Điểm tựa vững chắc của học sinh “vùng khó”
Các huyện vùng cao phía Tây Nghệ An, địa bàn định cư chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số, cuộc sống còn rất khó khăn. Nhiều năm về trước, việc học tập của con em họ gặp muôn vàn trắc trở.
Có một số lượng không nhỏ học sinh người dân tộc thiểu số đã bỏ lỡ giấc mơ, quyền lợi được đến trường. Trường học bán trú được thành lập đã trở thành điểm tựa vững chắc để con em đồng bào dân tộc thiểu số ở “vùng khó” vươn lên học tập tốt. Qua đó, tạo cơ sở cân bằng về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền của tỉnh Nghệ An.
Bài 1: Chặn đứng “cơn lốc” bỏ học
Trước đây, hiện tượng học sinh con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao phía Tây Nghệ An bỏ học giữa chừng diễn ra rất phổ biến. Suốt nhiều năm liền, đó là “bài toán” mà ngành giáo dục địa phương không thể tìm được đáp án. Chỉ đến khi các trường học theo hình thức bán trú được thành lập ở những huyện vùng cao, biên giới với những chính sách ưu việt đã nhanh chóng chặn đứng “cơn lốc” học sinh bỏ học.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Mai Sơn háo hức trở lại trường sau kì nghỉ hè. Ảnh: Viết Lam
Theo chủ trương chung, ngày 19-8-2019, tất cả trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An chính thức tổ chức học sinh tựu trường, ôn tập kiến thức chuẩn bị bước vào năm học mới. Một vài ngày trước đó, trên những trục đường ở các bản làng xa xôi thuộc các huyện miền núi phía Tây Nghệ An đã bắt gặp các nhóm học trò băng rừng, lội suối trở lại trường sau kì nghỉ hè kéo dài. Khi sương mù còn bao phủ núi rừng, Lỳ Bá Dê, học sinh lớp 9A3, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Tri Lễ cùng đám bạn ở bản biên giới Nậm Tột, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong đã í ới gọi nhau rời nhà chuẩn bị cho hành trình dài trở lại trường.
Nậm Tột cách trung tâm xã Tri Lễ hơn 20km đường rừng núi, nơi có 100% hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Tất cả học sinh con em trong bản sau khi hoàn thành bậc tiểu học ở các điểm trường lẻ, đều được ra trung tâm xã theo học bậc trung học cơ sở với chế độ học sinh bán trú. Ở đó, các em được thầy, cô giáo chăm lo từ chỗ ăn, ở, sinh hoạt học tập hàng ngày và thỉnh thoảng mới về thăm gia đình.
Những ngày chuẩn bị tựu trường, thời tiết ở xã biên giới Tri Lễ có mưa to, không một phương tiện nào có thể di chuyển được, học sinh các bản vùng cao chỉ còn cách đi bộ trở lại lớp. Năm học mới này, Lỳ Bá Dê có thêm nhiệm vụ đưa em gái mình nhập học vào lớp 6 cùng trường. Trên vai mang chiếc ba lô đựng quần áo, Lỳ Bá Dê nắm chặt bàn tay em gái Lỳ Y Sáu men theo con đường dốc trơn trượt dưới những tán cây rừng già. Đây là lần đầu tiên Lỳ Y Sáu đi xa nên vừa buồn, vừa mệt, thỉnh thoảng cậu học trò lớp 9 lại cõng em đi một đoạn đường dài. Phải đến quá trưa, nhóm bạn và anh em Lỳ Bá Dê mới đến được khu bán trú nhà trường khi quần áo lấm lem bùn đất, mồ hôi ướt đẫm. Và ở đây, các em được thầy cô chào đón, dẫn về phòng ở đã được dọn sạch sẽ trước đó để nghỉ ngơi.
Trường PTDTBT THCS Tri Lễ được công nhận đạt chuẩn bán trú từ năm học 2012-2013, trung bình mỗi năm có 756 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú và Kinh theo học, trong đó, có khoảng 320 học sinh thuộc diện bán trú, ăn ở, sinh hoạt, học tập thường xuyên tại trường.
Thầy giáo Hoàng Ngọc Thanh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Tri Lễ cho biết: “Thời gian trước, trường chúng tôi là một trong những “điểm nóng” về tình trạng học sinh bỏ học, với khoảng 40 em/năm. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi tích cực kể từ năm 2012-2013 khi bước vào thực hiện tổ chức bán trú, tỉ lệ học sinh bỏ học giảm xuống rất nhanh, giờ chỉ còn 5-7 em/năm. Trong ngày tập trung đầu tiên, tổ chức ôn luyện, toàn trường chỉ còn thiếu 5 em học sinh. Đây là một tín hiệu rất vui”.
