Định danh ví điện tử, góp phần phòng chống rửa tiền hiệu quả
Một số chuyên gia ngân hàng chia sẻ: Ví điện tử được xem là cánh tay nối dài của các loại thẻ ngân hàng tới nhiều ngõ ngách trong đời sống tiêu dùng. Nếu buông lỏng sẽ dễ dẫn đến việc bị lợi dụng cho những hoạt động phạm pháp như rửa tiền.
Thị trường ví điện tử tại Việt Nam ngày càng phát triển sôi động nhưng cũng cần hàng lang pháp lý đầy đủ để bảo mật thông tin cho người dùng . Ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức.
Theo luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, định danh ví điện tử là một trong những cách thức hiệu quả để phòng chống rửa tiền ( PCRT). Dưới góc độ chủ sở hữu ví điện tử, việc xác thực tài khoản cũng giúp họ xử lý các lỗi trong quá trình giao dịch, nhầm lẫn, tranh chấp.
Tuy nhiên, nếu quá siết chặt sẽ gây hạn chế sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) đang hoàn thiện những chính sách phù hợp nhất dành cho ví điện tử.
Trong Thông tư 23/2019/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, NHNN đã quy định về việc định danh người dùng ví điện tử tại điều 9 như sau: “Đối với cá nhân, hồ sơ ví điện tử cần có Căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi); thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh của cá nhân mở ví điện tử (đối với cá nhân là người nước ngoài)”.
Ngoài ra, người dùng cũng phải hoàn thành việc liên kết ví với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của mình trước khi sử dụng ví điện tử. NHNN cũng yêu cầu chủ ví điện tử phải cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin trong hồ sơ mở ví điện tử cho tổ chức cung ứng dịch vụ và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin mình cung cấp. Phía tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử cũng có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo hồ sơ mở ví điện tử của khách hàng là đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, điều 9.
“Cá nhân chủ sở hữu ví điện tử, việc xác thực tài khoản cũng giúp họ xử lý các lỗi trong quá trình giao dịch, tránh nhầm lẫn hay tranh chấp”, luật sư Trương Thanh Đức nói. Theo luật sư Trương Thanh Đức, tất cả các nước trên thế giới đều yêu cầu định danh với các giao dịch thanh toán. Đây là một trong những cách thức hiệu quả để PCRT. Dưới góc độ cá nhân chủ sở hữu ví điện tử, việc xác thực tài khoản cũng giúp họ xử lý các lỗi trong quá trình giao dịch, tránh nhầm lẫn hay tranh chấp.
Không chỉ quy định về xác thực hồ sơ điện tử, Thông tư 23/2019/TT-NHNN cũng quy định sau 6 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải chấm dứt cung ứng dịch vụ đối với khách hàng sử dụng ví điện tử chưa thực hiện cung cấp đủ hồ sơ theo quy định.
Video đang HOT
Thực tế, thời gian qua, một số tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) có tiếp nhận thông tin, khiếu nại liên quan đến rủi ro lừa đảo, gian lận, giả mạo gây thiệt hại về tài chính cho khách hàng, do khách hàng bị đánh cắp thông tin ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng hoặc do đối tượng lừa đảo giả mạo nhân viên của tổ chức TGTT liên hệ hỗ trợ xác thực tài khoản, xử lý giao dịch… Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin xác thực cho người khác (kể cả nhân viên của tổ chức TGTT và ngân hàng), chỉ thực hiện thao tác liên kết thông tin tài khoản ngân hàng trên website/ứng dụng chính thức của tổ chức TGTT.
