Điều gì sẽ xảy ra nếu 5 ngày liền bạn không có nước uống?
Năm 1944, hai nhà khoa học đã tự làm một thí nghiệm trên cơ thể mình. Họ đã ngừng uống nước trong 3 ngày. Một người đã trụ được đến ngày thứ 4 trước khi cơ thể rơi vào trạng thái nguy hiểm.
Chaz Powell, một hướng dẫn viên thám hiểm giàu kinh nghiệm người Anh đang bám trụ trên một vách núi dựng đứng ở biên giới giữa Zambia và Zimbabwe. Đó là một lần rất hiếm khi Powell cảm thấy sợ hãi tột độ.
Anh đang trong một chuyến độc hành kéo dài 2 tháng ở Châu Phi bắt đầu vào giữa mùa hè, thời điểm nóng nhất trong năm khi nhiệt độ ngoài trời ở đây có thể lên tới hơn 50 độ C. Và thứ làm anh ấy cảm thấy hoảng sợ lúc này không phải là những vách đá cheo leo mà là vì anh đang mất nước.
Chỉ vì đánh giá thấp địa hình của khu vực này mà Powell đã mắc kẹt ở đó tới 6 tiếng đồng hồ. Anh ấy leo lên một đỉnh núi để biết rằng nó không thể đi tiếp được nữa, bây giờ là lúc trở xuống và Powell đã hoàn toàn hết nước.
“Tôi không thể mô tả mình đã khát tới mức nào“, anh nhớ lại. Phía dưới vách đá mà Powell đang kẹt lại có một con sông, nhưng anh không thể nào tìm cách xuống được. Con sông cứ ở đó, trôi lững lờ như muốn trêu ngươi kẻ leo núi ngạo mạn.
Một lũ khỉ đầu chó phía dưới đang vô tư ném những hòn đá vào ghềnh thác. Ở trên độ cao 750 mét, Powell cảm thấy người mình đang sốt dần lên và anh gần như tuyệt vọng.
Bốn cấp độ mất nước: Từ khát cho tới tử vong
Trung bình, nước chiếm khoảng 60-70% thể tích cơ thể con người, con số chính xác thì phụ thuộc phần lớn vào độ tuổi của bạn. Cơ thể chúng ta mất nước qua hoạt động bài tiết nước tiểu, mồ hôi, phân và thậm chí cả hơi thở. Chính vì vậy, chúng ta liên tục phải bổ sung nước trong cả ngày thông qua hoạt động ăn uống.
Một điều thú vị là khoảng một phần ba tổng lượng nước chúng ta nạp vào mỗi ngày đến từ thức ăn. Do đó, những người nhịn ăn (vì nhiều lý do như ăn kiêng, tôn giáo, thiếu thực phẩm) thường phải uống nước nhiều hơn. Nếu không bù đủ, cơ thể của chúng ta sẽ bị rơi vào trạng thái dehydrated hay còn gọi là mất nước.
Khát là biểu hiện đầu tiên của giai đoạn mất nước cấp 1, trong đó, bạn bắt đầu mất đi một lượng nước bằng 2% trọng lượng cơ thể. Đối với một người nặng trung bình 60kg, đó là khoảng 1,2 ký. Bạn có thể mất toàn bộ số nước này do toát mồ hôi, sau tập thể dục hoặc ngồi trong một căn phòng nóng mà không có nước uống.
“ Khi cơn khát xuất hiện, cơ thể bạn sẽ níu kéo toàn bộ lượng ẩm còn lại trong nó“, Dileep Lobo -một giáo sư phẫu thuật đường tiêu hóa, người có kinh nghiệm nghiên cứu về chất lỏng và cân bằng điện giải trong cơ thể cho biết.
“ Thận của bạn sẽ gửi ít nước hơn đến bàng quang, khiến nước tiểu của bạn sẫm màu hơn. Cùng lúc đó khi bạn đổ mồ hôi ít hơn, nhiệt độ cơ thể của bạn cũng sẽ tăng lên. Máu của bạn trở nên đặc hơn và chảy chậm lại trong mạch. Để duy trì mức oxy cần thiết, nhịp tim của bạn lại phải tăng lên”.
Giai đoạn mất nước cấp 2, khi lượng nước mất đi đã bằng 4% trọng lượng cơ thể, máu của bạn sẽ đặc hơn nữa. Lưu lượng máu giảm làm da bạn co lại, huyết áp của bạn sẽ giảm đến mức có thể khiến bạn ngất xỉu. Đây cũng là lúc cơ thể bạn không còn tiết mồ hôi được nữa. Không có nước làm mát, người bạn sẽ nóng ran lên như sốt.
Bạn có thể đạt đến độ mất nước này sau khi đạp xe 3 giờ đồng hồ liên tục dưới trời nắng mà không bù nước. Ở tốc độ mất nước trung bình của chúng ta, đó là 2 ngày liên tục không uống một giọt nước nào.
Giai đoạn mất nước cấp 3 xảy ra khi bạn đã mất 7% trọng lượng cơ thể. Đối với một người nặng trung bình 60 kg, lúc này bạn đã gầy đi tới 4,2 ký. Thật không may, vì đó hoàn toàn là lượng nước mất đi, bạn sẽ bị tổn thương nội tạng thay vì vui mừng vì xỏ lại vừa chiếc quần jean cũ.
Giáo sư Lobo cho biết: “ Tới lúc này, cơ thể bạn sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì huyết áp. Để tồn tại, nó phải làm chậm lưu lượng máu đến các cơ quan nội tạng không quan trọng, chẳng hạn như thận và ruột của bạn, gây ra tổn thương. Nếu thận không lọc máu, chất thải tế bào sẽ nhanh chóng tích tụ. Bạn đang chết vì [không có] một cốc nước theo đúng nghĩa đen”.
Giai đoạn cuối cùng, mất nước cấp độ 4 là khi bạn đã giảm 10% trọng lượng cơ thể. Lúc này, các tổn thương nội tạng tích tụ từ trước sẽ khiến các cơ quan đó bị suy. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bạn sẽ chết.
Video đang HOT
Tốc độ tiến triển của các giai đoạn mất nước phụ thuộc nhiều vào các điều kiện bên ngoài môi trường. Chẳng hạn trong một bầu không khí 32 độ C cộng với việc phải vận động mạnh liên tục có thể sẽ giết chết bạn sau 11 tiếng đồng hồ không được bù nước.
Nó cũng tương đương với việc bạn bị lạc trong sa mạc 5 ngày liền và đã tiết kiệm năng lượng hết mức có thể bằng cách hạn chế mọi vận động.
Giáo sư Lobo cho biết: “ Con người có một giới hạn về khả năng chịu nhiệt, vượt quá giới hạn này, chúng ta sẽ bị sốc nhiệt và thậm chí tử vong. Đó cũng là lý do tại sao tỷ lệ tử vong trong dân số tăng cao vào những ngày cực kỳ lạnh, nhưng còn tăng mạnh hơn nhiều vào những ngày cực nóng”.
Bạn sẽ cảm thấy gì nếu không có nước uống?
Không có cách nào để tiếp cận nguồn nước, Powell quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ. Anh kích hoạt chiếc điện thoại gửi tín hiệu SOS mang theo bên mình. Nó được liên kết với một dịch vụ cứu hộ do một công ty đặt trụ sở tại Hoa Kỳ điều hành. Ở đầu dây bên kia, Powell gặp một nhân viên điều phối, người báo tin cho anh rằng họ không thể tìm thấy một ai ở khu vực gần đó để giúp đỡ.
Sự hoảng loạn bắt đầu xuất hiện trong tâm trí người hướng dẫn viên kỳ cựu. Powell tuyệt vọng ghé vào một khoảng đất trống trên vách đá. Anh đào một cái hố trên đất khô và chui người vào đó để làm mát. Powell cảm thấy đã đến lúc anh phải tự uống nước tiểu của chính mình. Lấy từ trong ba lô ra một gói bù điện giải, anh đổ nó vào chiếc chai rỗng, đi tiểu rồi lắc lên và uống.