Video đang HOT
Cách Tri Lễ khoảng 35km, nằm trên trục đường Tây Nghệ An, Trường PTDTBT THCS Mai Sơn, huyện Tương Dương có 197 học sinh, với 127 em thuộc diện bán trú. Trong ngày đầu tiên tập trung học sinh tổ chức ôn luyện, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo duy trì mọi nề nếp chung, ưu tiên việc nấu ăn cho toàn bộ học sinh bán trú. Đến giờ quy định, tất cả khu nhà ăn đều được bố trí học sinh ngồi kín hết, trong sự trật tự, các em ăn bữa cơm rất ngon lành cùng bạn bè, anh chị. Ở mâm cơm gần sát với mép sân, Cụt Mai Sáu, học sinh lớp 6B phải sử dụng tay trái khó nhọc xúc từng thìa cơm đưa lên miệng. Ngồi cạnh bên, Cụt Văn Thương, học sinh lớp 9B thường xuyên để ý gắp cá cho vào bát cậu em mới vào đầu cấp học. Hỏi ra mới biết, Sáu bị dị tật từ nhỏ, bố dính vào ma túy, mẹ làm nương rẫy nên bữa ăn của anh em Sáu ở nhà lúc no, lúc đói.
Khi được hỏi về việc đến trường, khóe mắt ngấn nước, Cụt Văn Sáu chia sẻ: “Cháu muốn đến trường, vừa được học chữ và được ăn ngon”. Chăm chú theo dõi bữa cơm trưa của học sinh ngay từ đầu, thầy giáo Nguyễn Trường Giang, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mai Sơn cho biết: “Từ khi nhà trường được công nhận và triển khai thực hiện chế độ bán trú, hiện tượng học sinh bỏ học sau kì nghỉ hè, nghỉ Tết, bỏ học giữa chừng đã giảm hẳn. Những năm gần đây, trường chúng tôi chỉ còn 1-2 trường hợp học sinh bỏ học, nguyên nhân chủ yếu do bố mẹ di cư đi nơi khác”.
Bị tàn tật, Cụt Mai Sáu, học sinh lớp 6B, Trường PTDTBT THCS Mai Sơn phải nhờ đến sự giúp đỡ của các anh trong bữa ăn hàng ngày tại trường. Ảnh: Viết Lam
Nằm bên cạnh Quốc lộ 7A, Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn có 424 học sinh con em đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú và Kinh thuộc 2 xã Hữu Kiệm và Hữu Lập theo học, trong đó có 240 em thuộc diện bán trú. Hai xã vùng cao Hữu Lập và Hữu Kiệm có người nghiện ma túy chiếm tỉ lệ cao, có không ít học sinh của nhà trường cả bố và mẹ đều nghiện nên ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập. “Ngoài chính sách chung của Nhà nước, nhà trường cũng thực hiện đồng bộ các biện pháp để giữ học sinh. Trong đó, chú trọng tạo điều kiện tốt nhất cho các em ăn, ở học tập tại trường, đặc biệt thường xuyên quan tâm đến những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong năm học 2018-2019, trường chúng tôi chỉ có 1 học sinh duy nhất bỏ học giữa chừng”.
Nói về hình thức trường học bán trú ở khu vực phía Tây Nghệ An, thầy giáo Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An khẳng định: “Cùng với các trường nội trú, hình thức trường học bán trú đang khẳng định được tính ưu việt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với sự nghiệp giáo dục ở những địa bàn khó khăn của cả nước nói chung và phía Tây Nghệ An nói riêng. Với việc hỗ trợ chỗ ăn, ở, sinh hoạt, tình trạng học sinh bỏ học đã được kéo giảm nhanh chóng, chất lượng giảng dạy, học tập ở những “vùng khó” đang được nâng lên”.
Ngày 21-12-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Theo Quyết định này, học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung và 15kg gạo, được ở trong khu bán trú của nhà trường; đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng học sinh được hưởng chế độ bán trú đông nhất của cả nước, tập trung chủ yếu ở các huyện phía Tây.
Theo bienphong.com
Duy trì tỉ lệ HS đi học ở vùng cao: Quyết liệt các giải pháp tháo gỡ
Tình trạng học sinh bỏ học, trốn học ở những địa phương vùng cao biên giới trong những năm qua mặc dù có nhiều biến chuyển tích cực xong vẫn chưa thể chấm dứt.
GV đến tận nhà để vận động học sinh đi học
Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục dân tộc nói riêng mà còn đòi hỏi các địa phương tích cực tìm ra các giải pháp tháo gỡ. Tại Mường Khương - Lào Cai chính quyền các cấp đã vào cuộc với hàng loạt giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
Khó bó khôn
Mường Khương cũng được biết đến là một trong những huyện nghèo của tỉnh Lào Cai, xuất phát điểm về kinh tế thấp, các vùng sản xuất hàng hóa đang trong giai đoạn hình thành, ngành nghề phi nông nghiệp chưa phát triển. Đáng nói đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn cao; kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ dân trí không đồng đều, trình độ văn hóa của lao động trong độ tuổi thấp.
