Điểm xét tuyển đại học cao: Mong manh cơ hội nguyện vọng 2
Điểm chuẩn trúng tuyển các ngành đại học (ĐH) năm 2020 của nhiều trường tăng lên nhiều so với năm trước, có những thí sinh điểm cao nhưng điều chỉnh nguyện vọng (NV) xét tuyển chưa chuẩn dẫn đến bị trượt vào ngành, trường mình yêu thích.
Sự lên ngôi của khối C
Trước đó, Bộ GD&ĐT, các chuyên gia làm tuyển sinh đã dự kiến điểm chuẩn các ngành ĐH năm 2020 sẽ tăng cao; khối A00 và A01 tăng từ 2 – 4 điểm, khối C và D tăng 1 – 2 điểm nhưng rất nhiều thí sinh vẫn hết sức bất ngờ khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn ngày 4 và 5/10. Có lẽ, 2020 là năm điểm chuẩn trúng tuyển ĐH của nhiều trường cao nhất trong vòng 4 năm qua, kể từ năm 2017. Điểm chuẩn ĐH lên tới 28, 29, 30 điểm/3 môn/tính trên thang điểm 10 (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực).
Đặc biệt là sự trở lại của điểm khối C00 truyền thống và điểm của những tổ hợp có môn thuộc khối C. Đơn cử, tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội, điểm trúng tuyển tổ hợp khối C00 cao nhất như: Ngành Hàn Quốc học 30 điểm, Đông Phương học 29,75 điểm, Quan hệ công chúng 29, Khoa học quản lý 28,75 điểm, Quốc tế học 28,75 điểm, Quản trị văn phòng 28,5 điểm…
Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn tư vấn ngành học cho các em thí sinh. Ảnh: Trần Oanh
Các trường ĐH khác xét tuyển khối C có điểm trúng tuyển cũng rất cao so với những tổ hợp khác. Cụ thể như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ngành Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, khối C00, 31,5 điểm, còn tổ hợp C03 là 29,5 điểm, C19 là 31 điểm; ngành Truyền thông đa phương tiện, tổ hợp C15 là 27,57 điểm; ngành Truyền thông đại chúng, tổ hợp C15, 26,53 điểm…
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có nhiều ngành khối C có điểm trúng tuyển từ 23 – 26,5 điểm như: Sư phạm Ngữ văn, C00, 26,5 điểm; Sư phạm Lịch sử, C00, 26 điểm; Sư phạm Địa lý, C00, 25,25 điểm; Giáo dục công dân, C20, 25,25 điểm; Giáo dục đặc biệt C20, 25 điểm; Quản lý giáo dục, tổ hợp C20, 24 điểm…
“Điểm chuẩn khối C cao đúng như những khuyến cáo của các chuyên gia, nhà hoạch định đã phân tích hoàn toàn đúng. Đó là, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng nền tảng tri thức về xã hội nhân văn vẫn đặc biệt quan trọng. Vẫn có nhiều em học sinh vẫn yêu thích các ngành khoa học xã hội và nhân văn, đã đăng ký xét tuyển tổ hợp có môn khối C” – GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho hay.
Video đang HOT
Điểm cao vẫn trượt vì chủ quan
Dù đã biết trước được phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020, điểm trúng tuyển năm trước, dự báo điểm trúng tuyển năm 2020, cũng như tư vấn điều chỉnh NV nhưng có không ít thí sinh vẫn mắc sai lầm. Điều này dẫn đến có những em đạt điểm cao nhưng vẫn trượt ngành mình yêu thích.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Phó Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin: “Có thí sinh điểm cao chỉ đăng ký 1 – 2 NV khả năng trượt rất cao, bởi các trường ĐH dự đoán điểm trúng tuyển tăng từ 2 – 4 điểm là con số dao động rất lớn. Chúng ta biết, trong xét tuyển sinh, dù chỉ chênh nhau 0,01 điểm cũng đã trượt rồi”.
Lại có thí sinh chủ quan cho mình đạt điểm cao, tin chắc khả năng trúng tuyển vào trường top trên nên đã không cân nhắc kỹ khi điều chỉnh NV. Em Lê Kim Ngân (quận Hoàn Kiếm) tiếc hùi hụi: “Em đạt 24 điểm, đã điều chỉnh NV 1 vào trường ĐH Luật Hà Nội; NV 2 và 3 lần lượt là Học viện Ngân hàng, trường ĐH Kinh tế quốc dân nhưng không ngờ cả ba NV đều trượt; thậm chí 2 trường NV 2, 3 còn có điểm trúng tuyển cao hơn trường NV1″.Một số thí sinh đạt điểm cao bị trượt trường top trên đang mong chờ đợt xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, không ít trường cho biết, số lượng tuyển đợt 1 đã đủ. Thậm chí có những trường còn đưa ra tiêu chí phụ để lọc bớt những thí sinh có điểm ngang bằng nhau, trong khi chỉ tiêu còn lại rất ít.
