Đỗ ĐH Ngoại thương sau khi rời quân ngũ
Dành thời gian đọc sách sau giờ huấn luyện, thức khuya ôn bài khi tan ca gác, nhiều chiến sĩ đã thi đỗ đại học, là sinh viên giỏi giang và có công việc ổn định sau khi rời quân ngũ.
Rời quân ngũ đã 13 năm, anh Hà Tuấn Anh (Đống Đa, Hà Nội) vẫn không quên được những ngày phục vụ trong quân đội. Thi rớt đại học năm 1998, anh tình nguyện đi bộ đội trong khi nhiều bạn bè tìm mọi cách để trốn nhập ngũ. “Có bạn được bố mẹ bỏ tiền chạy chọt, có bạn đi học tạm một trường trung cấp để không phải tòng quân”, Tuấn Anh kể.
Hà Tuấn Anh (ngoài cùng bên phải) nhỏ thó khi tình nguyện nhập ngũ.
Ngày nhập ngũ, đeo balô bước lên xe, Tuấn Anh bị cán bộ đuổi xuống. Dáng nhỏ bé, cân nặng chỉ 48 kg, Tuấn Anh bị cán bộ nhầm tưởng là em trai đi tiễn anh. Anh phải đọc đúng tên tuổi và giải thích rõ là “em tình nguyện đi” để cán bộ tra lại danh sách.
Ba tháng huấn luyện tân binh, phải tập luyện vất vả ở thao trường, thức dậy sẵn sàng chiến đấu giữa đêm khuya khi có báo động, chàng trai Hà thành thấm mệt. Nhưng Tuấn Anh tâm niệm phải cố gắng vượt qua vì tất cả những gì anh nếm trải chưa là gì so với thực tế chiến tranh khốc liệt mà cha anh từng trải qua.
Đến đơn vị với một thùng sách nhưng suốt những tháng đầu Tuấn Anh không thể đụng đến vì bận rộn tập luyện. Vượt qua kỳ huấn luyện tân binh, từ một chàng trai ốm yếu, Tuấn Anh đã tăng hai cân, thấy người khỏe khoắn, dẻo dai. Có bạn trong đơn vị Tuấn Anh tăng được 8 kg sau ba tháng.
“Huấn luyện xong mình được chuyển về trung đội thông tin, Tiểu đoàn bộ binh 5, trung đoàn 692, Sư đoàn 301, Quân khu thủ đô. Tại đây, công việc của mình là dịch các mật mã và thi thoảng ra thao trường rải các đoạn dây liên lạc. Thời gian rảnh nhiều hơn và mình bắt đầu lấy sách ra học”, Tuấn Anh kể.
Trần Lê Thanh Tuấn trưởng thành từ môi trường quân đội.
Video đang HOT
Được một thời gian, Tuấn Anh chuyển sang Sư đoàn 301 làm nhiệm vụ gác kho quân khí và ở đây anh có nhiều thời gian để học bài. Theo quy định, 21h30 chiến sĩ phải tắt đèn đi ngủ, nhưng ai muốn đọc sách, ôn bài có thể ra ngồi dưới bóng điện cao áp của đơn vị để học. Có nhiều hôm, Tuấn Anh mải mê học đến 24h đêm mới đi ngủ.
Thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, Tuấn Anh thi đỗ vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với điểm số cao. Anh còn được phường mời về làm công tác Đoàn nhưng phải từ chối vì không sắp xếp được thời gian.
“Ở quân ngũ, mọi người sống tình cảm như anh em một nhà, người lớn chỉ bảo cho người ít tuổi, thủ trưởng cũng luôn tạo điều kiện để các chiến sĩ học tập. Tôi đã trưởng thành từ quân đội, chín chắn, từ tốn và kỷ luật hơn”, Tuấn Anh nói. Anh cho hay kiến thức trong quân ngũ anh còn nắm rõ và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi tổ quốc cần. Hiện anh là nhân viên xuất sắc của công ty ở Hà Nội.
Cũng tình nguyện đi bộ đội, Trần Lê Thanh Tuấn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) trải qua ba tháng huấn luyện tân binh, rồi được lựa chọn đi học Tiểu đội trưởng thông tin. Ra trường, anh được điều về Trung đoàn 703, Lữ đoàn 241, Bộ tham mưu Quân đoàn 1. Làm tốt nhiệm vụ được giao, Thanh Tuấn còn tranh thủ học kiến thức văn hóa, ôn luyện để thi đại học với mong muốn phục vụ lâu dài trong quân đội.
