Điều ít biết về quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa được ông Trump chỉ định
Ông Christopher Miller từng là cựu sỹ quan của Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ, có hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm dày dặn trong các hoạt động chống khủng bố cùng nhiều hoạt động đặc biệt khác.
Sau khi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Tổng thống Trump thông báo chỉ định ông Christopher Miller, Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia (NCTC) trở thành người đứng đầu cơ quan này trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của ông.
Ông Christopher Miller. Ảnh: CNN.
“Tôi rất vui mừng thông báo rằng, ông Christopher Miller, vị giám đốc nhận được nhiều sự tôn trọng ở Trung tâm chống khủng bố quốc gia sẽ là quyền Bộ trưởng Quốc phòng và tuyên bố này có hiệu lực ngay lập tức”. Ông Trump bày tỏ tin tưởng Christopher Miller sẽ thực hiện tốt công việc được giao.
Theo CNN, ông Christopher Miller từng là cựu sỹ quan của Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ, có hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm dày dặn trong các hoạt động chống khủng bố cùng nhiều hoạt động đặc biệt khác. Ông Miller có bằng cử nhân lịch sử tại Đại học George Washington năm 1987 và bằng thạc sĩ về nghiên cứu an ninh quốc gia tại trường Đại học Chiến tranh Hải quân. Ông đã kết hôn và có 3 người con, hiện đang sinh sống tại Virginia.
Ngay sau khi tiếp quản Bộ Quốc phòng vào hôm qua (9/11), ông Miller đã gặp Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley và các nhân vật cấp cao khác để đưa ra những chỉ dẫn ban đầu, đồng thời nhấn mạnh “sẽ không có sự thay đổi lớn nào vào thời điểm này”, CNN dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao cho biết.
Theo nguồn tin trên, ông Miller dành những giờ đầu tiên tại Bộ Quốc phòng để tiếp nhận thông tin quan trọng về các vấn đề như mã hạt nhân hay các hoạt động quân sự trên khắp thế giới. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng gặp Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Jim Inhofe. Tại cuộc gặp, Thượng nghị sỹ Jim Inhofe nói rằng, ông rất mong được làm việc với ông Miller để giúp “duy trì sự ổn định tại Lầu Năm Góc”.
Ông Christopher Miller cũng tổ chức một hội thảo trực tuyến với các chỉ huy liên quân và chỉ huy lực lượng chiến đấu của Mỹ trên toàn thế giới. Những quan chức này sẽ điện đàm cho người đồng cấp của họ ở các nước khác để cam kết rằng sứ mệnh quân sự của Mỹ sẽ được tiếp tục, đồng thời nhấn mạnh Bộ Quốc phòng Mỹ đang duy trì sự ổn định trên toàn cầu.
“Một chuyên gia giỏi và có năng lực”
Video đang HOT
Christopher Miller trở thành Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia (NCTC) vào tháng 8/2020 sau khi được Thượng viện phê chuẩn. Trước khi giữ cương vị này, ông Miller đã làm việc tại Bộ Quốc phòng với tư cách là phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách các chiến dịch đặc biệt và chiến dịch chống khủng bố.
Christopher Miller từng làm việc trong Nhà Trắng từ năm 2018 đến 2019, giữ vai trò trợ lý đặc biệt của Tổng thống Trump và giám đốc cấp cao phụ trách chống khủng bố cùng các mối đe dọa xuyên quốc gia tại Hội đồng An ninh Quốc gia.
Nhiều quan chức Mỹ cho biết, ông Miller là nhân vật dẫn đầu trong chính sách chống Iran và lực lượng Hezbollah của chính quyền ông Trump cùng các nỗ lực chống khủng bố trong cuộc chiến tại Syria, Iraq.
Một số quan chức nói với CNN rằng, khi ông Trump tuyên bố ý định đột ngột rút quân ra khỏi Syria trước khi đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ông Miller đã bày tỏ sự lo ngại về quyết định này, lưu ý rằng, Các Lực lượng dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo có thể phản ứng dữ dội. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là James Mattis đã đệ đơn từ chức vì có chung lo ngại vừa nêu.
