Đỗ Nhật Nam: Không bị áp lực ‘thần đồng’
(PL)- Cậu bé xem việc học cũng giống như việc mình giải trí vui chơi nên không thấy mệt mỏi.
Đang về nước nghỉ hè, Đỗ Nhật Nam và cha mẹ (PGS-TS Đỗ Xuân Thảo và chị Phan Thị Hồ Điệp) đã trả lời phỏng vấn của Pháp Luật TP.HCM. Nam kể cuộc sống ở Mỹ của em như mọi học sinh khác. Sáng dậy làm vệ sinh, ăn sáng, tự lấy đồ ăn cho buổi trưa rồi được cô chú chủ nhà chở đi học. Chiều em chơi bóng rổ ở trường rồi về nhà phụ dọn dẹp nhà cửa, phụ nấu ăn, sau đó đi ngủ. Ngày nghỉ em tự dọn phòng và giặt đồ của mình. Khó khăn lớn nhất là nỗi nhớ gia đình và Nam vượt qua bằng cách ra vườn ngắm hoa lá hay làm thơ.
Không có áp lực, chỉ có động lực
. Chuyện tự chi tiêu của một cậu bé nhỏ tuổi sống một mình xa nhà như Nam như thế nào nhỉ. Có phải em đã tự kiếm tiền được ở Mỹ rồi không?
Em rất ít phải tự chi tiêu ở Mỹ. Em tiết kiệm và chỉ tiêu những gì cần thiết thôi nhưng với sách em không tiếc tiền. Tuy không phải đi làm kiếm tiền nhưng em vẫn có thể kiếm thêm để đỡ gánh nặng cho cha mẹ như dịch sách, có tiền thưởng từ một số cuộc thi. Nhưng kiếm tiền hay thi cử không phải là mục đích quan trọng đâu ạ, nó chỉ là hoạt động phụ. Nhiệm vụ của em là học.
. Nam đã trở thành tổng biên tập như thế nào? Hình như cuộc sống của Nam chỉ toàn là học và làm, không có vui chơi như một cậu bé 13 tuổi?
Video đang HOT
Em gửi thư ứng cử vào một vị trí của tờ báo nhưng không ngờ lại được giao vị trí cao như vậy. Làm báo và việc làm thơ, đọc sách… đối với em như một hoạt động giải trí. Song em vẫn có đủ thời gian vui chơi với các bạn học như đánh cờ, tham gia ban nhạc, chơi bóng rổ. Em là thành viên đội bóng rổ ở trường.
Đỗ Nhật Nam và cha mẹ tại buổi giao lưu ra mắt sách. Ảnh: DUY LINH
Làm sao mê chơi mà vẫn học giỏi
. Nhật Nam có thể cho biết việc học và cuộc sống ở Mỹ khác với ở Việt Nam như thế nào? Nam có dự định gì cho mùa hè này và dự định, kế hoạch gì xa hơn cho tương lai?
Xã hội, văn hóa Mỹ khá cởi mở hơn và rất khuyến khích sự sáng tạo, tính độc lập. Trong trường học các thầy cô bày ra nhiều trò chơi để học sinh phát huy khả năng của mình. Học sinh có thể tự do trao đổi, bày tỏ suy nghĩ với thầy cô.
Về nhà mùa hè này em có dự định đi dạy tiếng Anh cho một số trẻ em. Kế hoạch gần là em sẽ dịch sách, ra mắt một tập thơ song ngữ. Kế hoạch xa hơn nữa là hoàn tất sớm khóa học này và theo khóa học khác. Tương lai thì em mong muốn trở thành một nhà khoa học.
. Có một cậu bé muốn hỏi anh Nhật Nam rằng làm sao có thể tự tin như anh để nói chuyện rất thoải mái trước đám đông. Làm sao mê chơi mà vẫn có thể học giỏi như anh?
Đỗ Nhật Nam: Sự tự tin sẽ được tạo ra từ từ. Mình cứ nói với bản thân mình rằng mình sẽ làm được. Mình cứ coi việc nói trước mọi người như nói với cha mẹ mình thôi. Hãy xem việc học như việc mình giải trí vui chơi để không thấy mệt mỏi.