Đúng thời điểm này, Quân đoàn 1 có lớp ôn thi đại học dành cho chiến sĩ, Tuấn đã đăng ký tham gia. Với ước mơ làm sĩ quan chính trị, Tuấn tranh thủ thời gian rảnh, học bất cứ lúc nào có thể. Năm 2006, anh đỗ ĐH Chính trị (Bắc Ninh) với 24 điểm. Với kết quả thi đầu vào cao, Tuấn là một trong năm sinh viên được lựa chọn, gửi sang Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, học để về phục vụ quân đội.
Dương Thành Long đỗ ĐH Ngoại thương và trở thành người quản lý một công ty xây dựng sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở Vùng 4 Hải quân.
Với tính kỷ luật, sự kiên trì và quyết tâm thực hiện ước mơ, Thanh Tuấn đã hoàn thành khóa học với kết quả tốt. Anh được thành viên lớp Báo in 26 quý mến gọi là chú bộ đội, là anh cả luôn đưa ra lời khuyên cho các em.
“Tốt nghiệp lớp báo, mình về làm việc tại Trung tâm Phát thanh Truyền hình quân đội. Cho đến bây giờ mình vẫn tự hào vì được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, nơi cho mình nhiều bài học về lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ quê hương. Mình đã học được không chỉ là ý chí vượt qua mọi khó khăn mà còn là kiến thức văn hóa, xã hội, ứng xử… của người lính cụ Hồ”, Thanh Tuấn tâm sự.
Không giống Tuấn Anh và Thanh Tuấn là lính bộ binh, anh Dương Thành Long (TP HCM) nguyên là lính Hải quân thuộc Tiểu đoàn 452, Lữ đoàn 957, vùng 4 Hải quân. Có chút hoang mang khi tòng quân, nhưng Long không mất nhiều thời gian để làm quen với cuộc sống của người lính.
Những đêm thức canh biển, dõi đôi mắt hướng về biển Đông… đã giúp Long củng cố thêm lòng yêu nước, yêu biển đảo, quyết tâm bảo vệ quê hương. Chàng trai đã một lần gục ngã trước cổng trường đại học đã lấy lại được nghị lực, cố gắng thực hiện ước mơ.
Vượt qua kỳ thi sát hạch của đơn vị, Long được dự lớp ôn thi đại học do quân đoàn tổ chức. Sau mỗi ngày làm nhiệm vụ, Long lại cầm sách ôn bài. Sự cố gắng của chiến sĩ trẻ được đền đáp khi năm cuối cùng ở quân ngũ, Long thi đỗ cả hai trường đại học, với 25 điểm ĐH Ngoại thương và 30 điểm một trường đại học danh tiếng khác.
Với ước mơ trở thành nhà kinh tế, Long đã chọn ĐH Ngoại thương. “Hiện mình làm quản lý cho một công ty xây dựng, nhiều lúc cũng thấy mệt mỏi, nhưng những ngày tháng ở quân ngũ đã giúp mình có được bản lĩnh không đầu hàng trước số phận và có sự kiên cường để vượt qua khó khăn”, Long cho hay.
Theo VNE
Nhập học khi có giấy báo nhập ngũ - Liệu có kẽ hở?
Sau khi đăng bài "Trúng tuyển ĐH vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự", Dân trí đã nhận được hàng nghìn ý kiến của độc giả đồng tình. Tuy nhiên, có không ít ý kiến bày tỏ sự lo lắng tình trạng lợi dụng kẽ hở để không chấp hành.
Thanh niên Thủ đô phấn khởi thực hiện nghĩa vụ quân sự. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Lợi dụng kẽ hở để không chấp hành?
Nhiều độc giả, trong đó có cả những người trẻ cho rằng họ sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc nếu quy định này được áp dụng công bằng triệt để với tất cả mọi người, bất kể người đỗ hay không đỗ đại học, bất kể là con nông dân hay con quan chức. Bạn đọc cho rằng, nếu thực hiện thì cần làm một cách rõ ràng minh bạch, để tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở để không chấp hành. Nghĩa là không có việc "đã hoàn thành thủ tục nhập học mới nhận được lệnh gọi nhập ngũ thì được tạm hoãn", mà tất cả nam công dân đủ sức khoẻ sẽ phải lên đường nhập ngũ. Đại học chỉ tuyển các SV đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS).
