Điều chỉnh, bổ sung SGK Tiếng Việt 1: Liệu có nhặt hết “sạn”?
Câu chuyện về những sai sót của Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1- bộ sách Cánh Diều đến giờ vẫn thu hút sự chú ý của dư luận và gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn.
Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM vừa công bố dự thảo tài liệu điều chỉnh, bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 – bộ Cánh Diều, để xin ý kiến giáo viên, phụ huynh, người dân trước khi đưa vào thay thế các nội dung cũ. Điều quan trọng là liệu việc điều chỉnh, bổ sung này có thành chắp vá hay làm khó giáo viên và học sinh như lo ngại trước đó?
Nhiều phụ huynh có con đang học tiểu học năm nay tỏ ra vui mừng trước việc NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh lấy ý kiến về những nội dung điều chỉnh, bổ sung của Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều. Cùng với đó là những băn khoăn liệu việc chỉnh sửa có gây khó cho học sinh hay không.
Hầu hết những nội dung gây bức xúc dư luận thời gian qua đều được bổ sung ngữ liệu mới. Theo đó, tài liệu gồm 12 trang với 2 nội dung chính bao gồm giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài học chưa phù hợp và hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài. 11 bài đọc ở các SGK Tiếng Việt 1 và tập 2 bộ sách Cánh Diều được thay thế, nhiều từ ngữ được điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn. Ở phần điều chỉnh từ ngữ, nhiều từ bị đánh giá không phù hợp cũng đã được các tác giả loại bỏ, thay thế từ khác.
Cô Lê Thị Huyền, Giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa khẳng định, điều chỉnh là cần thiết vì điều này thể hiện sự lắng nghe, động thái kịp thời của Bộ GD-ĐT, NXB, tác giả trước góp ý của xã hội trong việc điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp.
Theo cô Lê Thị Huyền ngay cả khi chưa có sự điều chỉnh, cô và các đồng nghiệp đã linh hoạt trong việc thay đổi ngữ liệu để việc dạy học sao cho hiệu quả nhất: “Trong bài tập đọc “Sẻ và quạ” chúng tôi thấy cần sự điều chỉnh. Sau khi chúng tôi soạn bài thì đã thống nhất với Ban giám hiệu cùng với sự thống nhất với các giáo viên trong khối đã có sự điều chỉnh đồng nhất ở trong khối”.
Nói về việc sự điều chỉnh có làm vất vả hành trình dạy học của giáo viên hay không khi học sinh đã học đến nửa học kỳ I? cô Trần Thị Lan Anh, Trường Tiểu học Phùng Hưng, Quận 11, TP HCM cho rằng, nếu hoàn thiện từ đầu, không có sự điều chỉnh nào từ khi triển khai, giáo viên, học sinh sẽ thuận lợi hơn trong sử dụng học liệu. Song có sự điều chỉnh, thay đổi về ngữ liệu, từ ngữ sắp tới với SGK Tiếng Việt 1 -Cánh Diều cũng không phải là điều quá phiền phức.
Video đang HOT
Ở góc nhìn khắt khe hơn, sau khi đọc nội dung tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều được công bố trên mạng, chuyên gia giáo dục tiểu học Vũ Thu Hương vẫn chưa thể yên tâm. Bà cho rằng, những phần chỉnh sửa, đính chính vẫn bị rối, đánh đố trẻ nhỏ vì vẫn phức tạp so với tầm nhận thức của trẻ em ở độ tuổi lên 6: “Việc thay thế từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, từ từ này sang từ khác chỉ có thể giải quyết được những bức xúc. Ví dụ chữ “Quà quà” đã được thay thành “Quạ quạ” chỉ là an lòng dư luận chứ chưa thực sự hiểu về tâm sinh lý trẻ em. Với rất nhiều chữ mà chúng tôi thấy trẻ em tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1 thì chúng tôi vẫn thấy để nguyên trong bộ sách Cánh Diều”.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lẽ ra sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều phải được đưa lên mạng ngay từ đầu để xin ý kiến của giáo viên, phụ huynh, dư luận. Thế nhưng, việc biên soạn SGK lớp 1 vừa rồi đã làm theo một quy trình ngược, các khâu thẩm định, thực nghiệm có vẻ đều vội vàng. Trong khi việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn SGK mới là một quá trình, có thời gian để nghiên cứu và chuẩn bị. PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, dù còn ý kiến khác nhau về bản điều chỉnh SGK Cánh Diều, nhưng phụ huynh, giáo viên cần coi đây là cơ hội tốt để theo dõi kỹ nội dung điều chỉnh và có góp ý cụ thể.
