Dở khóc dở cười với bài văn trẻ tiểu học
Một học sinh tả về ông nội rất thật như người ông béo, lùn, da ông ngăm đen, đầu ông bị hói vì tóc đã rụng nhiều. Thế nhưng, em học sinh đó chỉ nhận được 5 điểm với lời phê “lạnh lùng” của cô rằng “tả về ông ngây ngô quá”.
“Bà ngoại em vẫn chưa già/Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường/Mắt bà vẫn rất tinh tường/Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày…”. Đó là những câu thơ đang gây xôn xao cộng đồng mạng những ngày gần đây khi thực tế, học sinh ngay từ bậc tiểu học đã được mặc định theo văn mẫu: đã là ông bà thì tóc phải trắng như cước, da đồi mồi, bước đi chậm chạp, tả dòng sông thì phải trong lành, cánh đồng phải thẳng cánh cò bay…
Rập khuôn hay… giả dối?
Không ít phụ huynh tiểu học chia sẻ, sau một thời gian để con tự “đánh vật” với những bài văn ngô nghê đã bị cô giáo nhắc nhở rất thật rằng: “Các con ở lứa tuổi này chưa thể tự làm được một bài văn ngắn, mà phụ huynh phải hướng dẫn chi tiết cho các con theo đúng… chương trình, gợi ý trong sách giáo khoa”. Và đương nhiên như vậy thì không thể tránh… văn mẫu.
Một phụ huynh buồn rầu, cô giáo ra đề văn tả về dòng sông quê hương. Con trai anh đã tả con sông Kim Ngưu ngay gần nhà với những câu như: “Dòng sông trong xanh, nước chảy lững lờ, rồi vắt ngang như một dải lụa” trong khi đó, con sông này luôn “đứng đầu” trong những dòng sông bị ô nhiễm của Hà Nội, nước đen ngòm, luôn bốc mùi khó chịu. Anh có góp ý thì cậu con trai hồn nhiên: “Cô nói tả dòng sông thì phải như vậy mới hay!”.
Một phụ huynh có con học lớp 2 thì bức xúc kể rằng, đề bài cô đưa ra là tả ông hoặc bà em. Con trai chị đã tả bà ngoại với những câu từ: “tóc bà bạc phơ, dáng đi chậm chạp, ánh mắt hiền từ”. Trong khi bà ngoại mới ngoài 50 tuổi, tóc còn đen, và bà vẫn chưa có dấu hiệu của tuổi già như lời cô nói; thậm chí bà tự lái xe “Mẹc” đi làm, đi chơi, mua sắm, du lịch, khiêu vũ…, vị phụ huynh này cho biết.
Một học sinh khác tả về ông nội rất thật như người ông béo, lùn, da ông ngăm đen, đầu ông bị hói vì tóc đã rụng nhiều. Thế nhưng chỉ nhận được 5 điểm với lời phê lạnh lùng của cô rằng “tả về ông ngây ngô quá”.
Một bà mẹ có con học lớp 5 cũng giật mình khi đọc bài văn con tả bố hoàn toàn xa lạ với “bố thật”. Khi yêu cầu cháu viết lại một bài văn khác chân thật hơn thì cháu nói rằng: “Cô giáo bảo tả như thế mới hay và cả lớp con tả bố như thế, tả thật cô không cho điểm cao”. Chị cho rằng với cách dạy như vậy, chính ngành giáo dụcđang dạy các cháu cách nói dối.
Video đang HOT
Nhiều phụ huynh đã rất bức xúc trước thực tế học sinh bây giờ tả văn rập theo khuôn mẫu, như kiểu tả dòng sông thì phải trong mát, cánh đồng thì bát ngát, lúa trổ đòng đòng, ông bà thì tóc phải bạc phơ, dáng đi chậm chạp. Còn khuôn mẫu để tả con vật là phải so sánh đầu, tai, mũi, đuôi giống cái gì, to bằng gì. Chính vì thế nên có chuyện một học sinh lớp 3 khi tả con lợn đã dũng cảm ví von: “Đầu con lợn to bằng đầu bố em, mũi con lợn bẹp gí như mũi bố em, tai con lợn to bằng tai bố em… Và đuôi con lợn giống em vì bố nói em là cái đuôi của bố”.
Ngay trong chương trình làm văn lớp ba học về viết thư cho bạn để làm quen, bao giờ cũng là kết thúc bằng câu: “Thôi thư mình viết đã dài, mình xin dừng bút ở đây” mặc dù cả thư được vài dòng ngắn ngủn, sáo rỗng. Chưa kể, bài văn đúng chuẩn mẫu đến cuối mỗi bài phải nói lên cảm nghĩ của mình: “xin hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi để vui lòng…”. Thế nên mới có chuyện bi hài: sau khi tả xong con bò, một học sinh lớp 4 đã “hào hứng” kết luận: “Em xin hứa sẽ học tập theo… con bò để ngày càng học giỏi và chăm ngoan hơn”.
