Điều cần tránh khi xây dựng chương trình và SGK lịch sử
Nhận định của một số nhà khoa học cho rằng, môn Lịch sử càng ngày càng ít được chú trọng, học sinh cảm thấy không có tác dụng với các em.
Những tiết học Lịch sử tẻ ngắt, không tạo được cảm hứng cho học sinh – là tình trạng dạy và học môn học này ở Việt Nam.
Trí tuệ con người chỉ tích cực hoạt động khi nó đứng trước những thách thức phải tìm kiếm, giải thích, phân tích, so sánh và suy ngẫm để rút ra một kết luận nào đó và người ta cảm thấy thích thú khi tự mình phát hiện hay được tạo ra một cái gì đó mới mẻ.
Học sinh sẽ chìm đắm trong suy tư để viết ra một đoạn văn hay một vở kịch hay vẽ một bức tranh về một sự kiện lịch sử, một nhân vật lịch sử hay thực hiện một nghiên cứu lịch sử.
Giáo viên giảng giải về lịch sử.
Dạy lịch sử thế nào để học sinh hứng thú?
Lịch sử có mối quan hệ với nghệ thuật, âm nhạc, khoa học, công nghệ, tôn giáo, ngôn ngữ và toán học… Khi khám phá lịch sử cần đến các kiến thức toán học để hiểu các con số và sự kiện, dùng kiến thức về nghệ thuật để hiểu các công trình kiến trúc, cách thức xây dựng, nguyên vật liệu sử dụng để xây dựng nó.
Sử dụng công nghệ đặc biệt quan trọng để khám phá các vấn đề lịch sử. Ví dụ, các giáo viên sử dụng 3D để giải thích các cấu trúc toán học của các kim tự tháp, chúng đã được xây dựng ra sao…
Khi học sinh chơi đóng vai các nhân vật lịch sử hay diễn lại một sự kiện lịch sử các em cần âm nhạc và nghệ thuật, sáng tạo cách nói, cách hành động, cách ăn mặc, các đồ dùng của người xưa của nhân vật sao cho lột tả được tính cách nhân vật hay mô tả được bản chất của sự kiện lịch sử…
Khi các em vẽ lại các sự kiện lịch sử hay mô tả chúng trong một tác phẩm nghệ thuật các em cần đến kiến thức về hội họa. Đồng thời, những hoạt động này cũng làm cho học sinh tiếp thu tốt hơn không chỉ kiến thức lịch sử mà kiến thức của các môn học khác, củng cố, phát triển các kỹ năng và phát triển các tố chất, các năng lực sáng tạo.
Bởi thế mà nhiều phương pháp dạy học môn lịch sử được nghiên cứu và cải tiến để làm cho việc dạy học lịch sử trở nên thú vị hơn.
Video đang HOT
Ví dụ, tại bang Ohio của Mĩ, hàng năm bang này đều cho học sinh thực hiện các dự án lịch sử và các em trình bày kết quả trong ngày hội lịch sử.
Trong dự án Ngày Ai Cập, một số học sinh của bang đã tưởng tượng xem người xưa sử dụng gàu để lấy nước từ sông Nin tưới cho vụ mùa ra sao; một số em khác thì viết về ảnh hưởng của sông Nin đối với vụ mùa và đời sống của những người nông dân thời bấy giờ ở Ai Cập, hay một nhóm khác thì sáng tạo câu chuyện lịch sử về các kim tự tháp; một nhóm khác cố gắng dùng kiến thức khoa học để giải thích cách ướp xác…
Các em có thể chơi nhiều trò chơi với các sự kiện hay nhân vật lịch sử… các em có thể mở những bữa tiệc để trình bày các món ăn, thức uống của người xưa… Các trò chơi, các vở kịch, các điệu nhảy…giúp học sinh thể hiện năng lực của bản thân và tương tác với nhau và làm cho các em vô cùng thích thú.
Điều cần tránh khi xây dựng chương trình và SGK
Chương trình giáo dục mới của Việt Nam khẳng định rằng, phát triển năng lực sáng tạo của học sinh có thể thực hiện được trong tất cả các môn học và các hoạt động và đó là một trong những năng lực cơ bản của HS Việt Nam trong thế kỷ 21.
Môn Lịch sử là môn học tạo nhiều cơ hội cho học sinh khám phá, tưởng tượng và sáng tạo.
