Định hướng cho con vào đời
Sau kỳ tuyển sinh vào các trường đại học, có nhiều thí sinh không thể thực hiện ước mơ được ngồi trên ghế giảng đường. Song, đại học không phải cánh cửa duy nhất để vào đời. Nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến về việc định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ.
Giải tỏa áp lực sau mùa thi
Trong mùa thi, có nhiều phụ huynh bắt con mình học ngày học đêm, không giao lưu với bạn bè, tịch thu điện thoại, cấm túc; thậm chí là không được xem ti vi, không được lên mạng, không được vui chơi trò chuyện cùng bạn. Với những áp lực như thế dẫn đến tâm lý con cái rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng vì sợ bị điểm thi kém, không vào được trường đại học như cha mẹ mong muốn, dẫn đến hậu quả bị trầm cảm.
Tất nhiên ai không mong muốn con mình đỗ đạt, nhưng không phải vì thế mà gây quá nhiều áp lực cho con cái. Con đường vào đời không phải lúc nào cũng trải thảm đỏ mà có khi gập ghềnh, trắc trở. Khi con không thể vào đại học, thay vì mắng nhiếc, gây áp lực cho con, hãy là một người bạn thực sự của con, để hiểu được con đang muốn gì, nghĩ gì và cần gì, từ đó sát cánh cùng con, giúp con giải tỏa căng thẳng.
Nên ân cần định hướng cho con vào đời, học nghề, chọn nghề hợp với năng lực và ý thích của con. Khi cha mẹ thể hiện vai trò là người bạn lớn tuyệt vời như thế, con sẽ thoải mái, tự tin trong mọi hoàn cảnh.
NGUYỄN HOÀNG DUY (quận 5, TPHCM)
Tạo điều kiện để con độc lập suy nghĩ
Trong mong mỏi của không ít phụ huynh, con cái họ phải học giỏi, phải vào đại học, nếu không trở thành “ông nọ, bà kia” thì cũng được làm công việc văn phòng, chứ không phải lao động chân tay nhọc nhằn, vất vả. Cha mẹ nào mà chẳng mong con mình đỗ đạt, thành danh, tuy nhiên suy nghĩ đó có thể mắc những định kiến, thậm chí là sai lầm.
Việc xem thường lao động chân tay là một điều rất không nên. Xã hội dù phát triển đến đâu vẫn có người lao động trí óc và lao động chân tay, chỉ khác là với tiến bộ khoa học người làm công việc chân tay sẽ đỡ vất vả hơn, có nhiều công cụ, phương tiện hỗ trợ hơn. Người làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào mà đem lại những điều tốt đẹp cho bản thân và xã hội thì cũng đều cao quý, đáng trân trọng.
Ngày hội tuyển dụng việc làm tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM. Ảnh: S.A.C
Video đang HOT
Khi cha mẹ không quan tâm đến nhu cầu, sở thích, khả năng và điều kiện cụ thể của con mà định hướng quá chặt chẽ, cụ thể thì với những trẻ thiếu sự chủ động, độc lập, điều đó trở thành áp đặt. Hiện nay có nhiều học sinh tốt nghiệp trung học vẫn chưa xác định được nguyện vọng, sở thích, thậm chí không có mơ ước, một phần cũng do cha mẹ không tạo điều kiện để con độc lập suy nghĩ. Vai trò hướng nghiệp không phải chỉ của nhà trường, của xã hội mà trước hết phải là của cha mẹ.
TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)
Định hướng chứ không định đoạt
Việc phụ huynh thúc ép con chọn con đường vào đời theo ý mình sẽ làm cho con mình mất đi tinh thần tự lập, phải chấp nhận sống như một con rối theo sự điều khiển của cha mẹ. Một số trường hợp vẫn sẽ thành công và có một tương lai tốt, tuy nhiên cuộc sống sẽ không còn niềm vui khi không được thực hiện đam mê. Bên cạnh đó sẽ có không ít trường hợp tương lai rơi vào ngõ cụt khi phải đi theo con đường mình không muốn.
