Doanh nghiệp: ‘Thế hệ i’ tận dụng hay nô lệ công nghệ?
Theo nhiều doanh nghiệp, việc tiếp cận thông tin (information) gần như vô hạn của sinh viên “ thế hệ i” đòi hỏi sự chuyển biến thành hành động để phát triển bản thân.
Ông Giang Ngọc Phương, phó tổng giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước – HIPC, cho rằng so với lớp sinh viên 10 năm trước, sinh viên “thế hệ i” có nhiều thuận lợi hơn, tiếp cận công nghệ và đặc biệt là Internet.
Nếu biết sử dụng tốt các thiết bị công nghệ sinh viên sẽ thành công. Trong ảnh, sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật thực hành trên các thiết bị hiện đại trong phòng thí nghiệm điện của trường.
Hai nhóm “sinh viên i”
Theo ông Giang Ngọc Phương, hiện xã hội có hai nhóm sinh viên: một nhóm bứt lên không ngừng đòi hỏi giảng viên bổ sung phương pháp, thông tin để các bạn tiếp cận và làm chủ lấy nó; trong khi nhóm còn lại thì thụ động, chỉ lắng nghe, tiếp thu những gì giảng viên truyền đạt và không hề tìm hiểu thêm gì cả.
Ông Phương cho rằng, các doanh nghiệp đều rất cần đội ngũ nhân viên năng động, ham học hỏi, không ngại khó, mạnh dạn đề xuất giải pháp để cùng phát triển với doanh nghiệp. Nhiều nhân viên trẻ khi tham gia các buổi thảo luận cho một dự án đã than khó, ngại nhận việc và chính các bạn đã bỏ lỡ cơ hội phát triển bản thân.
“Gặp khó, nhiều việc mà các bạn biết sắp xếp, biết phối hợp đồng đội, biết đề xuất thì sự thành công của dự án sẽ tạo cho các bạn sự tự tin, sự thăng hoa” – ông Phương nói.
Ông Huỳnh Đào Hoàng Nam, trợ lý phó giám đốc kinh doanh Công ty Mitsubishi Heavy industries, Nhật Bản, cũng cho rằng, công nghệ đã định hình hai nhóm sinh viên rõ nét: biết tận dụng công nghệ và bị phụ thuộc công nghệ.
Những sinh viên biết tận dụng công nghệ, các thiết bị công nghệ thông tin đã trở thành công cụ thiết thực giúp họ tiếp cận những nguồn thông tin mới, bắt kịp những khuynh hướng thay đổi chung để hoàn thiện kiến thức cũng như hoàn thiện bản thân.
Ngược lại, không ít sinh viên lạm dụng quá nhiều thiết bị công nghệ như một thú vui giải trí, không đúng mục đích sẽ làm mất nhiều thời gian và ngày càng phụ thuộc rất nhiều vào nó, kéo theo nhiều tác dụng tiêu cực.
“Môi trường làm việc tương đối tốt của Mitsubishi yêu cầu cao về điều kiện ứng viên trong lúc tuyển chọn. Nếu nói về phương diện “thế hệ i”, Mitsubishi Heavy industries đã và sẽ lựa chọn những sinh viên biết tận dụng công nghệ thông tin làm công cụ để hỗ trợ cho công việc, hiện tại những bạn trẻ được tuyển dụng này đang làm việc rất hiệu quả” – ông Nam cho biết.
Làm chủ hay nô lệ thời công nghệ?
Theo ông Vũ Tuấn Anh, sáng lập cổng thông tin tân sinh viên, mỗi năm hàng trăm sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH đã thành công trong những chương trình Management Trainee của các công ty nước ngoài. Các bạn trẻ sinh viên này đã tận dụng công nghệ và thành công trong “thế hệ i”.
Video đang HOT
“Tuy nhiên, các gương thành công này còn quá ít trong thế hệ sinh viên khi phần lớn bạn trẻ thay vì làm chủ công nghệ lại trở thành nô lệ công nghệ. Nô lệ công nghệ là khái niệm mới khi các bạn trẻ sử dụng các công cụ công nghệ quá mức tốn thời gian, tốn nguồn lực – tài chính khi mua công nghệ mà không áp dụng hay tạo ra giá trị nào cho chính bản thân họ trong công việc và cuộc sống” – ông Tuấn Anh nói.
