Doanh nghiệp bất động sản đề xuất được gia hạn nợ và giãn thuế
Đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
HoREA đề nghị bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế giá trị gia tăng. Ảnh: Internet
Đó là một trong các kiến nghị đáng chú ý vừa được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng.
Theo HoREA, các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đang gặp một số thách thức lớn từ đại dịch Covid-19. Đó là gián đoạn, đảo lộn hoạt động, nhất là hoạt động tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng – khâu rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể khiến doanh nghiệp bị mất thanh khoản.
Video đang HOT
Đáng chú ý, dịch Covid-19 cũng làm tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu; làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động; tăng khả năng doanh nghiệp nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động; tăng nguy cơ thua lỗ, phá sản.
Theo HoREA, thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế “khó chồng khó”, nên các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực gấp đôi, gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.
Do đó, Hiệp hội có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản ứng phó và vượt qua khó khăn.
Hiệp hội đề nghị bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế giá trị gia tăng tháng 3 – 6/2020 vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội của tháng 3 – 6/2020 đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Đáng chú ý, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp…); xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại… để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi.
Xuân Yến (Baodauthau.vn)
Cảnh báo tồn kho bất động sản tăng quá nhanh
So với cùng kỳ, tổng giá trị tồn kho của các doanh nghiệp địa ốc niêm yết hiện đã tăng 38%, lên đến hơn 223.000 tỷ đồng.
Theo HoREA, tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán đang tăng quá nhanh. Giá trị hàng tồn kho tính đến cuối năm 2019 đã tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, hiện lên đến 223.474 tỷ đồng. Trong đó có 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng, 4 tập đoàn có giá trị tồn kho từ 4.200 - 7.397 tỷ đồng. Hai tập đoàn hàng đầu chiếm 63% tổng tồn kho toàn thị trường.
HoREA cảnh báo tồn kho bất động sản đang leo thang
Lượng hàng tồn kho tăng nhanh là một trong nhiều vấn đề được đề cập đến trong văn bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) công bố mới đây.
Sự gia tăng lượng hàng tồn kho bất động sản sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho đã ra thành phẩm nhưng chưa bán được sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản, có thể khiến doanh nghiệp phá sản. Hàng tồn kho thuộc nhóm dự án bị dừng triển khai, chưa ra sản phẩm sẽ khiến chi phí, lãi vay ngày càng lớn.
Do không có hàng để bán hoặc không bán được hàng nên hầu hết các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đều có kết quả kinh doanh sụt giảm. Mức tăng trưởng doanh thu bình quân năm 2019 của đa số các doanh nghiệp địa ốc niêm yết là 7%, lợi nhuận sau thuế tăng 11% trong khi mức tăng trưởng năm 2018 là 47%.
Để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản trước núi hàng tồn kho ngày càng lớn, HoREA cho rằng, các địa phương và cơ quan có thẩm quyền cần giải quyết những vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính.
HoREA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, đưa ra kết luận xử lý các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra để các chủ đầu tư chấp hành. Khi vướng mắc được tháo gỡ, các doanh nghiệp sẽ có cơ sở thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước, tiếp tục thực hiện dự án, bổ sung sản phẩm cho thị trường.
Theo Enternews.vn
Bất động sản tồn kho tăng mạnh Trong năm 2019, tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 223.474 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2018. Theo văn bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thục đẩy thị trường bất động sản phát triển mới công bố, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM...