Diễn viên Thanh Loan và lời đồn bị tạt axit, ly dị
Cuộc đời NSƯT Thanh Loan như “một dòng sông phẳng lặng cứ êm đềm trôi” nhưng cũng có khi bà cũng gặp phải xáo trộn bởi lời đồn thổi ác ý.
Hình ảnh “ni cô Huyền Trang” đằm thắm, thánh thiện với đôi mắt buồn sâu thẳm do nghệ sĩ Thanh Loan thủ vai trong Biệt động Sài Gòn đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả điện ảnh cả nước những năm 1980.
NSƯT Thanh Loan bén duyên với nghệ thuật từ năm 15 tuổi. Sở hữu vẻ đẹp đặc trưng của thiếu nữ đất Hà Thành với khuôn mặt trái xoan xinh xắn, bà được biết đến với rất nhiều bộ phim như Người về đồng cói, Phương án ba bông hồng, Nơi tình yêu đã chết, Bí mật thành phố cấm, Bản đề án bị bỏ quên… và đặc biệt là phim Biệt động Sài Gòn.
Trong phim Biệt động Sài Gòn, NSƯT Thanh Loan vào vai ni cô Huyền Trang. Vai diễn của bà đã in dấu trong lòng công chúng như biểu tượng cho cái đẹp thánh thiện, kiên cường của thời chiến. Sau hàng loạt các vai diễn để đời, NSƯT Thanh Loan trở thành một người lính, một nữ đại tá. Bà từng giữ vai trò Phó Giám đốc Điện ảnh Công an Nhân dân.
NSƯT Thanh Loan.
Nữ nghệ sĩ nói: “Làm nghệ sĩ là người của công chúng, nên hay được mọi người quan tâm, để ý về đời sống riêng tư như ăn ở ra làm sao, mối quan hệ xã hội như thế nào, chuyện gia đình, chồng con… Đây có lẽ là niềm hãnh diện với những người nghệ sĩ nhưng cũng có khi bị quan tâm thái quá cũng khiến chúng tôi cảm thấy không được thoái mái và phiền toái.
Chẳng hạn năm 1987, tôi đi cùng đoàn đại biểu điện ảnh Việt Nam sang Liên Xô. Khi trở về, đoàn về trước còn tôi lên tàu hỏa đi thăm chồng và ở lại với chồng 6 tháng. Không thấy tôi trở về, trong nước có tin đồn tôi qua đời… Hồi đó, bố tôi phải lóc cóc đạp xe tới tận cơ quan để hỏi việc này có thật hay không.
Rồi ngày xưa trong Sài Gòn có người nghệ sĩ có vẻ na ná giống tôi ly dị chồng. Thế là một thời gian dài người ta đồn ầm ĩ là tận mắt thấy Thanh Loan và chồng dắt nhau ra tòa ly dị, hay lời đồn là Thanh Loan bị tạt a xít nên không xuất hiện trên màn hình được nữa”.
Video đang HOT
Nghệ sĩ Thanh Loan thời trẻ.
Chia sẻ về việc xa rời sự nghiệp diễn xuất, NSƯT Thanh Loan bộc bạch: “Không được đóng phim nhiều khi cũng rất nhớ, thèm lắm chứ. Nhưng rồi việc bận rộn với công việc giúp tôi quên đi vả lại tôi cảm thấy mình không hợp và không thích phim truyền hình. Tôi quen làm việc với điện ảnh với sự công phu, tỉa tót, trau truốt trong diễn xuất. Cho nên khi bước sang truyền hình mình gần như không chịu được sự gấp gáp, cẩu thả quá mức. Bản thân mà đóng không được như ngày xưa nữa thì lại làm tôi phải suy nghĩ, trăn trở. Vì vậy, tôi quyết tâm xa rời nghiệp diễn”.
Khác với các bạn bè cùng khóa, nghệ sĩ Thanh Loan chọn làm đạo diễn phim tài liệu, một đề tài được coi là rất khó. Bà tâm sự: “Phim tài liệu là thể loại phim khai thác mọi khía cạnh trong đời sống ở góc độ chân thực và tự nhiên nhất. Làm phim tài liệu tôi được đồng cảm, chia sẻ với những mảng biến, mảng đời, số phận của những nhân vật. Thể loại phim này còn là để nhớ về những thời oanh liệt của cha ông mình với những giá trị lịch sử đầy ắp”.