Chị Phan Thị Hồ Điệp: Sự tự tin có thể rèn luyện được. Hồi nhỏ cha mẹ đã tập cho Nam việc sau khi đọc một quyển sách thì sẽ tóm tắt và phản biện với cha mẹ về các chi tiết có thắc mắc. Cuối tuần thì cả nhà cùng chơi trò Nam là diễn giả đứng trước khán giả là cha mẹ để diễn thuyết. Từ nhỏ Nam đã quen với việc học tập và rèn tính kỷ luật thông qua các trò chơi cha mẹ bày ra như việc thi nhau xem ai phạm lỗi quên tắt điện khi ra ngoài nhiều hơn và bố mẹ giả vờ thua để tập thói quen tốt cho con… Thêm nữa tập cho con thói quen đọc sách, coi trọng sách vì sách là người thầy, người bạn lớn nhất cho việc học tập, hiểu biết của con. Nam không học thêm mà chỉ tự học qua sách. Ngoài ra việc rèn luyện, trau dồi tự tin cho con còn phải tùy tính cách đứa trẻ. Trẻ hướng ngoại thì sẽ nhận được nhiều nguồn năng lượng từ đám đông. Tuy nhiên, trẻ hướng nội không thích ồn ào, không nên ép trẻ phải giao tiếp nhiều với đám đông.
. Xin cám ơn Nam và gia đình.
. Thưa anh chị, nhiều gia đình băn khoăn có nên cho con đi du học khi con vẫn còn nhỏ hay không?
Chị Phan Thị Hồ Điệp: Nam có kế hoạch cho chuyện du học từ rất sớm, chủ động được cả thời điểm du học của mình nên rất nỗ lực cho chuyện đó. Nam lại được rèn tính tự lập từ nhỏ, ngoại ngữ của Nam cũng rất ổn nên chúng tôi không sợ cháu sẽ gặp rào cản ngôn ngữ khi du học khá sớm. Nhưng với bất kỳ một đứa trẻ nào việc có đi du học hay không phụ thuộc vào ba yếu tố là ngoại ngữ, có tính tự lập để có thể sống xa nhà một mình và quan trọng nhất là trẻ có sẵn sàng cho việc đi học xa hay không. Hai yếu tố đầu có thể hoàn thiện dần, riêng yếu tố thứ ba nếu không có hay không đủ trẻ sẽ gặp phải những vấn đề tâm lý không mong muốn khiến cuộc sống của trẻ bị xấu đi.Vì vậy không phải cứ cho con đi du học là sẽ khiến cuộc sống của con chắc chắn tốt đẹp, hạnh phúc.
PGS-TS Đỗ Xuân Thảo: Tâm lý sợ xa con, sợ mất con, sợ con sống khó khăn khi phải xa nhà, xa cha mẹ ở tuổi 13 luôn có trong tôi nhưng tôi không muốn mình là vật cản của con nên đã cố vượt qua. Tôi còn trấn an mình bằng cách bắt con viết một tờ giấy cam kết rằng sẽ trở về với điều kiện nào đó. Rồi tôi lên mạng để tìm thấy sự gần gũi với con và chia sẻ với mọi người để vượt qua nỗi nhớ.
Cả nhà cùng ra mắt sách
Tập thơ Đường xa con hát(Đỗ Nhật Nam) viết về những tình cảm trong trẻo của một cậu bé khi sống xa gia đình vừa được Thái Hà Books xuất bản. Những chia sẻ trên Facebook về các câu chuyện nuôi dạy con cái, tình cảm gia đình gần gũi, cảm động của cha mẹ Đỗ Nhật Nam rất được ủng hộ trên mạng dịp này cũng được in thành hai tập sách Tròn một vòng yêu thương(Đỗ Xuân Thảo),Yêu thương mẹ kể(Phan Hồ Điệp). Ba cuốn sách trên nằm trong “Bộ sách yêu thương” được Thái Hà Books vừa ra mắt. Đỗ Nhật Nam đã sang Mỹ du học từ năm 2014, khi 13 tuổi, ở Trường Saint Paul, bang Texas. Mới năm học đầu tiên, Nhật Nam được nhận bằng khen của tổng thống Mỹ về thành tích học tập xuất sắc và trở thành đại biểu cho khu vực châu Á phát biểu tại Hội nghị Khoa học Giáo dục TDExKID (Mỹ). Khi đến Mỹ, Nhật Nam còn trở thành tổng biên tập của Creative Melange – tờ báo dành cho lứa tuổi học sinh Đông Nam Á…
Theo PLO