Diễn đàn nước Thế giới – cú hích cho ngành du lịch của Indonesia
Trong khuôn khổ Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 10 (20-25/5) ở đảo Bali, Indonesia, trong chuỗi gần 200 cuộc họp và các hoạt động bên lề, có rất nhiều các sự kiện văn hóa được tổ chức, nhằm mang đến cho các đại biểu những trải nghiệm thú vị về Bali và Indonesia.
Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Diễn đàn nước Thế giới tại Bali, Indonesia.
Trong vòng gần 10 ngày qua, hòn đảo Bali xinh đẹp sôi động hơn bởi sự có mặt của hơn 50.000 người từ khắp nơi trên thế giới tham gia Diễn đàn Nước được tổ chức 3 năm 1 lần.
Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan, giới thiệu nhiều chương trình và hoạt động khác nhau. Mỗi hoạt động đều mang dấu ấn riêng.
Hội chợ triển lãm nước trưng bày các bức ảnh, các thực tế về các vấn đề nước trên thế giới cũng là dịp để các doanh nghiệp vừa và nhỏ quảng bá và bán sản phẩm, đặc biệt là các giải pháp, các sản phẩm công nghệ nước.
Lễ Melukat, một nghi lễ truyền thống của người Hindu trên đảo Bali với những điệu múa rất độc đáo và nghi thức mang ý nghĩa gột rửa tâm hồn khỏi những điều tiêu cực.
Lễ hội Carnival đường phố với sự tham gia của khoảng 1.200 nghệ sĩ thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của Bali. Các du khách bị cuốn hút vào những sắc màu rực rỡ cùng âm nhạc ngay trên dọc khu phố của một điểm du lịch sầm uất.
Đền Pura Batuan ở Bali là điểm đến thu hút nhiều du khách quốc tế.
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Uno Sandiaga nhấn mạnh: “Việc tổ chức Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 10 là dịp để củng cố vị thế của Indonesia như một điểm đến đẳng cấp thế giới, đặc biệt là hình thức du lịch MICE. Chúng tôi hy vọng rằng những người tham gia sẽ có những kỷ niệm khó quên khi ở Bali. Và du khách sẽ biết đến Indonesia nhiều hơn, không chỉ Bali mà còn cả Yogyakarta, Batam và Labuan Bajo”.
Các sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn Nước Thế giới năm 2024 tại Bali được kết nối với các giá trị văn hóa của Indonesia, đặc biệt là của người Bali với những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, độc đáo và đa dạng.
Chuỗi các hoạt động bên lề được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn nước Thế giới lần này, bên cạnh việc mang đến cho các đại biểu cũng là các du khách từ khắp nơi trên thế giới có được những trải nghiệm quý giá về văn hóa bản địa và những ấn tượng tốt đẹp về hòn đảo xinh đẹp Bali, thì đây còn là một cú hích cho du lịch của Indonesia.
Diễn đàn Nước Thế giới ở Bali: Đầu tư cho nước là đầu tư xanh
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, tại Diễn đàn Nước Thế giới đang diễn ra ở Bali, lần đầu tiên, các vấn đề về nước được đưa ra bàn thảo ở cấp độ nguyên thủ quốc gia.
Đặc biệt là lĩnh vực tài chính cho các vấn đề về nước được đặt ra ở nhiều cuộc họp chuyên đề từ cấp ngành đến cấp bộ, cấp địa phương đến cấp quốc gia.
Nhiều công nghệ về nước được giới thiệu tại hội chợ triển lãm trong khuôn khổ Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 10 ở Bali, Indonesia.
Ngân hàng Thế giới đã kêu gọi các chính phủ trên thế giới ưu tiên ngân sách cho ngành nước để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 6 - đảm bảo khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người.
Thông điệp này được đưa ra trong cuộc thảo luận với chủ đề "Đề xuất thành lập Quỹ nước toàn cầu". Giám đốc toàn cầu về lĩnh vực nước của Ngân hàng Thế giới, ông Saroj Kumar Jha cho biết: "Ở hầu hết các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, nước là ngành thiếu vốn nhất. Thực tế hiện nay hầu hết các nước đang phát triển chi ít hơn 2% ngân sách hằng năm cho nước. Điều này phản ánh mức độ ưu tiên tài trợ cho ngành nước trong ngân sách công ở hầu hết các nước đang phát triển còn chưa thỏa đáng".
Vì lý do này, Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 10 khuyến khích các chính phủ cải thiện cách phân bổ ngân sách công, đặc biệt là cho ngành nước, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đạt được các mục tiêu SDG. Đầu tư cho nước chính là đầu tư xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Một phiên thảo luận chuyên đề tại Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 10 ở Bali, Indonesia.