Trước thực tế rằng năm 2014, những bộ phim có tư liệu lịch sử được đầu hàng trăm tỷ đồng nhưng không thu hút được khán giả trong khi những bộ phim tư nhân kinh phí ít, nội dung bình thường lại cháy vé, nghệ sĩ Thanh Loan chia sẻ quan điểm: “Tôi nghĩ rằng cái lãi ở đây là cái lãi về chính trị, cần có những bộ phim như Sống cùng lịch sử để con cháu có thể cảm nhận được thời hào hùng của cha ông”.
Bà khẳng định: “Với dân số 90 triệu dân của nước ta hiện nay, tôi nghĩ việc chi trăm tỷ cho phim là chính đáng. Tôi cũng buồn khi ở những thành phố lớn người ta không mặn mà ra rạp đi xem thể loại phim tài liệu này, nhưng phim đâu phải chỉ chiếu ở các rạp chiếu phim mà còn được công chiếu cho nhân dân ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Những thước phim quý giá đó sẽ giúp cho con cháu chúng ta sau này cảm nhận được những cống hiến, hy sinh của cha ông, tiếp thêm truyền thống yêu nước”.
Đến nay mặc dù đã về hưu được 7 năm, nghệ sĩ Thanh Loan vẫn nhận lời làm phim nói về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam vì với bà đó là cách để góp sức quảng bá du lịch. Một năm, bà tham gia viết kịch bản một đến 2 lần để luyện tay nghề và chống lão hóa, tham gia các công tác xã hội như làm phó chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội, Chủ tịch Chi hội Điện ảnh của Bộ Công an.
Nhận mình là người may mắn vì có một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc nên “ni cô Huyền Trang” cũng rất hay tham gia làm công tác từ thiện. Bà bảo: “Tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người nên đem sự may mắn đó chia sẻ cho những người thiếu may mắn một ít. Tôi nghĩ đơn giản lắm: nếu mình giúp họ thì con cháu, người thân của mình cũng được người khác giúp lại. Mọi sự đều có nhân quả”.
An nhiên và viên mãn là những gì đang hiện hữu quanh NSƯT Thanh Loan. Bà kết hôn năm 23 tuổi với một giáo sư, tiến sĩ toán học luôn yêu chiều vợ, sinh được 2 người con một gái một trai giỏi giang. Hiện tại, NSƯT Thanh Loan đã lên chức bà và đang sống hạnh phúc với gia đình tại Hà Nội.
Người cháu ngoại lớn của nữ nghệ sĩ là chàng trai Nguyễn Khang Thái năm nay mới 14 tuổi nhưng đã gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc trong thể thao, học tập.
Theo Đông Vũ/Dân Việt
Kiện đòi bồi thường 400 tỷ đồng, nhận được... 800kg gạo
Tại phiên sơ thẩm hôm nay, tòa đã bác nhiều yêu cầu của ông Nguyễn Thanh trong vụ kiện tranh chấp quyền tác giả và tiền nhuận bút kịch bản phim Biệt động Sài Gòn.
Sau nhiều lần trì hoãn, sáng nay 25/3, TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm vụ kiện tranh chấp quyền tác giả và đòi tiền nhuận bút kịch bản giữa nhà báo Nguyễn Thanh và đạo diễn, biên kịch Lê Phương, Hãng phim truyện Việt Nam xung quanh kịch bản phim Biệt động Sài Gòn.
Hình ảnh trong phim Biệt động Sài Gòn.
Theo ghi nhận của PV báo Gia đình và Xã hội có mặt tại phiên tòa, ngoài ông Nguyễn Thanh có mặt, còn lại các bên đều ủy quyền cho người đại diện tham gia. Phía bị đơn là đạo diễn, biên kịch Lê Phương ủy quyền cho vợ là bà Trịnh Thị Thanh Nhã; Đại diện Hãng phim truyện Việt Nam là bà Đào Hồng Thắm; Đại diện Cục bản quyền tác giả là bà Nguyễn Thị Hồng Nga và ông Quản Hồng Anh.
Tại phiên xét xử, ông Nguyễn Thanh yêu cầu, phía bị đơn (ông Lê Phương và Hãng phim truyện Việt Nam) phải thừa nhận kịch bản phim Biệt động Sài Gòn là của riêng ông. Cùng với đó, ông Nguyễn Thanh còn kiện Báo Sài Gòn Giải phóng đã đăng tải kịch bản phim của ông trên báo với độ dài 63 kỳ mà không ghi tên ông cũng như không trả nhuận bút cho tác giả (chỉ trả cho ông Lê Phương số tiền 2.500 đồng); kiện NXB Hội VHNT Long An và NXB Thanh Hóa lấy kịch bản của ông in thành sách với tiêu đề "Những thiên thần ra trận" mà không xin phép, trả tiền nhuận bút.