Ông Tuấn Anh cho rằng “công nghệ i” cũng như các công nghệ trong quá khứ luôn tạo ra hai mẫu hình con người: làm chủ công nghệ để tạo giá trị cho bản thân và xã hội, nô lệ công nghệ là người sử dụng quá lạm dụng không tạo ra giá trị cho bản thân. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của các “công nghệ i”, thế hệ trẻ VN nếu không nhận thức và tận dụng cơ hội này sẽ mãi mãi và còn tiếp tục lún sâu vào sự lạc hậu về tri thức.
Cũng theo ông Tuấn Anh, mỗi cá nhân khi biến bất kỳ tri thức nào trong cuộc sống thành của mình cần phải qua vòng tròn 4H – Học – hiểu – hành và hoàn thiện. “Công nghệ i” nói chung có giá trị Nhanh – nhiều – ngay. Thông tin có thể nằm trong nhiều dạng video, hình ảnh, infographic, bài viết hoặc trên nhiều dạng thiết bị ví dụ máy tính, máy tính bảng, smartphone.
“Thông tin còn có giá trị “ngay” khi các thông tin phản biện, các bài viết truyền tải thời gian thực. Mỗi cá nhân có thể nhận ngay thông tin song song làm việc và sinh hoạt.
Các công nghệ “thời i” chỉ mang thông tin – tri thức tới cho cá nhân chứ không thể tự động biến vào trong cá nhân mà không có nỗ lực, thực hiện và thời gian để chín. Các bạn trẻ nhầm tưởng khi sở hữu thông tin nhưng chưa làm chủ thông tin” – ông Tuấn Anh nói.
Ông Lục Kim Quốc, giám đốc phụ trách bán hàng khu vực phía Nam Công ty TNHH ABB, chi nhánh TP HCM, cũng đánh giá “thế hệ i” là thế hệ năng động nhất, có nhiều sáng tạo và sẽ đóng góp tích cực cho xã hội.
“Đây là thế hệ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển tư duy, giáo dục thông qua sự bùng nổ của công nghệ (Internet, mạng xã hội…), tuy nhiên có một số ít còn bị lệch hướng so với sự phát triển chung của xã hội do họ nhận rất nhiều luồng thông tin chưa thật sự chắt lọc” – ông Quốc nói.
Cần định hướng từ gia đình, nhà trường, xã hội
Ông Quốc cho biết: “Tôi rất thích tuyển dụng “thế hệ i” này, họ có nhiều nhiệt huyết, năng động, trình độ ngoại ngữ tốt, có khả năng nắm bắt công việc rất nhanh theo yêu cầu của doanh nghiệp và rất tự tin khi trao đổi với người nước ngoài, điều các thế hệ trước còn hạn chế. Nếu chúng ta chịu khó đầu tư đào tạo cho họ, tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ thu lợi rất nhiều từ họ”.
Cần định hướng tốt cho “thế hệ i” từ gia đình, nhà trường và xã hội, tạo nhiều sân chơi bổ ích, tích cực để khuyến khích họ chịu khó tư duy và nói lên được hoài bão của mình.
Nếu chúng ta chịu khó quan tâm, tiếp xúc nhiều với họ và tạo cơ hội cho họ sáng tạo, phát huy khả năng thì chúng ta sẽ có rất nhiều tài năng trong “thế hệ i” này vì bản thân họ nắm bắt rất nhiều thông tin từ Internet, họ có rất nhiều bạn bè trên thế giới thông qua mạng xã hội (Yahoo, Facebook, Twitter…).
Ông Nam cũng cho rằng trách nhiệm cá nhân đối với tương lai là rất quan trọng. Song song đó là định hướng của nhà trường và gia đình, môi trường giáo dục sẽ là yếu tố đóng góp ít nhiều vào trong định hướng đối với nghề nghiệp, tác phong, định hướng tư duy, trách nhiệm đối với xã hội của các cá nhân.
Để trở thành người làm chủ công nghệ?
