Điểm thi cao, thí sinh rối bời trước ngày điều chỉnh nguyện vọng
Hiện tượng nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt đại học đã từng xảy ra vào năm 2017 do thí sinh kỳ vọng đỗ vào những ngành “hot” nên chần chừ chờ đợi và không đăng ký thêm những trường khác.
Sát ngày điều chỉnh nguyện vọng vẫn hoang mang chọn ngành
Kể từ ngày 19/9, thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng bằng hai phương thức trực tuyến hoặc làm phiếu đăng ký xét tuyển. Sau khi các trường công bố điểm sàn, Nguyễn Việt Trà ( Thái Bình) bắt đầu hoang mang về các lựa chọn của mình.
Yêu thích Truyền thông đa phương tiện, Trà kỳ vọng sẽ đỗ vào ngành này của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Bên cạnh đó, nữ sinh cũng đăng ký thêm 2 nguyện vọng khác của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Với số điểm 24, nếu là năm ngoái, nữ sinh đã chắc chắn có một suất học tại những ngôi trường này. Tuy nhiên, thông tin về dự đoán mức điểm chuẩn năm nay có thể tăng từ 1 – 2 điểm khiến Trà cảm thấy bất an.
“Ban đầu em đã tự nhủ phải kiên định và sẽ không thay đổi nguyện vọng nữa. Nhưng điểm sàn năm nay của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng tăng tới 2 điểm so với năm ngoái nên em lo sợ điểm chuẩn cũng tăng khó ngờ”, Trà nói.
Mấy ngày gần đây, nữ sinh Thái Bình loay hoay tham khảo ý kiến của nhiều người trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Trà từng dự tính, trong trường hợp không thể vào được ngành mình yêu thích, em sẽ lựa chọn vào một trường cao đẳng có đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện hoặc chấp nhận thi lại vào năm sau.
Tuy nhiên, bố mẹ ra sức phản đối và khuyên em nên lựa chọn một ngôi trường thấp điểm hơn, vì “không thể được 24 điểm vẫn trượt đại học”. Vì thế, Trà đang cân nhắc việc sẽ đăng ký thêm nguyện vọng vào một số ngành học có điểm chuẩn thấp.
“Chỉ cần vào được ngôi trường mình yêu thích, em sẽ nỗ lực học thêm chuyên ngành thứ hai mà mình đã định hướng ban đầu”, nữ sinh cho biết.
Sát ngày điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh vẫn hoang mang chọn ngành.
Video đang HOT
Tại Nam Định, nữ sinh Phan Quỳnh Hương cũng hàng ngày tìm kiếm thông tin về mức điểm chuẩn dự kiến vào các trường năm nay. Với số điểm 24,5, Hương đặt nguyện vọng 1 vào ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện Ngân hàng. Năm ngoái, ngành này của trường lấy 23 điểm.
Trong khi nhiều bạn cùng lớp đã sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp, Hương vẫn đang phải lo lắng về sự lựa chọn của bản thân.
“Giai đoạn đăng ký hồ sơ, do chủ quan nên em không biết trường này có thể sử dụng điểm trung bình học tập của 5 kỳ học tại trường chuyên để xét tuyển.
Nếu xét theo hình thức này, chắc chắn em đã có một suất vào trường vì Học viện Ngân hàng chỉ yêu cầu thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT đạt điểm sàn và điểm trung bình cộng 5 kỳ của từng môn học trong tổ hợp xét tuyển từ 7,5″, Hương tiếc nuối.
Trong khi đó, Lê Hải Hà (Hà Nội) đã chắc chắn có một suất học tại Học viện Tài chính nhờ vào phương thức xét tuyển kết hợp. Tuy nhiên, với số điểm 27,5 khối A00, Hải Hà vẫn kỳ vọng đỗ vào ngành Tài chính doanh nghiệp của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
“Trước đó, em đã nộp vào Học viện Tài chính như một phương án an toàn. Nhưng em muốn vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân”.
Sát ngày cuối cùng nhập học, bố mẹ sốt sắng giục Hà nên nộp vào Học viện Tài chính để “chắc ăn” hơn, nhưng nữ sinh vẫn quyết định bỏ nhập học tại ngôi trường này và tiếp tục chờ đợi xét điểm thi tốt nghiệp THPT để vào ĐH Kinh tế Quốc dân.
