‘Dở khóc, dở cười’ chuyện gieo chữ nơi miền biên viễn
Theo các thầy giáo, hồi đầu học sinh không thể nói tiếng phổ thông, nói gì các em nhắc lại y nguyên.
Thầy hỏi: Em tên gì, trò cũng nhắc lại: Em tên gì.
Thầy giáo “đứng hình” vì học sinh chỉ nói tiếng Mông
Nằm cách xa trung tâm TP Cao Bằng hơn 200km, Bảo Lâm là một trong những huyện khó khăn, xa xôi nhất của tỉnh nghèo Cao Bằng. Trong đó, Đức Hạnh chính là xã xa xôi nhất về phía Bắc, giáp biên giới Trung Quốc.
Từ trung tâm thị trấn Pác Mầu, để đến với điểm trường Lũng Mần – Trường Tiểu học & THCS Đức Hạnh, chúng tôi mất tới hơn 3h đồng hồ vật lộn trên cung đường dốc ngược khúc khuỷu, cua giật tay áo giữa núi non hiểm trở.
Dừng chân tại điểm trường Lũng Mần, đón chúng tôi là 5 thầy giáo với nụ cười tươi cùng câu nói “ở đây chỉ mấy anh em thôi, không có cô nào cả đâu”.
Điểm trường xa xôi nhất tỉnh Cao Bằng không có cô giáo…
Theo chia sẻ của các thầy giáo, bản Lũng Mần có khoảng 92 nóc nhà đang sinh sống với 100% bà con người Mông, trong đó chỉ khoảng 10 – 15% thành thạo tiếng phổ thông.
Có những học sinh ở xóm lưng núi nên không thể đi xe đạp mà phải đi bộ đến trường. Đường đi khó, các em phải qua đường tắt đến trường, sáng thường đi lúc 4h-5h sáng để đến trường lúc 7h.
Thầy Hà Thành Nhân (SN 1991) được phân công phụ trách khối lớp 1 – khối đông nhất với 28 em, vui vẻ nói: “Nhận công tác về đây, mình lâm vào nhiều cảnh dở khóc, dở cười lắm. Dạo đầu học sinh không thể nói tiếng phổ thông, nói gì các em nhắc lại y nguyên. Tôi hỏi – em tên gì, học sinh cũng nhắc lại – em tên gì”.
Cũng theo thầy Nhân, khi các học sinh thấy những cuốn sách có hình minh họa, các em hồn nhiên gọi nhau trong lớp học nói chuyện với nhau bằng tiếng Mông khiến thầy giáo chỉ biết đứng nhìn.
Lũng Mần những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, những nếp nhà vách gỗ quanh năm gió lùa làm lớp học trước kia nay đã được thay bằng dãy nhà xây 5 phòng học kiên cố, kín gió.
Video đang HOT
Thầy giáo kiêm “bảo mẫu” lo cơm nước cho trẻ
Tiếp nối câu chuyện, thầy Nông Văn Phán (SN 1970) trầm giọng: “Cũng bởi cả bản khó khăn về nước sinh hoạt nên các em học sinh ở đây mặt em nào, em đó nhem nhuốc, đen nhẻm. Nhiều khi quần áo hôm nay phát mới, sang ngày mai đã ngả màu”.
100% người dân nơi đây là đồng bào người Mông, việc dạy các em nói và viết được tiếng phổ thông là điều vô cùng vất vả.
Là giáo viên có năm gắn bó với điểm trường trong thời gian lâu nhất, khi được hỏi lý do tại sao lại gắn bó với các học sinh nơi bản nghèo lâu như vậy, thầy Nông Văn Phán cười hiền: “Yêu lũ trẻ, một phần cũng là nhiệm vụ, cứ làm hết mình rồi dần dần cũng chỉ muốn ở đây dạy dỗ các con chứ không muốn đi đâu”.
Mỗi dịp ngày lễ 20/11, các thầy cũng không mấy khi về nhà, đa phần ở lại điểm trường, 1 – 2 người sẽ về điểm trường chính tham gia văn nghệ.
Sóng điện thoại tại Lũng Mần lúc có lúc không, chập chờn khiến nhiều cuộc gọi về với gia đình của các thầy cũng ngập ngừng, ngắt quãng…
Các thầy bảo thích nhất là lúc sóng khỏe có thể gọi video cho vợ con, cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện diễn ra ở điểm trường nơi biên cương của tổ quốc.
Những buổi ăn bán trú, các thầy tất bật nấu mì tôm cho những em lớp bé, đôn đáo hướng dẫn các em khối lớn hơn nấu. Những người thầy ít phút trước còn có phần nghiêm khắc trên bục giảng, giờ đây lại như “bảo mẫu” chăm chút, lo toan bữa ăn, giấc ngủ cho con trẻ.