Đối với một người trưởng thành khỏe mạnh, nước tiểu có chứa 95% là nước và phần còn lại là các chất cặn bã. Tất cả chúng được bài tiết qua thận bao gồm muối và amoniac. Nhưng khi một người nào đó bị mất nước, hàm lượng nước trong nước tiểu của họ sẽ giảm rõ rệt. Uống nước tiểu với tỷ lệ muối tăng lên cũng giống với việc đang uống nước biển.
“ Mặc dù uống nước tiểu để bù nước có thể an toàn trong ngắn hạn, nhưng bạn sẽ không thể duy trì được quá lâu”, giáo sư Lobo nói. “ Khi cơ thể bị mất nước, nó sẽ bảo tồn muối và nước, khiến lượng nước tiểu giảm dần theo thời gian. Và đến khi bạn không còn tiết được nước tiểu nữa, đó là lúc những tổn thương cấp tính ở thận xuất hiện”.
Bổ sung muối điện giải có thể đem đến một chút năng lượng cho Powell trong ngắn hạn, nhưng có vẻ như lựa chọn của anh về dài hạn không được sáng suốt cho lắm.
Muối điện giải khi được pha với nước tiểu sẽ làm nồng độ muối tăng lên, kích hoạt một sự mất cân bằng nghiêm trọng nếu cơ thể có nhiều muối ít nước. Trong trường hợp nghiêm trọng, mất cân bằng nồng độ muối có thể dẫn đến co giật và thậm chí là xuất huyết não.
Dưới cái hố mà Powell vừa đào, anh cảm thấy cơ thể mình đã nguội đi một chút. Nhưng cơn khát vẫn đang hành hạ anh và anh biết cơ thể mình vẫn đang tiếp tục mất nước. Powell nhớ lại một bộ phim tài liệu có tựa đề “ Walking the Nile“, trong đó nhà báo Levison Wood đã bị sốc nhiệt trong khi đi dọc theo con sông.
“ Tôi nhớ khi đó mình đã nghĩ sốc nhiệt sẽ đến rất nhanh“, anh nói. Với mức thân nhiệt mà Powell cảm thấy như hiện tại, thần chết đã bắt đầu hỏi thăm anh ấy đang làm gì dưới cái hố giữa lưng chừng vách đá này?
Giữa lúc đó, chuông điện thoại reo. Nhóm cứu hộ SOS nói với Powell rằng họ có thể điều một chiếc trực thăng tới vị trí của anh, nhưng sẽ mất khoảng 4 tiếng đồng hồ. “ Đợi 4 tiếng nữa thì tôi sẽ chết mất”, anh nói. “ Cho nên cuối cùng, tôi đã tự nhủ bản thân rằng mình chết vì rơi xuống vách đá còn hơn là ngồi trong cái hố này”.
Nghĩ là làm, Powell gom chút sức tàn đứng dậy. Anh kiểm tra lại một vòng vách đá và tìm thấy một vài cái rễ cây lộ ra để bám vào. Quyết định của Powell là cố leo xuống dưới, nhưng anh ấy đã thất bại.
Ngay sau khi tuột tay khỏi một cái rễ, Powell đã bị tụt 4,5 mét xuống vách đá. May mắn mắc lại trên một bờ đá khác, nhưng mũi của anh quẹt vào đá đã bị rách một mảng. Máu chảy ra khỏi đó, đỏ và đặc quánh.
Những quyết định sai lầm liên tiếp của Powell có thể đến từ chính hậu quả của việc mất nước. Khi cơ thể thiếu nước trầm trọng, hoạt động của não bộ sẽ bị ảnh hưởng. Nước rút khỏi não bộ khiến trọng lượng của nó giảm xuống. Và dòng máu đặc quánh đến não chậm hơn, cung cấp cho nó ít năng lượng hơn để hoạt động.