Trước khi làm việc trong Nhà Trắng, ông Miller phục vụ trong quân đội 27 năm, từ một người lính nhập ngũ, ông trở thành sỹ quan của Lực lượng đặc nhiệm, được điều động đến Afghanistan và Iraq trong những ngày đầu Mỹ can thiệp quân sự. Năm 2014, ông Miller rời khỏi quân đội nhưng vẫn làm việc trong Bộ Quốc phòng với vai trò là nhà thầu quốc phòng có nhiệm vụ cung cấp chuyên môn về tình báo và các hoạt động đặc biệt cho cơ quan này.
Mick Mulroy, một cựu sĩ quan CIA nhận xét: “Ông ấy là một chuyên gia giỏi, rất có năng lực và cống hiến nhiều cho quốc gia. Dù được giao nhiệm vụ rất khó khăn nhưng tôi tin ông ấy sẽ hoàn thành tốt”.
Ông Miller tiếp quản Bộ Quốc phòng trong thời điểm nước Mỹ đang có nhiều biến động lớn. Tổng thống đắc cử Joe Biden đang đẩy mạnh hoạt động của nhóm chuyển tiếp. Tuy nhiên, ông Trump vẫn không chấp nhận kết quả bầu cử và từ chối thực hiện các thủ tục chuyển giao quyền lực. Miller là nhân vật thứ tư đảm nhiệm vị trí quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong nhiệm kỳ kéo dài 4 năm của Tổng thống Trump./.
Sa thải Esper, Trump có thể bắt đầu 72 ngày hỗn loạn
Sau Esper, hàng loạt quan chức cấp cao khác có thể bị Trump sa thải trước khi chuyển giao quyền lực, đẩy nước Mỹ vào thế hỗn loạn.
Chiều 9/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định sa thải "có hiệu lực ngay lập tức" với Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper bằng một bài đăng ngắn trên Twitter. "Mark Esper đã bị loại bỏ. Tôi cảm ơn sự phục vụ của ông ấy", Trump viết, trước khi thông báo rằng Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Christopher Miller sẽ trở thành quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Chris Cillizza, bình luận viên của CNN, cho rằng quyết định này của Trump không gây ra quá nhiều ngạc nhiên. Chỉ trong hai năm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có tới 4 quyền bộ trưởng, trong khi Esper đã trở thành "cái gai" trong mắt Trump nhiều tháng qua.
Esper bất đồng với Trump khi phản đối triển khai quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình bạo lực tại các thành phố lớn của Mỹ sau cái chết của George Floyd hồi tháng 5. Hôm 4/11, năm ngày trước khi Trump thông báo quyết định sa thải, Esper đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Military Times, dự đoán mình sẽ bị loại bỏ vì không "nhất nhất nghe lời" Tổng thống.
Việc sa thải Esper bình thường sẽ không quá gây chú ý.Nhưng vào lúc này, đây lại là điều rất đáng lưu ý, bởi nó đánh dấu động thái đầu tiên của Trump trong 72 ngày có thể là hỗn loạn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ hiện đại.
Trump tới nay vẫn chưa nhận thua trước Joe Biden, người được truyền thông Mỹ "xướng tên" là Tổng thống đắc cử sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Các quan chức chiến dịch hàng đầu của ông hôm 9/11 tổ chức họp toàn thể, cho rằng ông vẫn còn cơ hội trong cuộc đua. Thực tế, Tổng thống đã tuyên bố sẽ theo đuổi kiện tụng tới cùng, bởi thất bại dường như là viên thuốc quá đắng với ông.
