Điểm trung bình – khá nhiều, các trường dễ tuyển sinh
Nhiều chuyên gia cho rằng phổ điểm các môn thi THPT quốc gia tập trung nhiều ở mức điểm trung bình – khá nên các trường đại học, cao đẳng không lo tuyển không đủ chỉ tiêu.
Nhận xét về phổ điểm của các môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng phần lớn phổ điểm của các môn đều khá “đẹp” ngoại trừ môn Ngoại ngữ.
Phổ điểm chung thường nằm ở điểm trung bình khá do vậy các trường có thể dễ dàng tuyển chọn thí sinh. Điều này tạo ra những phân cách cần thiết cho các trường đại học, cao đẳng, đồng thời có thể phân tầng các trường đại học nhằm thu hút thí sinh nộp hồ sơ vào.
Video đang HOT
Phổ điểm trung bình khá cao, các trường ĐH dễ tuyển sinh. Ảnh: Nguyễn Loan.
Tuy nhiên tiến sĩ Nghĩa cũng cho rằng cần phải có ngưỡng điểm xét tuyển để đảm bảo chất lượng đầu vào. Riêng môn Ngoại ngữ phổ điểm chung nằm 2-4 điểm, điều này đã phản ánh đúng tình trạng học lệch giữa thí sinh thành phố và nông thôn.
Môn Ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc chung, trong khi đó phần lớn thí sinh nông thôn không có lợi thế môn này nên phổ điểm chung khá thấp. “Những năm trước môn ngoại ngữ thường được thí sinh khối D và A1 lựa chọn. Theo nghiên cứu của chúng tôi dựa trên số lượng thí sinh thì phần lớn những thí sinh thi hai khối này đều ở thành phố. Trong khi đó phần lớn thí sinh nông thôn chọn thi khối C”, tiến sĩ Nghĩa phân tích.
Với tỷ lệ đậu tốt nghiệp trong cả nước đạt 91,58%, theo tiến sĩ Nghĩa, kỳ thi đã đánh giá đúng hơn về chất lượng giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên nếu không có điểm cộng từ học bạ thì tỷ lệ này sẽ thấp hơn. Việc tổ chức kỳ thi, nhất là ở các cụm thi do các trường đại học tổ chức đã diễn ra nghiêm túc, đề thi cũng có khả năng phân loại thí sinh nên các trường đại học, cao đẳng có thể tin cậy dùng kết quả này để xét tuyển.
Đồng quan điểm, ông Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng đào tạo Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM đánh giá kỳ thi năm nay đã đạt được mục đích hai trong một như mục tiêu mà trước đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra. Tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp cũng đã phản ánh đúng hơn chất lượng giáo dục nước ta.
Theo ông Thanh, với phổ điểm của các môn Bộ vừa công bố các trường top giữa sẽ dễ dàng trong việc tuyển sinh. “Cụ thể như ở trường tôi, mức điểm trung bình xét tuyển sẽ nằm 5-7 điểm mỗi môn, đây là mức điểm phần lớn thí sinh đạt được”, ông Thanh phân tích. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các trường top trên sẽ khó tuyển sinh hơn khi lượng thí sinh đạt điểm giỏi không nhiều.
Năm nay có hơn 750.000 thí sinh dự thi để dùng kết quả đăng ký đại học, cao đẳng trong khi tổng chỉ tiêu của các trường không quá 600.000 nên có thể tuyển sinh qua nhiều đợt để tuyển được lượng thí sinh cần thiết. “Tuy nhiên, về lâu dài Bộ nên để các trường chủ động tuyển sinh thì tốt hơn. Vì ngoài việc kiểm tra trình độ văn hóa nhiều ngành học còn cần phải kiểm tra các kỹ năng khác để phù hợp với ngành nghề”, ông Thanh phân tích.
Còn ông Trần Hoàng Hải, Hiệu phó Đại học Luật TP HCM, tỏ ra tự tin khẳng định với phổ điểm này không gây khó dễ cho trường trong việc tuyển sinh. Năm nay trường tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia do các trường đại học chủ trì (80%) và 20% điểm xét từ học bạ trong 3 năm học cấp 3.
Ông Hải cho biết, dựa trên số lượng thí sinh đăng ký online tại website của trường thì số thí sinh đạt từ 21 điểm trở lên đã vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh. “Đây chỉ mới là số thí sinh đăng ký online, số lượng thí sinh có thể tiếp tục tăng cao khi các em có phiếu điểm và nộp hồ sơ chính thức. Do vậy điểm chuẩn có thể nhích lên 1-2 điểm nữa”, thầy Hải nói và cho biết năm nay trường sẽ ưu tiên tuyển thí sinh khối D1 và A1.
Tuy nhiên theo ông Hải, các trường năm nay sẽ gặp khó khăn trong khâu xử lý số liệu điểm. “Trước đó Bộ Giáo dục tập huấn cho các trường sử dụng phần mềm để tuyển sinh, song đến nay phần mềm của Bộ chỉ là phần mềm ‘chết’, các trường không thể lọc được lượng thí sinh mà mình cần tuyển sinh từ dữ liệu của Bộ nên phải nhập tay và tự đối chiếu các hồ sơ nộp vào”, ông Hải chia sẻ.
Theo VnExpress