Hàng loạt người giỏi mà không… giỏi
Trước mỗi kỳ kiểm tra, học thuộc lòng các bài văn mẫu để làm bài thi là tình trạng phổ biến ở các trường từ tiểu học đến THPT hiện nay. Mọi thứ đều có “khuôn” nên học sinh cứ thế áp vào và sẽ đạt thành tích như mong muốn của giáo viên, nhà trường. Thế nên mới có chuyện lớp nào cũng đa số là học sinh giỏi. Thế nhưng, cảm xúc thật của các em, tất cả những gì ngây ngô, trong trẻo nhất đã bị thui chột ngay từ những năm tháng đầu đời.
Nhóm nghiên cứu báo cáo tại hội thảo văn học quốc gia mới đây đã tìm ra câu trả lời sau khi khảo sát 3.085 bài văn của học sinh 15 trường (THCS, THPT của trường chuyên, dân lập, trên địa bàn nông thôn và thành phố) có đến 75% số bài văn ở bậc THPT, 58,1% số bài ở bậc THCS đạt điểm khá, giỏi. Như vậy, dù chối bỏ môn văn nhưng điểm thi của các em lại không bi quan chút nào chính bởi cách chấm điểm theo ý và… văn mẫu.
Nhà giáo Dương Phương Hồng (trường THPT Lê Trực – Kiên Giang) đã chỉ ra: Trên thị trường sách có quá nhiều sách học tốt môn ngữ văn, trả lời sẵn các câu hỏi trong phần hướng dẫn học bài của SGK. Khi được hỏi, các em trả lời đúng y xì trong sách hướng dẫn. Lớp có 40 em thì có 40 câu trả lời giống nhau.
Không chỉ ở bậc tiểu học mà tới thi đại học (ĐH) cũng thuộc lòng văn mẫu. Năm 2006 dư luận đã bất ngờ về bài văn dự thi vào ĐH Đà Nẵng được điểm 10. Khi bài văn được đưa lên phương tiện truyền thông thì “bí quyết” học giỏi môn văn của thí sinh này đã bị phát hiện giống hệt bài văn mẫu in trong cuốn “Kiến thức cơ bản văn học 12″. Hội đồng tuyển sinh đã bị đặt trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhận định thí sinh này không có lỗi, không vi phạm quy chế tuyển sinh nên vẫn phải công nhận điểm cho thí sinh.
Ông Trần Phò – giáo viên văn (TP.HCM) nói rằng: “Tôi không trách học sinh làm bài giống y trong sách. Điều tôi bức xúc là cách ra đề thi và chấm thi bao năm nay vẫn như cũ. Đó là cách đánh giá đầy mâu thuẫn và nguy hiểm. Nó đẻ ra hàng loạt người “giỏi mà không giỏi” và ngược lại”.
Nhà giáo Nguyễn Hà (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) thì chỉ ra một bất cập: Với đáp án chi ly, chính xác từ 15-20 cột điểm, người thầy thành những “thợ chấm”, “máy chấm” vô hồn. Thầy không chỉ ngán ngẩm vì đọc quá nhiều bài na ná nhau rút ra từ bộ đề, sách văn mẫu, mà còn vật vã với những phép cộng, phép chia tới hai số lẻ, thì còn đâu hứng thú hay chấm với “con mắt xanh”…
Theo Pháp Luật Việt Nam
Cười, khóc với những bài văn tiểu học
"Ông nội em rất phúc hậu. Vầng trán ông cao và nhiều nếp nhăn. Buổi tối, ông thường dạy em học bài. Em thích ông nội vì ông không quát mỗi khi em làm bài sai".
Bài văn được cô giáo gạch chân ở câu kết với lời phê: "Chưa thể hiện được tình yêu thương với ông nội".
Nhiều ý kiến cho rằng, cách dạy văn cho học sinh - nhất là học sinh tiểu học, THCS - mang tính rập khuôn, máy móc và mang tính áp đặt. Giáo viên không dạy theo hướng mở, để trẻ tự tìm hiểu, sáng tạo mà đang đưa trẻ vào kiểu học bài mẫu, học thuộc. Chính những khuôn mẫu này là một trong những nguyên nhân đẩy trẻ vào sự "què cụt" trong câu chữ.
Ảnh minh hoạ
Đúng "phom" điểm cao
Anh Tuấn Phong (đường Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội) phàn nàn: Thấy con trai học lớp 2 viết câu văn tả con vật yêu thích hay mà phấn khởi. Nào ngờ, hoá ra là con đã được cô giáo "mớm" lời để viết bài. Bài viết tả con vật yêu thích của con anh Tuấn Phong như sau: "Con lợn nhà em kêu ụt ịt. Khi được ăn no, nó lim dim và thở phì phò".
Theo anh Tuấn Phong, câu văn thế này mà trẻ lớp 2 viết được thì phải mừng vì hiện trẻ ở thành phố không được tiếp xúc với con trâu, bò, lợn, gà... như trẻ nông thôn. Ngày đưa con về quê, anh Tuấn Phong "ngã ngửa người" khi thấy con chỉ vào con bò reo lên thích thú: "Ôi mẹ ơi, con lợn màu vàng kìa". Khi anh hỏi con, hôm trước tả con lợn hay thế, sao giờ lại bảo đây là con lợn màu vàng, cháu thật thà: "Thì cô con dạy, con lợn có bốn chân, khi tả con lợn là phải kêu ụt ịt chứ con đâu biết nó như thế nào nữa ạ".
Cháu Việt Anh (huyện Từ Liêm, Hà Nội) mang vở chạy qua nhà tôi, mếu máo: "Cháu làm bài văn tả ông nội nhưng chỉ được có điểm 6. Bài văn viết: "Ông nội em rất phúc hậu. Vầng trán ông cao vào nhiều nếp nhăn. Buổi tối, ông thường dạy em học bài. Em thích ông nội vì ông không quát mỗi khi em làm bài sai". Bài văn được cô giáo gạch chân ở câu kết với lời phê: "Chưa thể hiện được tình yêu thương với ông nội".
Việt Anh cho biết, ở lớp cô giáo dạy: Tả ông nội tóc bạc phơ, da nhăn nheo; Còn tả cô giáo thì dáng người phải thon thả, tóc dài, nói năng nhỏ nhẹ. "Nhưng ông cháu tóc cắt ngắn và không bạc. Còn cô giáo thì hay quát các bạn nên cháu không dám tả". Việt Anh phụng phịu kể. Hoá ra, những học sinh nào làm bài đúng theo "phom" mà cô giáo đưa ra sẽ được điểm cao. Còn tả đúng thực tế như Việt Anh thì điểm sẽ thấp.
Dạy học sinh nói dối?
Cô giáo Hải Yến (Trường Tiểu học Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cách học môn tiếng Việt và Tập làm văn của học sinh tiểu học hiện nay yêu cầu vận động nhiều hơn, ngôn ngữ phong phú hơn.
Nhưng đáng buồn là nhiều trẻ không có khái niệm ngôn ngữ do đọc truyện tranh nên tư duy cằn cỗi.
Cũng theo cô Hải Yến, có những đề bài, giáo viên yêu cầu học sinh phải quan sát để đặt câu nhưng có học sinh đặt những câu cụt lủn, diễn đạt lòng vòng rất buồn cười. Chẳng hạn, đề bài "tả mùa hè", các học sinh chỉ dừng lại cách tả như: "Mùa hè có nắng, có gió", ngoài ra không mô tả được gì phong phú hơn.
Việc giảm tải chương trình có cái hay nhưng theo cô Yến, giảm tải vừa thừa, vừa thiếu khiến việc dạy Tập làm văn cho học sinh tiểu học có cái khó. Chẳng hạn, trước đây có 3 tiết tập đọc/ tuần, hiện nay chỉ còn 2 tiết/ tuần, cùng một tiết tập đọc kể chuyện, hoặc có những bài cung cấp vốn từ cho học sinh lại bị bỏ đi. Đặc biệt, việc thiếu vốn từ một phần do trẻ hiện nay quá mê đắm vào truỵện tranh nên ngôn ngữ nhiều từ hi hi, ha ha... rất hời hợt.
Cô giáo Nguyệt Thị Kỳ, người có hơn 30 năm dạy lớp chuyên văn ở trường THPT Hậu Lộc 1 (TP Thanh Hoá) nhận xét, điểm yếu của việc dạy Văn ngày xưa là thiếu tài liệu, đặc biệt văn học nước ngoài.
Hiện nay, tài liệu nhiều hơn lại dẫn đến tình trạng học sinh và giáo viên quá phụ thuộc vào văn mẫu. Các bài văn đọc lên đều na ná giống nhau, không có tính phát hiện. Đặc biệt, ở tiểu học, kiến thức bậc học này tuy dễ mà khó. Dễ vì học sinh còn học đơn giản, nhưng khó là vì nếu dạy sai, sẽ ảnh hưởng đến tư duy của trẻ về sau.
Theo chị Thu Vân (Bắc Linh Đàm, Hà Nội), nếu sự vật không đúng như vậy nhưng giáo viên cứ vạch sẵn "phom" để học sinh viết theo, nghĩa là đang dạy cho trẻ nói dối. Dạy chữ nhưng phải dạy trẻ nhân cách làm người. Vì vậy, hãy dạy sao để tôn trọng suy nghĩ thật của trẻ.
Theo Gia Đình & Xã Hội
Bí quyết "nhập vai" Sau khi bài văn "nhập vai" Cám (chỉ được 3,25 điểm) của một bạn học sinh ở Hà Nội được đưa lên mạng, nhiều teen băn khoăn: "nhập vai" thế nào để đạt điểm cao khi làm văn? Mực Tím đã nhờ cô Lê Kim Mai (Tổ trưởng chuyên môn bộ môn Ngữ Văn, THPT Võ Thị Sáu, Q. Bình Thạnh) giải đáp...