Ngoài việc sử dụng các phương pháp dạy học đa dạng như đã đề cập, xây dựng chương trình và SGK như thế nào để tránh việc học sinh phải ghi nhớ sự kiện một cách riêng lẻ, nhàm chán mà thay vào đó giúp học sinh phát triển năng lực sáng tạo là điều hết sức quan trọng.
Dạy học theo chủ đề là cách thức mà các nước đang tiến hành để giúp học sinh tích hợp kiến thức và kỹ năng các môn học, tạo điều kiện cho các em đào sâu kiến thức và sáng tạo.
Hiện nay, SGK Lịch sử của Việt Nam hầu như được trình bày theo các sự kiện và con số, việc giảm tải cơ học đã làm mất đi những tư tưởng lớn của các dòng lịch sử.
Ví dụ, bài 36 Phong trào công nhân Lịch sử lớp 10 chủ yếu mô tả các phong trào công nhân mà bỏ qua ý tưởng lớn “điều kiện sống và làm việc” quyết định động cơ, thái độ làm việc của người lao động.
Học sinh cần được tìm hiểu điều kiện cần để người lao động có thể sống và làm việc để từ đó các em lí giải được các nguyên nhân dẫn đến các phong trào đấu tranh của người lao động trong quá khứ cũng như hiện tại và nếu sau này các em là nhà lãnh đạo thì nên làm gì để người lao động làm việc tốt, nếu là người lao động thì cần biết phải đấu tranh như thế nào để đảm bảo điều kiện sống và làm việc cho bản thân.
Nhìn lại toàn bộ lịch sử loài người và mục tiêu dạy học lịch sử hiện nay có thể cấu trúc lại chương trình lịch sử theo một số chủ đề lớn như các chủ đề về: (i) Nhân vật lịch sử và các thể chế chính trị- xã hội; (ii) Tác giả và văn học-nghệ thuật qua các thời kỳ; (iii) Nhà phát minh, toán học và khoa học kỹ thuật; (iv)Những ý tưởng lịch sử và vấn đề nghiên cứu lịch sử; và đi sâu vào chủ đề về (v) Lịch sử Việt Nam.
Cách cấu trúc này giúp học sinh vừa có cái nhìn tổng thể về các dòng lịch sử qua thời gian, so sánh lịch sử các nước qua các thời kì, thấy được sự tiến triển của các chế độ xã hội, các phát minh khoa học, các xu hướng nghệ thuật, văn học… gắn với nhiều lĩnh vực môn học khác nhau và điều này giúp học sinh có hiểu biết sâu, có tầm nhìn để sáng tạo.
Khi đã có hiểu biết và nền tảng chung về lịch sử, học sinh sẽ đối chiếu, xem xét và đi sâu vào lịch sử Việt Nam. Các em sẽ thấy vị thế của Việt Nam trên thế giới trong lịch sử và hiện tại để các em có ý thức tự hào về dân tộc và có ý thức bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngang bằng với các nước khác.
Cấu trúc SGK theo chủ đề và sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo chăc chắn sẽ đem đến niềm vui, hứng thú và sự sáng tạo cho học sinh khi học môn Lịch sử.
Theo Trần Thị Bích Liễu/Vietnamnet
Học sinh từ tiểu học sẽ được biết về cuộc chiến tranh biên giới phía bắc
Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ, tổng chủ biên một số sách giáo khoa Lịch sử, đã đưa ra những hình dung cần thiết phải bổ sung về cuộc chiến tranh xâm lượcbiên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc.
Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ nêu dự kiến việc đưa vào sách giáo khoa lịch sử nội dung cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc
Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ nhận định:
Hiện nay trong chương trình môn lịch sử phổ thông, cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc (năm 1979) đã có. Cụ thể, ở bậc THCS, trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 9, bài 32 với tên gọi "Xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc" có một phần nói về cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và một phần nói về cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía bắc. Đã có rồi nhưng nội dung đề cập đến còn chưa hết, chưa đầy đủ, chưa thỏa mãn không chỉ với người đọc, người học, mà chưa thỏa mãn kể cả với những người viết sách giáo khoa lịch sử chúng tôi. Tất nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên chúng tôi đã phải chấp nhận như vậy.
* Vậy theo ông, nhìn một cách tổng thể thì sắp tới sách giáo khoa Lịch sử mới cần bổ sung nội dung này ra sao?
Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ: Trước hết cần phải xác định lại vai trò, vị trí của cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc. Điều quan trọng là chúng ta không né tránh và phải nói rõ sự thật lịch sử diễn ra như thế nào. Cần có sự mô tả để nhằm mục đích giáo dục truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước. Cá nhân tôi cho rằng, đây là sự kiện cần phải được khắc cốt ghi tâm đối với mỗi người dân VN, hiểu biết về cuộc chiến tranh này đồng thời trân trọng những con người đã gian khổ, hy sinh để bảo vệ một phần lãnh thổ của tổ quốc. Đồng thời, truyền cho lớp trẻ hào khí vẻ vang, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù.
* Theo ông, học sinh từ cấp học nào thì cần phải được biết và hiểu về cuộc chiến tranh này?
Việc bổ sung thế nào phải phụ thuộc vào chương trình tổng thể cũng như chương trình của các bộ môn. Mặc dù vậy, do tôi được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mời làm tổng chủ biên cho môn lịch sử phổ thông nên chúng tôi cũng đã bắt đầu đưa ra những dự kiến về chương trình bộ môn này.
Đối với cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc, chúng tôi sẽ cố gắng đưa vào đầy đủ nhất những nội dung về cuộc chiến tranh để các thế hệ sau hiểu được một cách chân thực nhất.
Nội dung này cần được đề cập đến ngay từ cấp tiểu học. Ở cấp này, do môn lịch sử sẽ không dạy thông sử như hiện nay mà chuyển sang hình thức kể chuyện lịch sử, nên học sinh sẽ biết đến cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc thông qua những câu chuyện cụ thể về các địa danh đã xảy ra các trận chiến. Cùng với đó là những câu chuyện về những người anh hùng, những người chiến sĩ đã dũng cảm đấu tranh, đã hy sinh ra sao trong cuộc chiến. Ví dụ, gương anh hùng Nguyễn Văn Hiền đã dũng cảm chiến đấu một mình với biển người của kẻ thù để bảo vệ 12 đồng đội của mình...
Đến cấp THCS, sẽ yêu cầu cao hơn, nghĩa là phải bổ sung đầy đủ thông tin hơn, kể về sự kiện, phân tích ý nghĩa, đưa sử liệu vào để học sinh hình dung đầy đủ hơn về cuộc chiến tranh. Đồng thời, phát triển năng lực tư duy của học sinh bằng những câu hỏi liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam của Trung Quốc rồi cho các em so sánh với những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước khác của cha ông ta trước đó...
Cấp THPT, có thể xây dựng thành những chuyên đề, chủ đề riêng về các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, trong đó có cuộc chiến này. Ở cấp học này cũng cần phải cho học sinh biết được thế lực thù địch đã tuyên truyền xuyên tạc như thế nào về cuộc chiến để học sinh bày tỏ quan điểm, phản bác lại dựa trên những bằng chứng, nhân chứng lịch sử ở trong nước.
Thời lượng như thế nào, bao nhiêu tiết, bao nhiêu bài... thì phải tính toán cụ thể khi xây dựng chương trình bộ môn.
* Vậy học sinh sẽ phải chờ đến khi thay đổi chương trình, sách giáo khoa thì mới được học về sự thật lịch sử này?
Tôi cho rằng không nên chờ đến sau 2018 mới bắt đầu giảng dạy cho học sinh về cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc. Trước mắt, cùng với sự chỉ đạo, khuyến khích của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT, các nhà trường phải đưa vào nội dung chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa nội dung kiến thức về cuộc chiến tranh này. Đặc biệt, với học sinh của 6 tỉnh biên giới phía bắc, nơi ông cha ta đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ lãnh thổ thì việc này cần phải càng được chú trọng hơn. Cho học sinh thăm quan mảnh đất từng là chiến trường xưa, thăm nghĩa trang liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến... sẽ là cách hữu hiệu nhất để nội dung lịch sử này thấm vào thế hệ trẻ.
* Ngoài ra, theo ông chương trình giáo dục mới cần bổ sung những sự kiện lịch sử lớn nào cần phải giáo dục cho thế hệ trẻ, thưa ông?
Những sự kiện lớn còn thiếu vắng trong sách giáo khoa lịch sử hiện nay, theo tôi, ngoài cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam của Trung Quốc còn có cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, những vấn đề liên quan đến quá trình gìn giữ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhất là trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
Theo thanhnien.vn
Học sử qua bảng thuyết minh tên đường Bằng số tiền nhỏ cùng nhau gom góp, các cựu binh của Hội cựu chiến binh khối phố 6, phường An Sơn (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đưa mô hình bảng thuyết minh tên đường đến từng con phố. Ông Phạm Công Chức - Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường An Sơn, người đầu tiên khởi xướng mô hình này - kể...