“Đây giống như một sự đánh cược. Dù có những rủi ro trượt – đỗ, nhưng em vẫn mong mình sẽ được vào ngành mà mình yêu thích”, Hà nói.
Nếu không thận trọng, thí sinh đạt điểm cao vẫn trượt đại học
Theo TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, thí sinh cần thận trọng cân nhắc để đưa ra quyết định đúng đắn trong đợt điều chỉnh nguyện vọng cuối cùng này.
“Trước khi điều chỉnh nguyện vọng và sắp xếp lại thứ tự, các em cần vạch ra đâu là ngành mình thực sự mong muốn; ngành nào sẽ phù hợp với năng lực và sở trường của bản thân”.
Còn đối với những thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức khác nhưng không xác nhận nhập học, vẫn chờ đợi việc xét điểm thi THPT để vào được ngành “hot”, theo TS Tùng, điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro cao.
“Hiện tượng này đã từng xảy ra vào năm 2017. Nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt đại học do kỳ vọng đỗ vào những ngành “hot” nên chần chừ chờ đợi và không đăng ký thêm những trường khác.
Do đó, theo tôi, trừ những thí sinh chắc chắn điểm cao hơn so với mức điểm chuẩn, khi đó các em mới nên chờ đợi. Còn với những em chỉ đạt 23 – 25 điểm hiện vẫn đang rất rủi ro. Do vậy, các em có cơ hội nào hãy nên tận dụng cơ hội đó, bởi dù đỗ theo phương thức nào thì khi vào trường, các em vẫn bình đẳng như nhau”, ông Tùng nói.
TS.Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cũng cho rằng, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 ở mức cao. Tuy nhiên, nhiều trường năm nay đã giảm chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, do đó thí sinh cần cân nhắc kỹ, nếu không dù đạt điểm cao nhưng các em vẫn không đỗ vào ngôi trường nào.
Ông Hà cũng đưa ra lời khuyên, khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh nên chia thành 3 nhóm: những ngành mình yêu thích nhất, những ngành dự kiến điểm chuẩn mình có thể đạt được và những ngành có điểm chuẩn thấp hơn khả năng của mình. Bên cạnh đó, thí sinh cũng nên “rải” nguyện vọng cách đều mục tiêu.
“Giả sử, thí sinh đạt 24 điểm, mong muốn vào ngành Tài chính – Ngân hàng. Các em có thể “rải” thêm một số ngành khác có mức điểm liên tiếp nhau, xoay quanh mức từ 0,5 – 1 điểm như Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh,…”, TS. Hà gợi ý.
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại cũng đưa ra gợi ý, các thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng căn cứ vào kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, phổ điểm trúng tuyển của các năm trước và xu hướng điểm năm nay để điều chỉnh cho phù hợp.
“Quy tắc thí sinh luôn luôn phải nắm vững là lượng sức mình để điều chỉnh nguyện vọng sát và trúng với năng lực, tránh tình trạng đạt điểm cao vẫn trượt đại học. Việc đánh số thứ tự nguyện vọng ưu tiên phải căn cứ vào chính nhu cầu của các em và đảm bảo sự an toàn”, ông Sơn cho hay.
Tránh trượt oan vì nhập sai dữ liệu
Thời gian để thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) còn rất ngắn. Tuy vậy, không phải cứ nộp hồ sơ đầy đủ là xong việc.
Những năm trước, chuyện thí sinh bị trượt ĐH oan có phần lỗi chính của những người nhập dữ liệu nhưng thí sinh cũng không hẳn vô can.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019. Ảnh Như Ý
Năm 2019, trường ĐH Hà Nội tiếp nhận 2 kiến nghị của thí sinh T.H.M và N.T.M.; Sau khi xem xét, Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Hà Nội xác định hai thí sinh đã đạt điểm trúng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh theo thứ tự trong danh sách đăng kí nguyện vọng.
Trường Đại học Hà Nội phải làm 2 công văn đề nghị: trường ĐH Thương mại xóa tên thí sinh T.H.M trong danh sách trúng tuyển năm 2019 của trường và Bộ GD&ĐT chuyển dữ liệu của thí sinh này trên cổng thông tin nghiệp vụ tuyển sinh từ trúng tuyển nguyện vọng 3 (trường ĐH Thương mại) sang trúng tuyển nguyện vọng 1 (trường ĐH Hà Nội); một công văn nữa yêu cầu trường ĐH Vinh xóa tên thí sinh N.T.M.P trong danh sách trúng tuyển năm 2019 của trường và Bộ GD&ĐT chuyển dữ liệu của thí sinh này trên cổng thông tin nghiệp vụ tuyển sinh từ trúng tuyển nguyện vọng 3 (trường ĐH Vinh) sang trúng tuyển nguyện vọng 2 (trường ĐH Hà Nội).
