
Suy nghĩ tự tử của Chung - một nghiên cứu sinh thuộc trường đại học tốp đầu thế giới về công nghệ kỹ thuật - có từ mùa hè năm 2016. Khi ấy, em mới sang Thụy Điển thực hiện nghiên cứu nhưng hướng khai thác bị đi vào ngõ cụt, đồng nghiệp chê cười. Kỳ thi điều kiện năm đó, nghiên cứu sinh người Việt Nam bị trượt và có nguy cơ bị đuổi nếu thi lại hai lần không đỗ.
Đó là sự kiện tồi tệ nhất trong 6 năm du học đại học và tiến sĩ ở trời Tây của chàng trai Hà Nội. Học đại học Chung là sinh viên xuất sắc, được 5 trường tốp đầu thế giới trao học bổng tiến sĩ.
"Học trường tốp, sinh viên luôn có cảm giác lo sợ mình không xứng đáng với bạn bè. Lúc trượt kỳ thi điều kiện, nỗi sợ đó trong em càng lớn. Mỗi sáng thức dậy, em thấy cuộc đời ảm đạm, nghĩ lỡ mình có chết cũng không vấn đề gì lắm. Em muốn trốn tránh gánh nặng từ cái danh sinh viên trường tốp, từ kỳ vọng của bản thân, gia đình và thoát khỏi nỗi lo bị đuổi khỏi trường", Chung kể.
Suốt 3 tháng, chàng trai sinh năm 1992 tránh tiếp xúc với mọi người, giấu kín chuyện thi trượt. Em lao vào học ngày đêm, không thiết ăn, ngủ, trong đầu chỉ có mục tiêu đỗ kỳ thi lại. Cùng với sự giúp đỡ của cố vấn tâm lý, Chung sau đó thoát khỏi trạng thái khủng hoảng và vượt qua kỳ thi.
Thời gian ngắn trước đó, bạn gái của Chung cũng mắc chứng rối loạn kiểm soát cảm xúc do quá áp lực với việc học tập, nghiên cứu. Cô thường tự làm hại bản thân, có lần đã tự tử nhưng được ngăn chặn kịp thời.
Vi Anh, du học sinh tại một trường đại học kỹ thuật ở Nga, đã bị đưa vào trại tâm thần để chữa chứng trầm cảm. Em gặp khó khăn về ngôn ngữ và bị ám ảnh bởi người giảng viên hà khắc có tiếng trong trường.
"Thầy giáo ấy luôn cau có, mắng nhiếc và làm khó sinh viên. Điều tệ hại là em không thể hiểu thầy đang mắng gì để thay đổi. Môn học của giảng viên ấy, em bị điểm 3 là mức thấp nhất trong thang điểm của Nga. Khi được bạn bè hỏi kết quả thi, em đã khóc, cảm thấy thất vọng", cựu sinh viên nhớ lại.
Vi Anh bắt đầu rơi vào trạng thái khủng hoảng khi kỳ tiếp theo lại học giảng viên khó tính. Mỗi lần cầm tài liệu môn học, em thấy lo sợ, bứt rứt nên không thể nhớ được gì, dù môn khác vẫn học tốt. Em kém ăn, mất ngủ, luôn sợ hãi sẽ bị đuổi học và phải đền bù hàng tỷ đồng cho nhà nước vì không thể trả bài cho giảng viên. Cô gái sinh năm 1991 bị ảo giác, có ý định tự tử.
"Em luôn cảm thấy có người theo dõi mình nên hay đánh loạn xạ không khí để xua đuổi. Đôi khi em tát mạnh liên tục vào mặt hoặc đứng trước gương trợn mắt, lè lưỡi tự hù dọa bản thân. Có lần em tự bóp cổ mình để tự sát", Vi Anh .
Hết năm học thứ nhất, Vi Anh về Việt Nam chữa bệnh khi bác sĩ kết luận em trầm cảm nặng. Chữa chưa hết liệu trình nhưng thấy tinh thần khá lên, đặc biệt không muốn bố mẹ lo lắng và bị đàm tiếu là du học sinh kém cỏi, Vi Anh quay lại Nga học tiếp. Đối mặt với thầy giáo khó tính, em lại bị khủng hoảng, phải vào trại tâm thần, sau đó được bảo lưu kết quả để trở về Hà Nội.
"Mọi người nói du học là con đường màu vàng, đầy niềm vui, sự hứa hẹn lớn cho tương lai, nhưng đối với người sống hướng nội, khép mình như em, đó là những ngày thật khủng khiếp. Cái mác du học sinh áp lực đến nỗi chỉ có thể đi mà không có đường về do mọi người cười chê", cựu du học sinh nói.
Giữa năm 2017, Vi Anh tốt nghiệp được đại học tại Nga sau khi nhà trường đổi giảng viên dạy môn em không thể qua.
Theo thống kê tại Mỹ năm 2012 có hơn 7% sinh viên và nghiên cứu sinh có ý định tự tử; 2,3% đã lên kế hoạch cho cái chết và khoảng 1% tự tử không thành.
Số du học sinh điều trị trầm cảm ở Trung tâm Tư vấn tâm lý giáo dục của TS.BS Lã Thị Bưởi (chuyên khoa II tâm thần học) cũng rất cao, trong 2-3 năm qua có khoảng 100 em. Không ít trường hợp từng nghĩ về cái chết.
Theo VNE
Nhà giáo Tây Nam bộ góp ý Dự thảo Luật Giáo dục Để lắng nghe ý kiến trực tiếp góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và nhà giáo, sáng 14/12, tại TP Cần Thơ, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Quang cảnh hội thảo Quang cảnh hội thảo Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ...