Độ tin cậy của nhận diện bằng mống mắt so với vân tay
Nhận diện mống mắt có độ chính xác cao hơn nhiều so với vân tay. Hiện tại, một số nước như Mỹ, Singapore, Indonesia, Ấn Độ đang ứng dụng công nghệ này.
Mới đây, Luật Căn cước của Việt Nam đã bổ sung quy định thu thập mống mắt vào dữ liệu căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân. Trên thế giới, nhiều nước áp dụng công nghệ đặc biệt chính xác trên.
Các nước sử dụng nhận diện mống mắt
Hai trong số những cách phổ biến nhất để nhận dạng một người là dùng mống mắt và vân tay. Cả hai phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng.
Mống mắt là vòng màu của các mô quanh đồng tử, ngay phía sau giác mạc. Còn dấu vân tay được tạo thành từ nhiều đường vân và rãnh khác nhau. Mống mắt và dấu vân tay của mỗi người là duy nhất.
Hơn 1,5 tỷ người trên thế giới đã có mẫu mống mắt được mã hóa. Ảnh: Policechief
Ánh sáng hồng ngoại được sử dụng để chụp ảnh mắt rồi tải lên hệ thống nhận dạng mống mắt. Melanin (một chất trong cơ thể tạo ra sắc tố tóc, mắt và da) mống mắt trong suốt dưới ánh sáng hồng ngoại. Điều này cho phép tiết lộ chi tiết mống mắt bất kể màu sắc. Thuật toán nhận dạng ghi nhận đường viền cùng 256 đặc điểm riêng của mống mắt.
Theo Đại học Cambridge (Anh), ít nhất 1,5 tỷ người trên toàn thế giới có mẫu mống mắt được mã hóa. Chính phủ Singapore đã triển khai công nghệ nhận dạng mống mắt cho thẻ căn cước, hộ chiếu, kiểm soát nhập cư. Bộ Quốc phòng Mỹ đăng ký mẫu mống mắt của 10 triệu quân nhân vào chương trình thẻ nhận dạng điện tử quân sự. Một số quốc gia Trung Đông sử dụng các thuật toán mã hóa mống mắt cho mục đích cấp thị thực. Ấn Độ, Indonesia, Mexico cũng áp dụng cách nhận diện tương tự.
Ưu điểm
Video đang HOT
Nhận dạng mống mắt là một trong những phương pháp nhận dạng chính xác nhất hiện có. Hình thức này rất thuận tiện trong cả ứng dụng thông thường. Bạn có thể sử dụng máy quét mống mắt để mở khóa cửa mà không cần chìa khóa hoặc mật mã. Nhận dạng mống mắt an toàn vì mẫu mống mắt của bạn là duy nhất, khó có thể sao chép.
Nhận dạng vân tay có các ưu điểm tương tự hình thức sử dụng mống mắt khi dấu vân tay là duy nhất và rất khó để sao chép. Ngoài ra, nhận dạng vân tay cũng có thể ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày như máy quét vân tay để mở khóa cửa mà không cần chìa khóa hoặc mật mã.
Tuy nhiên, phân tích dấu vân tay sử dụng 12-14 điểm chính. Quét mống mắt ánh xạ 256 điểm chính nên sẽ chính xác hơn nhiều. Ngoài ra, dấu vân tay có xu hướng mờ mòn theo tuổi tác. Mống mắt không dễ bị thay đổi nhờ vị trí phía sau giác mạc.
Hạn chế
Có một số hạn chế khi sử dụng nhận dạng mống mắt. Hình thức này yêu cầu tầm nhìn rõ ràng giữa mắt bạn và máy quét để hoạt động bình thường. Ngoài ra, đã có trường hợp kẻ xấu sử dụng kính áp tròng có in hoa văn, mắt giả để đánh lừa máy quét. Trong phim Minority Report, tài tử Tom Cruise sử dụng kính áp tròng để tái tạo mống mắt của người khác. Tuy nhiên, việc sao chép mống mắt của một cá nhân như vậy cực kỳ khó khăn.
Trong khi đó, việc nhận dạng vân tay có thể khó khăn với người có vân tay mờ. Ngoài ra, cần sự tiếp xúc giữa vân tay và thiết bị. Đã có trường hợp kẻ xấu dùng ngón tay giả, vân tay giả để đánh lừa máy quét.
Phương pháp nào tốt hơn?
Theo HF Security, sự khác biệt chính của hai hình thức nhận diện trên là tính chính xác và tiện lợi. Nhận dạng mống mắt chính xác hơn dấu vân tay và không cần sự tiếp xúc trực tiếp, thuận lợi cho người có vân tay mờ nhưng lại đòi hỏi khoảng cách nhất định giữa mắt bạn và máy quét. Quyết định sử dụng phương pháp nào phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi đơn vị, cá nhân. Nếu coi trọng độ chính xác hơn tất cả thì nhận dạng mống mắt là lựa chọn phù hợp.
Bà George Ann Phillips, đại diện của Hệ thống Y tế Đại học (Mỹ), đánh giá: “Nhận diện mống mắt chính xác hơn quét vân tay, nhận dạng tĩnh mạch. Đó cũng là một quy trình sạch sẽ vì mọi người sẽ không bao giờ phải chạm vào bất cứ thứ gì, đây là một vấn đề lớn trong chăm sóc sức khỏe vì kiểm soát nhiễm trùng”.
Người dân đã có căn cước công dân không bắt buộc phải thu thập mống mắt
Với người dân đã có thẻ căn cước công dân có giá trị, hiệu lực thì không phải cấp đổi thẻ, không phải tích hợp thông tin về mống mắt.
Sáng 29/11, tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15, báo chí đã đặt nhiều câu hỏi về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (đang được thảo luận) và Luật Căn cước (đã được thông qua).
Với Luật Căn cước bổ sung quy định thu thập mống mắt vào dữ liệu căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân. Vấn đề được người dân quan tâm khi đã có căn cước công dân có phải bắt buộc thu thập thêm mống mắt không và việc thu thập sẽ được thực hiện như thế nào.
Thay mặt cơ quan thẩm tra trả lời tại họp báo, Trung tướng Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết việc thu thập mống mắt thuộc nhóm sinh trắc học và là điểm mới quy định trong Luật Căn cước.
Ông thông tin, việc thu thập phải có thiết bị chuyên dụng của cơ quan quản lý, cấp căn cước. Khi người dân đến làm mới, cấp đổi lại thì cơ quan quản lý căn cước sẽ thu thập các thông tin làm giàu dữ liệu cơ sở dữ liệu căn cước, cơ sở dữ liệu về dân cư.
Trung tướng Nguyễn Minh Đức trả lời tại họp báo.
Với người dân đã có thẻ căn cước công dân, Trung tướng Nguyễn Minh Đức cho hay, tại luật mới có quy định điều khoản chuyển tiếp. Trong đó, công dân đang có căn cước công dân có giá trị, hiệu lực còn dài thì không phải cấp đổi thẻ và sử dụng, giá trị như căn cước được cấp theo luật mới.
Vì vậy, người dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để tích hợp thông tin, khai báo thông tin sau khi luật mới có hiệu lực. Trừ trường hợp công dân có yêu cầu bổ sung, thay đổi thông tin liên quan cá nhân mình hay đổi thẻ.
Cấm tuyệt đối nồng độ cồn: Cần đánh giá thấu đáo, rõ ràng
Tại dự án Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình (camera hành trình), thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe, dữ liệu hình ảnh bảo đảm hành trình theo quy định. Dự thảo định nghĩa xe cơ giới gồm các loại xe ô tô, xe máy. Các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn và đề nghị xem xét lại quy định này.
Trả lời vấn đề trên, Trung tướng Nguyễn Minh Đức chia sẻ quy định này đang có nhiều quan điểm, tranh luận. Ông nói đây là quan điểm của cơ quan soạn thảo (Bộ Công an) khi trình nội dung này ra trước Quốc hội và Ủy ban Quốc phòng và An ninh là cơ quan thẩm tra nên tôn trọng các nội dung trong tờ trình của Chính phủ.
Trách nhiệm của cơ quan thẩm tra phải phối hợp với cơ quan soạn thảo để đánh giá đầy đủ, thực tế những tác động phải phù hợp với điều kiện của người dân. Ông nhấn mạnh quan điểm phải làm thế nào để các quy định trong luật vừa đảm bảo quản lý xã hội và hoạt động của người dân.
Trung tướng Đức khẳng định đây mới chỉ là dự thảo nên đang xin ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận, cần có đánh giá tác động đầy đủ.
"Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc khảo sát, tọa đàm, đánh giá một cách nhiều chiều. Trên cơ sở đó, mới đi đến chân lý cuối cùng", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết.
Đối với quy định cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở, Trung tướng Nguyễn Minh Đức dẫn lại Luật Phòng, chống tác hại rượu bia đã có quy định về những hành vi cấm. Trong đó, có quy định cấm tuyệt đối việc sử dụng rượu, bia trước và trong khi lái xe.
Về nguyên tắc của pháp luật Việt Nam là phải thống nhất với nhau, luật ra sau phải lấy nguồn từ các luật trước. Trên cơ sở nguồn của Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, các cơ quan, ban soạn thảo, thẩm tra đã đề xuất nội dung này.
Tuy nhiên ông Đức cũng cho biết đây là ý kiến ban đầu và đang xin ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận, nên cần có sự đánh giá thấu đáo, rõ ràng. Quan điểm của cơ quan thẩm tra hoàn toàn đồng ý với cơ quan soạn thảo phải tuân thủ các quy định của hệ thống pháp luật.
Hàng năm Ủy ban Quốc phòng và An ninh có đánh giá về bảo đảm an toàn giao thông nhận thấy tất cả các vụ tai nạn giao thông đường bộ thì khoảng 43% các vụ nghiêm trọng có nguyên nhân từ rượu bia.
Ông Đức nhấn mạnh cần tuyên truyền để người dân thấy được và ông tin rằng cơ bản người dân đều ủng hộ quy định này.
Có phải làm lại căn cước công dân sang thẻ căn cước mới? Luật Căn cước đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào tháng 7 năm 2024. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn không biết rằng căn cước công dân còn hiệu lực có phải đi làm lại hay không. Sáng 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Căn cước (có hiệu lực kể từ 1/7/2024). Với việc đổi tên...