Doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực bình ổn trong ‘bão giá’
Dù chịu áp lực về yêu cầu tăng giá từ các nhà cung cấp nhưng nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn đang tìm các giải pháp để bình ổn thị trường hàng hoá, đồng thời khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Liên tiếp trong thời gian gần đây, cùng với việc giá xăng liên tục tăng và thiết lập đỉnh mới, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng đều tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp và đời sống người dân.
Khảo sát một số chợ dân sinh và chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như; lương thực, thực phẩm, rau củ quả trong thời gian qua đều trong tình trạng tăng theo giá xăng.
Chị Nguyễn Oai ( Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, hiện tại nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng giá từ 10-30% so với tháng trước. Mỗi lần đi chợ, chị cũng cần phải cân đối chi tiêu cho hợp lý bởi thu nhập không tăng mà các loại mặt hàng đều tăng giá. Theo chị Oai, hiện tại một số loại rau, thực phẩm tại chợ còn đắt hơn cả trong siêu thị.
“Các mặt hàng như nước giặt, nước xả, dầu ăn… tôi thường mua trong siêu thị vì hay có chính sách khuyến mại, giảm giá. Tôi vừa mua ba túi nước giặt theo chương trình mua 2 tặng 1 để dùng dần, như vậy cũng góp phần giảm chi phí sinh hoạt”, chị Oai cho hay.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều hệ thống siêu thị lớn khẳng định đang đàm phán với nhà cung cấp để giữ giá bình ổn để người tiêu dùng mua hàng hóa với giá tốt nhất có thể… Bên cạnh đó, nhiều đơn vị bán lẻ còn chủ động lên các chương trình khuyến mại, giảm giá một số mặt hàng để kích cầu tiêu dùng.
Giấy ăn, nước giặt, nước mắm… đều có chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành Hệ thống siêu thị WinMart cho biết, thời gian qua, giá xăng leo thang đã dẫn đến biến động chung trong toàn thị trường, giá cả các mặt hàng trong hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do áp lực từ các nhà cung cấp.
Thực tế, việc điều chỉnh giá nhiều nhất ở các sản phẩm dầu ăn, còn lại các mặt hàng khác có sự biến động không đáng kể như thủy hải sản, thực phẩm khô khoảng 5%.
“Tình hình biến động giá mạnh do giá xăng dầu tăng cao cũng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của các đơn vị cung ứng, chúng tôi cũng đã nhận được đề nghị điều chỉnh giá của rất nhiều nhà cung cấp. Tuy nhiên, WinCommerce vẫn đang chủ động đàm phán cùng đối tác nhằm trì hoãn việc tăng giá, đặc biệt với nhóm hàng nhu yếu phẩm. Mặt khác chúng tôi chủ động được về nguồn cung rau củ và thịt tươi từ WinEco, MeatDeli nên hiện giá bán các sản phẩm này vẫn chưa có biến động”, ông Nguyễn Trọng Tuấn cho hay.
Video đang HOT
Đại diện WinMart cho biết, siêu thị vẫn duy trì đàm phán, phối hợp với các đối tác, nhà cung cấp nhằm nỗ lực kìm giá như tổ chức làm việc với các nhà cung cấp địa phương để thu mua sản phẩm trực tiếp với giá tốt, cắt giảm các chi phí trung gian không cần thiết. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động cam kết số lượng lớn để tạo đầu ra ổn định cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp, đồng thời giữ giá cả ổn định đến tay khách hàng.
“Đặc biệt, chúng tôi cũng chủ động sản xuất những sản phẩm nhãn hàng riêng như WM Good, WM Home, WM Cook, WM Care, WinEco với quy trình khép kín, đảm bảo kiểm soát được chất lượng đầu ra và giá thành ổn đinh. Bên cạnh đó, WinMart/WinMart cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá định kỳ 2 lần một tháng trên hàng trăm mặt hàng thiết yếu cho khách hàng, với mong muốn hỗ trợ người tiêu dùng an tâm mua sắm trong giai đoạn biến động giá này. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương trên cả nước tổ chức những tuần hàng nông sản với nhiều khuyến mại nhằm quảng bá đặc sản vùng miền”, ông Tuấn cho biết.
Các mặt hàng rau, củ, quả tại siêu thị BRG Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tương tự, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, thời gian qua nhiều nhà cung cấp gửi công văn đề xuất tăng giá đến hệ thống, doanh nghiệp đã đàm phán với các nhà cung cấp làm sao có lộ trình tăng giá phù hợp với khả năng chi tiêu của khách hàng, không tăng giá quá đột biến.
“Tuy nhiên, với vai trò của doanh nghiệp chỉ có thể hạn chế nhất định chứ không thể kiểm soát được đề xuất của nhà cung cấp tăng giá. Vì vậy chúng tôi mong muốn Chính phủ có những hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, vận tải để tiết giảm chi phí liên quan vận tải, giao nhận ảnh hưởng đến nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể cắt giảm bớt chi phí sản xuất, hỗ trợ khách hàng có giá thành phù hợp hơn”, bà Nguyễn Thuỳ Dương đề xuất.