Bữa ăn bán trú đạm bạc với mì tôm không của gần 100 học sinh tại điểm trường Lũng Mần.
Ông Vừ Mí Già, Trưởng bản Lũng Mần, xã Đức Hạnh tâm sự, cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, hạn chế trong trồng trọt, chăn nuôi và thiếu cả nước sinh hoạt. Bởi lẽ đó, chỉ có các thầy mới đủ dũng cảm đồng hành, giúp đỡ các con nhỏ trong bản được học con chữ.
Theo vị Trưởng bản Lũng Mần, do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nên không thể giúp đỡ các thầy nhiều, chỉ thi thoảng giúp các thầy 1 – 2 mớ rau hoặc vài can nước khi thời điểm khô hạn chứ không thêm được gì nhiều.
Ông Vừ Mí Già cùng nhiều bà con miền biên viễn luôn mong mỏi – có nguồn nước sạch dùng sinh hoạt hàng ngày để thầy giáo và học trò nơi đây bớt khổ sở…
Anh Vừ Mí Sang (35 tuổi, có con đang theo học lớp 3 tại điểm trường Lũng Mần) chia sẻ: “Có các thầy về dạy chữ, trẻ con biết nói tiếng phổ thông, biết viết chữ, thấy người lạ không chạy, không khóc như trước kia nữa. Dân bản rất biết ơn các thầy”.
Nhiều trường vùng cao mòn mỏi chờ cấp trang thiết bị dạy học CTGDPT mới
Thầy giáo Đinh Ngọc Linh: Các bộ, ban, ngành cần đầu tư đồng bộ về CSVC, cung cấp đầy đủ trang thiết bị dạy học chương trình mới cho các nhà trường.
Ngoài giáo viên thì cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, khi sắp hết học kỳ 1, nhiều trường học vẫn xảy ra hiện tượng thiếu trang thiết bị dạy học tối thiểu, cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp.
Không có máy tính, thầy và trò dạy chay, học chay
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Bùi Văn Nhiệt - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum (Lai Châu) cho biết, sau một thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1,2,3 nhà trường thấy rõ được sự thay đổi của học sinh. Cụ thể, học sinh mạnh dạn, chủ động hơn việc trao đổi với giáo viên.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum. Ảnh: NVCC
Ghi nhận thuận lợi, tuy nhiên, thầy Nhiệt cũng chia sẻ một số khó khăn trường đang gặp phải như về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Hiện tại, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum không có máy tính và phòng môn Tin học. Chính vì vậy, mỗi khi đến tiết dạy, trường sử dụng phòng học văn hóa để giảng dạy môn đặc thù này. Đồng thời, trường chọn giáo viên văn hóa có khả năng chuyên môn giỏi nhất về công nghệ thông tin để tiến hành giảng dạy cho học sinh.
"Vì không đúng chuyên ngành và không được đào tạo sâu về chuyên môn nên các giáo viên kiêm nhiệm dạy thêm môn Tin học cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Chưa kể, không có máy tính nên thầy và trò phải dạy chay, học chay, không được thực hành gây ảnh hưởng tới quá trình tiếp thu kiến thức và vận dụng của học sinh", thầy Nhiệt cho hay.
Còn riêng đối với môn tiếng Anh, vì không có giáo viên tiếng Anh, nhà trường phải liên kết với Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Nậm Ban. Sau khi có sự thống nhất, cô giáo dạy tiếng Anh của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Nậm Ban sẽ dạy tăng cường cho Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum và Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Hua Bum.
Vì phải dạy 3 trường nên bản thân giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn như về sắp xếp lịch dạy, đi lại.
"Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Nậm Ban và Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum cách nhau 35km. Khoảng cách xa nên trước đó ban giám hiệu hai trường cũng đã thống nhất với nhau, riêng với môn tiếng Anh sẽ tiến hành dạy cuốn chiếu.
Giáo viên tiếng Anh sẽ tổ chức dạy học ở các trường khác đến ngày 20 hàng tháng, còn lại 10 ngày cuối tháng sẽ dạy bên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum.
Không chỉ khó khăn về vấn đề đi lại, giáo viên và nhà trường còn khó khăn trong việc sắp xếp lịch dạy phù hợp. Trong quá trình tổ chức xếp thời khóa biểu cũng có sự chồng chéo", thầy Nhiệt trăn trở.
Hiện nay, phòng học của nhà trường đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư tu sửa và xây mới. Vì vậy, trường phải sử dụng nhà hiệu bộ cho các lớp ít học sinh học. Diện tích phòng bé, Không gian không đảm bảo dẫn tới việc hoạt động chia nhóm học tập cũng khó khăn, giáo viên sẽ phải bỏ ra nhiều công sức để sắp xếp, tổ chức dạy học hơn.
