Diễn đàn của giới trí thức về giáo dục chủ quyền biển, đảo Việt Nam
Tìm hiểu chủ quyền biển, đảo Việt Nam tại phòng trừng bày của hội thảo. Ảnh: BC
Trong khuôn khổ chương trình Fertival Biển Nha Trang 2015, hội thảo khoa học chuyên đề “Văn hóa biển đảo: Nguồn lực phát triển bền vững và Giáo dục chủ quyền biển đảo trong trường học” do Trường CĐSP Nha Trang tổ chức vào ngày 10.7, là diễn đàn của giới trí thức thể hiện nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Dòng sự kiện Chuyên đề Du lịch biển Nha Trang – Khánh Hòa
Bày tỏ quan điểm
Video đang HOT
Biển, đảo là không gian sống, đồng thời là không gian văn hóa của các quốc gia có biển. Từ hàng ngàn năm trước, người Việt cổ đã chung sống với biển, chinh phục biển, khai thác nguồn lợi từ biển, xác lập chủ quyền biển, đảo và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo… Biển, đảo không chỉ mang lại nguồn sống mà còn tạo nên sự ảnh hưởng đối với tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam cũng như đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng… của người Việt.
TS Chu Đình Lộc – Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Nha Trang cho biết: “Sau hơn 1 năm chuẩn bị, BTC hội thảo đã nhân được sự ủng hộ của đông đảo trí thức trong cả nước. Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu là các nhà nghiên cứu biển, đảo và nghiên cứu văn hóa biển, đảo cùng cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐSP trong cả nước và các chủ doanh nghiệp du lịch biển, đảo… Chúng tôi đã chọn lọc, biên tập 60/81 báo cáo tham luận gửi về hội thảo để in ấn, xuất bản kỷ yếu phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy.”
Mục đích của hội thảo là tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, giảng viên trao đổi, thảo luận về văn hóa biển đảo, những giá trị của biển đảo, văn hóa biển đảo đối với kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh; tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương đất nước và trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Nội dung hội thảo tập trung vào các vấn đề như các bằng chứng pháp lý về chủ quyền biển đảo Việt Nam; văn hóa biển, đảo và giá trị của văn hóa biển, đảo; công tác quản lý nhà nước và thực trạng tình hình khai thác, bảo vệ các giá trị văn hóa biển, đảo; đề xuất giải pháp phát huy giá trị văn hóa biển đảo và giáo dục về chủ quyền biển, đảo trong nhà trường…
“Văn hóa biển là một thành tố văn hóa phân loại theo điều kiện sinh thái, hình thành dưới tác động của môi trường, biển đối với cuộc sóng bà lao động của con người, đối với các giá trị tinh thần và sức sản xuất vật chất của xã hội” – đó là định nghĩa mà GS-TSKH Trần Ngọc Thêm đã nêu trong bài phát biểu dẫn nhập hội thảo.
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm cũng đã hệ thống lại các phương thức nghiên cứu văn hóa biển đảo Việt Nam theo thời gian, không gian, theo chủ đề…, đồng thời điểm lại nội dung 6 cuộc hội thảo chuyên đề về văn hóa biển, đảo trong 2 năm gần đây do Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, UBND tỉnh Khánh Hòa và các trường ĐH, các viện nghiên cứu tổ chức.
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh rằng, giáo dục chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ hết sức quan trọng và ý nghĩa chiến lược trước mắt cũng như lâu dài. Trong thực tế, nội dung SGK lịch sử hiện trình bày các sự kiện quá dàn trải, nặng nề, nhàm chán, vừa thừa, vừa thiếu và trong đó không đề cập đến nội dung khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ cùng chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Tìm hiểu chủ quyền biển, đảo VN tại phòng trừng bày của hội thảo. Ảnh: B.C
Phương pháp tiếp cận
Từ năm 2012, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương cập nhật kiến thức biển, đảo vào bài giảng giáo dục an ninh quốc phòng ở bậc THPT. Năm 2014, NXB Giáo dục đã xuất bản 3 cuốn sách “Giáo dục về biển , đảo Việt Nam” làm tài liệu tham khảo cho giáo viên. Hai năm gần đây, kiến thức về chủ quyền biển, đảo cũng đã được đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh ĐH. Đặc biêt, Sở GD-ĐT Đà Nẵng và Khánh Hòa đã chủ động biên soạn tài liệu giáo dục chủ quyền biển, đảo dành cho giáo viên và học sinh, đồng thời bố trí lịch dạy chính khóa, hoặc ngoại khóa trong hệ thống trường cấp 2-3.
Toàn thể đại biểu dự hội thảo thống nhất rằng, trong nhiều môn học có liên quan đến kiến thức chủ quyền biển, đảo thì lịch sử là môn học có ưu thế giáo dục nội dung này. Vấn đề là, đến thời điểm này, nội dung kiến thức về chủ quyền biển, đảo trong SGK lịch sử còn tản mạn. Tài liệu nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa-Trường Sa thì nhiều, song chưa có sự thống nhất về nội dung giảng dạy, nên giáo viên không biết phải làm thế nào để truyền đạt đầy đủ kiến thức và thông tin cho học sinh.
TS Nguyễn Thị Kim Hoa-PCT Hội Lịch sử Khánh Hòa là người biên soạn trọn bộ tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương trong trường phổ thông(cấp 2-3), bao gồm cả chuyên đề “Chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975,” chia sẻ: “Muốn giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho học sinh, thì trước hết người thầy phải tự trang bị cho mình bề dày kiến thức về văn hóa biển cũng như cơ sở pháp lý và lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Trường học gắn liền với địa bàn cư trú, đó là nơi “chôn rau, cắt rốn”, hoặc là “quê hương, bản quán” của mỗi người. Nếu như thế hệ trẻ không hiểu lịch sử vùng đất nơi mình sinh ra, lớn lên; làm sao có cảm hứng khám phá lịch sử dân tộc và có ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.”
Rõ ràng, giáo dục chủ quyền biển đảo trong nhà trường là một nội dung không thể thiếu và là trọng trách to lớn của ngành GD-ĐT. Trước hết, người thầy phải được trang bị đầy đủ kiến thức lẫn công cụ để những kiến thức về chủ quyền biển đảo không chỉ nằm trên tấm bản đồ, tư liệu xơ cứng mà phải thấm sâu vào nhận thức, chảy trong huyết quản và trở thành câu chuyện tâm tình giữa thầy và trò.
Theo laodong.com.vn