Điểm tuyệt đối vẫn trượt đại học, cần lưu ý gì trong mùa tuyển sinh 2022?
Năm nay, nhiều ngành học tăng điểm chuẩn từ 3 đến 11 khiến thí sinh ngỡ ngàng, không kịp trở tay, vậy thí sinh cần lưu ý gì trong mùa tuyển sinh 2022?
Mùa tuyển sinh 2021 chứng kiến hiện tượng điểm chuẩn tăng “phi mã” ở một số ngành học. Mức tăng nằm ngoài tưởng tượng, dự đoán trước đó của nhiều người, ngành “tăng nhẹ” ở mức 3 – 4 điểm, còn tăng mạnh thì từ 9 đến 11 điểm.
Thầy Vũ Khắc Ngọc – giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và hiệu lực của Luật Giáo dục sửa đổi, từ năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia được thay thế bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tính chất, mục tiêu của 2 kỳ thi hoàn toàn khác nhau dẫn tới sự phân hóa của đề thi và kết quả đạt của thí sinh cũng hoàn toàn khác nhau.
Kỳ thi THPT quốc gia mang tính chất “2 trong 1″, kết quả vừa dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng nên tính phân hóa của đề thi tốt và rõ nét hơn, nhiều câu hỏi/bài tập mang tính thách thức để tuyển lựa, phân biệt rõ các nhóm học sinh trung bình – khá – giỏi. Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT gần như chỉ còn mục tiêu duy nhất làm căn cứ xét tốt nghiệp, đề thi dễ hơn, giới hạn và phạm vi kiến thức hẹp hơn, tính chất phân hóa kém hơn hẳn.
Điều đáng tiếc là mặc dù kỳ thi THPT đã bỏ đi tính chất “2 trong 1″ nhưng thực tế các trường đại học, cao đẳng vẫn chưa thể có được giải pháp thay thế khác đủ tin cậy.
Các trường đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, tăng tỷ lệ tuyển sinh bằng các phương thức khác như: tuyển thẳng bằng giải thưởng học sinh giỏi, tuyển thẳng bằng xét tuyển học bạ, tuyển thẳng bằng xét tuyển kết hợp với chứng chỉ quốc tế, quy đổi điểm chứng chỉ quốc tế thành điểm thi…. nhưng kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ chủ yếu để các trường xét tuyển. Đặc biệt là khi các trường khó tổ chức kỳ thi riêng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 diễn ra vào đúng mùa thi.
Theo thầy Ngọc, hệ quả của việc trên là năm 2020 điểm chuẩn nhiều trường tăng cao đạt tới mức kỷ lục trong lịch sử. Tưởng chừng đó là bài học với các trường và thí sinh, nhưng không, bước sang mùa tuyển sinh năm 2021, kỷ lục về điểm chuẩn liên tục bị phá vỡ, nhiều ngành học lấy trên 30 điểm trúng tuyển.
Ngoài nguyên nhân chính là sự phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT ngày càng kém hơn trước và sự đa dạng trong các phương thức xét tuyển làm giảm tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi, đẩy điểm chuẩn tăng mạnh hơn trước. Còn một nguyên nhân cũng rất quan trọng khác là xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh.
Do không được tư vấn, thông tin, định hướng một cách đầy đủ, đa số thí sinh chọn ngành nghề hoàn toàn theo cảm tính, phong trào và chỉ tập trung vào một số ít nhóm ngành về Kinh tế, Y – Dược và liên quan tới công nghệ thông tin,… khiến điểm chuẩn tăng rất mạnh, thậm chí cả ở những trường chưa có truyền thống đào tạo hay thế mạnh về những ngành này, vượt xa tương quan so với các ngành khác.
Điều này dẫn đến một hệ quả khác là ngay trong bối cảnh mặt bằng chung của điểm thi và điểm chuẩn tăng mạnh, vẫn có những ngành “mời mãi mà không có thí sinh chịu học”, điểm chuẩn gần như sát sàn, thậm chí còn giảm mạnh.
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc.
Video đang HOT
Bài học cho mùa tuyển sinh 2022
Những “cú sốc” về điểm chuẩn đại học năm nay để lại nhiều bài học đắt giá cho học sinh những lứa sau. Với xu hướng điểm chuẩn cao như năm nay, thầy Ngọc cho rằng, lứa thí sinh 2004 tới đây cần lưu ý một số vấn đề.
Thứ nhất, trong tình thế hiện nay, chắc chắn xu hướng đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh vẫn sẽ còn được nhiều trường đại học lựa chọn để chủ động nguồn tuyển trước các biến động. Do đó, các thí sinh cũng phải đa dạng hóa các con đường để vào đại học.
Sau khi đã tìm hiểu và lựa chọn được trường và nhóm ngành mình quan tâm thì cần cân nhắc xem trong số các phương thức tuyển sinh đó thì phương thức nào phù hợp nhất và mang lại lợi thế lớn nhất cho bản thân để lựa chọn. Tốt nhất nên dự phòng từ 2 đến 3 phương thức xét tuyển, miễn sao không quá mâu thuẫn nhau và không tạo ra sự quá tải trong quá trình học và ôn thi.
Thứ hai, với những bạn có năng khiếu đặc biệt ở một số môn học nhất định, có thể tính tới việc tham gia vào các kỳ thi học sinh giỏi ngay từ năm lớp 10 và 11 để đạt giải. Hiện nay rất nhiều trường đại học, kể cả trường top đầu đều tuyển thẳng hoặc cộng điểm quy đổi tương ứng với giải thưởng cho học sinh đạt giải thưởng HSG từ cấp tỉnh/thành phố trở lên.
Với những bạn năng khiếu ở môn ngoại ngữ, có quá trình học ngoại ngữ được tích lũy lâu dài thì nên hoàn thành việc thi chứng chỉ quốc tế trong năm lớp 11 hoặc trước kỳ I của lớp 12.
Thứ ba, để chủ động việc xét tuyển bằng học bạ hoặc đáp ứng các điều kiện xét tuyển bằng học bạ, ngay từ năm lớp 10, các em cần duy trì đều đặn việc học thật tốt, ưu tiên các môn học trong khối thi chính dùng để xét tuyển đại học nhưng cũng phải đảm bảo hoàn thành các yêu cầu tối thiểu ở các môn học còn lại.
Thứ tư, nếu thí sinh sử dụng các kết quả thi để xét tuyển, hãy nhớ rằng dù thi tốt nghiệp THPT hay kỳ thi đánh giá năng lực riêng của các trường đại học thì nền móng quan trọng nhất vẫn phải là dựa trên học thật, hiểu thật và có năng lực thật. Thay vì sa đà vào việc học các công thức tính nhanh, các mẹo tắt, hãy dành thời gian để học thực chất, hiểu thực chất và nắm vững các vấn đề một cách bản chất thì các em mới có đủ năng lực để thích ứng với yêu cầu của bất cứ kỳ thi nào.
Khi đã hình thành được năng lực tốt rồi thì trước kỳ thi diễn ra một thời gian ngắn, chỉ cần các em luyện tập với một số đề thi mẫu để làm quen với cách thức là có thể chuyển hóa năng lực thành kết quả, thầy Ngọc nhấn mạnh.
