Điểm thi đại học: cao nhất mới chỉ là 8 điểm
Hôm nay 13/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã dẫn đầu đoàn thanh tra đột xuất công tác chấm thi tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và ĐH Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội. Theo ghi nhận, tại 2 hội đồng thi này thí sinh đạt điểm cao nhất mới chỉ là 8 điểm.
ĐH Công nghiệp Hà Nội là trường có số lượng hồ sơ đăng ký đông nhất miền Bắc với hơn 72.000 hồ sơ. Trường chỉ tổ chức chấm thi hai môn Văn, Toán. Riêng môn Toán, trường đã phải huy động hơn 70 giáo viên chấm thi.
Chiều 12/7, trường đã bắt đầu tổ chức chấm thi. Do số lượng bài thi đông, trường đã phải huy động thêm giáo viên trung học phổ thông tới chấm nhưng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, đảm bảo giáo viên có trình độ cao, đạo đức tốt và đều có thâm niên giảng dạy môn chấm thi từ 5 năm trở lên.
Ngoài việc tập huấn, trường cũng in cho mỗi giáo viên chấm thi bộ tài liệu gồm đáp án, tài liệu hướng dẫn công tác chấm thi để tránh sai sót.
Trường ĐH Tài nguyên Môi trường Hà Nội đã hợp đồng với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục để chấm hai môn Vật lý, Hóa học và đã bàn giao bài. Riêng môn Toán, trường đã tổ chức chấm tại trường từ 11/7 và dự kiến tới 17/7 sẽ hoàn tất công tác chấm thi.
Đa số các giáo viên chấm thi đều chấm rất cẩn thận để lọc hết ý cho thí sinh, theo đúng phương hướng “làm được đến đâu chấm đến đó” theo đúng thang điểm, đáp án của Bộ GD&ĐT, không để thí sinh bị thiệt thòi.
Thầy Nguyễn Bá Hoan – nguyên Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Vạn Xuân (Hoài Đức, Hà Nội), tham gia chấm thi môn Toán cho biết kết quả 2 buổi chấm cho thấy chất lượng bài làm của thí sinh chưa thật cao, điểm trung bình nằm trong khoảng 3-5 điểm, chưa có bài thi đạt điểm tuyệt đối, điểm cao nhất hiện nay là 8 điểm.
Thầy Nguyễn Văn Phẩm – Phó bộ môn chấm thi Văn trường ĐH Công nghiệp cho biết, đa số bài thi môn Văn đều làm được từ 2-3 trang, chưa có trường hợp nào bỏ trống bài thi. Đáp án thang điểm của Bộ rất sát sao và rõ ý, giúp giáo viên chấm thi Văn không quá vất vả và khó mà bỏ sót ý của thí sinh.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ở môn Văn cũng chưa xuất hiện điểm giỏi nào, đa số bài thi chỉ đạt điểm cao nhất là 7.
Theo lãnh đạo của các trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Khoa học tự nhiên… sau khi kỳ thi ĐH khối A, các trường chuẩn bị mọi công việc sẵn sàng cho việc chấm thi. Bắt đầu từ 11/7, nhiều trường đã chính thức tiến hành chấm thi để có thể công bố kết quả sớm nhất cho các thí sinh.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD&ĐT – Ngô Kim Khôi cũng đề nghị các trường chú ý kiểm tra sâu sát công tác chấm thi, tránh sai sót và có thể công bố sớm kết quả thi cho thí sinh được biết ngay sau khi hoàn tất công tác chấm thi, hậu kiểm… mà không cần chờ tới hạn cuối của Bộ GD&ĐT.
Theo lịch tuyển sinh đai hoc, cao đăng năm 2011 của Bộ GD&ĐT, các trường ĐH có tổ chức thi tuyển sinh hoàn thành chấm thi trước ngay 1/8.
Vơi cac trường cao đăng, thơi han công bô điêm thi la trươc 5/8. Trước ngay 10/8, Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm san.
Theo VTC
Hôm nay, các trường bắt đầu chấm thi đại học
Thông tin từ các trường ĐH cho biết, hôm nay (11-7), các trường bắt đầu tổ chức chấm thi, dự kiến trường công bố điểm thi sớm nhất sẽ vào khoảng 20/7 và đến 1/8, tất cả các trường sẽ công bố điểm cho thí sinh. Đến ngày 10/8, Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm sàn.
Chấm dứt cảnh điểm cao vẫn trượt
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm nay, Bộ đã đưa ra nhiều thay đổi trong quy chế, chỉ cần trên điểm sàn thí sinh sẽ có nhiều cơ hội vào đại học. Thay đổi quan trọng nhất đó là Bộ cho phép các thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng 2 và 3. Ngoài ra, các thí sinh còn có thêm 1 cơ hội khác, đó là dự thi vào các trường Cao đẳng trong đợt 3: Ngày 15 và 16-7.
