Điện Biên nhân rộng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú
Thời gian qua, các trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) ở tỉnh Điện Biên đã bảo đảm điều kiện học, ăn, ở cho học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần quan trọng tăng tỷ lệ học sinh đến lớp, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Những kết quả tích cực từ mô hình này đã giúp ngành giáo dục ngày càng nhận được thêm nhiều quan tâm, hỗ trợ của nhiều cấp, ngành và nhà hảo tâm để đầu tư xây dựng trường DTBT.
Bữa ăn trưa của học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học số 2 Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ).
Quyết tâm đưa học sinh đến trường
Từ năm 2000 trở về trước, chất lượng dạy và học của tỉnh Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn. Phổ biến là tỷ lệ học sinh đi học ít, đi học không đúng độ tuổi và bỏ học lấy vợ, lấy chồng. Tuy một số gia đình có điều kiện đã lo cho con em mình ở trọ nhà dân hoặc đóng góp dựng lều gần trường cho tiện đi học, nhưng giấc mơ con chữ vẫn nhọc nhằn.
Các em ăn cơm không đủ no, áo mặc không đủ ấm, ngoài giờ đi học còn phải lội suối tìm con tôm, con cá hay vào rừng tìm rau dại cải thiện bữa ăn. Cuối mỗi tuần, lại vượt hàng chục cây số từ trường về nhà lấy gạo cho tuần học mới. Chỉ những gia đình nào khá hơn mới có tiền cho con mua thêm cá khô, muối, còn lại chỉ có gạo trắng “địu” về trường. Thế nên con chữ rụng rơi theo bữa no, bữa đói và nhiều em đã bỏ học.
Nhớ lại thời đó, cô giáo Lò Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường phổ thông DTBT tiểu học số 2 Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) chia sẻ: Khi trường chưa có nhà ở bán trú, việc đến trường là một trở ngại lớn với học sinh vùng cao, gia đình các em phải làm lán quanh trường để con em ở. Khoảng từ ba đến năm em ở một lán, ngày nắng hứng bụi, ngày mưa chịu dột tứ bề. Cứ đầu năm học hoặc sau mỗi dịp lễ, Tết truyền thống của đồng bào dân tộc, giáo viên lại lặn lội gõ cửa từng nhà để vận động học sinh trở lại trường.
Năm 2007, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Điện Biên quyết định thí điểm nuôi, dạy học sinh bán trú để gom học sinh về ăn, ở, học tập tại trường với sự quản lý, chăm sóc của giáo viên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý nhớ lại, một số huyện không ủng hộ triển khai do học sinh bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về dân tộc sẽ khó ăn, ở cùng nhau; giáo viên quản lý học sinh như thế nào để gia đình, xã hội yên tâm… Thậm chí còn có cả những lo lắng về việc giảm nhiều giáo viên cắm bản. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của lãnh đạo Sở GD và ĐT Điện Biên lúc ấy, quyết định đã được thực hiện.
Video đang HOT
Tháng 12-2008, Đề án đầu tư hệ thống nhà ở cho học sinh tại Trường phổ thông DTBT được UBND tỉnh Điện Biên thông qua. Ngay sau đó, Sở GD và ĐT tỉnh chọn huyện Tủa Chùa và Mường Nhé thí điểm thực hiện, với kế hoạch xây dựng 431 phòng bán trú; 173 gian nhà bếp; 42 công trình vệ sinh; 69 bể và giếng nước; 1.725 giường tầng sắt và 42 bộ thiết bị phục vụ sinh hoạt, tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng.
Trong đó, 50 tỷ đồng do Chính phủ, Bộ GD và ĐT hỗ trợ; 10 tỷ đồng ngân sách địa phương và cộng đồng hỗ trợ. Kết quả thí điểm đề án, hai huyện Tủa Chùa và Mường Nhé vui mừng báo cáo: Có 2.820 học sinh về nhà bán trú của trường ở, được thầy giáo, cô giáo chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, được học tập kỹ năng sống và lao động sản xuất. Mừng nhất là số học sinh đi học chuyên cần tăng rõ rệt, không còn tình trạng nghỉ lễ hằng tháng trời như trước đây.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Sau năm đầu thí điểm thành công, năm 2010, Sở GD và ĐT tỉnh Điện Biên triển khai xây mới, sửa chữa nhà bán trú, nhà bếp chung, hệ thống nước, nhà vệ sinh, sân chơi, bảo đảm nhu cầu học tập, ăn ở, sinh hoạt cho gần 16 nghìn học sinh là con em đồng bào các DTTS học xa nhà tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Không phải lo ăn từng bữa trong lán, không phải mệt nhọc đi bộ về nhà hằng tuần, cho nên số học sinh theo học trường phổ thông DTBT tăng vọt, tỷ lệ chuyên cần đạt 99% tổng số học sinh.
