Điều hành công ty như Michael Dell: Sáp nhập, thâu tóm liên miên, chật vật để “cân bằng văn hoá”
Phóng viên chuyên trang công nghệ ZDNet có dịp phỏng vấn CEO của Dell, ông Michael Dell, tại hội nghị Dell Technologies World và thảo luận về những chiến lược mà công ty này đã áp dụng nhằm tạo ra sự liên kết trong văn hoá doanh nghiệp của gã khổng lồ công nghệ này.
Mục tiêu của hội nghị Dell Technologies World diễn ra tại Las Vegas tuần qua tập trung vào những cách thức mà các thương hiệu của Dell Technologies có thể “hoà hợp” với nhau, và không có bất kỳ thương hiệu nào mà tập đoàn này mới “thâu tóm” bị tách rời khỏi chiến lược chung của công ty. Đây là một nét thú vị trong văn hoá doanh nghiệp của công ty này rất đáng để học hỏi.
Toàn bộ bảy thương hiệu trực thuộc Dell đều được bố trí một cách hợp lý và có chiến lược, thậm chí vẫn còn “dư chỗ” cho những mối quan hệ hợp tác làm ăn với những đối tác khác như Microsoft.
Mặc dù hoạt động của từng thương hiệu con được sắp xếp hoàn hảo đến mức có thể khiến nhiều người ngoài cuộc có cảm giác như mọi thứ diễn ra thật dễ dàng, song chúng ta không thể đánh giá thấp vai trò của các chiến lược được hoạch định từ năm 2016, khi thương vụ Dell và EMC sáp nhập chính thức hoàn tất, cho tới thời điểm hiện tại và cả tương lai nữa.
“Chúng tôi có một nhóm lãnh đạo chung, thường gọi là nhóm Dell Technologies ELT, gồm các vị CEO của những doanh nghiệp trực thuộc. Chúng tôi dành nhiều thời gian thảo luận về những cơ hội chung: Đó chính là thị trường, và làm thế nào để cộng tác và phối hợp với nhau. Từ đó, chúng tôi đề ra một danh sách các mục tiêu để thực hiện các dự án hợp tác công nghệ, rồi sau đó đến hợp tác trong lĩnh vực khai thác thị trường,” CEO Michael Dell cho biết.
“Chắc chắn là chúng tôi phải có những tài nguyên chung về IT, marketing và một số mảng khác liên quan đến hợp tác doanh nghiệp, và chúng tôi phải điều phối những nguồn lực này giữa các công ty con làm sao để khai thác tối đa mọi tiềm năng của tất cả các bộ phận trực thuộc tập đoàn Dell Technologies.”
Trước khi Dell chính thức “chốt” thương vụ mua EMC, khoảng 75.000 nhân viên của cả hai công ty đã được khảo sát lấy ý kiến. Ý kiến của các nhân viên đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định kế hoạch sau khi hai công ty sáp nhập.
“Chúng tôi đã hỏi 75.000 người để xem theo quan điểm của các nhân viên, điều gì đã mang đến thành công cho công ty hiện tại của họ, và chúng tôi nhận ra rằng, có khoảng 22 yếu tố, trong đó có 5 yếu tố quan trọng nhất, được 2 nhóm nhân viên của 2 công ty đưa ra là giống hệt nhau. Thậm chí giống cả thứ tự ưu tiên nữa,” Dell chia sẻ.
“Điều tôi muốn nói ở đây là, bạn không cần các kỹ sư của mình phải kiêm thêm cả công việc của luật sư, hay các nhân viên marketing phải làm cả công việc của nhân viên phụ trách tài chính. Tuy vậy, bạn cần đòi hỏi ở nhân viên của mình phải tuân thủ một hệ giá trị cốt lõi của công ty. Và giá trị của chúng tôi là sự đổi mới, là cùng đạt đến thành công, là khách hàng của mình, là sự nhất quán và là kết quả kinh doanh.”
CEO của Dell cũng cho biết, Dell EMC (viết tắt của liên minh hai công ty là Dell và EMC) được dẫn dắt bởi một bộ quy tắc văn hoá doanh nghiệp. Bộ “quy tắc” này vạch ra những ý tưởng có thể nảy sinh từ sự kết hợp của một công ty phần cứng và một công ty phần mềm.
“Mọi thứ phối hợp với nhau rất tốt, dù bạn đến từ công ty nào đi chăng nữa – Xuất phát điểm của bạn không quan trọng, miễn là chúng ta đi cùng nhau, và đó là điều tôi luôn hình dung,” ông tiếp tục.