Đại diện BRG cho biết, hiện tại với những mặt hàng thiết yếu như gạo, trứng… so với ngành hàng khác thì mức tăng là thấp nhất, còn nhóm dầu ăn do thiếu hụt nguồn cung trên thế giới và dầu ăn nhập khẩu bị hạn chế do cước tăng và sản xuất của doanh nghiệp trong nước hạn chế nên tăng 10-15% còn nhóm khác mà doanh nghiệp trong nước sản xuất được thì mức tăng nhẹ hơn, mức tăng từ 5-10%.
Nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op nhận định, những biến động trên thị trường quốc tế và trong nước khiến công tác bình ổn giá trở nên thách thức hơn, buộc doanh nghiệp phải thay đổi cách làm. Vì thế, bình ổn giá hiện nay không đơn thuần là kiểm soát về mặt giá cả mà cần có sự tập hợp nhiều ngành công nghiệp khác nhau, kể cả ngành dịch vụ, tiêu dùng, du lịch… Hiện phía Co.op Mart đã chuẩn bị lượng hàng tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 50-100% so với đầu năm 2022 để đảm bảo nguồn hàng ổn định, tránh biến động giá.
Đại diện Công ty TNHH Ba Huân cho hay, Công ty đã phải xây dựng các điểm trung chuyển hàng hóa, mở các cửa hàng gần hệ thống phân phối để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí khi giá xăng dầu tăng.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cho biết sẽ chú trọng hơn vào việc đóng gói bao bì, sắp xếp lại sản phẩm sao cho phù hợp với hình thức bán trực tuyến. Theo một khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, phần đông người tiêu dùng đang thay đổi hành vi mua sắm do quan ngại về giá cả, trong đó họ sẽ chú trọng nhiều hơn đến mua sắm trực tuyến và giao hàng tại nhà. Do đó, các doanh nghiệp phải nắm bắt xu thế này để không chỉ bình ổn về giá cả mà còn hướng đến đúng nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh dẫn đến việc giá cả hàng hóa không ngừng tăng theo, giải pháp kích cầu quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng hàng hóa và tăng ưu đãi cho khách hàng.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu nội địa, trọng tâm vào các tháng 7 và tháng 11/2022. Theo đó, trong tháng 7 và tháng 11/2022, dự kiến có khoảng 25.000 chương trình khuyến mại.
Đồng thời, thành phố cũng sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp bán lẻ đảm bảo cung cấp đủ lượng các mặt hàng thiết yếu và cố gắng giữ bình ổn giá cả thị trường.
Doanh nghiệp kìm giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng
Bắt đầu từ tháng 4, các mặt hàng thiết yếu ở chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh đã thiết lập mặt bằng giá mới vì ảnh hưởng đầu vào tăng.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp, nhà phân phối tham gia chương trình bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh vẫn đang nỗ lực kìm giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Mặt hàng dầu ăn đã bắt đầu điều chỉnh giá bán từ ngày 1/4.
Nhiều loại thực phẩm tăng giá
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại các cửa hàng và siêu thị, nhiều mặt hàng thiết yếu đã được điều chỉnh tăng giá bán. Cụ thể, từ ngày 1/4, dầu ăn Nakydaco tăng từ 42.120 đồng/lít lên 48.600 đồng/lít, dầu ăn Happi Koki điều chỉnh từ 47.304 đồng/lít lên 54.864 đồng/lít...
Tương tự, từ ngày 2/4, các loại thịt gia cầm được điều chỉnh tăng từ 7 - 14% so với mức giá năm 2021. Cụ thể, sau khi tăng, thịt gà ta ở mức 90.000 đồng/kg, thịt gà tam hoàng ở mức 67.000 đồng/kg, gà công nghiệp ở mức 45.000 đồng/kg và thịt vịt ở mức 68.000 đồng/kg. Giá các loại trứng gia cầm cũng được điều chỉnh tăng từ 6 - 7%, lên 29.500 đồng/chục (giá cũ 28.000 đồng) đối với trứng gà và 35.000 đồng/chục (giá cũ 33.000 đồng) đối với trứng vịt...
Tại các chợ truyền thống của TP Hồ Chí Minh, giá rau, củ quả đã được điều chỉnh tăng giá.
Chị Lê Thị Hải, ngụ ở thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Giá rau, củ quả liên tục được điều chỉnh tăng lên thêm 5.000 - 10.000 đồng/kg. Nhiều loại thực phẩm thiết yếu khác cũng đua nhau tăng giá trong khi thu nhập không tăng, càng khiến chúng tôi phải thắt chặt chi tiêu hơn".