Mất nước từ mức độ nhẹ đến trung bình, nghĩa là chỉ cần giảm quá 2% trọng lượng cơ thể là đã có thể khiến bạn bị suy giảm trí nhớ, khả năng cảnh giác, khả năng số học và kỹ năng phối hợp vận động. Điều này còn được cộng hưởng lên nữa bởi môi trường nắng nóng mà Powell đang phải trải qua. Một số nghiên cứu cho thấy mất nước trong thời tiết nóng còn có thể dẫn đến mê sảng, ảo giác.
Sau cú ngã và thấy máu chảy ra khỏi mũi mình, Powell tiếp tục đứng dậy và đi xuống. Adrenaline và khát vọng sống sót là thứ năng lượng vô hình cuối cùng giúp anh ấy cố bám lấy bất cứ thứ gì có thể trên vách đá. Nhưng tác dụng của thứ hooc-môn tinh thần ấy không kéo dài được lâu, khi tới một mỏm đá, Powell kiệt sức và ngất xỉu.
“Tay tôi chảy máu, mặt cũng đầy máu còn hai chân thì bầm tím“, anh nhớ lại tình cảnh thảm thương khi tỉnh dậy. Với sự kiên cường của mình, Powell tiếp tục đứng dậy để thực hiện hành trình. Sau gần một tiếng đồng hồ nữa vật lộn với vách đá, cuối cùng anh ấy cũng xuống được bờ sông.
Powell lúc này đã kiệt sức hoàn toàn, anh ấy cố gắng vục nước uống rồi bò lại một bóng râm. Nằm bẹp trong đó một tiếng đồng hồ sau, Powell mới có sức lấy chiếc điện thoại vệ tinh của mình và gọi cho nhân viên cứu hộ để thông báo vị trí mới và xác nhận anh ấy còn sống.
Nước không phải thứ gì đó hiển nhiên sẽ chảy ra từ vòi nhà bạn
Natalie Cookson, một bác sĩ thực tập cấp cứu làm việc tại London cho biết: “ Chaz đã tự cứu mình bằng cách tìm nguồn cung cấp nước và bóng râm. Nghỉ ngơi trong bóng râm làm giảm nhiệt độ cơ thể, và khiến quá trình mất nước chậm lại”.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc Powell tìm được nước uống. Cookson cho biết mất nước có thể đảo ngược và bằng cách bù nước kịp thời, anh ấy có thể hồi phục tốt. Ngược lại, giả sử Powell không thể xuống tới được bờ sông, thận của anh ấy sẽ bắt đầu suy, các chất độc tích tụ lại sẽ khiến nó ngừng hoạt động hoàn toàn.
Lúc này, một dạng tổn thương thận được gọi là hoại tử ống thận cấp tính có thể khiến Powell phải nằm viện trong vài tuần ngay cả khi đã được bù nước. Các tổn thương dạng nghiêm trọng này khó phục hồi hơn, vì các vết hoại tử một khi đã xuất hiện thì khó có thể lành lại.
Nhưng điều may mắn trong câu chuyện này là tim của Powell còn rất khỏe. Anh ấy là một vận động viên mạo hiểm chuyên nghiệp được rèn luyện, vì vậy, hệ thống tim mạch của Powell rất tốt.
Trong trường hợp một du khách nghiệp dư đi lạc, mất nước có thể dễ dàng khiến nhịp tim của anh ta đập loạn, huyết áp tụt và dẫn đến co giật. Một bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tim mạch có thể lên cơn đau tim khi bị mất nước bởi mạch máu của họ cứng lại làm tăng áp lực thậm chí có thể nứt vỡ.
Mất nước trong một điều kiện khí hậu nóng sẽ khuếch đại mọi vấn đề. Cookson cho biết: “ Cơ thể không còn khả năng làm mát sẽ khiến các enzyme quan trọng trong quá trình trao đổi chất bị phá hủy. Điều này cũng khiến các cơ quan như não, tim và phổi bị suy giảm chức năng”. Cuối cùng, nạn nhân có thể bị co giật và rơi vào hôn mê. Khi các cơ quan bắt đầu suy yếu, tử vong là kết quả không thể tránh khỏi.