Các chuyên gia ngân hàng cho rằng: Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, thanh toán qua thiết bị di động đang trở thành xu hướng, Ví điện tử là tiện ích cần thiết cho người tiêu dùng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Để tạo niềm tin cho khách hàng, bảo mật là vấn đề cốt tử. Nếu bảo mật một lớp, các ví nên yêu cầu xác thực bằng vân tay, khuôn mặt, mống mắt…bởi như vậy sẽ an toàn hơn mật khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng gia tăng nên áp dụng xác thực hai lớp.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Thời gian qua đã có một số trường hợp người sử dụng ví điện tử bị lộ thông tin và ảnh hưởng đến an toàn. Qua nghiên cứu thấy rằng, với những tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ, cần phải làm rõ kê khai xác minh danh tính. “Chúng tôi khẳng định các tổ chức có chức năng TGTT phải có trách nhiệm bảo toàn thông tin thanh toán cho khách hàng. Chúng tôi khuyến cáo người dân sử dụng dịch vụ này không nên cung cấp hoặc để lộ, lọt thông tin của mình cho những người không tin tưởng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
NHNN đã cấp phép cho 37 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gina thanh toán (TGTT), phần lớn các đơn vị này cung cấp dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ chi hộ, chuyển tiền điện tử…(trong đó có 33 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử).
Ai quản dòng tiền trong Mobile Money?
Số tiền hàng ngàn tỷ đồng và có khả năng lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng trong tài khoản Mobile Money của khách hàng do ai quản lý? Nhà mạng có thể sử dụng để kinh doanh, đầu tư?
Hiện NHNN vẫn chưa công bố chi tiết Dự thảo Đề án Mobile Money, song nhiều chuyên gia dự đoán, cơ quan quản lý sẽ buộc nhà mạng tách bạch tài khoản viễn thông và tài khoản Mobile Money.
Quản lý dòng tiền là vấn đề nóng nhất
Đang nằm trên bàn của Thủ tướng Chính phủ, Đề án Mobile Money không chỉ được các nhà mạng, mà cả giới công nghệ háo hức mong chờ, lẫn tò mò, lo lắng. Mong nhất là giới công nghệ và người dùng; còn tò mò, lo lắng là các đối thủ cạnh tranh.
Hiện cả nước có 125,5 triệu thuê bao di động, nếu 30% số thuê bao này sử dụng dịch vụ Mobile Money và chi tiêu 10 triệu đồng/tháng (hạn mức tối đa dự kiến), thì dòng tiền chảy qua Mobile Money lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng/tháng. Còn nếu mỗi chủ tài khoản chỉ chi tiêu 100.000 đồng/tháng, con số này cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Sự khác biệt của Mobile Money với ví điện tử là không liên kết với tài khoản ngân hàng, mà chỉ cần tài khoản viễn thông. Nếu vậy, ai sẽ quản lý số tiền này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, phía ngân hàng vẫn cần quản lý dòng tiền này, để đảm bảo các nhà mạng không sử dụng đầu tư, kinh doanh, chỉ phục vụ nhu cầu thanh toán, chuyển tiền của khách hàng. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát để dòng tiền từ Mobile Money không chảy vào các kênh phạm pháp như đánh bạc, rửa tiền, buôn lậu...
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) nêu quan điểm: "Công ty viễn thông định danh khách hàng thì dòng tiền trong Mobile Money cũng nên có cơ chế giám sát và để các công ty này tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Hiện NHNN vẫn chưa công bố chi tiết Dự thảo Đề án Mobile Money, song nhiều chuyên gia dự đoán, cơ quan quản lý sẽ buộc nhà mạng tách bạch tài khoản viễn thông và tài khoản Mobile Money. Nói nôm na, tài khoản viễn thông trước đây giống như cái ví có một ngăn (thanh toán cước dịch vụ viễn thông), thì nay giống ví hai ngăn - thêm một ngăn nữa đựng tiền thanh toán, chuyển khoản.
Với số tiền của khách hàng nạp vào tài khoản Mobile Money để chờ thanh toán, nhà mạng cũng không thể lấy ra để kinh doanh. Ông Lê Đình Ngọc, đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) khẳng định, với số tiền của khách hàng đưa vào tài khoản Moblie Money, nhà mạng bắt buộc phải chuyển 100% sang ngân hàng để ký quỹ theo tỷ lệ 1:1 nhằm đảm bảo khả năng thanh toán, chỉ được sử dụng vào mục đích thanh toán, chuyển khoản của khách hàng.