“Chúng tôi đề ra những mục tiêu lớn cho chính bản thân mình trên các khía cạnh như tăng cổ phần, phát triển công ty, giải quyết các vấn đề người dùng gặp phải. Những mục tiêu lớn luôn giúp đoàn kết các nhóm làm việc với nhau, và hiệu quả hoạt động của công ty đã chứng minh điều đó.”
Video đang HOT
Trước hàng loạt tuyên bố mới đây của Dell về số phận của VMwware, cùng với việc công ty đang “nhen nhóm” ý tưởng được gọi là “chất keo” kết dính tất cả các thương hiệu của Dell Technologies lại làm một, Dell vẫn bảo lưu quan điểm rằng ông muốn giữ các công ty hoạt động độc lập.
“Chúng tôi chưa có kế hoạch làm như vậy,” Dell cho biết khi được hỏi về việc liệu ông có dự định biến VMware trở thành một bộ phận thuộc toàn quyền điều hành và sở hữu cảu Dell Technologies hay không.
“Một phần lớn thành công của VMware đến từ việc tích hợp với các công nghệ của Dell Technologies, nhưng bản thân nó cũng là một hệ sinh thái độc lập… Chúng tôi cần phải giữ VMware dưới dạng một nguồn tài nguyên độc lập, để kích hoạt toàn bộ tiềm năng công nghệ của nó.”
Bản thân công ty EMC cũng có một hệ sinh thái độc lập của riêng mình. Hồi năm 2016, Dell đã công bố rằng trong tổng số hàng chục nghìn khách hàng của cả hai công ty, thì chỉ có khoảng 1000 người là khách hàng “chung” của cả hai bên.
Năm ngoái tại VMworld, CEO của VMware, ông Pat Gelsinger nhấn mạnh ý tưởng tương tự, cho rằng VMware của tương lai là một công ty con nằm dưới sự điều hành của Dell Technologies, nhưng họ vẫn ưu tiên những điều đem lại lợi ích cho khách hàng của mình cũng như chính công ty hơn cả.
“Với tất cả sự tôn trọng dành cho ông Michael Dell nói riêng và tập đoàn Dell nói chung, chúng tôi muốn nói với họ rằng, họ đang vận hành công việc kinh doanh phần cứng môt cách tuyệt vời, những con số về tốc độ tăng trưởng đã vượt bậc so với các đối thủ… Nhưng Michael chưa bao giờ thành công trong việc điều hành việc kinh doanh phần mềm,” ông giải thích.
“Chúng tôi đã có chiến lược cho nhiều năm tới và đang thực hiện chúng. Dù vậy, chúng tôi cũng nhận thấy lợi ích cho cả đôi bên khi duy trì mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. [...] Khi chúng tôi cùng làm một sản phẩm kỹ thuật, chúng tôi tôn trọng những giá trị mà khách hàng xứng đáng được hưởng, sự hoà hợp tuyệt vời giữa phần cứng và phần mềm, sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc của khách hàng. Bạn sẽ còn được thấy nhiều sự hợp tác dạng này hơn nữa trong tương lai.”
Cuối cùng, Dell đề cập đến những kỳ vọng của người dùng và ý tưởng biến Dell Technologies trở thành một công ty hỗ trợ hết mình cho những xu hướng mà người dùng mong muốn.
“Nếu bạn từng nghĩ đến những thách thức mà người dùng cuối gặp phải, thì một trong số đó là người dùng không muốn đóng vai trò của người gắn kết hay tích hợp các hệ thống lại với nhau đâu. Họ không muốn mua linh kiện từ 20 nhà cung cấp khác nhau và dành cả buổi tự tay ráp chúng lại,” Dell cho hay.
“Không có khách hàng nào đến gặp chúng tôi và nói rằng tôi muốn chia công ty của ông thành 20 công ty nhỏ làm việc độc lập cả… họ chỉ muốn một giải pháp công nghệ duy nhất để làm việc cùng mà thôi.”
Dell tiếp tục cho biết rằng xu hướng chung của công nghệ hiện tại đó là người dùng không muốn tự mình làm chủ hoàn toàn hạ tầng bên trong hay các công nghệ đằng sau, họ chỉ muốn có một hệ thống có thể làm việc được ngay mà thôi.
“Tôi nghĩ xu hướng này sẽ ngày càng trở nên vững chắc hơn, và Dell đang đi đúng hướng,” Dell kết luận.
Theo VN Review
Rốt cuộc, 5G mang đến những sung sướng gì mà gây tranh cãi đến thế?