Sau khi lấy ý kiến rộng rãi dư luận, giáo viên, nhà trường, Hội đồng thẩm định SGK sẽ thẩm định lần cuối vào ngày 21/11. Nhưng với những gì xảy ra ở lần thẩm định trước, dư luận khó có thể yên tâm vào kết quả thẩm định lần này. Chưa kể, ở thời điểm này, SGK lớp 2 và lớp 6 đã trong quá trình thẩm định vòng 2 để chuẩn bị đưa vào giảng dạy trong năm học 2021-2022. Từ bài học kinh nghiệm sửa sai của SGK lớp 1, việc thực nghiệm hai bộ SGK lớp 2 và lớp 6 lẽ ra nên được làm ngay từ khi chuẩn bị áp dụng SGK lớp 1.
TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nếu có một quá trình thực nghiệm cẩn trọng, nghiêm túc thì sẽ không mắc phải những sai sót như trong SGK Tiếng Việt lớp 1 thời gian vừa qua: “Việc chúng ta tổ chức thực nghiệm, giảng dạy SGK mới thời gian dài hơn, phạm vi thực nghiệm rộng hơn, thì chắc chắn việc hoàn thiện sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ là trước khi Hội đồng thẩm định họp cần có nhiều kênh để tập hợp những ý kiến đóng góp, nhận xét đặc biệt là phản biện từ các thầy cô trực tiếp giảng dạy cũng như phụ huynh học sinh”.
Sau khi Hội đồng thẩm định lần cuối, tài liệu chỉnh sửa bổ sung sẽ được in ấn và phát miễn phí đến tay từng học sinh đang sử dụng bộ sách Cánh Diều trước ngày 30/11. Điều đó có nghĩa, bên cạnh việc có 1 cuốn SGK Tiếng Việt bản chính, mỗi học sinh sẽ có 1 bản phụ, bản đính chính, kèm theo./.
Sửa lỗi sách giáo khoa kiểu "chữa cháy", nên chăng?
Tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều đã được nhà xuất bản công khai để xin ý kiến góp ý trước ngày 20/11. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là hình thức "chữa cháy". Bởi, lỗi sai không chỉ nằm ở một vài từ ngữ.
"Chữa cháy" để trấn an dư luận
Theo kế hoạch dự kiến, hội đồng thẩm định sẽ làm việc ngày 21/11 để thẩm định lần cuối sau khi có ý kiến góp ý về dự thảo tài liệu chỉnh sửa, bổ sung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều. Trước ngày 30/11, nhà xuất bản có trách nhiệm hoàn thiện và gửi về địa phương để bổ sung miễn phí tài liệu này cho học sinh.
Trong thời gian đến ngày 20/11, những nội dung chỉnh sửa, bổ sung sẽ xin góp ý của giáo viên sử dụng sách giáo khoa, các nhà khoa học và xã hội. Cụ thể, trước đó, nhà xuất bản đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đã công khai tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều để xin ý kiến góp ý.
Theo Ths. Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài (giáo viên Ngữ văn tại TP.Hồ Chí Minh), căn cứ vào tài liệu chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều mà nhà xuất bản đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đã công bố, cho thấy một cách sửa theo kiểu chắp vá, "chữa cháy" để trấn an dư luận.
Ths. Phan Thế Hoài.
Ths. Phan Thế Hoài chỉ ra một số dẫn chứng: "Về từ ngữ, từ "lá hẹ" trong văn bản "Chăm bà" (trang 3) rất xa lạ với học sinh lớp 1. Thay "dưa đỏ" bằng "quả dưa" (trang 58) là chưa đúng với hình minh họa, phải nói là dưa hấu mới đúng, vì loại dưa này có ruột đỏ. Để nguyên từ "gà nhép" (trang 105) cũng khiến học sinh khó hiểu. Về văn bản, tất cả các văn bản được thay thiếu chất văn, chưa suôn sẻ, thậm chí lặp ý và không biết tác giả là ai. Ví dụ văn bản "Hồ sen" (trang 6), lặp ý: "Khắp hồ thơm ngát" và "... sân nhà Ngân thơm ngát"...".
"Tóm lại, đội ngũ tác giả chỉ mới chỉnh sửa được một phần nhỏ lỗi sai của quyển sách, thậm chí rất bảo thủ khi vẫn giữ nguyên từ "gà nhép". Với tư cách là người nghiên cứu ngôn ngữ, tôi khẳng định, cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều không thể sử dụng cho học sinh lớp 1. Sách sửa theo kiểu chắp vá, "chữa cháy" để trấn an dư luận.
Cái sai của quyển sách này là sai có hệ thống, từ: Từ, ngữ, câu, ngữ liệu, nội dung văn bản, ý nghĩa giáo dục - kể cả xuyên tạc văn hoá Việt và tính phổ quát văn hoá của nhân loại" - Ths. Phan Thế Hoài nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của Ths. Phan Thế Hoài, nhà văn Nguyễn Quang Vinh cũng thẳng thắn nhìn nhận: "Hãy xem mục lục, ngay cả việc tên tiêu mục, không biết thế nào là " số trang" và thế nào là "trang số" thì thôi, không cần bàn gì nữa, ấu trĩ, làm bừa ngay từ mục lục".
