Doanh nghiệp chuyển phát thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Khách hàng có thêm tuỳ chọn quét mã QR Code từ shipper để trả tiền hàng, nhằm tiết kiệm thời gian, thanh toán an toàn, và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
J&T Express, đối tác vận chuyển của các sàn thương mại điện tử và nhiều cửa hàng online, vừa tung ra dịch vụ thanh toán bằng QR Code. Khách khi nhận hàng từ shipper chỉ việc mở ứng dụng ngân hàng trên điện thoại, quét mã QR hiển thị trên thiết bị của shipper, là có thể thanh toán cho đơn hàng.
Người dùng quét mã QR trên điện thoại của shipper để thanh toán đơn hàng. (Ảnh: J&T)
Với mỗi đơn hàng khác nhau, hệ thống sẽ tạo ra một mã QR động (thay đổi theo thời gian) để bảo đảm an toàn. Việc thanh toán bằng QR Code ở mảng vận chuyển được kỳ vọng sẽ nhanh chóng thúc đẩy thanh toán không tiền mặt toàn diện trong thương mại điện tử. Hình thức này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả 3 bên: chủ shop online, khách hàng, shipper.
Tính ưu việt của QR code động nằm ở sự nhanh chóng, an toàn và tiện lợi. Bỏ qua các bước phức tạp như nhập số tiền, kiểm tra thông tin tài khoản người nhận, người dùng chỉ cần mở ứng dụng internet banking của ngân hàng đang sử dụng trên điện thoại di động, bật tính năng quét mã QR và thực hiện quét mã tương ứng trên thiết bị của shipper.
Kết quả sẽ hiện ra đơn hàng và số tiền cần thanh toán, người dùng chỉ việc xác nhận thực hiện giao dịch trên thiết bị của mình. Mọi khoản thanh toán qua mã QR động đều đã được tự động hóa chính xác. Những điều này giúp tối ưu thời gian, tránh nhầm lẫn trong việc nhập liệu và đảm bảo an toàn cho người mua hàng.
Video đang HOT
Thực tế cho thấy thanh toán qua mã QR (Quick response code – mã phản hồi nhanh) là một trong những hình thức thanh toán không tiền mặt được ưa chuộng nhất hiện nay. Cụ thể, người tiêu dùng có thể quét mã mua hàng (QR code) trên website, shopping tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích… mà không cần dùng tiền mặt hay thẻ. Bên cạnh đó, QR code được chia thành 2 loại: động và tĩnh, trong đó QR code động được đánh giá sở hữu nhiều tính năng ưu việt và thuận tiện hơn cho người tiêu dùng.
Các số liệu gần đây nhất cho thấy thanh toán không tiền mặt và QR Code đang được đón nhận rất mạnh mẽ từ người dùng.
Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng được VISA công bố đầu tháng 6/2022 cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã đón nhận hàng loạt các phương thức thanh toán kỹ thuật số và có sự thay đổi rõ rệt trong thói quen thanh toán.
Cụ thể, 65% người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% cho biết họ sẽ hạn chế, thậm chí ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch. Cùng với đó là sự tăng trưởng đáng kể của thanh toán không tiền mặt. Trong đó, gần 76% người tiêu dùng hiện tại sử dụng ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn (82%).
Theo số liệu của Payoo – hệ thống kết nối thanh toán phổ biến tại Việt Nam, trong 3 tháng cuối năm 2021, tổng mức chi tiêu mua sắm được ghi nhận qua nền tảng này tăng trưởng khá, trải đều ở các phương thức thanh toán khác nhau. Trong đó, thanh toán QR Code là một trong hai hình thức được người dùng ưa chuộng hơn cả. Cụ thể, trong 3 tháng cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng của giao dịch QR Code tăng hơn 30%/tháng.
Payoo nhận định thanh toán QR Code tăng trưởng do hai nguyên nhân: Các ngân hàng đẩy mạnh phát triển hệ thống mobile banking và tăng trưởng thanh toán quét QR của ví điện tử, một phần khác đến từ việc người dùng dần hạn chế các phương thức thanh toán có tiếp xúc trực tiếp để đảm bảo an toàn trong dịch bệnh.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 10/2021 có hơn 30 ngân hàng tại Việt Nam, 9 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua QR Code, toàn thị trường có khoảng 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code.