Với việc lần đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng việc thí sinh được rút hồ sơ sau khi đã nộp nguyện vọng 2 và 3 sẽ chấm dứt cảnh thí sinh điểm cao mà vẫn trượt đại học và các trường lại thêm cơ hội tuyển được những thí sinh có chất lượng.
Giải thích rõ thêm, ông Ngô Kim Khôi, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết, việc cho phép thí sinh được rút hồ sơ tuyển sinh nguyện vọng 2, 3 là cơ hội cho thí sinh và các trường tuyển chọn được đủ, đúng và đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường.
Những thông tin về nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 được các trường cập nhật thường xuyên và công khai trên mạng, căn cứ vào tình hình thí sinh có thể rút hồ sơ đăng ký xét tuyển trong vòng 15 ngày (kể từ thời hạn nhận hồ sơ theo quy định).
Khi thấy tình hình trúng tuyển của mình không cao, thí sinh có thể rút hồ sơ và điền thêm thông tin vào phần cuối cùng còn trống trong hồ sơ. Nếu thí sinh tiếp tục rút hồ sơ lần 2, trường nhận vẫn chấp cấp giấy xác nhận của trường quản lý đính kèm.
Các trường sau khi nhận được hồ sơ NV2,3 phải công bố lên website công khai để thí sinh biết lượng hồ sơ, xem khả năng của mình tới đâu để cân nhắc có nên rút hồ sơ nộp sang trường khác hay không.
Ông Khôi cho hay, thời gian nộp hồ sơ NV2,3 cũng được kéo dài thêm 5 ngày, nâng thời gian xét tuyển từ 15 ngày lên 20 ngày.
"Về lệ phí xét tuyển hồ sơ NV2,3 thí sinh đã nộp, Bộ đã ủy quyền cho các trường tự quyết định giữ hay trả lại thí sinh" - ông Khôi cho hay.
Việc rút hồ sơ NV2,3, thí sinh chỉ cần viết giấy ủy quyền cho người thân cùng với chứng minh thư tới trường nộp hồ sơ để rút về.
Trong trường hợp, thí sinh nộp hồ sơ NV2,3 tới hai lần và hết mẫu hồ sơ NV do bộ in sẵn, thí sinh có thể viết đơn xét tuyển NV kém theo giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, nộp cho các trường.
Thí sinh xem lại bài thi. (Ảnh minh họa).
Cán bộ chấm thi không được tự làm tròn điểm
Hôm nay, các trường ĐH bắt đầu chuẩn bị cho chấm thi để có thể công bố kết quả sớm nhất cho thí sinh.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, cán bộ Ban thư ký được giao nhiệm vụ dồn túi đánh phách, không được tham gia tổ thư ký chấm thi và ngược lại. Trước khi chấm thi, các bộ môn phải tổ chức thảo luận đáp án, thang điểm, chấm thử và rút kinh nghiệm trước khi chấm chính thức. Tổ chức chấm thi theo quy trình hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt; cán bộ chấm thi phải chấm đúng theo đáp án, thang điểm chính thức đã được Trưởng ban đề thi của Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Để đảm bảo việc chấm thi được nghiêm ngặt và an toàn, ông Ngô Kim Khôi cho biết, Bộ quy định, cán bộ chấm thi không tự động quy tròn điểm của bài thi; không được mang theo tài liệu, vật dụng riêng vào và ra khỏi khu vực chấm thi; Cán bộ chấm thi chỉ được sử dụng bút chấm thi theo quy định của Ban chấm thi; nghiêm cấm sử dụng bút xoá khi chấm thi; Cán bộ chấm thi không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào có liên quan đến bài làm của thí sinh trong suốt quá trình chấm thi. Cán bộ chấm thi phải chấm bài thi đúng theo thang điểm và đáp án chính thức đã được Trưởng ban Đề thi của Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Khi chấm thi, việc quy tròn điểm do máy tính tự động thực hiện theo nguyên tắc, nếu tổng điểm 3 môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5; có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1,0 thì quy tròn thành 1,0.
Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do Trưởng môn chấm thi trình Trưởng Ban chấm thi quyết định, nhưng không vượt quá 1 điểm.
Theo PLXH
Điểm sàn năm nay không thấp hơn năm trước Đó là những nhận định bước đầu của GS.TSKH Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ GD&ĐT khi trao đổi với phóng viên sau khi đã kết thúc 2 đợt của kỳ thi ĐH năm 2011. - Thưa thứ trưởng, năm nay đề thi được dư luận đánh giá là hay nhưng hơi khó. Liệu đây có phải là cách làm mới của Bộ...