Chính xác thì một người có thể sống sót bao lâu trong tình trạng mất nước? Đó vẫn còn là một câu hỏi gây tranh cãi. Hầu hết các nhà khoa học đồng ý rằng con người chỉ có thể tồn tại trong vài ngày không có thức ăn hoặc nước uống.
Vào năm 1944, hai nhà khoa học đã tự làm một thí nghiệm trên cơ thể mình. Họ đã ngừng uống nước và ăn một chế độ ăn khô trong 3 ngày. Một người đã trụ được thêm đến ngày thứ 4 trước khi cơ thể rơi vào ngưỡng nguy hiểm.
Năm 1979, kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận một trường hợp của Andreas Mihavecz, một thợ nề 18 tuổi người Áo đã sống sót sau 18 ngày bị nhốt trong phòng giam của cảnh sát mà không có thức ăn và nước uống.
Ngày nay, nếu sống trong một thành phố hiện đại, bạn có thể nghĩ rằng nước chảy ra từ vòi nhà mình là một thứ gì đó hiển nhiên mà thiên nhiên ban phát. Rất ít người trong số chúng ta khi đọc bài viết này nghĩ rằng mình có một ngày sẽ rơi vào tình trạng như của Powell.
Thế nhưng, sự thật là trên thế giới ngay lúc này đang có khoảng 1,1 tỷ người không có đủ nước sạch để uống. Khoảng 2,7 tỷ người không thể tiếp cận nguồn nước trong ít nhất 1 tháng mỗi năm, vì hạn hán, thiên tai hoặc nhiều lý do liên quan đến biến đổi khí hậu.
Tình hình được dự đoán sẽ còn tồi tệ hơn. Theo một ước tính mới, khoảng 2/3 dân số thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước vào năm 2050. Vì vậy, trong khi chúng ta đang giật hàng tấn nước xuống bồn cầu mỗi ngày, để vòi chảy trong khi đánh răng và tắm trong những chiếc bồn tắm tràn thì tương lai con cháu chúng ta có thể sẽ không được hưởng những đặc quyền như vậy.
Chuyến hành trình dài 10 tiếng đồng hồ không có nước của Powell dưới thời tiết nắng nóng có thể được đổi thành 5 ngày không uống nước trên sa mạc. Powell biết rằng bản thân anh ấy đã rất may mắn mới có thể sống sót.
Trở về Livingston và nghỉ ngơi trong một tuần, Powell đã có thể tiếp tục cuộc hành trình chinh phục Châu Phi của mình. Đi theo một con đường khác an toàn và bớt hiểm trở hơn, anh ấy đã hoàn thành nó trong vòng 137 ngày, gấp đôi thời gian dự định.
Mặc dù trải nghiệm của Powell là một bài học về sự kiên nhẫn, nhưng nó cũng dạy anh biết rằng nước là một tài nguyên quan trọng như thế nào. “Tôi chắc chắn không coi đó là thứ gì đó hiển nhiên chảy ra từ vòi nữa“, anh nói.
7 dấu hiệu cho thấy bạn nên nghỉ tập thể dục
Nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn. Khi thấy các dấu hiệu dưới đây, đừng ngần ngại cho phép mình nghỉ tập thể dục.
Khi thấy cơ thể cảnh báo, hãy nghỉ tập ngoài kế hoạch để đảm bảo sức khỏe - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Nghỉ ngơi là một phần trong kế hoạch tập luyện khoa học của chúng ta. Tuy nhiên, nếu thể chất và tinh thần có các dấu hiệu dưới đây, đừng chờ đến lịch nghỉ, hãy tạm dừng việc tập thể dục ngay để bảo vệ cơ thể, theo Self.
1. Đau đớn
Đau nhức cơ bắp trì hoãn khởi phát (Delayed Onset Muscle Soreness - DOMS) thường xảy ra khi bạn tập bài mới hoặc nặng.
DOMS đạt đỉnh sau khoảng 48 giờ nhưng nếu bạn đau quá hoặc đau đớn này kéo dài hơn 1 tuần dù bạn không nhận ra thói quen nào có thể gây ra nó thì nên nghỉ ngơi nhiều hơn. Ngoài ra, đau ở độ 7/10 hoặc hơn trong thang 1 đến 10, bạn cũng nên nghỉ.