Ông Nguyễn Trần Phú, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, tổng số doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn của TP Hồ Chí Minh năm 2022 - 2023 là 34 đơn vị với 10 nhóm hàng. Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 4, có 3 nhóm hàng được doanh nghiệp đề nghị tăng giá là dầu ăn (tỉ lệ điều chỉnh 24%), thịt gia cầm (tỉ lệ điều chỉnh 10 - 27%) và trứng gia cầm (tỉ lệ điều chỉnh 5 - 9%); nhóm hàng lương thực chế biến (bún, phở ăn liền) giảm 2% theo chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%; 6 nhóm hàng còn lại vẫn đang được doanh nghiệp giữ nguyên giá như năm 2021.
"Một số sản phẩm trong chương trình bình ổn giá của Thành phố vẫn không tăng giá bán mà đang kìm giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Đối với những mặt hàng đã được điều chỉnh tăng giá nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5 - 10%. Việc điều chỉnh giá tăng đợt này là phù hợp, đảm bảo hài hòa quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bởi giá các nguyên liệu đầu vào đang tăng khá cao gây khó khăn cho doanh nghiệp nên họ buộc phải tăng giá bán sản phẩm", ông Nguyễn Trần Phú cho biết thêm.
Doanh nghiệp đang kìm giá
Là doanh nghiệp tham gia bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị điều chỉnh giá bán dầu ăn do giá dầu ăn nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng liên tục trong những tháng đầu năm 2022 đến nay. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp dầu ăn vẫn chưa tăng giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Ngoài mặt hàng dầu ăn, doanh nghiệp vẫn đang cố gắng kìm giá nhiều loại thực phẩm khác dù rất khó khăn.
Tại các chợ truyền thống, giá thịt lợn cũng đã được điều chỉnh tăng từ sau Tết Nguyên đán 2022.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, trước những biến động của thị trường thế giới, thị trường Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng sâu rộng. Việc tăng giá sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, Saigon Co.op đã cam kết với các đối tác và bạn hàng là sẽ duy trì lượng hàng ổn định trong khoảng thời gian nhất định sắp tới. "Chúng tôi chưa có biện pháp hay hành động tăng giá ngay lập tức đối với những mặt hàng thiết yếu mà vẫn đang cố gắng giữ ổn định bằng nhiều cách khác nhau để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng", ông Nguyễn Anh Đức nói.
"Thông thường, giá đầu vào tăng thì siêu thị sẽ tăng giá bán ra. Mỗi hệ thống sẽ tăng khác nhau, tùy mức độ lợi nhuận và chính sách giá. Theo đó, siêu thị sẽ thương lượng với nhà cung cấp để kéo dài thời gian tăng giá hoặc chia nhỏ làm nhiều đợt tăng (tùy ngành hàng, những mặt hàng nhạy cảm thì luôn dưới 5% mỗi lần tăng), chứ không tăng "sốc" tại một thời điểm. Ngoài ra, các hệ thống sẽ kiểm tra giá chéo lẫn nhau để bảo đảm thị trường có giá tương ứng, không chênh lệch nhiều, dễ gây sốc cho khách hàng", ông Lê Hữu Tình, Quản lý cấp cao marketing siêu thị Emart cho biết.
Giá thực phẩm thiết yếu tăng khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu nhiều hơn.
Ở góc độ là doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm chủ lực trong chương trình bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh, hiện nhiều doanh nghiệp cũng đang căng mình để giữ giá thêm 2-3 tháng tới cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, công ty đã trữ nguyên liệu đủ để sản xuất 3-5 tháng và đàm phán với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu, bao bì giữ giá thêm 2-3 tháng nữa dù họ đã đề nghị áp dụng giá mới tăng khoảng 5-7%.
"Thực phẩm chế biến có thể gồng gánh, giữ giá được nhưng thực phẩm tươi sống phụ thuộc vào giá lợn hơi đầu vào. Cụ thể, giá bán thịt lợn trong chương trình bình ổn đang được áp dụng theo cơ sở tham chiếu ở mức 51.000 đồng/kg, nhưng sau Tết vừa qua, Thành phố đã điều chỉnh giá thịt lợn trong chương trình bình ổn lên 58.000 đồng/kg nhưng hiện chúng tôi vẫn đang neo ở mức 53.500 đồng/kg. Doanh nghiệp đang gồng mình chấp nhận giữ giá để thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, bởi giai đoạn sau mùa dịch, người dân gặp khó khăn và thắt chặt chi tiêu. Dù doanh nghiệp có áp dụng giảm giá cũng không có người mua, do đó nếu doanh nghiệp tăng giá bán thì không biết bán cho ai", ông Nguyễn Đăng Phú cho biết.
Các địa phương sẵn sàng nguồn hàng phục vụ Tết Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hoá dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đến nay hầu hết các địa phương trên cả nước đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng hoá dồi dào cùng các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ hàng và không xảy ra tình trạng găm hàng...