Một số phòng học của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum đã xuống cấp. Ảnh: NVCC
"Một trong những cái khó của giáo viên vùng cao là việc bất đồng ngôn ngữ. Học sinh ở trường hầu hết là dân tộc Mảng, các em học sinh lớp 1, lớp 2 còn nhỏ nên chưa được tiếp xúc nhiều với tiếng phổ thông. Chính vì vậy, nhiệm vụ của giáo viên nhiều hơn, vừa dạy kiến thức vừa phổ biến tiếng phổ thông cho các em làm quen dần", thầy Nhiệt chia sẻ.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum có 1 điểm trường chính và 6 điểm trường lẻ. Có 2 điểm trường lẻ xa trung tâm đó là điểm trường Nậm Tảng cách trung tâm 75km và điểm trường Nậm Cười cách 50-60km. Hiện tại, nhà trường đã tiến hành đưa hết học sinh về điểm trường chính để các em được hưởng cơ sở vật chất đầy đủ và tốt hơn. Tuy nhiên, ngay ở điểm trường chính nhà trường cũng vô cùng thiếu thốn, vì vậy, thầy Nhiệt hi vọng các cấp chính quyền đầu tư hơn đến các trường vùng cao, bổ sung kịp thời các trang thiết bị cơ bản đặc biệt là máy tính để các em được thực hành, vận dụng.
Mòn mỏi chờ cấp trang thiết bị dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới
Cùng những trăn trở về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, thầy giáo Đinh Ngọc Linh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Thu Lũm (Lai Châu) cho biết, hiện tại, trường đang chờ Phòng Giáo dục và Đào tạo mua, cấp trang thiết bị dạy học mới đối với lớp 7.
Trong lúc chờ được cấp mới, nhà trường phải sử dụng các trang thiết bị cũ của chương trình giáo dục phổ thông 2006 và giảng dạy cho học sinh thông qua tranh, ảnh hoặc mô phỏng bằng video, clip. Ngoài ra, trường cũng khuyến khích giáo viên bộ môn tự sáng chế, làm thêm các trang thiết bị cơ bản phục vụ việc dạy của mình.
Khi triển khai chương trình mới, sẽ có những trang thiết bị cũ không dùng đến và không còn phù hợp, nhà trường sẽ làm đơn đề nghị để thanh lý tránh lãng phí.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Thu Lũm đang có 10 máy tính, thiếu khoảng 15 máy so với yêu cầu, vì vậy trong các tiết Tin học, giáo viên phải sắp xếp 2-3 học sinh/máy.
Theo thầy Linh, ngoài thiếu thốn về trang thiết bị dạy học, khó khăn lớn nhất hiện nay của nhà trường là cơ sở vật chất cho các em học sinh ăn, ở bán trú.
Năm nay, khu bán trú của nhà trường được tiến hành đầu tư xây mới 12 phòng ở bán trú. Trong lúc chờ đợi dự án hoàn thành, trường đã sắp xếp, bố trí một số lớp học đã xuống cấp không dùng đến làm phòng ở bán trú cho các em. Nhà trường có 218 học sinh, 166 em ở bán trú, bình quân 30 em/phòng rất chật chội, khó khăn cho việc sinh hoạt hàng ngày. Dự kiến phải đến năm học sau các em học sinh mới được ở trong khu bán trú mới.
Về giáo viên, so với số biên chế lớp học theo quy định, trường vẫn đang thiếu 3 giáo viên, trong đó thiếu 1 giáo viên Ngữ văn; 1 giáo viên Toán - Lý; 1 giáo viên tiếng Anh. Để khắc phục nhà trường sắp xếp, bố trí cho giáo viên dạy thêm giờ, thêm tiết và chi trả đầy đủ công dạy thêm giờ cho giáo viên.
"Sau thời gian triển khai giảng dạy chương trình mới đối với lớp 6 và lớp 7, tôi thấy nội dung, kiến thức của chương trình thiết thực hơn, thu gọn và giảm tải khá nhiều so với chương trình cũ.
Tuy nhiên, để chương trình phát huy được tối đa những ưu điểm, tôi mong rằng các bộ, ban, ngành sẽ đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, cung cấp đầy đủ về trang thiết bị phục vụ dạy học", thầy Linh bày tỏ.
Những người thầy dành cả thanh xuân 'gieo chữ' vùng cao Dẫu cung đường khó khăn gập ghềnh nhưng ở miền biên viễn Cao Bằng vẫn có những thầy cô giáo tình nguyện dành cả thanh xuân cho những đứa trẻ vùng cao, đóng góp cho 'sự nghiệp trồng người'. Có đến tận nơi vùng xa xôi của huyện miền núi Bảo Lâm (Cao Bằng) mới cảm nhận được hết sự khó khăn, vất...