Ông Vũ Tuấn Anh cho rằng, các bạn trẻ cần chú ý ba vấn đề:
- Nền tảng – căn bản: thông tin nhiều – nhanh và ngay như bây giờ cần mỗi cá nhân có nền tảng tư duy căn bản tốt và đầy đủ để xử lý thông tin hiệu quả. Các nền tảng căn bản đó chính là những thái độ, kỹ năng, kiến thức và tư duy căn bản.
- Thực hành: thông tin chỉ là thông tin cho dù các bạn có lưu, có chép, có tồn trữ trong hàng trăm GB dung lượng. Nó chỉ trong túi các bạn chứ chưa phải trong đầu các bạn. Các bạn chỉ thành công khi chăm chỉ thực hành offline cùng thông tin từ online.
- Sáng tạo và đổi mới: từ những tri thức có được từ “công nghệ i” – nhanh – nhiều – ngay cùng với thực hành tích lũy lượng và chất theo thời gian, các bạn cần chú ý sáng tạo và đổi mới để tạo ra những giá trị cho chính bản thân mình.
Theo Trần Huỳnh/Tuổi Trẻ
Sinh viên thế hệ i sao đổ lỗi cho môi trường học?
Ngụy biện là cảm nhận đầu tiên của tôi với ý kiến của các sinh viên "chơi chủ yếu đổ lỗi cho môi trường".
Thế hệ i là thế hệ được sinh ra trong thời đại công nghệ bùng nổ, với vô số các thiết bị di động đa chức năng, tối ưu hóa và cá nhân hóa nhu cầu sử dụng. Và sử dụng những thiết bị này vào mục đích gì thì hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của sinh viên.
Vậy nên, việc dùng công nghệ để thỏa mãn nhu cầu giải trí cũng là do chính người dùng muốn. Bản thân những người chơi không có ý thức học tập, trau dồi, chứ không phải không có môi trường để học tập.
Việc học tập không nhất thiết phải bắt nguồn từ giáo viên, giảng viên, mà bắt nguồn từ chính nhu cầu cá nhân của người đó. Nếu họ muốn học, họ sẽ biết cách tận dụng tối đa công nghệ, mạng xã hội để tiếp thu kiến thức. Bởi ngày nay, các tư liệu lịch sử, sách vở từ phổ thông tới quí hiếm nhất cũng được số hóa rất nhiều. Chỉ cần một cú click là thế giới trong tầm tay.
Thậm chí, việc liên lạc với các giáo sư, tiến sĩ hay với một giảng viên mà thậm chí chưa gặp bao giờ hoặc cách xa nhau cả ngàn cây số để trao đổi, xin ý kiến về một vấn đề nào đó cũng không còn khó. Bởi rất nhiều giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ sử dụng mạng xã hội và thư điện tử như một phương tiện liêc lạc được kiểm tra hàng ngày.
Sinh viên sử dụng laptop trên giảng đường để ghi chép, làm bài tập... hiện rất phổ biến.
Không thể phủ nhận những thú vị từ việc giải trí bằng thiết bị số. Nhưng nếu đặt mục đích giải trí cao hơn mục đích học tập thì đó cũng là do ý thức và sự chọn lựa của sinh viên.
Ví như hiện nay, tại ĐH KHXHNV TP HCM, các ngành Khoa học xã hội không còn là những ngành bắt buộc phải nộp các bài luận hoặc các đề tài bằng cả sấp giấy.
Giảng viên luôn khuyến khích sinh viên làm mới cách trình bày như thuyết trình trên màn chiếu, làm phim, tổ chức một chiến dịch hay một chương trình giả định y như thật với tiêu chí đột phá, sáng tạo, dám thử nghiệm.
Bởi chính giảng viên cũng không muốn ngày qua tháng lại phải đọc hàng chồng tiểu luận, hàng chồng bài thi chi chít chữ nghĩa trên giấy mà không biết rằng sinh viên có hiểu vấn đề và biết áp dụng thực tế hay không. Việc dạy chay làm chính giảng viên còn ngán ngẩm nữa là sinh viên.