Cũng theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, trong 10 tháng của năm 2021, tăng trưởng về lượng giao dịch bằng QR Code chỉ đứng sau thanh toán di động, vượt hơn các hình thức thanh toán khác. Cụ thể, số lượng và giá trị giao dịch qua điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) tăng tương ứng hơn 14% và 12,6% so với cùng kỳ, qua kênh Internet tăng tương ứng 49% và 29%; qua kênh điện thoại di động tăng 72% và 85%; qua kênh QR Code tăng 54% và 120%… Nhìn số liệu có thể thấy giá trị các giao dịch qua QR Code đang tăng trưởng mạnh nhất.
Bộ GD&ĐT lùi lịch thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển đại học vì sự cố kết nối
Do sự cố kết nối của nền tảng thanh toán trực tuyến, Bộ GD&ĐT vừa thông báo lùi lịch thí sinh thực hiện thanh toán trực tuyến trên Hệ thống tuyển sinh 3 ngày so với kế hoạch ban đầu.
Theo kế hoạch tuyển sinh đại học năm nay, các thí sinh cần hoàn thành đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trước 17h ngày 20/8 và thực hiện nộp lệ phí đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến từ ngày 21/8 đến 17h ngày 28/8. Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục tổ chức thanh toán lệ phí xét tuyển bằng hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, trong thông báo phát ra sáng ngày 21/8, Bộ GĐ&ĐT cho biết lịch thí sinh thực hiện thanh toán trực tuyến trên Hệ thống tuyển sinh sẽ lùi 3 ngày so với kế hoạch ban đầu. Nguyên nhân là do sự cố kết nối của nền tảng thanh toán trực tuyến.
Cụ thể, lịch mở chức năng thanh toán theo các tỉnh, thành phố sau khi điều chỉnh vẫn gồm 3 đợt. Trong đó, từ ngày 24/8 đến 17h ngày 29/8 là thời gian nộp lệ phí đăng ký tuyển sinh của các thí sinh ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng.
Từ ngày 25/8 đến 17h ngày 30/8, hệ thống sẽ mở để phục vụ thí sinh ở các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum.
Từ ngày 26/8 đến 17h ngày 31/8 là thời gian nộp lệ phí đăng ký xét tuyển đại học năm 2022 dành cho các thí sinh thuộc các tỉnh, thành phố còn lại.
Đến thời điểm mở chức năng nộp lệ phí, hệ thống xét tuyển sẽ cho phép thí sinh được chọn 1 trong 15 kênh thanh toán khác nhau (Ảnh: P.Như)
Hướng dẫn trước đó của Bộ GD&ĐT nêu rõ, thí sinh chỉ nộp lệ phí trên đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022 (hệ thống đăng ký xét tuyển).
Đến thời điểm mở chức năng nộp lệ phí, hệ thống đăng ký xét tuyển tại địa chỉ thisinh.thithptquocgia.edu.vn sẽ cho phép thí sinh được chọn 1 trong 15 kênh thanh toán khác nhau (cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia) để đóng lệ phí xét tuyển. Các kênh thanh toán gồm có: Các kênh ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, SHB, VPBank; các tổ chức trung gian thanh toán như VNPT Money, Ngân lượng, KeyPay, Payoo, Napas; các ví điện tử VNPT Money, Momo, Viettel Money; kênh thanh toán di động VNPT Mobile Money.
Bộ GD&ĐT lưu ý, chỉ các thí sinh có đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT mới phải thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí. Thí sinh có thể tự thanh toán bằng tài khoản ngân hàng/tài khoản ví điện tử của bản thân (nếu có) hoặc nhờ người thân, thầy, cô giáo thanh toán hộ trên giao diện thanh toán của thí sinh.
Trong trường hợp thí sinh không nhìn thấy nút "Thanh toán" tại giao diện đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nghĩa là thời điểm đó không thuộc khoảng thời gian nộp lệ phí toán hoặc đang được tạm ẩn đi nhằm chống nghẽn hệ thống thanh toán.
"Quá trình thanh toán trực tuyến phụ thuộc việc kết nối nhiều hệ thống khác nhau vì vậy thí sinh có thể gặp tình huống tắc nghẽn hệ thống. Trong trường hợp đó, thí sinh không nên cố gắng truy cập lại ngay, chờ khoảng 30 phút sau thực hiện", Bộ GD&ĐT khuyến nghị.
Hòa Bình giao chỉ tiêu thanh toán online trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho cấp cơ sở Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia mà 15 Sở, ban, ngành và 10 UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cần đạt được trong năm nay là 30% tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công. Lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các huyện,...