Công nghệ không dây 5G đang được các công ty điện thoại giới thiệu, hứa hẹn sẽ mang đến một thế giới mới cho dịch vụ di động - từ thiết bị kết nối đến xe tự lái, giống như truyền hình cáp từng thay đổi thế giới truyền hình những năm trước vậy.
5G là gì, và 5G sẽ thay đổi cuộc sống, Internet như thế nào?
Theo Bloomberg, 5G cũng hứa hẹn sẽ mang đến một cuộc cạnh tranh công nghệ mới trên toàn cầu - cuộc cạnh tranh với những tranh cãi về an ninh khiến Mỹ chống lại Trung Quốc và làm gia tăng căng thẳng ở châu Âu, làm mất tinh thần các giám đốc điều hành viễn thông vì sợ rằng việc triển khai 5G sẽ bị trì hoãn.
Cột thiết bị 5G của Huawei lắp đặt trên nóc nhà thờ St Paul ở Luân Đôn.
1. 5G là gì?
5G đơn giản là viết tắt của mạng di động thế hệ thứ năm hoặc hệ thống không dây thế hệ thứ năm. Đó sẽ là sự kế thừa của 4G, công nghệ mạng hàng đầu hiện nay và được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2009. Một cách đơn giản, 5G có tốc độ nhanh hơn 100 lần so với 4G, đạt 10 gigabit mỗi giây. Điều đó sẽ cho phép người tiêu dùng tải xuống một bộ phim độ nét cao đầy đủ trong vài giây. 5G cũng sẽ tăng tổng băng thông, điều cần thiết để phù hợp với mạng Internet mới, mạng Internet của vô số những kết nối khác, từ tủ lạnh thông minh đến đèn giao thông, cho đến vòng cổ đeo cho chó gửi và nhận dữ liệu.
2. 5G đã sử dụng được chưa?
Tại Hàn Quốc, vào tuần đầu tiên của tháng 4/2019, SK Telecom và các đối thủ nhỏ hơn đã bắt đầu cung cấp dịch vụ 5G trên toàn quốc và Samsung đã bắt đầu bán một chiếc điện thoại 5G, đúng như một phần kế hoạch thương mại của họ. Cùng ngày, Verizon Communications Inc tại Mỹ đã bắt đầu các dịch vụ 5G tại Minneapolis và Chicago. Tại Việt Nam, Viettel đã lắp đặt trạm BTS 5G đầu tiên tại quận Hoàn Kiếm mới đây.
Nhà mạng Mỹ vẫn chưa có điện thoại 5G và chỉ có thể cung cấp dịch vụ tốc độ cao cho khách hàng dùng điện thoại Motorola Z3, nhưng người dùng phải trả thêm 50 USD cho mô-đun đính kèm. AT & T đã bắt đầu cung cấp dịch vụ 5G vào tháng 12/2018, phục vụ các thiết bị hot-spot. Sprint cho biết họ sẽ bắt đầu dịch vụ 5G giới hạn vào tháng 5. Nhiều nhà sản xuất dự kiến sẽ giới thiệu điện thoại 5G trong năm nay trên toàn cầu, bao gồm Huawei, ZTE, LG, Lenovo và OnePlus.
3. Khi nào 5G sẽ trở thành chuẩn mới tiếp theo?
Không hề nhanh chút nào. Ngay cả khi bạn sống ở một trong những quốc gia nơi các nhà mạng đang bận rộn triển khai các dịch vụ 5G - giống như Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang nhắm mục tiêu thương mại sớm mạng 5G - song sẽ mất ít nhất vài năm nữa bạn mới có thể sử dụng điện thoại 5G mà không cần dựa vào các mạng không dây hiện tại.
4. 5G gây ra những mối lo ngại an ninh nào?
Đó chính là sự có mặt khắp mọi nơi của hệ thống mới. 5G không dễ hack hơn các phiên bản trước, nhưng 5G sẽ kết nối nhiều thiết bị hơn. Vì vậy, bảo vệ khỏi các thiết bị bên ngoài trở thành mối quan tâm lớn hơn. Mỹ và những nước khác lo rằng thiết bị, chip và phần mềm 5G của Trung Quốc có thể được trang bị để do thám các quốc gia khác. Vào tháng 8, Úc đã cấm Huawei và ZTE Corp cung cấp thiết bị không dây 5G cho các nhà khai thác viễn thông, với lý do an ninh quốc gia. Verizon và đối thủ AT & T đã bỏ kế hoạch bán điện thoại Huawei. Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chặn Broadcom mua lại Qualcomm, nhà sản xuất chip điện thoại di động lớn nhất, vì lo ngại việc sáp nhập sẽ giúp Trung Quốc có lợi thế trong cuộc đua phát triển 5G. Nói chung, Mỹ muốn tránh xa 5G của Huawei và Trung Quốc.