Năm học 2004-2005, toàn tỉnh chỉ có 72 trường với 11.363 học sinh (trước đây gọi là trường bán trú dân nuôi), đến năm học 2012-2013, đã có hơn 100 trường với gần 20 nghìn học sinh. Cuối năm học 2018 -2019, toàn tỉnh Điện Biên đã có 140 trường phổ thông DTBT với tổng số 51.135 học sinh. Bên cạnh đó, chất lượng học tập tăng rõ rệt. Tỷ lệ học sinh nữ là con em đồng bào các DTTS tăng, giảm tình trạng nghỉ học sớm để lấy vợ, lấy chồng. Tổng kết năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 100% số trường phổ thông DTBT được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Ngoài sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của UBND tỉnh, sự vào cuộc trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên ngành GD và ĐT tỉnh, mô hình đầu tư xây dựng hệ thống trường phổ thông DTBT ở Điện Biên còn nhận được sự hỗ trợ của các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hảo tâm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý khẳng định: Mô hình trường phổ thông DTBT có vai trò đặc biệt quan trọng, bảo đảm nơi ăn chốn ở, điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh, đem lại hiệu quả thiết thực trong huy động tối đa học sinh trong độ tuổi tới trường, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao nhận thức cộng đồng đối với việc học của con em. Cùng với các loại hình trường học khác, mô hình trường phổ thông DTBT đã góp phần quan trọng vào mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ, đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học; hình thành, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực cho địa phương.
Từ hiệu quả của mô hình trường phổ thông DTBT, thời gian tới, ngành GD và ĐT tỉnh Điện Biên sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình, nhất là với những trường có học sinh bán trú nhưng chưa đủ số lượng học sinh để thành lập trường phổ thông DTBT. Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Kiên cho biết, ngành sẽ tiếp tục kiến nghị cấp ủy, chính quyền và các sở, ban, ngành ở địa phương quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, chung tay tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng trường, lớp, nhà ở cho học sinh, phấn đấu 100% số học sinh DTTS nhà xa trường được học tập trong điều kiện tốt hơn.
BÀI VÀ ẢNH: LÊ LAN
Theo Nhân dân
Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
Yên Bái là tỉnh miền núi với 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 56% dân số toàn tỉnh.
Những năm qua, ngành giáo dục Yên Bái đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non, tiểu học. Qua đó, tỷ lệ học sinh mầm non ra lớp theo đúng độ tuổi đạt gần 100%, học sinh tiểu học dân tộc thiểu số đã mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Mỗi lớp 1, 2 trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học nậm Lành, huyện Văn Chấn có thêm một trợ giảng hỗ trợ giáo viên và học sinh. Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN
Trường Mầm non xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn có 26 giáo viên phụ trách 322 trẻ (trong đó có 320 trẻ là người Mông), hầu hết các trẻ đều chưa nói sõi tiếng Việt. Cô giáo Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Suối Giàng cho biết, để học sinh có thể nói được tiếng Việt ngay từ nhỏ, nhà trường thường xuyên lồng ghép, tổ chức hoạt động sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt kết hợp với văn hóa dân tộc, nghe kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức hội thi, ngày hội đọc sách, tổ chức hoạt động vui chơi gắn với tiếng Việt, trong đó tập trung vào việc luyện phát âm ngọng cho trẻ...
