Doanh nghiệp trần tình vụ tiền chênh bán nhà ở xã hội
Hàng loạt dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội mới đây được rao bán qua các sàn giao dịch, nhận tiền cọc mua nhà, thậm chí cả tiền chênh căn hộ. Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp chủ đầu tư bị tố đều phủ nhận sự liên quan đến câu chuyện này.
Dự án Ecohome 2 (quận Bắc Từ Liêm) nằm trong số những dự án dính nghi vấn bán nhà ở xã hội qua sàn. Ảnh: Nguyên Minh
Để đảm bảo nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị lớn, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, lãi suất vay vốn… để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Ngược lại, việc bán nhà ở xã hội của doanh nghiệp sẽ bị khống chế về giá, bán cho các đối tượng cần nhà có hồ sơ đăng ký đã được cơ quan chức năng thẩm định, không được bán qua sàn như nhà ở thương mại.
Thế nhưng, thời gian qua, hàng loạt dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội bị rao bán trên mạng, qua các sàn, nhận tiền cọc, thậm chí xuất hiện tiền chênh. Đơn cử như Dự án Ecohome 2 (Bắc Từ Liêm) do CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ đô làm chủ đầu tư; Dự án The Vesta (quận Hà Đông) do CTCP Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư… Thậm chí, Dự án nhà ở xã hội Đại Kim (quận Hoàng Mai) do CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển nhà số 5 Hà Nội (Handico 5) làm chủ đầu tư, nhiều căn hộ còn bị rao bán trên mạng với tiền chênh từ 50 – 70 triệu đồng/căn hộ.
Việc khách hàng phải đặt cọc, hay mất tiền chênh khi mua nhà ở xã hội đã khiến dư luận bức xúc vì cho rằng, các doanh nghiệp chủ đầu tư đã lợi dụng chính sách phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ để “trục lợi”. Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư các dự án có liên quan đến các hiện tượng tiêu cực trên đều phủ nhận có liên quan đến vụ việc.
Cụ thể, tại Dự án nhà ở xã hội The Vesta (quận Hà Đông), mới đây được một đơn vị quảng cáo nhận tiền đặt cọc mua căn hộ. Tuy nhiên, ông Vũ Kim Giang, đại diện bán hàng của CTCP Đầu tư Hải Phát khẳng định, bộ phận maketing và Sàn giao dịch Hải Phát không hề nhận tiền cọc mua nhà xã hội của khách hàng, bởi việc đó là trái luật.
Video đang HOT
Theo ông Giang, ngay sau khi nhận được tin nhà xã hội Dự án The Vesta được quảng cáo nhận tiền đặt cọc mua nhà, chủ đầu tư đã tiến hành xác minh và phát hiện, đây chỉ là chiêu thu gom khách mua nhà của một đơn vị môi giới mới thành lập. Vì thế, doanh nghiệp đã có văn bản khuyến cáo rộng rãi, nên hiện tượng trên đã không còn.
Tương tự, tại Dự án Ecohome 2 (quận Bắc Từ Liêm) cũng bị quảng cáo bán và công khai nhận tiền cọc. Song trao đổi với Đầu tư Bất động sản, phía đại diện CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô, chủ đầu tư dự án cho biết, việc rao bán, nhận tiền cọc có thể xảy ra ở phần căn hộ thương mại, còn căn hộ diện nhà ở xã hội, doanh nghiệp này bán theo đúng Nghị định 188 của Chính phủ và Thông tư 08 của Bộ Xây dựng, không bán bất cứ căn hộ nào qua sàn, cũng như nhận đặt cọc mua nhà từ phía khách hàng.
Sau khi sự việc tại Dự án The Vesta và Ecohome 2 vừa lắng xuống, một dự án nhà ở xã hội khác tại Đại Kim, quận Hoàng Mai của Handico 5 tiếp tục bị môi giới rao bán với tiền chênh 50 – 70 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, cũng giống 2 chủ đầu tư trên, Handico 5, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Đại Kim cũng phủ nhận có liên quan đến việc bán chênh căn hộ nhà ở xã hội tại dự án này.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Trần Văn Can, Chủ tịch HĐQT Handico 5 khẳng định, Dự án nhà ở xã hội Đại Kim, doanh nghiệp này đã triển khai đến tầng 3, nhưng chưa bán, chưa thu tiền căn nào.
Cũng theo ông Can, hành vi môi giới rao bán căn hộ nhà xã hội Đại Kim được chủ đầu tư ghi nhận từ 4 – 5 tháng nay, khi nhiều nhà môi giới đến tận chân công trình chèo kéo khách hàng. Phía chủ đầu tư sau đó đã mời công an vào cuộc để giải tán đội ngũ môi giới này, nhưng vẫn không hết và việc rao bán ăn chênh vẫn tiếp diễn.
Ông Can cho biết, hiện Handico 5 vẫn chưa có danh sách khách hàng nộp cho Sở Xây dựng, vì hạn nhận hồ sơ mua nhà đến ngày 17/9 và dự kiến sẽ bốc thăm vào ngày 20/9. Việc khách hàng phải mất tiền chênh mua căn hộ nhà xã hội Đại Kim, vì thế sẽ rất rủi ro.
