Điều chỉnh để cả thầy và trò cùng thích ứng với chương trình GDPT mới
Trước những ý kiến về chương trình, SGK lớp 1 mới, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các trường điều chỉnh kế hoạch hoạt động dạy học, sao cho cả thầy, cả trò đều không quá tải, đáp ứng được mục tiêu của chương trình mới.
Thận trọng trước ý kiến về chương trình “nặng” hay “nhẹ”
Qua một tháng đầu dạy học với các bộ SGK mới của chương trình lớp 1, có nhiều ý kiến cho rằng, môn Tiếng Việt quá “nặng” đối với trẻ mới đến trường, ngay cả giáo viên cũng gặp lúng túng nhất định. Nhiều phụ huynh phản hồi rằng con phải “viết nhiều lắm”.
Trong cuộc họp báo quý 3 của Bộ GD&ĐT, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT đã trả lời về vấn đề này rằng: Để nói chương trình “nặng” hay “nhẹ” trong thời điểm này là chưa đủ căn cứ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến các cơ quan quản lý giáo dục, các trường, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và những người quan tâm để đánh giá chương tình, xem xét, điều chỉnh, xây dựng chương trình các môn học (nếu cần thiết) và hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh (nếu có).
Thực tế là học sinh lớp 1 năm nay có 4 bộ sách, tùy thuộc vào quyết định chọn sách của từng trường. Nên việc đánh giá “nặng” hay “nhẹ” thời điểm này theo nhiều chuyên gia cần có sự cân nhắc. Và chưa thể đủ cơ sở để kết luận. GS.TS Đỗ Việt Hùng – Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 – “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” cho rằng: Các bộ SGK đều phải tuân thủ chương trình, nên khó hay dễ còn tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. SGK cụ thể hóa chương trình nên tùy từng nhóm tác giả của từng bộ sách, có thể có cách thể hiện khác nhau.
Đánh giá chương trình “nặng” hay “nhẹ” phải có cơ sở khoa học và có tiêu chí cụ thể. Có thể nhiều phụ huynh dạy con 1 – 2 bài thấy căng thẳng nên vội kết luận là chương trình “nặng”. Đó là cách hiểu không đầy đủ. Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết thì: Chương trình Tiếng Việt lớp 1 nào cũng dạy số vần, số chữ như nhau, với yêu cầu cuối năm học sinh phải biết đọc, biết viết nên không có chuyện chương trình nào “nặng” hơn chương trình nào. Còn về SGK, mỗi quyển một khác, cần đánh giá cụ thể quyển nào “nặng” ở đâu để cơ quan chuyên môn có biện pháp điều chỉnh.
Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các trường điều chỉnh kế hoạch hoạt động dạy học, sao cho cả thầy, cả trò đều không quá tải với chương trình GDPT mới. Ảnh: P.T
Điều chỉnh để cả cô và trò không căng thẳng
Theo Bộ GD&ĐT, ngay sau khai giảng năm học mới, Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra, khảo sát ở một số địa phương và nhận thấy các nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường.
Video đang HOT
Các giáo viên dạy lớp 1 đã bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; nền nếp dạy học đã bước đầu ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh lớp 1 đối với hầu hết các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình, SGK mới.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số giáo viên, cha mẹ học sinh, chương trình, SGK môn Tiếng Việt lớp 1 còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học. Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.
Các địa phương cũng đang nhanh chóng điều chỉnh, Sở GD&ĐT TP HCM đã thông báo về kết luận chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Hiếu, PGĐ Sở GD&ĐT TP tại hội nghị xây dựng kế hoạch giáo dục cấp tiểu học năm học 2020-2021. Theo đó, các cơ sở giáo dục tiểu học cần phải xác định chương trình GDPT 2018 là cơ hội để đổi mới toàn diện; cần tranh thủ mọi nguồn lực, nắm bắt cơ hội để vượt qua thách thức, khó khăn ban đầu, nhất là cấp tiểu học.
Sở cũng khẳng định, giáo viên được quyền quyết định việc xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động dạy học, các nội dung dạy học và chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chất lượng, hiệu quả giáo dục của từng học sinh trong lớp.
Còn tại Hà Nội, TP huy động tối đa mọi nguồn lực về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, lựa chọn những giáo viên tốt nhất để đảm nhận việc dạy học lớp 1 năm học 2020-2021. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định, học sinh Hà Nội đã đáp ứng tốt với chương trình, SGK mới.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, để việc dạy – học lớp 1 theo chương trình mới được thuận lợi, hiệu quả, trước hết, giáo viên cần dạy đúng yêu cầu của chương trình; thực hiện quyền chủ động của mình ví dự như: Tăng số tiết cho những bài học còn khó đối với số đông học sinh; thực hiện dạy học phân hóa; giảm bớt những hoạt động không thiết thực… Trong trường hợp có những bài trong SGK chưa phù hợp, thì cơ quan quản lý giáo dục cần hướng dẫn tác giả, nhà xuất bản để điều chỉnh.
TP.HCM sẽ điều chỉnh việc dạy chương trình lớp 1 mới
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận việc triển khai thực hiện chương trình lớp 1 mới 'có khó khăn' và sẽ điều chỉnh.
Học sinh lớp 1 tại TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết như vậy khi nói về chương trình lớp 1 mới tại các trường tiểu học trên địa bàn TP năm học 2020-2021, trong cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ chiều tối 1-10.
Ông Hiếu nói: "Sở GD-ĐT TP đã đi nắm tình hình thực tế tại một số trường tiểu học về việc thực hiện chương trình lớp 1 mới. Đúng như dư luận phản ánh, khó khăn trong việc triển khai thực hiện chương trình là có thật. Trong số các môn học chỉ có môn tiếng Việt được cho là khó khăn, các môn còn lại thì ổn".