Tổng cộng số tiền cho vụ kiện này được ông Nguyễn Thanh quy đổi từ tiền thời điểm năm 1984 sang vàng. Sau đó lấy số vàng thời điểm năm 1984 nhân với mệnh giá hiện nay. Tất cả số tiền bồi thường là 400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã bác những yêu cầu ông Thanh với hãng phim, cũng như với các nhà xuất bản vì không đủ chứng cứ. Đồng thời, kết luận ông Phương phải chia đôi số tiền nhuận bút trước đây nhận được của hãng phim, mà thực tế ông Phương mới trả cho ông Thanh 1/3 và trả số tiền nhuận bút mà ông ông Phương đã nhận được từ báo Sài Gòn Giải Phóng.
Nhà báo Nguyễn Thanh tại phiên tòa sáng nay. Ảnh GĐ&XH.
Ngoài ra, Tòa cũng bác yêu câu quy đổi sang giá vàng của ông Thanh, thay vào đó, số tiền nhuận bút sẽ được quy đổi sang giá gạo. Tòa kết luận ông Phương phải trả cho ông Thanh 800 kg gạo, quy đổi ra tiền hiện nay là 12.800.000 đồng.
Trước đó, như tin tức Thanh niên đã đưa, vào năm 2008, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận được đơn kiện của ông Nguyễn Thanh.
TAND thành phố Hà Nội đã nhận được đơn kiện của ông Nguyễn Thanh vào năm 2008.
Theo đơn khởi kiện năm 2008, ông Thanh yêu cầu TAND thành phố Hà Nội xác định kịch bản phim Biệt động Sài Gòn (sản xuất năm 1982) là của riêng ông, đồng thời yêu cầu Hãng phim truyện Việt Nam và ông Phương phải hoàn trả số tiền nhuận bút, tính ra số tiền tương đương vào thời điểm lúc đó là 74 tỉ đồng cho ông. Mặt khác, theo lời ông Thanh thì ông Phương đã "cố tình kinh doanh trí tuệ" của ông khi sử dụng kịch bản Biệt động Sài Gòn để đem in sách mà không xin phép.
Tại phiên xét xử diễn ra vào ngày 11/5/2009, TAND thành phố Hà Nội đã bác đơn kiện của ông Thanh đối với Hãng phim truyện Việt Nam vì không có chứng từ nào chứng minh Hãng này đã đặt hàng ông Thanh viết kịch bản và sự ra đời kịch bản này chỉ là kết quả sự hợp tác cá nhân giữa ông Phương và ông Thanh. Thực tế, ngay sau khi có quyết định sản xuất phim Biệt động Sài Gòn từ Hãng phim truyện Việt Nam, ông Phương đã trả cho ông Thanh 1/3 số tiền nhuận bút và đề nghị ghi tên ông Thanh là đồng tác giả trên phim. Sau này, khi Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất thêm Biệt động Sài Gòn tập 3 và 4, dù ông Thanh không tham gia, nhưng ông Phương vẫn đề nghị để tên ông Thanh là đồng tác giả.
Người chịu án oan gian nan đòi bồi thường.
Tòa bác yêu cầu của ông Thanh về việc ghi tên kịch bản phim Biệt động Sài Gòn là của riêng ông Thanh. Bên cạnh đó, Tòa yêu cầu ông Phương chia đôi số tiền nhuận bút đã được nhận cho ông Thanh. Theo đó, ông Phương phải trả số tiền quy đổi với thời điểm đó là 9 triệu đồng. Tuy nhiên ông Thanh không đồng ý và tiếp tục kháng cáo
Sau 6 năm, ngày 25/3/2015, TAND thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm.
My Vân
Theo_Người Đưa Tin
Sáng nay, xử vụ kiện 74 tỷ đồng kịch bản phim Biệt động Sài Gòn Từ việc đòi đền bù thiệt hại với số tiền lên đến 74 tỷ đồng nhưng kết quả xử phiên sơ thẩm chỉ được gần 10 triệu đồng, cựu nhà báo Nguyễn Thanh tiếp tục đi đòi quyền lợi... Cựu nhà báo Nguyễn Thanh tiếp tục đi đòi quyền lợi về quyền tác giả duy nhất, cũng như quyền lợi về nhuận bút...