Trao đổi với Dân trí, Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng - Bộ GD-ĐT cho biết: "Thông tư 13 thể hiện rõ sự công bằng nghĩa vụ và quyền lợi của công dân là như nhau, không kể giàu nghèo, việc quản lý công dân thông qua chính quyền xã, huyện, cơ sở đào tạo, các cơ quan quân đội... Trong thông tư 13 không nói con nhà giàu được miễn, nếu không tự giác chấp hành con nhà nghèo cũng tìm cách trốn tránh NVQS như con nhà giàu, do đó có cơ chế tốt thì ở mọi khâu chọn người thực hiện thông tư cũng phải là những người trung, liêm thực thi nhiệm vụ công khai, minh bạch... thì sự công bằng sẽ tốt hơn".
Công dân trúng tuyển NVQS như Thông tư 13 qui định là hợp lý, có người thực hiện NVQS xong mới học, có người học xong mới nhập ngũ, như thế họ đều thực hiện NVQS chỉ có trước hay sau thôi, và những năm sau, chất lượng tuyển quân sẽ cao hơn năm trước.
Độc giả cũng nêu ra một tình trạng có thể nảy sinh nếu thực hiện quy định mới này một cách nghiêm túc như sẽ xuất hiện tình huống các trường ĐH, CĐ trong 2 năm 2013 - 2014 chỉ tuyển được toàn nữ SV và các nam SV không đủ sức khoẻ nhập ngũ. Sau 4 - 6 năm sau (2017-2019) sẽ xuất hiện tình trạng thiếu nguồn nhân lực cho sản xuất có trình độ cử nhân, kỹ sư hay sau năm thứ 6 sẽ không có bác sĩ nam ra trường.
Về vấn đề này, Đại tá Minh cho rằng: "Nếu không đủ sức khỏe thì việc học tập cũng không thể tốt, thực tế tỷ lệ tốt nghiệp đại học của Việt Nam hiện nay cao hơn các nước trong khu vực, do đó không có chuyện ảnh hưởng đến nguồn lực quốc gia mà sẽ phát triển cân đối, bền vững hơn".
Không thể rút ngắn thời gian thực hiện NVQS
Nhiều độc giả cho rằng, hiện nay nên rút ngắn thời gian quân ngũ là những trường hợp đã làm thủ tục nhập học nhưng chưa học thì thời gian trong quân ngũ là 1 năm, các trường hợp khác là 18 tháng như bình thường. Độc giả đề xuất Bộ GD-ĐT nên rút ngắn chương trình học, bỏ qua các môn quốc phòng đối với các trường hợp đã qua quân ngũ. Quan trọng hơn nữa là nên bố trí thời gian nhập ngũ, giải ngũ để mọi công dân có thể trở lại học và ôn thi đại học kịp thời sau khi hoàn thành nghĩa vụ.
Đại tá Minh khẳng định: Không thể rút ngắn hay kéo dài thời hạn phục vụ vì đây chúng ta đang bàn thực hiện Luật. Công dân đã thực hiện NVQS sau đó đi học được miễn không phải học các môn học GDQP an ninh chung vì đã được học kỹ trong quân đội rồi.
Về trường hợp, mà nhiều độc giả quan tâm là thí sinh nhận giấy báo trúng tuyển vào ngày 10/8 mà giấy báo nhập ngũ vào 12/8 thì thực hiện nhiệm vụ nào trước? Đại tá Minh cho biết, giấy báo nhập học 10/8, lệnh nhập ngũ 12/8 theo Thông tư 13 công dân được miễn, nhưng nếu công dân chọn việc nhập ngũ trước cũng tốt, họ có quyền lựa chọn, thậm chí lệnh gọi sau đó nhiều ngày vì họ được bảo lưu kết quả học tập. Trong chiến tranh nhiều SV viết đơn bằng máu xin nhập ngũ, không đủ cân thì thủ gạch trong túi..., chưa đủ tuổi thì khai tăng tuổi... Do đó nhiều người nhận lệnh nhập ngũ sau vẫn tự nguyện thực hiện NVQS.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Nụ cười, nước mắt tiễn các tân binh đi bộ đội Sáng nay 26/2, 500 thanh niên của các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) háo hức lên đường nhập ngũ. Lễ giao quân có nước mắt bịn rịn xen lẫn nụ cười háo hức. 500 thanh niên TP Đà Nẵng lên đường nhập ngũ Sáng sớm 26/2, tại các điểm giao quân của các quận đã...