"Nhiều giáo viên phản ánh học sinh lớp 1 năm nay tiếp thu bài chậm hơn học sinh lớp 1 của các năm trước."
Ông Nguyễn Văn Hiếu
* Trong quá trình sở đi thực tế, những khó khăn cụ thể giáo viên phản ánh là gì, thưa ông?
- Nhiều giáo viên phản ánh học sinh lớp 1 năm nay tiếp thu bài chậm hơn học sinh lớp 1 của các năm trước. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên học sinh lớp 1 năm nay không đi học lớp mẫu giáo 5-6 tuổi (năm học 2019-2020) được trọn vẹn như mọi năm.
Các trường mầm non trên địa bàn TP cho học sinh nghỉ học suốt mấy tháng, đến giữa tháng 5-2020 mới mở cửa đón học sinh. Nhiều phụ huynh lo ngại dịch bệnh nên cũng không cho con em đến trường.
Cạnh đó, chương trình lớp mẫu giáo 5-6 tuổi trong học kỳ 2 năm học 2019-2020 chỉ chuyển tải trong hai tháng (thay vì 4,5 tháng) thì cũng không thể đầy đủ và kỹ lưỡng như bình thường. Do vậy, việc cho trẻ 5-6 tuổi làm quen với các con chữ, bước đầu nhận diện mặt chữ... trước khi vào lớp 1 đã không được thực hiện rốt ráo như mọi năm.
Chưa kể những năm trước học sinh tiểu học ở TP.HCM thường tựu trường vào 15-8, giáo viên lớp 1 sẽ có khoảng hai tuần trước khai giảng để rèn nề nếp học sinh, cho các em tập tô, đồ các nét, các con chữ... Năm nay học sinh tiểu học TP.HCM tựu trường ngày 1-9 nhưng chỉ làm quen với trường, lớp, giáo viên chứ không học trước khai giảng. Ngày 5-9 các em dự lễ khai giảng năm học mới, ngày 7-9 là thực học.
Trên thực tế, nhiều trường đã cho học sinh lớp 1 học chương trình mới ngay, bắt đầu từ âm "a" ngay. Không những thế, ở những lớp học có sĩ số đông thì khó khăn lại khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu
* Vậy giải pháp của sở cho những vấn đề khó khăn này là gì?
- Đầu năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT TP đã có hướng dẫn chuyên môn là giao quyền chủ động cho nhà trường, cho giáo viên trong việc thực hiện chương trình.
Tùy vào mức độ tiếp nhận của học sinh lớp mình, giáo viên sẽ điều chỉnh kế hoạch dạy học, nội dung bài dạy cho phù hợp chứ sở không bắt buộc giáo viên phải dạy theo thời lượng số tiết học một cách cứng nhắc.
Có nghĩa là nếu giáo viên thấy học sinh lớp mình tiếp thu bài chưa tốt thì chủ động giãn tiến độ thực hiện chương trình. Có thể đầu năm học tổ bộ môn của trường thống nhất rằng chủ đề A chỉ dạy 1 tiết, nhưng nếu thấy học sinh yếu và chậm thì giáo viên có quyền chủ động tăng thời lượng giảng dạy lên 2 hay 3 tiết.
Dĩ nhiên, tôi cũng được biết hiện một số giáo viên vẫn chưa tự tin, chưa chủ động thực hiện quy định trên. Dự kiến thời gian tới Sở GD-ĐT TP sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn, định hướng rõ ràng hơn nhằm giúp giáo viên tự tin thực hiện "quyền" của mình trong giảng dạy.
* Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng học sinh gặp khó khăn trong tuần đầu tiên một phần từ giáo viên?
- Trong văn bản hướng dẫn chuyên môn, sở đã lưu ý các giáo viên không được tạo áp lực cho học sinh. Tôi nhắc thêm là các giáo viên không được chê bai hay phê bình học sinh là "con viết xấu quá" hay "con đọc yếu quá"...
Học sinh lớp 1 mới đi học được vài tuần thì không thể đòi hỏi các em phải đọc bài trôi chảy, suôn sẻ mà phải chấp nhận có những em đọc sai, vấp váp... Giáo viên cũng không thể yêu cầu các em phải viết đúng ô li, viết đẹp và viết nhanh ngay được; phải chấp nhận trong lớp có những em viết tốt, có những em viết còn sai, còn nguệch ngoạc...
Gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh
Tôi yêu cầu các trường tiểu học cần tạo điều kiện cho phụ huynh gặp gỡ, trao đổi với giáo viên mỗi ngày (nếu họ có nhu cầu) để họ trao đổi về việc học tập của con em mình. Với những học sinh tiếp thu bài chưa như mong muốn thì giáo viên cần chủ động mời phụ huynh đến để tư vấn, hướng dẫn họ hỗ trợ con em mình trong quá trình rèn kỹ năng đọc - viết ở nhà.
Ngoài ra, ban giám hiệu các trường tiểu học cũng cần chủ động dự giờ, giúp đỡ giáo viên lớp 1 giải quyết kịp thời những khó khăn mà họ đang đối mặt, nhất là những lớp đông học sinh.
Nhọc nhằn trải nghiệm sách giáo khoa chương trình mới SGK chương trình lớp 1 mới được mong chờ sẽ giảm tải, lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng dạy kỹ năng cho các em. Thế nhưng trên thực tế, chương trình nặng, sĩ số lớp quá tải, thời gian làm quen không có... là những vấn đề khiến không chỉ giáo viên mà phụ huynh cũng đau đầu. Khó đồng hành...