Cùng với đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên viết bằng chữ in thường lên các khu vui chơi của trẻ, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, cây xanh, cây hoa để trẻ có thể luyện phát âm; khuyến khích trẻ giao tiếp với cô giáo và các bạn bằng tiếng Việt. Trong quá trình dạy - học và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo viên rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, mở rộng vốn từ tiếng Việt, sửa lỗi phát âm, dùng từ, đặt câu cho trẻ. Nhờ vậy, hàng năm, nhà trường đều huy động tối đa trẻ 5 tuổi ra lớp và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Trẻ đã nhận biết, phát âm tương đối đúng theo bộ chữ cái tiếng Việt, có kỹ năng cơ bản khi vào lớp 1.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lành, huyện Văn Chấn có 441 học sinh, trong đó 438 học sinh dân tộc thiểu số. Vì vậy, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường tiếng Việt cho các em, tạo thuận lợi cho việc giảng dạy, tiếp thu của giáo viên, học sinh.
Đặc biệt, từ khi dự án nâng cao khả năng tiếp cận tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (thuộc tổ chức KOICA, Hàn Quốc) được triển khai tại trường, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh thuận lợi hơn. Theo dự án, đối với lớp 1, 2, mỗi lớp sẽ có thêm một trợ giảng, trợ giảng là người tại địa phương và được hỗ trợ gần hai triệu đồng/tháng. Mỗi trợ giảng có vai trò là cầu nối, người truyền tải thông tin giữa giáo viên và học sinh.
Trợ giảng Lò Thị Oanh chia sẻ, khi được đứng trên lớp cùng giáo viên và học sinh, cô thấy giữa học sinh - giáo viên có khoảng cách lớn bởi không cùng tiếng nói chung. Giáo viên khó khăn trong việc truyền tải tri thức cho các em, còn học sinh muốn học nhưng không hiểu thầy cô đang nói gì. Từ khi cô làm trợ giảng, việc học tập của học sinh cũng thuận lợi hơn.
Cô giáo Trần Thị Thu Hằng cho biết, trước đây, khi chưa có trợ giảng, mỗi tiết học sẽ kéo dài hơn bởi nhiều câu hỏi các em giáo viên không hiểu. Nhờ có trợ giảng mà hoạt động dạy và học mang lại hiệu quả cao, các em đã tự tin hơn trong giao tiếp.
Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lành, huyện Văn Chấn Trịnh Văn Toán cho biết, do các em chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên khó khăn lớn nhất của học sinh khi đến trường là khả năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, học tập. Từ khi tỉnh triển khai đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và dự án nâng cao khả năng tiếp cận tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số tại trường với nhiều hỗ trợ và hoạt động thực tế đã giúp các em tự tin giao tiếp.
Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để các em có thể nói thành thạo tiếng Việt ngay từ nhỏ, phòng đã chỉ đạo các trường xây dựng mô hình thư viện tại trường; tổ chức ngày hội đọc sách, hội thi giao lưu tiếng Việt giúp học sinh dân tộc thiểu số tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Đến nay, 100% trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được tăng cường tiếng Việt; hơn 90% trẻ trên 5 tuổi có thể nghe, hiểu và trả lời bằng tiếng Việt.
Bên cạnh đó, Phòng luôn cụ thể hóa đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025" của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ năm học của các cấp học, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Ngoài ra, nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh dân tộc thiểu số trong quá trình học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn chỉ đạo các trường học tiếp tục duy trì mô hình thư viện tại trường, ngày hội đọc sách và hội thi giao lưu tiếng Việt; khuyến khích các thầy cô giáo đề xuất ý tưởng, cách làm mới về tăng cường tiếng Việt cho học sinh; tăng cường thời gian luyện nói cho học sinh trong các giờ học chính khóa, sinh hoạt đội, sao nhi đồng. Các trường lồng ghép hoạt động vui chơi gắn với học tiếng Việt cho học sinh để các em thành thạo tiếng Việt, tự tin tham gia hoạt động chung của trường...
Đinh Thùy
Theo TTXVN
Trao học bổng "Nữ sinh nghèo vượt khó" cho học sinh dân tộc thiểu số Thanh Nưa Trong đó, Ban Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô trao 10 suất học bổng "Nữ sinh nghèo vượt khó" cho 10 nữ học sinh là con em đồng bào các DTTS có hoàn cảnh rất khó khăn song các em đã cố gắng vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập. Chia sẻ, động viên học sinh dân tộc thiểu số...