TS Nguyễn Đào Tùng – Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho hay, điểm chuẩn trúng tuyển của trường tăng 2 điểm so với năm 2019. Năm nay, do điểm quá cao nên nhà trường sẽ dùng tiêu chí phụ cho tất cả các ngành. Đó là trường hợp số thí sinh đạt ngưỡng điểm trúng tuyển quá nhiều so với chỉ tiêu, những em ở cuối danh sách phải xét thêm tiêu chí phụ là điểm môn Toán và thứ tự NV đăng ký. Do có nhiều thí sinh điểm cao, lại ngang nhau nên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng dùng tiêu chí phụ, đó là thứ tự NV trúng tuyển khi thí sinh có điểm xét tuyển bằng mức điểm trúng tuyển.
Vì thế, sự chờ đợi các trường top đầu xét tuyển tuyển bổ sung để tranh một suất là hết sức mong manh với những thí sinh trượt NV1. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu trúng tuyển những ngành NV sau gần giống với ngành NV 1 và yêu thích vừa vừa, thí sinh vẫn nên nhập học để tránh bị bỏ lỡ cơ hội trong cuộc tuyển sinh này.
Điểm chuẩn đại học có sự phân hóa lớn giữa các nhóm trường
Chiều 5-10, hàng loạt trường đại học (ĐH) đã công bố điểm chuẩn. Điểm nổi bật của mùa tuyển sinh năm nay là điểm trúng tuyển của nhiều trường vượt qua mức kỷ lục của năm 2017 (năm có điểm chuẩn rất cao).
Dù đã được dự báo điểm chuẩn sẽ tăng mạnh nhưng nhiều người vẫn ngỡ ngàng với mức trúng tuyển chính thức được các trường công bố, nhất là các trường kỹ thuật, công nghệ, kinh tế.
Thủ khoa cũng rớt nếu không có điểm ưu tiên
Đến thời điểm này, dẫn đầu về điểm chuẩn là ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) với 30 điểm, tổ hợp Văn - Sử - Địa. Tức là thí sinh phải đạt 3 điểm 10, hoặc được 27,25 trở lên và cộng điểm ưu tiên mới trúng tuyển. Điểm chuẩn cao thứ 2 là ngành Khoa học máy tính (IT1) của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lấy 29,04 (tăng 1,62 điểm so với năm ngoái) - đây cũng là mức điểm chuẩn cao nhất của trường từ trước đến nay.
Bên cạnh ngành Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cũng có những ngành khác lấy điểm chuẩn rất cao như ngành Đông phương học có điểm chuẩn cao kỷ lục là 29,75 (năm 2019 là 28,5 điểm tổ hợp Văn - Sử - Địa); ngành Quan hệ công chúng của trường cũng ghi cột mốc mới với mức chuẩn 29 (khối C00).
Nhiều người thắc mắc là thủ khoa cả nước khối C năm 2020 đạt 29,25 điểm, vậy điểm chuẩn 29,75 - 30 điểm phải là những thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Nếu thủ khoa là thí sinh Hà Nội, TPHCM cũng sẽ bị trượt nếu đăng ký những ngành này. Lý giải mức điểm trên, GS-TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng phụ trách ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết, đây là lần đầu tiên tuyển sinh ngành Hàn Quốc học và chỉ tuyển 50 em nhưng tuyển thẳng đã 30 em.
Các năm trước, Hàn Quốc học là chuyên ngành thuộc Đông phương học - ngành "hot" của trường với điểm chuẩn 28,5 năm 2019 (cao nhất trong khối dân sự). Năm nay, tỷ lệ "chọi" vượt mức 1/30, thậm chí 35-37 em mới chọn 1; cùng với đó là đề thi được đánh giá dễ thở nên đẩy điểm chuẩn lên cao.
Thực tế này đã khiến xã hội đặt vấn đề về đề thi cũng như cho rằng thiếu tiêu chí sàng lọc giữa các chuyên ngành và giữa các trường, dẫn đến tình trạng điểm chuẩn cao "không tưởng" như vậy. "Một mùa thi ĐH kỳ lạ, điểm 9, 10 vẫn trượt", anh Nguyễn Văn Thành (quận Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM
Dù không phải là yếu tố quyết định nhưng một lý do khác dẫn đến điểm chuẩn được đẩy lên cao là năm nay, do tác động của dịch Covid-19, nhiều thí sinh giỏi không đi du học được nên đã chọn học ĐH trong nước, vì vậy, tỷ lệ tuyển thẳng vào các trường nhóm trên khá nhiều, chỉ tiêu dành cho thí sinh xét điểm thi tốt nghiệp THPT bị giảm.