"Đính chính" nhưng lỗi sai còn nguyên trong sách
Theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, lỗi của cuốn sách không chỉ nằm ở mấy từ này để bỏ hoặc thay. "Đó chỉ là tiểu tiết. Và hội đồng biên soạn, thẩm định sách, sau thời gian khẳng định "không sai" nay lại thừa nhận sai và sửa, thay, bỏ chính những từ, câu, ý, đoạn mà chính dư luận xã hội vạch ra, rồi coi như hoàn thành, coi như kẹp nội dung "đính chính" này vào cho giáo viên dạy với hai tiếng "miễn phí"...
Một văn bản thay thế theo tài liệu chỉnh sửa sách giáo khoa tiếng Việt 1 - Cánh Diều.
Cái sai là hệ thống, cách thức, khoa học soạn sách, đã sai ngay từ chủ đích, ngay từ gốc của sách này. Sách dạy cho trẻ lớp 1 về tiếng Việt trước hết là chuyển tải, là lôi kéo, là dẫn dụ, là cầm tay các cháu đi vào khu vườn chữ Việt với âm thanh trong trẻo, với sự ấm áp của ngôn từ thông qua những câu, những chuyện của cuộc đời này, chất chứa ở đó cái đạo, cái đức, cái lý như lời mẹ ru, không phải nơi để bày ra một thứ ma trận, một thứ áp đặt, một thứ ráo hoảnh của chữ, một thứ cứng nhắc của từ, vô hồn... "Đính chính" cho thầy cô nhưng mọi lỗi sai vẫn nằm nguyên trong sách, có thể cấm các trò nhỏ không đọc được không?" - ông chia sẻ.
Cuối cùng, nhà văn Nguyễn Quang Vinh bày tỏ: "Vấn đề của cuốn sách không phải lỗi chính tả, lỗi câu để có thể đính chính. Mà vấn đề là góc nhìn của người soạn sách, xơ cứng, máy móc, không nhân văn khi lựa chọn chất liệu. Thậm chí, chạy theo ý kiến xã hội ở vài từ ngữ, câu cú, đối phó một cách khó chịu và kém ý thức. Chính vì vậy, theo tôi, cách tốt nhất là thu hồi và tiêu hủy bộ sách này, thay bằng bộ sách khác, hội đồng biên soạn sách khác".
Là một người tâm huyết với giáo dục, Ths. Phan Vũ Diễm Hằng (nữ sinh đầu tiên của Việt Nam tham dự và đoạt Huy chương tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế) bày tỏ: "Những người làm sách đã sai ngay từ đầu, bản thân những cuốn sách đó có những sai sót rất lớn.
Chúng ta phải nhìn nhận sách giáo khoa là chuẩn mực, đó không phải là sách tham khảo để muốn dùng thì dùng, không dùng thì thôi. Chính vì vậy, khi xây dựng sách giáo khoa, ta phải làm hoàn toàn đầy đủ, một cách tròn trịa, không để lọt một sai sót nào, không thể làm "khơi khơi" rồi nói sách như thế này nhưng ai muốn sáng tạo dạy ra sao thì dạy. Sau khi soạn thảo xong hết rồi thì phải rà soát thật kỹ lưỡng. Và quan trọng nhất là người đứng đầu phải thiết kế một bộ máy soạn thảo, thẩm định tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ.
Phải làm sao để đảm bảo cho tiếng Việt là một ngôn ngữ trong sáng, hay, truyền cảm và chuẩn mực... Chuẩn mực ấy từ đâu ra? Từ sách giáo khoa "vỡ lòng" mà ra".
"Hiện tại, với những sai sót lớn như đã được dư luận chỉ ra trong thời gian qua, chắc chắn nên bỏ cuốn sách Tiếng Việt 1 - Cánh Diều, thay bằng bộ sách khác. Và bài học kinh nghiệm cho biên soạn bất kỳ bộ sách nào, phải dạy thử nghiệm so sánh trong một thời gian đủ dài để đánh giá được hiệu quả bộ sách" - Ths. Phan Vũ Diễm Hằng nhấn mạnh.
'Đừng chỉnh sửa sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều theo kiểu chắp vá' Ngữ liệu và từ ngữ được thay thế mới trong sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều chưa đủ chuẩn mực để có thể đưa vào dạy đại trà cho học sinh 6 tuổi. Ngày 14/11 Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM công bố tài liệu bổ sung, điều chỉnh ngữ liệu cho sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều và...