Xác định nghề nghiệp cũng quan trọng như việc lựa chọn bạn đời, những lựa chọn đúng đắn sẽ giúp các bạn trẻ có một tương lai tươi sáng. Vào thời điểm quan trọng này, phụ huynh nên ở bên cạnh, cho con mình những lời khuyên hữu ích, giúp con nhận ra khả năng và tìm thấy đam mê của mình. Tuy nhiên, phụ huynh nên tránh việc áp đặt mơ ước của mình lên con cái, mà nên tôn trọng, ủng hộ cho những quyết định đúng đắn của con mình. Mọi sự định đoạt áp đặt đều sẽ mang lại hậu quả không mong muốn.
NGỌC DIỆP (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)
Có nhiều lối để vào đời
Nhiều người nghĩ tấm bằng đại học sẽ là hành trang để vào đời nhàn nhã hơn, giàu có hơn, có địa vị xã hội hơn… Thật ra chưa hẳn như vậy, cũng có không ít bạn trẻ, do nhiều nguyên nhân nên đã vào đời bằng nhiều lối khác nhau. Trong số họ, có nhiều người cơ cực, vất vả kiếm sống, cũng có người qua học nghề, khởi nghiệp, chăm chỉ làm ăn đã trở nên giàu có, cuộc sống cũng đủ đầy hạnh phúc mà nhiều người học hành cao chưa chắc đã bằng họ.
“Có học có hơn”, nhưng với những người giỏi nghề, chịu khó bươn chải, chí thú làm ăn thì vẫn có thể thành công trong cuộc sống. Đó là thực tế chứ không phải chỉ là câu chuyện để an ủi, sẻ chia với những bạn trẻ vì một lý do nào đấy mà không thể đạt được ước mơ vào đời bằng con đường đại học. Đại học không phải là lối vào đời duy nhất, mà còn có muôn nẻo đường để các bạn trẻ lựa chọn tiến tới sự nghiệp, định hình tương lai. Dù với bất kỳ công việc gì đi chăng nữa, sự thành công có đến hay không thì cũng luôn cần sự nỗ lực phấn đấu của bản thân.
NGUYỄN THỊ HẢI (Đại học Văn hóa)
Theo SGGP
Bố nằm liệt giường, mẹ đau yếu, nữ sinh đậu đại học Ngoại Thương không thể đi học
"Hoàn cảnh gia đình em hiện tại rất khó khăn. Bố và mẹ lại ốm đau, bệnh tật quanh năm. Sắp đến ngày nhập học rồi nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên em đành gác lại giấc mơ".
Đó là những lời chia sẻ nghẹn lòng của nữ sinh Nguyễn Thị Hoa (SN 2001) trú ở xóm 7, xã Văn Thành, huyện Yên Thành, khi nói về giấc mơ giảng đường phía trước của em.
Bố Hoa nằm liệt giường từ nhiều năm nay. Ảnh: Đức Thành
Nguyễn Thị Hoa là con út trong gia đình có 3 anh em. May mắn hơn những người anh của mình, Hoa được bố mẹ tạo điều kiện cho ăn học đến nơi, đến chốn hơn, mặc dù hoàn cảnh gia đình em hết sức khó khăn.
Lúc chúng tôi có mặt ở gia đình, cũng vừa lúc Hoa đang chuẩn bị mớ rau mới hái xong cho bữa ăn buổi tối của gia đình. Nhìn xung quanh trong căn nhà 2 gian vừa thấp lè tè của gia đình em, không thấy có thứ gì đáng giá, phía bên góc nhà, bố em là ông Nguyễn Quế Bình (60 tuổi) đang nằm như bất động trên giường vì bạo bệnh.
Hoàn cảnh nghèo khó là vậy, nhưng với nghị lực của bản thân, Hoa đã rất nỗ lực để vươn lên trong học tập và đạt được nhiều thành tích cao. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em đã đạt được thành tích hết sức ấn tượng. Điểm xét tuyển khối D của em là 26,85 điểm (trong đó: Văn: 8,75; Tiếng Anh: 9,0; Toán: 8,6 và cộng 0,5 điểm ưu tiên). Hoa cũng là nữ sinh có điểm cao thứ 2 khối D của Trường THPT Phan Đăng Lưu. Với kết quả khá cao như vậy, Hoa đã trúng tuyển vào Đại học Ngoại Thương Hà Nội.