Lý do dẫn đến những sai sót này được cán bộ tuyển sinh của trường ĐH Hà Nội lý giải do cán bộ nhập liệu không soát xét kỹ các minh chứng ưu tiên của thí sinh, dẫn đến thí sinh được tăng điểm nên sẽ trúng tuyển ở các nguyện vọng cao hơn.
Cũng trong mùa tuyển sinh năm 2019, thí sinh B.T.L., trường Dân tộc nội trú, tỉnh Thanh Hóa đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, cùng lúc với thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, điểm thi ba môn xét tuyển đại học và điểm cộng ưu tiên của L. đạt 25,4. Theo điểm chuẩn năm 2019 trường ĐH Y dược TPHCM công bố, L. lẽ ra được trúng tuyển. Tuy nhiên khi tra cứu danh sách trúng tuyển, L. lại không thấy tên mình.
Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Anh Toàn thông tin xác minh hồ sơ của thí sinh L. cho thấy, sai sót đầu tiên thuộc về nhân viên của nhà trường nhập sai dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh này. Trong khi bản thân em L. cũng mắc lỗi do sau khi nộp hồ sơ lại không kiểm tra lại thông tin của mình nên dẫn đến sai sót.
Theo ông Bùi Viết Toàn, Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Hà Nội, ngoài lỗi của cán bộ nhập dữ liệu thi, tuyển sinh thì trách nhiệm một phần cũng thuộc về các thí sinh. Sau khi hết hạn nộp hồ sơ, nếu thí sinh phát hiện có sai sót thông tin nhất là viết sai phiếu đăng kí dự thi phải thông báo kịp thời cho hiệu trưởng trường THPT hoặc thủ trưởng đơn vị nơi đăng kí dự thi hoặc cho trường điểm thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung. Ngoài ra, thí sinh còn một lần điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi. Đây cũng chính là cơ hội để thí sinh "sửa sai" nếu thấy dữ liệu đăng ký của mình có vấn đề.
Còn theo quy định của Bộ GD&ĐT sau khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, nhân viên phụ trách tiếp nhận sẽ nhập dữ liệu lên máy tính rồi in ra để thí sinh kiểm tra và ký xác nhận. Sau đó, cán bộ điểm thu nhận hồ sơ mới nhập dữ liệu lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Theo quy chế, thí sinh còn có thời gian để kiểm tra lại thông tin bằng tài khoản cá nhân nhưng thí sinh lại chủ quan không kiểm tra lại dẫn đến sai lệch thông tin. Nên về nguyên tắc nếu lỗi hoàn toàn thuộc về điểm thu nhận hồ sơ hoặc nhà trường thì Sở GD&ĐT phải chịu trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi cho thi sinh.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Viết Toàn, thí sinh cũng cần phải xem lại thông tin của mình sau khi dữ liệu được đưa lên cổng tuyển sinh chung của Bộ. Vì mỗi thí sinh có một tài khoản, một mật khẩu riêng để kiểm tra thông tin và có thể để điều chỉnh nguyện vọng. Nếu phát hiện sai sót, thí sinh cần phải báo kịp thời để tránh mất quyền lợi về sau.
Với những trường hợp hợp sai sót như trên, Bộ GD&ĐT cho rằng nhiều khả năng, sau khi cán bộ nhận hồ sơ nhập dữ liệu sai, rồi in ra thí sinh không đọc kỹ và ký tên xác nhận luôn. Sau đó, theo quy chế thí sinh còn có thời gian để kiểm tra lại thông tin bằng tài khoản cá nhân nhưng thí sinh lại chủ quan không kiểm tra lại dẫn đến sai lệch thông tin.
Nên chọn Ngôn ngữ Anh hay tiếng Anh thương mại? Ngôn ngữ Anh hay tiếng Anh thương mại vẫn là đang là hai ngành hot, nhận được sự quan tâm của thí sinh, đồng thời điểm chuẩn hằng năm của hai ngành này ở các trường không hề thấp. Hỏi: Chào anh chị! Em là thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2020. Em có nguyện vọng thi vào hai trường là ĐH Ngoại...