Không có chuyện nhà mạng sau một đêm trở thành ngân hàng
Nếu Mobile Money được cấp phép, chỉ sau một đêm, hàng chục triệu thuê bao di động có thể dễ dàng thanh toán, chuyển khoản các giao dịch giá trị nhỏ, mà không cần tài khoản ngân hàng - điều chưa từng xảy ra - được kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, không có nghĩa, điều này khiến nhà mạng giống như ngân hàng.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khẳng định, cũng giống như ở nhiều quốc gia trên thế giới, Mobile Money ở nước ta sẽ chỉ được phục vụ nhu cầu thanh toán và chuyển tiền các món có giá trị nhỏ.
Như vậy, hai chức năng quan trọng nhất của ngân hàng là huy động và cho vay, Mobile Money không hề động tới. Ngoài ra, do nhắm vào phân khúc giao dịch giá trị nhỏ, sự tham gia của Mobile Money cũng không cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng, thậm chí sự xuất hiện của loại hình này còn thúc đẩy thói quen thanh toán trực tuyến, tác động tích cực tới thị trường, khiến ngân hàng hưởng lợi. Với ví điện tử, sự tác động của Mobile Money là khá lớn. Tuy nhiên, mức độ tác động còn phải tùy thuộc vào sự phát triển của dịch vụ này, cũng như hệ sinh thái đi kèm.
Theo quy định của NHNN, hiện tại, giao dịch qua ví điện tử bị giới hạn 100 triệu đồng/tháng, qua Mobile Money 10 triệu đồng/tháng (dự kiến). Như vậy, phân khúc khách hàng của hai loại dịch vụ này là khác nhau, mức độ cạnh tranh còn tùy thuộc vào sự lớn mạnh của hệ sinh thái hai bên.
Thách thức trước mắt của các nhà mạng là phải thuyết phục khách hàng sử dụng Mobile Money như một thói quen hàng ngày, thay thế việc sử dụng tiền mặt. Để làm được điều này, nhà mạng chắc chắn phải duy trì kinh phí khổng lồ để khuyến mãi, thay đổi thói quen người dùng.
Bên cạnh đó, đúng như cảnh báo của các chuyên gia, những rủi ro về bảo mật, gian lận, rửa tiền, đánh bạc... luôn rình rập nhà mạng. Chỉ cần hacker thêm vào mỗi tài khoản một số 0 (tức nhân 10 lần giá trị tài khoản người dùng), các nhà mạng lập tức đứng trước nguy cơ phá sản.
Trường hợp khác, nếu tội phạm sử dụng mạng lưới đại lý ngân hàng, Mobile Money để đánh bạc, rửa tiền, gian lận..., cũng gây ra rủi ro không nhỏ cho nhà mạng. Thực tế, đầu tháng 5/2020, Bộ Công an phát hiện đường dây đánh bạc 20.000 tỷ đồng có sử dụng thẻ cào điện thoại. Trước đó, năm 2017, một đường dây đánh bạc 10.000 tỷ đồng có sử dụng thẻ cào điện thoại cũng bị phanh phui.
Các phương thức thanh toán hiện nay bao gồm 3 nền tảng chính là: ví điện tử; ứng dụng ngân hàng số, thẻ ngân hàng và Mobile Money. Trong đó, Mobile Money hứa hẹn sẽ trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi.
Tuy vậy, cả 3 phương thức thanh toán trên đều tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể, hạn chế của ví điện tử là phải liên kế với tài khoản ngân hàng. Hạn chế của thẻ ngân hàng là phải có thẻ vật lý và hệ thống POS mới thanh toán được, ứng dụng ngân hàng cũng khá phức tạp để sử dụng và mới chỉ 30% dân số tiếp cận dịch vụ này. Mobile Money lại phức tạp về quản lý dòng tiền...
Chưa phát hiện rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm Bộ Tài chính đã đưa nội dung thanh tra công tác phòng, chống rửa tiền (PCRT) và chống tài trợ khủng bố theo yêu cầu vào đề cương kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhưng đến nay, chưa phát hiện sai phạm liên quan đến lĩnh vực này. Các DNBH là đối tượng báo cáo theo quy định của...