Còn bắt học sinh thành phố tả con gà, đồng lúa thì sẽ còn văn mẫu
Để có cuộc thi mà 100% các em giỏi và khá thì bắt buộc phải giới hạn các đề thi, cho các em làm trước, thế là văn mẫu trở thành cứu cánh.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thầy cô đang giảng dạy môn Ngữ văn ở bậc phổ thông, thực trạng học theo "văn mẫu, bài mẫu" là một hiện tượng khá là phổ biến hiện nay, nhất là trong các kỳ thi từ kỳ thi cấp trường (các bài văn kiểm tra 1 tiết, 2 tiết, bài thi học kỳ) cho đến kỳ thi cấp quốc gia (tốt nghiệp trung học phổ thông) ngoại trừ các kỳ thi học sinh giỏi. Hiện trạng này diễn ra với mọi đối tượng từ cấp bậc Tiểu học đến trung học phổ thông.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đỗ Khánh Phượng - giáo viên môn Ngữ văn của Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, "văn mẫu" là những bài văn được viết sẵn cho các dạng bài, dạng đề có trong chương trình học.
Nguồn văn mẫu vô cùng phong phú, đó là những bài làm tốt của học sinh được sưu tầm qua các kì thi, kì kiểm tra, đó có thể là những nội dung mà thầy cô đọc cho trò chép trên lớp theo một cấu trúc cụ thể, cũng có thể là các cuốn sách được các giáo sư, tiến sĩ xuất bản... Chính vì thế những bài văn mẫu thường đáp ứng các yêu cầu với cấu trúc hoàn chỉnh, đủ ý, diễn đạt hay, câu cú chuẩn xác...
Cô giáo bộ môn Ngữ văn - Đỗ Khánh Phượng (ảnh: NVCC)
Theo cô Phượng, nếu chúng ta dùng "văn mẫu" dưới hình thức tham khảo, sẽ phần nào giúp học sinh có thể cải thiện khả năng viết văn của mình. Tuy nhiên, yếu tố tích cực đó thực tế rất khó phát huy tác dụng một phần do người học chưa biết cách sử dụng "văn mẫu", một phần do lối học thụ động, thiếu sáng tạo, ngoài ra thực trạng dạy, học thi đã khiến cho văn mẫu trở thành hiện tượng đáng báo động.
Cụ thể, ngay từ khi học sinh học ở cấp Tiểu học, các em đã phải chấp nhận "văn mẫu" bởi nhiều yếu tố như bản thân các em phải làm những đề văn không phù hợp với môi trường sống, hoàn cảnh sống của mình ví như học sinh thành phố mà phải tả con mèo, con gà, cánh đồng lúa; học sinh nông thôn phải tả Lăng Bác...
Hơn nữa, sự quan sát, ngây ngô của học sinh là hợp với tâm lí lứa tuổi, nhưng thầy cô giáo, phụ huynh lại khó chấp nhận, vì nó không phù hợp với thẩm mỹ của người lớn ví như nước hồ là phải trong vắt, trong xanh, da phải trắng, mắt phải bồ câu, mũi phải dọc dừa... chính vì thế người lớn đã hết sức gia công các bài văn vốn rất hồn nhiên của trẻ thơ thành văn mẫu, bắt chúng học thuộc.
Chưa kể để có cuộc thi mà 100% các em giỏi và khá thì bắt buộc phải giới hạn các đề thi, cho các em làm trước, giáo viên, phụ huynh chỉnh sửa để các em học thuộc... thế là văn mẫu trở thành cứu cánh, là cách học hiệu quả nhất.
Khi học sinh lên lớp cao hơn (bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông), tham gia các kì thi lớn, giáo viên luyện thi sẽ bám vào cấu trúc đề, vào các tác phẩm có khả năng được sử dụng làm ngữ liệu của đề thi trong sách giáo khoa, xào xáo thành các đề, cho học sinh chép, đóng khung các ý chính để học sinh học thuộc... thế là văn mẫu thực sự trở thành điều tất yếu.
Chính việc học theo "văn mẫu", thi nhờ "văn mẫu" phần lớn khiến các em sẽ mất đi tính trung thực, sự chăm chỉ và tính trách nhiệm, bởi những gì các em viết ra không phải là của em.