2. Sợ tập
Tập thể dục đòi hỏi sự tập trung, kỷ luật và sức mạnh tinh thần. Đó là lý do tại sao không chỉ thân thể mà tâm trí chúng ta cũng cần thời gian phục hồi.
Nên khi tâm trí khao khát nghỉ, hãy lắng nghe. "Tôi nghĩ một dấu hiệu rõ ràng (cần nghỉ) là khi bạn thật sự không muốn tập", tiến sĩ Angie Fifter, đến từ Hiệp hội Tâm lý Thể thao Ứng dụng (Mỹ), nói với Self.
Luôn nhớ rằng, nghỉ ngơi phải là một phần không thể thiếu trong thói quen tập thể dục của bạn - ẢNH: SHUTTERSTOCK
3. Chuột rút
Trung tâm y tế học thuật Mayo Clinic (Mỹ) cho biết, mất nước hoặc hoạt động quá mức có thể gây ra chứng chuột rút (vọp bẻ), 2 tác dụng phụ tiềm ẩn của việc tập thể dục cường độ cao.
Vì vậy, nếu tình trạng chuột rút ngẫu nhiên đang tấn công bạn, hãy nghỉ 1 ngày (hoặc hơn) để phục hồi.
4. Ốm, chấn thương
Nếu gặp phải tình trạng sức khỏe như vậy, bạn chắc chắn nên nghỉ và tìm kiếm sự chăm sóc y tế (nếu cần).
Bạn cũng nên xem lại bài tập nếu như đau bất cứ phần cơ thể nào như đau đầu gối khi squat, đau lưng dưới khi chống đẩy... Nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi quay lại tập luyện.
5. Thấy bài tập quá nặng so với bình thường
Có những ngày bỗng dưng ta chán, nản cả về thể chất, tâm trí và cảm xúc. Đột nhiên không tập trung được vào các tư thế yoga, không có hứng hoàn thành bài nâng tạ... có thể là dấu hiệu cần nghỉ.
Lần tới, quay lại tập, hãy hỏi bản thân: Tôi cảm thấy như thế nào hôm nay? Cơ thể đang nói với tôi điều gì? Những câu trả lời này sẽ giúp đưa ra quyết định tốt nhất cho bạn, theo Self.
6. Nhịp tim khi nghỉ ngơi tăng
Nhịp tim khi nghỉ ngơi (Resting heart rate - RHR) nên ổn định nhưng nếu nó tăng lên bất thường thì có thể là dấu hiệu cơ thể căng thẳng (kết quả của nhiều lý do bao gồm tập luyện quá nhiều). Trường hợp này, nên dừng tập chờ cho nhịp tim trở lại bình thường.
7. Cực kỳ khát nước
Khát nước, nước tiểu đậm màu, huyết áp thấp là dấu hiệu của mất nước. Nếu đang trong tình trạng này, chắc chắn bạn không nên bắt đầu hoặc tiếp tục tập luyện vì đổ mồ hôi sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như suy thận và sốc giảm thể tích.
Khi nào tập luyện trở lại?
Câu trả lời rất đơn giản: Hãy lắng nghe cơ thể và bộ não của bạn. Khi bạn cảm thấy đã về mức "bình thường", nghĩa là mọi vết sưng tấy, đau nhức hoặc chấn thương nghiêm trọng đã biến mất; cảm thấy đủ nước và khỏe mạnh; và bạn thực sự muốn tập luyện trở lại, hãy tiếp tục, theo Self.
Loại trái cây nguy hiểm đối với người bệnh tiểu đường Bệnh tiểu đường loại 2 xảy ra khi đường từ chế độ ăn uống không được các tế bào của cơ thể xử lý thành năng lượng, mà tích tụ trong máu. Đo đường huyết - SHUTTERSTOCK Điều ít ai ngờ là tuy trái cây rất tốt cho sức khỏe, nhưng ăn nhiều trái cây loại này có thể làm cho bệnh nặng...