Khu vực tư nhân được kêu gọi tham gia vào ngành nước với những khoản đầu tư có thể qui mô không lớn nhưng khả năng ảnh hưởng rộng và hiệu quả nếu gắn với các khu vực dân cư cụ thể. Điển hình như các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, đặc biệt là các công trình được đầu tư ở những vùng nông thôn, vùng núi - nơi điều kiện sinh hoạt còn nhiều hạn chế, nơi mà phụ nữ và trẻ em còn nhiều thiệt thòi. Đó cũng là những nơi nhận được ít nguồn đầu tư hơn các vùng đông dân cư khác.
Trên thực tế, vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa những điều kiện tài trợ trong ngành nước và những nỗ lực đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Hội đồng nước Thế giới Loui Fauchon kêu gọi hãy để Trái Đất là nơi con người và thiên nhiên cùng hòa hợp vì hòa bình và thịnh vượng. Để đạt được điều đó, việc quan trọng hiện nay là các chính phủ cần ưu tiên các lĩnh vực đầu tư cho nước vì nước là nền tảng cho mọi vấn đề, mọi lĩnh vực trong đời sống con người, trong đó bao gồm nguồn nhân lực, tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng.
Ngân hàng Thế giới đã nhận thấy những "lỗ hổng lớn về mặt tài chính" trong lĩnh vực nước và hầu hết các nước đang phát triển đang chưa đi đúng hướng để đáp ứng các Mục tiên Phát triển Bền vững.
Theo dữ liệu của UNICEF, có khoảng 2,2 tỷ người chưa được tiếp cận với nước uống an toàn và một nửa dân số toàn cầu không được tiếp cận với điều kiện vệ sinh an toàn. Các quốc gia trên thế giới còn 6 năm để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) trong chương trình nghị sự 2030, trong đó có SDG 6 là đảm bảo khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 10, tất cả các diễn giả đều khẳng định tầm quan trọng và kêu gọi nỗ lực nâng cao năng lực nguồn nhân lực, nỗ lực mở rộng khả năng tiếp cận và tài trợ cho các nghiên cứu và đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ tại các nước đang phát triển.
Một gian trưng bày tại hội chợ triển lãm trong khuôn khổ Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 10 ở Bali, Indonesia.
Tại Indonesia, nước chủ nhà của Diễn đàn Nước Thế giới, Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư đã đảm bảo với các nhà đầu tư về cam kết của chính phủ trong việc thúc đẩy cách tiếp cận đôi bên cùng có lợi đối với đầu tư xanh.
Cam kết này đã được đưa ra trong phiên họp chuyên đề của Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 10 với chủ đề "Lộ trình chuyển đổi năng lượng của Indonesia". Nước này đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là giảm phát thải khí nhà kính xuống 31,89% vào năm 2030. Điều này cho thấy cách tiếp cận của Indonesia trong việc chống biến đổi khí hậu và tăng cường tăng trưởng kinh tế bền vững.
Theo Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjiaitan: "Tính bền vững là cốt lõi của hành trình năng lượng xanh của Indonesia. Đầu tư cho nước chính là đầu tư xanh, hướng tới phát triển bền vững. Indonesia đang nỗ lực đưa ra các chính sách và quy định phù hợp, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này".
Cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư trong lộ trình chuyển đổi năng lượng là một cách tiếp cận quyết liệt của Indonesia để thúc đẩy đầu tư xanh. Nguồn khoáng sản dồi dào là chìa khóa và lợi thế của nước này trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu về năng lượng tái tạo và công nghệ chuyển đổi năng lượng.
Indonesia coi tính bền vững là cốt lõi của hành trình năng lượng xanh. Bằng cách sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo sẵn có, tham vọng của nước này không chỉ là đáp ứng các mục tiêu phát thải mà còn đưa Indonesia trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ năng lượng tái tạo. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, chính phủ xác định có trách nhiệm lớn trong việc thu hút đầu tư phù hợp với tiềm năng kinh tế và các cam kết về khí hậu của nước này.
Indonesia có nguồn khoáng sản quan trọng dồi dào, nguồn tài nguyên này là chìa khóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu về năng lượng tái tạo cũng như sản xuất các công nghệ chuyển đổi năng lượng. Việc sử dụng khoáng sản trong ngành công nghiệp hạ nguồn cũng có thể làm tăng khả năng cạnh tranh của Indonesia với tư cách là trung tâm công nghệ năng lượng tái tạo.
Quốc gia vạn đảo xác định, quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang diễn ra, nhưng một số khu vực vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trừ khi nguồn nhân lực cũng như hoạt động nghiên cứu và đổi mới trong các vấn đề bền vững được tăng cường nhằm thu hút các khoản đầu tư xanh phù hợp và hiệu quả.
Lễ Melukat của người Hindu Bali kêu gọi bảo vệ nguồn nước Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, trong khuôn khổ Diễn đàn Nước Thế giới (WWF) Bali lần thứ 10, tại bãi biển ở Đặc khu kinh tế Kura Kura Bali, chiều 18/5, hàng nghìn đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đã tham gia lễ Segara Kerthi hay còn gọi là Melukat của người Hindu. Khách tham dự được giúp quấn sarong...