"Thắng là điều rất dễ dàng", Trump từng nói trước nhân viên chiến dịch trong Ngày bầu cử. "Thua không bao giờ dễ dàng, nhất là với tôi".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) nhìn Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper khi ông đang phát biểu về hoạt động chống Covid-19 của lực lượng chuyên trách Nhà Trắng hôm 18/3. Ảnh: Reuters
Việc thua cuộc sẽ khiến Trump cực kỳ giận dữ, cay đắng, và có thể tìm cách báo thù, không nguyện ý làm theo những quy định truyền thống trong quá trình chuyển giao quyền lực của chính trị Mỹ, Cillizza nhận định. Điều đó có nghĩa việc sa thải Esper có thể là nước cờ đầu tiên trong vô số những hành động sắp tới của Trump từ nay tới 20/1/2021.
Trong thời gian trước bầu cử, Trump liên tục công kích Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray vì bất lực khi không thể điều tra được cáo buộc "tha hóa" trong nội bộ.
Washington Post cuối tháng 10 đưa tin Trump đang cân nhắc sa thải Wray sau bầu cử, động thái cũng làm gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Bộ trưởng Tư pháp William Barr, một người trung thành với Trump nhưng đã để mất sự ưu ái khi trì hoãn điều tra sai sót trong công tác phản gián của FBI mùa bầu cử năm 2016. Trang tin Axios hồi cuối tháng 10 cũng đưa tin Trump có thể sa thải Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Gina Haspel.
Việc loại bỏ những người đứng đầu Bộ Quốc phòng, CIA và FBI, thậm chí có khả năng là Bộ Tư pháp, có thể chỉ là bước khởi đầu trong một loạt cuộc "thanh lọc" toàn chính phủ những người được cho là không đủ trung thành với Trump.
"John McEntee, giám đốc Phòng Nhân sự Tổng thống Nhà Trắng, đang lan truyền thông tin rằng nếu ông nghe thấy bất kỳ ai đang có ý định tìm việc khác, họ sẽ bị sa thải", CNN dẫn lời một quan chức cấp cao cho hay.
Sau các quyết định sa thải nhân sự, Trump có thể tung ra hàng loạt lệnh ân xá và giảm án. "Dù thắng hay thua, Tổng thống Trump cũng có thể tìm cách ân xá cho các thành viên trong gia đình, quan chức trong chính quyền của ông và có thể là bản thân ông nữa, như Gerald Ford đã làm với Richard Nixon, trước khi bất kỳ ai đó trong số họ có thể bị luận tội", Mark Osler, giáo sư luật Đại học St. Thomas, từng nêu ý kiến hồi cuối tháng 10.
Khả năng xảy ra điều này rất cao, bởi Trump từng giảm án cho thân tín chính trị lâu năm của mình như Roger Stone hồi tháng 7, hay cựu thống đốc Illinois Rod Blagojevich và cựu cảnh sát trưởng hạt Maricopa Joe Arpaio.
Sau đó, Tổng thống có thể sẽ tiến hành hàng loạt động thái khác thông qua các sắc lệnh hành pháp hay thay đổi quy định của cơ quan chính phủ. Tác động của những quyết định này có thể không được nhận ra cho tới khi Trump chính thức mãn nhiệm vào trưa 20/1/2021.
Cillizza cho rằng trong 4 năm qua, Trump đã biến các vị trí trong nội các của mình thành phần thưởng để ban phát cho bạn bè và những người trung thành, đồng thời trừng phạt "kẻ thù". Ông nhiều khả năng sẽ tiếp tục làm như vậy trong 10 tuần tới, nếu nhận rõ rằng mình không có khả năng giành được nhiệm kỳ thứ hai.
"Một tổng thống giận dữ nắm trong tay nhiều quyền lực và không biết chùn tay khi sử dụng nó là điều hết sức đáng sợ", Cillizza kết luận.
Vì sao Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngay sau khi thất cử? Vụ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper bị sa thải ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao ông Trump lại làm như vậy. "Tôi vui mừng thông báo rằng Christopher C. Miller, Giám đốc rất đáng kính của Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia sẽ là Quyền Bộ trưởng Quốc phòng,...