Đặc biệt, "văn mẫu" sẽ triệt tiêu nhiều năng lực cần phát triển ở học sinh, như năng lực ngôn ngữ vì bị đóng khung trong những lời văn hoa mĩ mà sáo rỗng; năng lực tự chủ và tự học bởi các em vì lệ thuộc vào văn mẫu mà không dám thể hiện bản thân; cũng chính vì thế năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo như nhận ra ý tưởng mới, phát hiện và làm rõ vấn đề, hình thành và triển khai ý tưởng mới, đề xuất, lựa chọn giải pháp, thực hiện và đánh giá giải pháp giải quyết vấn đề, tư duy độc lập sẽ không thể phát huy ở các em...
Làm sao để chấm dứt tình trạng "văn mẫu, bài mẫu"
Để chấm dứt tình trạng học trò học theo "văn mẫu, bài mẫu" thì cô Phượng cho rằng, cần phải có sự đồng bộ ở nhiều khâu và cần có sự thay đổi của nhiều con người.
Trước tiên phải thay đổi tư duy học để thi, để lấy điểm cao... ta không phủ nhận kết quả giáo dục thể hiện ở điểm số là cần thiết, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thành công hay thất bại của một con người.
Tiếp đó là thay đổi việc ra đề thi theo một cấu trúc, giới hạn cụ thể, chấp nhận các tác phẩm ngoài sách giáo khoa để có thể tránh học tủ. Cần mở rộng các vấn đề xã hội (phù hợp lứa tuổi, hoàn cảnh sống) để học sinh có thể được quan sát, được đọc, xem các vấn đề xã hội trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Khi định hướng học sinh cần mang tính thuyết phục, tránh áp đặt. Đánh giá học sinh trên nhiều thang độ, tránh đi vào lối mòn đánh giá khả năng ghi nhớ kiến thức, khả năng học thuộc.
Hãy để cho học sinh tự do thể hiện quan điểm cá nhân khi học môn Ngữ văn, chấp nhận những cách nhìn theo nhiều góc độ, phù hợp với nhận thức, lứa tuổi của các em. Tôn trọng ý kiến diễn đạt của học trò, khuyến khích học sinh trình bày, lập luận, để các em có cơ hội thuyết phục, tránh tình trạng áp đặt tư tưởng chủ quan của giáo viên, người lớn tới các em.
Hướng dẫn học sinh sử dụng "văn mẫu" một cách khoa học, có sự hướng dẫn của thầy cô. Đọc "văn mẫu" mang tính chất tham khảo, so sánh với cách diễn đạt của bản thân để tìm ra điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của mình.
Đặc biệt, hãy để mỗi giờ Ngữ văn khơi dậy cảm xúc, tình yêu văn chương, mạnh dạn thể hiện suy nghĩ của mình, tạo môi trường tranh biện lành mạnh. Hãy chăm chút lời ăn, tiếng nói của các em để vẫn giữ được cá tính của mỗi người và vẫn hợp chuẩn mực xã hội. Nếu giáo viên không còn phải chịu áp lực thành tích trong mỗi kì thi, nếu phụ huynh và học sinh không chỉ nhìn vào những con điểm để đánh giá năng lực của giáo viên và xem đó là mục tiêu duy nhất của học Văn thì "văn mẫu" sẽ không còn đất sống và học sinh sẽ được là chính mình.
Đồng tình với quan điểm này cô Trần Thị Thanh Xuân cũng đang là giáo viên Ngữ văn của Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, học sinh không thể có sự sáng tạo khi sách giáo khoa nhiều năm vẫn không thay đổi, vẫn xuất hiện những bài, những tác phẩm hàn lâm hơn là gắn liền với thực tiễn đời sống. Sách giáo khoa bên cạnh đổi mới hướng tới phát triển năng lực của học sinh cũng cần phải tính toán đến số lượng những tác phẩm văn chương cổ với những tác phẩm gắn liền với đời sống xã hội hơn, những tác phẩm nằm ngoài sách giáo khoa.