Thí sinh dồn vào những ngành "hot"
Có thể thấy, điểm chuẩn ĐH năm nay tăng cao không quá bất ngờ khi mà trung bình điểm thi mỗi môn năm nay tăng tới 1,5 điểm; tổng 3 môn xét tuyển ở mỗi tổ hợp tăng 4,5 điểm, tùy ngành. Nhiều người "đổ lỗi" cho rằng kỳ thi năm nay ra đề thi dễ, thiếu tính phân hóa, đánh đồng học sinh; bên cạnh đó, khâu định hướng nghề nghiệp cho học sinh không ổn.
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (Hà Nội) cho biết, rất nhiều thí sinh bị trượt hết tất cả các nguyện vọng dù điểm cao, có bạn tới 27,5 điểm vẫn trượt hết các nguyện vọng. Lý do các em chỉ đăng ký vào các ngành "hot", nhiều em chỉ thiếu 0,25 điểm. Nhiều chuyên gia giáo dục chỉ ra, điểm thi năm nay cao nên thí sinh dễ ảo tưởng. Khi đăng ký nguyện vọng, nhiều em chủ quan, chỉ tập trung các ngành "hot" mà không có phương án dự phòng.
Trước đó, rất nhiều người đã dự đoán điểm chuẩn 2020 cao kỷ lục, phải đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng thí sinh không lưu tâm. PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết, trong cuộc cạnh tranh vào ĐH nhóm đầu, thí sinh giành giật từng 0,25 điểm, do đó, thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên sẽ có lợi thế hơn (số điểm ưu tiên khu vực tối đa là 0,75).
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, thí sinh 27 điểm vẫn bị trượt hết các nguyện vọng là do chỉ đăng ký 1 (hoặc rất ít) nguyện vọng, hoặc chỉ đăng ký vào các ngành, trường thuộc nhóm đầu có mức độ cạnh tranh rất lớn. Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường, đặc biệt là các trường thuộc nhóm đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên tuyển bổ sung các đợt sau, tạo điều kiện cho các thí sinh có điểm thi THPT tốt nhưng chưa đỗ theo kết quả xét tuyển đợt 1. Bên cạnh đó, thí sinh điểm cao cũng còn có cơ hội tuyển sinh vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.
Chiều 5-10, Bộ GD-ĐT cho biết, theo kết quả xét tuyển đợt 1 (còn tùy thuộc vào tình hình nhập học chính thức của thí sinh), sơ bộ có 161 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 205 đơn vị - chiếm 66,55% số đơn vị tuyển sinh.
Điểm trúng tuyển phản ánh chất lượng đầu vào đảm bảo và sự phân loại chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường khá rõ ràng. Sau kết quả xét đợt 1, có 83 trường - chủ yếu là các trường ngoài công lập, các trường tỉnh, các trường ở vùng sâu, vùng xa, các trường cao đẳng có đào tạo ngành giáo dục mầm non - có tỷ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ ngày 15-10 cho đến hết năm 2020.
Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM điểm chuẩn khá cao. Trường ĐH Khoa học tự nhiên điểm chuẩn cao nhất là nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin với 27,20 điểm. Trường ĐH Kinh tế - Luật điểm trúng tuyển cao nhất là 27,45 điểm đối với ngành Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại). Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM ngành Báo chí tổ hợp C00 có điểm chuẩn cao nhất với 27,50. Trường ĐH Y Dược TPHCM điểm chuẩn dao động từ 19 đến 28,45. Điểm trúng tuyển đã cộng điểm ưu tiên về khu vực, đối tượng.
Trong đó, ngành Y đa khoa có điểm chuẩn cao nhất là 28,45 với tổng số 314 thí sinh trúng tuyển. Ngành Y khoa (kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) 27,7 điểm với 100 thí sinh trúng tuyển. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) điểm chuẩn chia ra hai nhóm đối tượng: Thí sinh có hộ khẩu TPHCM điểm chuẩn thấp hơn so với đối tượng thí sinh toàn quốc. Ngành răng hàm mặt có điểm chuẩn của thí sinh toàn quốc là 27,55, còn điểm chuẩn của thí sinh TPHCM là 26,5.
Khối trường Công an năm nay lấy điểm chuẩn rất cao đối với thí sinh nữ. Một số trường lấy điểm chuẩn 25 điểm, một số trường khác lấy điểm chuẩn trên 28.
THANH HÙNG
Điểm chuẩn đại học tăng cao, nhiều ngành vẫn khó tuyển sinh Điểm thi tốt nghiệp THPT cao, xu hướng thí sinh vẫn đổ xô vào những ngành hot khiến điểm chuẩn bị đẩy tăng lên. Hai ngày qua, hầu hết các trường đại học (ĐH) trên cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đáng chú ý, điểm chuẩn tăng đều ở...