Thay bằng việc đổ lỗi cho môi trường, cho giáo dục khô khan, thiếu ứng dụng công nghệ, họ nên bắt tay vào thay đổi suy nghĩ, cách sống của bản thân. Không ai có quyền ép sinh viên phải dùng công nghệ cao để giải trí, lại càng không có ai cấm sinh viên dùng công nghệ để phát triển sự học.
Công nghệ, suy cho cùng cũng chỉ là công cụ để phục vụ cho mục đích, mong muốn tối cao của chính con người, chứ không phải là thứ chủ động đưa con người ta đến với học hành, lao động.
Nếu như không có ý chí, không có mục tiêu rõ ràng, thái độ tích cực thì họ sẽ vẫn mãi chỉ là những công dân của một thế hệ i nửa vời, yếu kém, chứ không phải một cá thể của một thế hệ i năng động, hiểu biết và vô cùng biến hóa để làm chủ công nghệ.
Quan trọng nhất vẫn là phải biết chủ động khai thác thế mạnh của công nghệ để làm đòn bẩy cho bản thân chứ không phải cam chịu hoàn cảnh.
Bật smart phone lướt web, tự sướng, có thiết bị khủng cũng mãi thế thôi
Không ít độc giả "dị ứng" với những sinh viên dựa vào công nghệ chỉ để thỏa mãn nhu cầu giải trí cá nhân.
Độc giả tên Nhan phản hồi: "Đừng ngụy biện! Nhóm sinh viên của mình có 4 người, 2 bạn giỏi nhất nhóm là sinh viên xuất sắc của trường không hề có smart phone, laptop; mọi công việc cần thiết chỉ xài ké bạn khác trong nhóm".
"Chính vì vậy nên hàng ngàn cử nhân tốt nghiệp xong đi bán trà đá hoặc về quê nuôi heo, vì có học hành được gì đâu mà đi làm", độc giả Bùi Bá bức xúc.
"Công nghệ ra đời đều là thành tựu tốt đẹp của con người. Đáng tiếc thay cho những sinh viên chỉ biết dùng công nghệ để chơi, để giải trí mà không biết tận dụng vào việc học, nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội làm việc hay giao lưu với những học giả", độc giả Mạnh Anh phân tích.
Độc giả Long Huỳnh thì gay gắt: "Xin đừng nguỵ biện. Thiết bị công nghệ chủ yếu để chơi vì trăm ngàn lý do nào gì đi nữa thì cũng không thể chấp nhận. Thời chúng tôi là sinh viên (thập niên 1980) làm gì có những thứ này, sách, giáo trình cũng còn chưa có đủ. Sau một tháng nhập học cái mà sinh viên nào cũng có là thẻ thư viện mà đến hàng chục thẻ ở nhiều thư viện khác nhau. Còn bây giờ với kho dữ liệu cực lớn trên internet, nếu các bạn muốn học, nghiên cứu vẫn rất tốt cơ mà. Chủ yếu là nhận thức của các sinh viên thôi".
Độc giả Nguyễn Hoàng cũng phân tích: "Câu phản hồi của mấy bạn này sặc mùi nguỵ biện. Nói thật chứ các bạn cứ để ý xem, những sinh viên "chịu học" họ như thế nào? Thời của tôi (cũng gần thôi, khoảng 5-6 năm trước) những sinh viên này đa phần toàn nói ít, làm nhiều, chịu nghiên cứu, tìm hiểu, đầu mùa nhận đồ án thì cũng ngơ ngác như ai nhưng cuối mùa bảo vệ luận văn thì như lột xác vậy, thông thái hơn, đĩnh đạc hơn rất nhiều.
Cũng theo độc giả Hoàng, quan trọng không phải thiết bị học mà quan trọng là thái độ về việc học của sinh viên.
"Ban ngày bỏ học, ban đêm chơi game, vào lớp thì bật smartphone lướt web, tự sướng, mùa thi thức đêm nhồi nhét, mượn vở copy, quay tài liệu... thì các bạn có "học" cả đời với thiết bị khủng cũng mãi thế thôi" - Nguyễn Hoàng bình luận.
Theo Tuấn Linh/Tuổi Trẻ