Những yếu tố bất lợi trên đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của sự nghiệp trên địa bàn huyện.
Mặt khác, do ảnh hưởng của vị trí địa lý, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, đời sống nhân dân còn khó khăn, một bộ phận người dân chưa quan tâm đến việc học tập của con em. HS nghỉ học hoặcđi học không đều một phần do gia đình có cả bố và mẹ đi làm ăn xa, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không tạo điều kiện cho đi học. Đặc biệt ở một số thời điểm như thời tiết mưa rét, sau nghỉ lễ tết tỉ lệ HS nghỉ học tăng cao...
Vì vậy, công tác duy trì số lượng, tỷ lệ chuyên cần ở các cấp học đặc biệt cấp THCS thực sự là bài toán khó giải và cần nhiều giải pháp từ các cấp chính quyền cũng như ngành Giáo dục.
Học sinh Lào Cai. Ảnh minh họa
Chính quyền vào cuộc
Bà Nguyễn Thị Minh Xuân - Trưởng phòng GD&ĐT Mường Khương cho biết: UBND huyện Mường Khương xác định việc nâng cao công tác huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ chuyên cần là nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến sự phát triển của giáo dục huyện và đảm bảo kế hoạch hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.
Vì thế, thời gian qua UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện làm tốt công tác tuyển sinh; tích cực tuyên truyền, vận động HS ra lớp; tổ chức ký cam kết huy động số lượng HS giữa lãnh đạo UBND xã, thị trấn với lãnh đạo huyện...
Đặc biệt, UBND huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục tổ chức giao ban kiểm tra và làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương về nâng cao tỷ lệ HS đi học chuyên cần. Phân công lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức Phòng Giáo dục trực tiếp phụ trách các xã, thị trấn. Kịp thời nắm bắt tình hình giáo dục tại các nhà trường, theo dõi tỷ lệ HS đi học chuyên cần theo ngày, tuần, tháng để nắm bắt tình hình huy động và tỷ lệ chuyên cần từng xã, thị trấn, cấp học.
Mặt khác, các cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn đã quyết liệt vào cuộc và có nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả để nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần trên địa bàn.
Với sự tích cực vào cuộc của chính quyền địa phương nên công tác vận động HS ra lớp, duy trì học sinh đi học chuyên cần đã được đưa vào quy ước, hương ước. Đây cũng trở thành một trong những tiêu chí xét gia đình văn hóa để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong việc tạo điều kiện cho con em đến trường.
Mặt khác, giao trách nhiệm cho từng cán bộ phụ trách thôn bản; cán bộ giáo viên phụ trách lớp để vận động các em học sinh nghỉ học quay trở lại trường lớp. Huy động sự vào cuộc của toàn thể các ban, ngành, đoàn thể trong xã, phối hợp với các đơn vị trường học nắm bắt tình hình đi học của HS theo từng buổi học, cử cán bộ xã phối hợp với GV nhà trường phụ trách HS từng thôn có trách nhiệm tìm hiểu nguyên nhân HS không đi học và kịp thời đưa HS ra lớp...
Chuyển biến rõ nét
Về phía ngành GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị trường học tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa nhà trường với các em học sinh và phụ huynh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, sự cần thiết của việc học đến các bậc phụ huynh, học sinh.
Chỉ đạo các trường trực thuộc thực hiện nghiêm túc các hoạt động giáo dục, đảm bảo an ninh, an toàn trường học, có các giải pháp quyết liệt duy trì tỷ lệ chuyên cần và phòng chống rét cho học sinh; thực hiện đảm bảo định mức dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh bán trú.
Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá xếp loại từng tháng đối với công tác duy trì tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần của các đơn vị trường, có các giải pháp chỉ đạo kịp thời. Tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể dục thể thao để thu hút học sinh đến trường...
Với các giải pháp như trên, năm học 2018 - 2019 tỷ lệ chuyên cần các cấp học trên địa bàn huyện Mường Khương đã có sự chuyển biến rõ nét: Bậc Mầm non đạt trên 98%; Tiểu học đạt trên 98%, đặc biệt THCS đạt 97,7% (tăng 0,27% so với năm học 2017 - 2018).
Bà Nguyễn Thị Minh Xuân cho biết, trong năm học 2019 - 2020 và các năm học tiếp theo, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu để chính quyền các cấp tìm ra giải pháp hiệu quả để duy trì tỷ lệ HS đi học chuyên cần, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện...
Đức Trí
Theo GDTĐ
Giáo viên băng rừng, lội suối "gõ cửa" tìm trò đến lớp Đến hẹn lại lên, các giáo viên cắm bản lại phải khăn gói băng rừng, lội suối vào bản, thậm chí có khi lên rẫy đi "săn" trò. Chuyện thầy cô ở dầm cả tuần trong bản để "thu phục" học trò đưa về lớp quả lắm gian nan. Những ngày cuối tháng 8, khắp nơi học sinh đang rộn ràng chuẩn bị...