Điểm thi đặc biệt
TT – Tại điểm thi Trường THPT A Lưới (Thừa Thiên – Huế) có hai phòng thi hết sức đặc biệt với 51 thí sinh lớn tuổi.
Thí sinh 55 tuổi Hồ Văn Hinh chăm chú nghe giám thị phổ biến quy chế thi vào sáng 30-6 – Ảnh: Ngọc Hiển
Phần lớn họ là người dân tộc thiểu số, nhiều người đã lập gia đình, có người đã 55 tuổi, thậm chí có thí sinh đi thi đến lần thứ bảy.
Bảy lần đi thi
Thí sinh Hồ Viết Poan sinh năm 1979, năm nay đã 36 tuổi, nhưng có “thâm niên” tới bảy lần liên tiếp đi thi tốt nghiệp THPT. Poan cho biết sáu lần trước anh đều khăn gói xuống TP.HCM, Huế dự thi nhưng cả sáu lần đều trượt.
Video đang HOT
Năm nay, lần đầu kỳ thi THPT tổ chức điểm thi tại A Lưới nên anh Poan quyết tâm thi lại để lấy tấm bằng tốt nghiệp cho vợ con vui. Poan là người dân tộc Tà Ôi ở bản Chai, làm phó trưởng Công an xã Đông Sơn. “Năm ni không đậu thì sang năm mình thi tiếp, thi đến khi mô đậu thì thôi” – Poan quả quyết.
Còn đối với thí sinh Hồ Văn Hinh, dù năm nay bước sang tuổi 55 nhưng thí sinh lớn tuổi nhất ở điểm thi A Lưới này vẫn đặt quyết tâm nhận bằng tốt nghiệp.
Ông Hinh hiện là chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Kim. Thí sinh Hinh cho biết con cháu đề huề và tuổi ông cũng đã cao nên ông đi thi để làm gương cho cháu chắt biết mà đeo đuổi cái chữ đến cùng.
Thí sinh Hồ Viết Poan (trái) đã 36 tuổi, sáu lần thi trượt THPT nhưng vẫn quyết tâm đi thi THPT năm nay- Ảnh: Ngọc Hiển
Vợ thi tốt nghiệp, chồng chỉ mới lớp…10
Tại phòng thi số 0136 có khá đông thí sinh nữ dân tộc thiểu số đều ở độ tuổi ngoài 30. Để đến được điểm thi, nhiều chị phải gửi con sang nội ngoại, rồi nhờ chồng chở xuống thị trấn làm thủ tục dự thi.
Mặc chiếc áo sơmi tím đã nhạt màu, ngồi khép nép ở góc phòng thi, chị Hồ Thị Giang ở bản Ta Lo (xã Hồng Vân) cho biết vợ chồng chị dù làm nương rẫy quanh năm nhưng vẫn đang là học sinh.
Chồng chị Giang năm nay 38 tuổi, đang học lớp 10. Chị Giang kém chồng bảy tuổi, được đi học sớm hơn nên thi tốt nghiệp trước chồng. Sáng ngày làm thủ tục, chồng chị Giang phải dậy sớm chở chị đến điểm thi rồi quay về nhà giữ hai đứa con nhỏ.
Theo chị Giang, thường ngày gửi con ở nhà nội xong thì hai vợ chồng chở nhau cắp sách đến trường. Nhiều khi không có ai chăm con thì hai vợ chồng mang con đến trường, vừa học vừa giữ con.
“Mình làm ở hội phụ nữ thôn, chồng mình nói đi học để về làm cán bộ thì mình học thôi. Sách vở có trường cho mượn rồi, thầy cô dạy gì mình học theo nấy nên cũng chỉ mong có tấm bằng theo ý chồng thôi”- chị Giang nói. Ở bản Ta Lo cũng có ba cặp vợ chồng đang đi học như vợ chồng chị Giang.
Còn thí sinh người dân tộc Cơ Tu Trần Xuân Oai thì đi thi là để làm gương cho các cán bộ thôn. Năm nay 38 tuổi, con gái đã học lớp 10, nhưng ba năm trước anh Oai vẫn quyết định đi học bổ túc THPT.
Hằng ngày anh Oai đi học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện, còn con gái học trường THPT cách đó không xa, hai cha con cùng chở nhau đi học. Bây giờ con gái lại tiễn cha đi thi.
Thí sinh cao 0,9m tự tin đi th
Thí sinh Nguyễn Đình Phước và bạn bè tự tin trước giờ thi – Ảnh: Trường Trung
Đó là thí sinh Nguyễn Đình Phước, dự thi ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Bị teo cơ từ nhỏ nên Phước chỉ cao 0,9m và nặng chưa đầy 30kg. Dù điều kiện thể chất bị hạn chế nhưng lực học của Phước luôn khiến bạn bè nể phục. Trong ba năm học THPT, điểm trung bình các môn của Phước luôn từ 7,9 trở lên, riêng ba môn toán – lý – hóa của Phước đều trên 9,1.
Hai cha con Phước đã đón xe đò từ Tam Kỳ (Quảng Nam) ra ở trọ nhà bà con tại Đà Nẵng dự thi. Nói về lý do chọn ngành công nghệ thông tin, Phước cho biết vì phù hợp với điều kiện sức khỏe, ngoài ra em cũng mơ ước trở thành “hiệp sĩ công nghệ thông tin” như một số thần tượng của mình.
Biết được hoàn cảnh của Phước, sáng 30-6 PGS.TS Trương Thị Diễm, trưởng điểm thi khu H, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đã đưa Phước đi đo và chọn cho em bàn dự thi phù hợp với cơ thể.
Theo TTO