Dù cánh cửa giảng đường đại học đang rộng mở phía trước, nhưng Hoa lại không dám nghĩ đến, vì kinh phí để đi học quá lớn mà tới đây gia đình không biết kiếm đâu ra để cho em có thể nhập học, chứ chưa nói đến kinh phí trang trải cho những năm học sau này của em.
Cô giáo chủ nhiệm (ngồi giữa) đến động viên gia đình và em Hoa để em tiếp tục đi học. Ảnh: Đức Thành
Bà Phan Thị Liên (59 tuổi) mẹ Hoa cho biết: "Ông ấy bệnh tật mấy năm nay không làm được việc gì nên gia đình đã khó khăn lại càng thêm túng quẫn hơn. Cháu đỗ đại học điểm cao mà không được đi học".
Sau ngần ấy năm phải vất vả mưu sinh với gánh nặng "cơm áo gạo tiền", đến nay ông Bình phải mang trong mình nhiều bệnh tật như tiểu đường, bệnh thần kinh giờ chuyển sang biến chứng, nên chỉ quanh quẩn ở nhà, chứ không thể làm được việc gì.
Còn mẹ em cũng mang đủ thứ bệnh như bệnh mạch vành, khớp đa chi, gút, cao huyết áp,... nên cũng không làm được nhiều việc nặng như người khác. Mấy năm trước đây, bà Liên cũng khăn gói đi làm giúp việc cho người ta, dù có vất vả và xa nhà, nhưng đổi lại còn có đồng ra, đồng vào, vậy mà còn không đủ để lo thuốc thang cho hai vợ chồng. Nay ông Bình nằm đó, nên bà Liên lại phải về nhà chăm ông, vì thế mà khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Hoa vẫn mong muốn được đi học dù biết bố mẹ chẳng xoay đâu ra tiền cho em nhập học. Ảnh: Đức Thành
Dù biết hoàn cảnh gia đình như vậy, biết tiếp tục đi học thì gánh nặng cho cha mẹ sẽ càng lớn hơn. Nhưng Hoa vẫn luôn muốn mẹ cho đi học, bởi với em đó không chỉ là ước mơ. "Nếu được đi học em sẽ xin đi làm thêm để đỡ gánh nặng cho bố mẹ".
Chia sẻ về học trò của mình, cô Triệu Thị Nghĩa - giáo viên chủ nhiệm em Hoa cho biết: "Hoa vốn trầm tính, ở lớp em ấy là một học sinh chăm ngoan, 3 năm cấp 3 em ấy luôn là học sinh giỏi của trường...Và kết quả em ấy đạt được trong kỳ thi vừa qua là hoàn toàn xứng đáng. Mong rằng, Hoa sẽ tiếp tục được đi học để thực hiện ước mơ của mình, và chúng tôi cũng mong rằng các nhà hảo tâm sẽ chung tay giúp đỡ, để cánh cửa giảng đường của em không phải đóng lại dở chừng".
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ xin vui lòng gửi về:
* Em Nguyễn Thị Hoa - xóm 7, xã Văn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Điện thoại: 038.995.4016. Số TK: 105869968978. Ngân hàng Vietinbank - CN Yên Thành.
* Hoặc thông qua Phòng Phát hành - HĐXH, Báo Nghệ An, số 3, đường Lênin, TP. Vinh. Điện thoại: 02383.686.585
Đức Thành
Theo baonghean
Học theo định hướng ngành nghề từ lớp 10 Học theo định hướng khối thi và nghề nghiệp là cách tổ chức lớp học của một số trường THPT tại TP.HCM ngay từ năm lớp 10. Ở nhiều trường, phụ huynh và học sinh được tư vấn chọn khối học theo ngành nghề từ khi nộp hồ sơ nhập học vào lớp 10 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch Ngay từ khi học...