Doanh nghiệp khó khăn về vay vốn cứ điện cho tôi
Với gần 2 giờ đồng hồ trả lời trước Quốc hội (QH) vào sáng nay 13.11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã lần lượt đề cập đến nhiều vấn đề nóng như: khó tiếp cận vốn, nợ xấu ngân hàng, độc quyền thị trường vàng…
Trước những chất vấn của đại biểu quốc hội (ĐBQH) sáng 13.11 về việc doanh nghiệp (DN) còn khó tiếp cận vốn, Thống đốc khẳng định DN cứ đến gặp ông sẽ được giải quyết vay vốn.
“Yếu một tí cũng được vay”
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay DN phản ánh tình trạng khó vay vốn ngân hàng nhưng lại có nhiều tổng giám đốc ngân hàng gọi điện cho ông phàn nàn: “Giờ phải đốt đuốc đi tìm DN để cho vay”.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình – Ảnh: Ngọc Thắng
“Tôi làm ngân hàng 30 năm nay, cha mẹ tôi cũng làm ngân hàng. Trước đây có tình trạng dịp lễ tết, DN phải có quà gửi cho ngân hàng nhưng trong dịp tín dụng tăng trưởng nóng thì tình hình ngược lại”, ông Bình chia sẻ.
Người đứng đầu NHNN cho biết vừa qua, ngành ngân hàng đã dành ra 2.500 tỉ đồng để cơ cấu lại nợ cho DN. Thậm chí ở TP.HCM, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại xuống từng quận, từng huyện để tìm hiểu khó khăn cụ thể của DN, để từ đó cho vay.
Ông Bình nói: “Mô hình ở TP.HCM rất hiệu quả và sẽ được nhân rộng. Tôi khẳng định nếu có DN nào, thậm chí hơi yếu một tí cũng được, có nhu cầu vay vốn cứ gọi điện cho tôi. Tôi sẽ chỉ đạo ngân hàng cho vay”.
Video đang HOT
Nợ xấu tăng nhanh
Liên quan đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng, Thống đốc Bình cho biết nguyên nhân nợ xấu tăng nhanh đến từ nhiều lý do: chính sách điều hành chưa hợp lý, thanh tra, giám sát chưa nghiêm…
Ngày 30.6, tổng số nợ xấu khoảng 36.000 tỉ đồng nhưng tăng nhanh lên 252.000 tỉ đồng vào ngày 30.9. Con số nợ xấu này xấp xỉ khoảng 8% tổng số nợ của toàn ngành. Tuy nhiên, 80% tổng số nợ xấu đều có tài sản đảm bảo, chủ yếu rơi vào tài sản bất động sản.
“Trước tình hình đó, NHNN bắt buộc các ngân hàng thương mại phải trích lập quỹ dự phòng giải quyết nợ xấu. Ngân hàng nào không trích lập sẽ không được chia cổ tức”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, qua thanh tra một loạt ngân hàng mới đây có thể thấy nhiều ngân hàng vẫn còn yếu kém. Có ngân hàng báo cáo nợ xấu khoảng 3% nhưng thanh tra phát hiện nợ xấu lên đến vài chục %.
Thị trường vàng: “Liên thông thế giới sẽ có đầu cơ”
ĐB Dương Hoàng Hương đặt câu hỏi: “Thời gian qua, giá vàng trong nước chênh lệch với giá thế giới. Xin hỏi trách nhiệm của Thống đốc trong vấn đề này ở đâu?”.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay, trước đây, do giá vàng trong nước không ổn định nên mỗi năm có 10-30 tấn vàng buôn lậu qua biên giới. Điều này buộc Nhà nước phải bỏ tiền ra nhập khẩu vàng về bình ổn, từ đó ảnh hưởng đến tình hình tỷ giá, kinh tế vĩ mô trong nước.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) chất vấn – Ảnh: Ngọc Thắng
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trước khi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng được ban hành, thị trường vàng được bỏ ngỏ, không ai quản lý vàng miếng, mỗi bộ mỗi ngành quản lý một công đoạn.
Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 24 và trước đó là Nghị định 95, bước đầu việc quản lý đã đạt được kết quả. Từ tháng 4.2012 đến nay, hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới không còn, tỷ giá ngoại tệ hết sức ổn định. Giá vàng trong nước tuy có cao hơn giá thế giới 3 triệu đồng/lượng nhưng không ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô.
Trả lời câu hỏi tại sao không quản lý chất lượng vàng mà lại quản lý thương hiệu vàng – ở đây cụ thể là thương hiệu SJC – ông Bình cho hay, vàng mang nhãn mác SJC chiếm 90% tổng số vàng có thương hiệu nên sự quản lý này là hợp lý.
Ông Bình cho biết thêm trước đây chất lượng vàng không được quản lý, mỗi thương hiệu mỗi chất lượng nhưng thời gian tới chất lượng vàng sẽ được đảm bảo.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu ý kiến: “Trước đây, chi phí dập một miếng vàng chỉ có 7.000-8.000 đồng nhưng từ khi chuyển sang độc quyền thương hiệu SJC chi phí lên tới 50.000 đồng. Tại sao chi phí lại tăng và số tiền này được sử dụng như thế nào?”.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chưa có con số nào thống kê trước đây chi phí dập miếng vàng chỉ có 7.000-8.000 đồng cả. Thậm chí qua làm việc với SJC, công ty này cho rằng chi phí dập vàng của công ty này trước đây có khi còn cao hơn 50.000 đồng/miếng.
“Như thế, có thể nói chi phí 50.000 đồng là hợp lý”, ông Bình bày tỏ.
Về câu hỏi khi nào giá vàng bằng giá và liên thông với giá thế giới, ông Bình khẳng định: “Liên thông với thế giới sẽ có tình trạng đầu cơ vàng. Tại sao phải liên thông với thế giới khi chúng ta đang chống đầu cơ. Do đó không có việc giá vàng trong nước liên thông với giá thế giới”.
Câu trả lời này đã không làm thỏa mãn ý kiến chất vấn của ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) bởi theo ĐB này ý kiến “không liên thông với giá thế giới” của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đi ngược với nghị quyết của QH trong năm 2011 là đưa giá vàng bằng và liên thông với giá thế giới.
Thủy điện Sông Tranh 2 có an toàn?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng
Tiếp tục chất vấn Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũngsáng nay, nhiều ĐB băn khoăn, lo lắng về độ an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 và yêu cầu Bộ trưởng nói rõ là đập Sông Tranh 2 có an toàn không? Nếu an toàn thì có thể chứng minh với dân bằng cách mời cán bộ lên ở mấy tháng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tuyên bố: “Hiện nay, nếu nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 đến mực tràn (161 m cao trình) thì gần như tuyệt đối an toàn, bà con yên tâm, không phải đi đâu hết. Hiện đập an toàn là chắc chắn, chỉ còn những yếu tố đặc biệt như nếu có động đất trên 5,5 độ Richter thì phải nghiên cứu tiếp. Bà con ở lại là yên tâm”.
Tuy nhiên, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) băn khoăn: “Về thủy điện Sông Tranh 2, yên tâm hay không yên tâm có thể thấy trong chính câu trả lời của bộ trưởng. Với cách trả lời của bộ trưởng tôi thấy không yên tâm chút nào. Nếu có xảy ra sự cố thì ai là người chịu trách nhiệm đầu tiên? Xin bộ trưởng nêu rõ, cụ thể. Có phụ cấp “độc hại” cho bà con ở đây không vì phải sống trong lo sợ, không sinh hoạt, làm việc bình thường được?”.
Đặc biệt, ĐB Ngô Văn Minh đề nghị bộ trưởng trả lời câu hỏi: Nếu đập Sông Tranh 2 vỡ, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Tiếp lời tranh luận giữa bộ trưởng và ĐB, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chốt lại: “Như vậy, theo Bộ trưởng và Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã từng trả lời trước đó thì có thể nói đập thủy điện Sông Tranh 2 cho đến nay khá yên tâm khi không tích nước nên người dân cứ ở lại. Còn các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu vấn đề động đất ở đây”.
Theo TNO