Để không bị các “cò” trục lợi, lừa đảo, ông Can khuyến cáo khách hàng, muốn mua nhà tại Dự án nhà xã hội Đại Kim, nhất thiết không được nộp tiền qua cò, mà phải liên hệ nộp hồ sơ trực tiếp cho chủ đầu tư để được bốc thăm mua nhà hợp lệ.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Nhà ở có quy mô vừa và nhỏ: Không phải cứ rẻ là có người mua
Thời gian qua, sự chiếm lĩnh thị trường BĐS bởi một loạt dự án nhà ở giá dưới một tỷ đồng với quy mô vừa và nhỏ đã và đang tạo một làn sóng mạnh mẽ về phân khúc nhà ở giá rẻ hướng tới người có nhu cầu ở thực. Đây được cho là loại hình nhà ở thực sự tạo được sức hút và được thị trường hào hứng đón nhận, sẽ trở thành sản phẩm chiến lược của nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS...
Phát triển theo nhu cầu số đông
Một số chuyên gia BĐS cho rằng, thị trường BĐS hiện nay đang hình thành hai phân khúc khác biệt là chung cư cao cấp và nhà giá rẻ. Điều này được thể hiện rõ khi nhiều căn hộ cao cấp, tiện nghi vẫn ế ẩm do vượt khả năng chi trả của đại đa số người dân thì sản phẩm giá rẻ, quy mô vừa và nhỏ, phục vụ số đông người có nhu cầu thực về nhà ở lại đang chinh phục thị trường,
Ví dụ như trước đây, từng có một dự án chung cư chào bán căn hộ giá 10 triệu đ/m2 gây sốt cho thị trường nhà đất khiến người mua rất hào hứng, nhưng chủ đầu tư bị nhiều DN khác "săm soi" và cho rằng đang cố tình bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, về sau này, những lợi ích mà chủ đầu tư có được từ những dự án giá rẻ đã khiến nhiều DN quyết định chuyển sang đầu tư nhà giá rẻ, nhà ở xã hội, tạo nên sự cạnh tranh đa dạng cho loại hình nhà ở trên.
Theo nhận định của những DN này, làn sóng giảm giá đã lan mạnh và việc hạ giá các dự án BĐS xuống mức thấp hơn được coi như một quy luật tất yếu của thị trường. Trong đó, việc phát triển đa dạng các loại hàng hóa BĐS, nhất là phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu của số đông sẽ đảm bảo cho nguồn cung BĐS tiếp tục tăng dần đều...
Có thể thấy, một số dự án nhà ở giá rẻ tại Hà Nội kể cả nhà ở xã hội và thương mại với các căn hộ giá bán trên dưới một tỷ đồng, diện tích dao động khoảng 45-70m2 đã và đang tạo được sức nóng thị trường bởi sức mua của người dân không ngừng tăng cao, thể hiện qua những lần mở bán và giao dịch thành công gần như 100%... Đơn cử như dự án nhà ở xã hội thuộc KĐT Đặng Xá (Gia Lâm), với lợi thế xung quanh có nhiều cơ quan hành chính, trường đại học lớn, các khu công nghiệp nên khi dự án mở bán, các căn hộ được bán khá nhanh, số hồ sơ đăng ký luôn vượt quá số lượng căn hộ, phục vụ nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn cho khu vực này. Hay như dự án nhà thương mại giá rẻ Kim Văn - Kim Lũ, Đại Thanh... cũng đã mang lại chỗ ở ổn định cho hàng trăm gia đình có nhu cầu về nhà ở...
Không phải cứ rẻ là có người mua
Bên cạnh những phân khúc nhà ở bình dân hâm nóng thị trường BĐS thời gian qua, một số ý kiến cho rằng, nhìn chung giá nhà vẫn cao, vượt khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Chưa kể, nhiều dự án giá rẻ không thu hút được người mua bởi những hạn chế như vị trí không thuận lợi (nằm ở ngoại thành, xa trung tâm), hạ tầng chưa đầy đủ, nhu cầu nhà ở xã hội khu vực đó không cao... khiến người mua phải cân nhắc.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh mà căn hộ cao cấp giao dịch chậm, chỉ phục vụ cho một bộ phận người dân có khả năng tài chính lớn, thì nhà giá rẻ nếu như không thuận tiện về vị trí, hạ tầng kém... thì cũng khó giao dịch chẳng khác nào nhà ở giá cao do không phù hợp nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra, cũng phải kể đến loại nhà ở nữa là nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Tại một số dự án, việc chuyển đổi cũng chưa được điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu thị trường nên dẫn tới việc không có nhiều dự án thực sự được triển khai. Những dự án này đều nằm ở khu vực xa trung tâm như Quốc Oai nên rất khó thuyết phục được người mua dù nhà có giá thấp với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn. Vì vậy, việc chuyển đổi nhà thương mại sang nhà xã hội, việc phát triển nhà ở xã hội cũng cần căn cứ nhu cầu thị trường, không nên chuyển đổi ồ ạt, chạy theo số lượng.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nhu cầu nhà ở xã hội, nhà giá rẻ tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM... rất lớn, cho nên bên cạnh việc kêu gọi DN đầu tư, các địa phương cũng cần khảo sát kỹ khả năng dự án có người mua không, vị trí đã thuận tiện, hợp lý chưa, vì không phải cứ rẻ là có người mua. Bên cạnh đó, cần có chính sách kịp thời để khắc phục bất cập về giá cả, lệch pha cung cầu, tâm lý đám đông..., tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS...
Theo Báo Xây dựng
Thanh toán 4-6 triệu/tháng, sở hữu căn hộ Tân Bình Apartment Trong khi Tân Bình được xem là khu vực có giá BĐS thuộc vào "top đắt" của TP.HCM, thì người có thu nhập trung bình lại hoàn toàn có thể sở hữu căn hộ chất lượng cao Tân Bình Apartment tại đây với nội thất hoàn thiện, có hồ bơi, cửa hàng tiện ích, camera quan sát... "Cơn khát' căn hộ tầm trung...