"Việc đưa các tác phẩm ngoài chương trình vào đề thi sẽ phát huy vai trò tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Tuy nhiên để làm được điều này, trước hết phải chọn được văn bản thật hay, ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi và có độ khó tương đương với những tác phẩm trong sách", cô Xuân nói.
Cũng theo cô Xuân, nếu cách ra đề thi, chấm thi vẫn theo lỗi cũ sáo mòn thì hiện tượng "văn mẫu, bài mẫu" chắc chắn vẫn còn diễn ra bởi lẽ cả học sinh và giáo viên vẫn phải văn ôn võ luyện để đạt theo điểm số nhất định với những cách đánh giá cả học sinh và giáo viên theo những tiêu chuẩn đã định sẵn.
Trên thực tế, đề thi môn Văn dành cho các cấp học vẫn chưa có sự đột phá, nội dung chỉ quanh quẩn là những tác phẩm có trong sách giáo khoa. Với cách ra đề thi như vậy, rất dễ dẫn tới tình trạng "học tủ, học vẹt". Giáo viên chỉ cần cung cấp văn mẫu, tài liệu, học sinh chỉ cần... làu làu học theo. Khi nào ra đề thi theo hướng mở, theo nhiều hình thức khác nhau có thể là vấn đề ngoài sách giáo khoa, có thể là bằng hình ảnh và thậm chí ra đề bằng hình thức phỏng vấn cũng là một trong những cách giúp phát huy hết các kĩ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) và sự sáng tạo của học sinh.
Muốn có thể "theo" được cách kiểm tra đánh giá mới thì bản thân giáo viên cũng phải thay đổi cách dạy. Nếu những nội dung trong sách giáo khoa không còn khuôn sáo thì cách dạy theo sách giáo viên cũng không còn phát huy tác dụng. Người dạy phải chủ động tích cực trong cách tìm hiểu, khám phá để từ đó khơi gợi cách tiếp cận cho người học. Đồng thời giáo viên cũng cần phải đa hình thức dạy học, chú trọng nhiều hơn hoạt động dạy học gắn liền với thực tiễn đời sống để phát huy hết năng lực sẵn có và sự sáng tạo của học sinh.
Nếu phải dạy những tác phẩm đã "cũ" thì bản thân người dạy cũng cần phải có những cách tiếp cận và khám phá mới, hoặc đổi mới phương pháp, chú trọng gắn liền dạy tác phẩm với hoạt động thực tiễn đời sống. Có như vậy, bản thân mỗi giáo viên mới thoát ra lối dạy dập khuôn.
Hơn thế nữa, giáo viên cũng cần nuôi trong mình tâm hồn văn chương nghệ thuật. Dạy văn khác so với dạy các môn học khác, bởi dạy văn là dạy người, là dạy bằng cả tâm hồn chứ không phải chỉ bằng trí tuệ. Khi chưa "truyền được lửa" cho học trò thì "ngọn lửa của đam mê, sáng tạo" cũng khó lòng "cháy" trong trái tim và khối óc của học trò. Vì thế, mỗi người giáo viên phải nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương, đặc biệt là nuôi dưỡng tâm hồn. Có như vậy, mỗi giờ giảng văn mới thực sự là một hoạt động "đánh thức tâm hồn" học trò.
Còn về phía học sinh, muốn thoát khỏi tình trạng "văn mẫu, bài mẫu" trước tiên phải có sự hiểu biết, thực sự gần gũi với đời sống xã hội, nếu không tự bản thân khám phá đời sống, "cọ xát" với xã hội thì những gì các bạn nói cũng chỉ là "nói hộ", là "vay mượn" của người khác.
Tây Ninh chuẩn bị tốt các điều kiện đón học sinh các cấp tựu trường Học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh sẽ tựu trường vào ngày 8/9/2021 và khai giảng năm học vào ngày 13/9/2021. Chủ tịch UBND tỉnh vừa ra quyết định ban hành kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022. Theo quyết định này, giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên bắt đầu năm học từ ngày...