5. 5G còn gây ra những lo ngại bảo mật nào khác?
Anh, Đức, Pháp và các quốc gia khác đang cân nhắc có nên hạn chế thiết bị mạng của Trung Quốc hay không. Trump đang xem xét việc xây dựng các rào cản kinh doanh với Huawei tại Mỹ. Trong khi đó, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ xem xét việc cấm sử dụng một số trợ cấp liên bang cho các thiết bị mạng từ các công ty bị nghi ngờ gây rủi ro an ninh quốc gia, như Huawei. Một số nhà mạng nông thôn sử dụng thiết bị mạng Huawei, với lý do chi phí thấp.
6. Nguy hiểm lớn như thế nào?
Các cáo buộc của Mỹ chống lại Huawei bao gồm phá hoại công nghiệp - điều mà 5G có thể cho phép xảy ra ở quy mô lớn hơn, theo các quan chức Mỹ. Ngoài ra, những mối quan tâm khác bao gồm lỗ hổng đối với cơ sở hạ tầng công cộng và những gì có thể xảy ra trong một scandal lan rộng. Ngày nay, các hệ thống không dây kết nối một số thiết bị như điện thoại và máy tính, nhưng 5G lại hứa hẹn một môi trường kết nối sóng vô tuyến nơi hàng tỷ chip, cảm biến, máy ảnh, thiết bị và thiết bị điện tử xung quanh chúng ta sẽ được kết nối với nhau, đưa thông tin qua lại. Theo Ericsson AB, nhà sản xuất mạng không dây của Thụy Điển, đến năm 2024, lượng dữ liệu được các mạng di động truyền tải sẽ lớn gấp năm lần so với hiện nay và các thiết bị kết nối 5G sẽ chiếm hơn 40% dân số thế giới. Ước tính có hơn 22 tỷ tiện ích sẽ được kết nối với internet vào năm 2024.
7. Các quan chức đang lo lắng về những điều gì nữa?
Gián điệp - đặc biệt là mối quan hệ đáng ngờ giữa các cơ quan tình báo Huawei và Trung Quốc. Giám đốc kỹ thuật số của Liên minh Châu Âu Andrus Ansip đã kêu gọi các công ty xem xét lại quan hệ đối tác với các công ty Trung Quốc do luật tình báo, được thông qua vào năm 2017, nói rằng bất kỳ tổ chức và công dân nào cũng phải hỗ trợ các cơ quan gián điệp Bắc Kinh điều tra.
8. Huawei nói gì?
Huawei đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc họ là gián điệp Trung Quốc, và tuyên bố những cáo buộc không bằng chứng nhắm vào công ty sẽ làm tổn thương ngành công nghiệp và phá vỡ công nghệ tốc độ cao mới. Theo Huawei, mặc dù sợ hãi và nghi ngại, nhưng không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy an ninh quốc gia đang gặp nguy hiểm. Huawei đã ủy thác một ý kiến pháp lý để phân tích hậu quả của luật năm 2017 và nói rằng Trung Quốc không yêu cầu Huawei hợp tác với tình báo nhà nước nếu điều đó mâu thuẫn với quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức. Nhà sáng lập Huawei, tỷ phú Nhậm Chính Phi, đã từng xuất hiện hiếm hoi trên báo chí hồi tháng 1 để khẳng định công ty không giúp đỡ gián điệp Bắc Kinh.
9. Các hãng viễn thông nói gì?
Các công ty viễn thông đã cảnh báo chi phí sẽ tăng nếu Huawei bị cấm cung cấp thiết bị 5G. Nick Read, giám đốc điều hành của Vodafone Group Plc, cho biết vào tháng 1 rằng bất kỳ lệnh cấm nào cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn với các hãng viễn thông châu Âu khi họ giới thiệu 5G và gây chậm trễ đáng kể.
Theo VN Review
Mê game, bỏ học luật, game thủ trở thành CEO tỷ phú Đam mê game từ nhỏ, Min-Liang Tan bỏ học Luật và thành lập công ty sản xuất gaming gear vào năm 2005. Đến nay Razer có quy mô lớn, tạo doanh thu 700 triệu USD vào năm ngoái. Sinh ra trong gia đình châu Á truyền thống, Min-Liang Tan (5/11/1977) được bố mẹ định sẵn là trở thành luật sư. "Mẹ tôi nói...