Điểm sáng hiếm hoi của Lục địa già
Giữa lúc phải đối mặt với hàng loạt bất lợi bủa vây, nền kinh tế châu Âu vừa đón nhận một tin vui khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Đây được cho là một điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế của Cựu lục địa vào đầu năm 2019.
Theo báo báo của cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 9-1, tỷ lệ thất nghiệp tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm xuống 7,9%. Với dữ liệu mới nhất này, tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone đang tiến gần về mốc trung bình 7,5% như trước cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, đồng thời bỏ xa mức cao kỷ lục 12,1% tại thời điểm cuộc khủng hoảng nợ bước vào giai đoạn đen tối nhất hồi năm 2013. Trong 19 thành viên Eurozone, Đức là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất với 3,3%.
Trong khi đó, Hy Lạp là nước có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất với 18,6%. Xét trên quy mô Liên minh châu Âu (EU), tỷ lệ thất nghiệp của toàn khối là 6,7%, gần như không thay đổi so với tháng trước đó. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi Eurostat bắt đầu tiến hành thống kê vào năm 2000.
Theo các nhà phân tích, tốc độ giảm thất nghiệp đều đặn là nhờ sự hỗ trợ lớn trong 3 năm qua của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nhằm giúp khu vực tiền tệ gồm 19 quốc gia thành viên phục hồi. Trong thời gian này, ECB đã mua trái phiếu trị giá hơn 2.000 tỷ euro giúp thúc đẩy tăng trưởng và đẩy lạm phát đạt mục tiêu 2%. Tuy nhiên, để giữ được tỷ lệ thất nghiệp ở mức độ ổn định, các nhà lãnh đạo châu Âu phải vượt qua rất nhiều thách thức.
Theo dự báo năm 2019, mâu thuẫn trong nội bộ Lục địa già vẫn được cho là có tác động nặng nề tới cục diện chung. Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc có thể lan sang cả EU. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu đang suy yếu, tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới đây.
Trong khi đó, việc Anh rút khỏi EU sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho cả hai phía. Tại Pháp, phe “Áo vàng” đã hợp nhất những yêu cầu về kinh tế sau khi mục đích ban đầu đổ ra đường là để phản đối thuế nhiên liệu. Còn chính phủ dân túy Italia lại đang mâu thuẫn với EU về kế hoạch ngân sách với những khoản chi tiêu mạnh tay.
Vì vậy, trong ngắn hạn, EU phải làm thế nào để vừa chứng tỏ sự linh hoạt, vừa phải siết chặt các quy tắc và kỷ luật ngân sách đối với các thành viên để củng cố sự ổn định của đồng euro. Điều này cho thấy các cuộc đàm phán phức tạp là triển vọng được dự báo cho các quốc gia EU trong năm 2019.
Theo hanoimoi.com.vn
Đồng Euro - "Một trong những câu chuyện thành công lớn nhất của châu Âu"
Nói như vậy quả không sai, bởi lẽ sau 20 năm lưu hành, đồng tiền chung châu Âu vẫn đang ngày càng được ưa chuộng hơn bất chấp tâm lý bài châu Âu và chủ nghĩa dân túy gia tăng tại nhiều nước. Không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế, đồng euro còn được đánh giá là biểu tượng của sự đoàn kết, chủ quyền và sự ổn định của "lục địa già".
Ngày 1-1-1999, thời điểm đồng euro ra đời. Sau đúng 3 năm, đồng tiền này được đưa vào lưu thông. Từ chỗ mới chỉ có 11 quốc gia từ bỏ quyền phát hành đồng tiền riêng, vì một mục tiêu chung đầy tham vọng: tạo dựng một liên minh kinh tế và tiền tệ của toàn bộ Liên minh châu Âu (EU). Hiện nay, euro là đồng tiền chính thức và duy nhất của 19 trong tổng số 28 quốc gia EU.
Video đang HOT
19 nước với quy mô kinh tế rất khác biệt, lại dùng chung một đồng tiền, trở thành một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nợ công mà tâm điểm là Hy Lạp, làm chao đảo EU trong suốt gần 10 năm.
Đồng Euro ngày càng được ưa chuộng sau 20 năm thăng trầm.
Gần 10 năm giải quyết khủng hoảng nợ công đã tạo ra nhiều cơ chế nhằm cô lập nhanh và giải quyết sớm các vấn đề. Đồng euro lấy lại dần uy tín trên thị trường tài chính. Đến năm 2017, 1/3 giao dịch ngoại thương trên thế giới là bằng đồng Euro. Euro đang chiếm 1/5 tổng dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Trong dịp kỷ niệm 20 năm đồng euro, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch tăng sử dụng euro, đồng thời giảm dần USD, khi mua dầu mỏ, nhập nguyên liệu, hay bán máy bay.
Với lợi thế tạo thuận tiện, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp châu Âu, gắn kết kinh tế châu Âu một khối trên nền tảng một loại tiền tệ thống nhất, EU đang tham vọng dùng đồng euro làm công cụ củng cố độc lập tự chủ của mình trong kinh tế, thương mại và tài chính, nhằm giảm lệ thuộc vào đồng USD, cũng là giảm lệ thuộc vào nước Mỹ.
Thật không "quá" khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định sự trưởng thành của đồng euro sau 20 năm thăng trầm để giờ đây trở thành "biểu tượng sức mạnh của EU với tư cách là lực lượng kinh tế, chính trị trên thế giới" và bất chấp "cú sốc" của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng tiền này vẫn cho thấy sức sống bền bỉ.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho rằng sau 20 năm ra đời, có một thế hệ người châu Âu chỉ biết đến đồng tiền nội tệ duy nhất là euro. Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup) Mario Centeno nhấn mạnh Euro đã trở thành "một trong những câu chuyện thành công lớn nhất của châu Âu".
Vẫn biết đồng euro đang là một ngoại tệ mạnh và có nhiều lợi thế, song giới chức lãnh đạo EU vẫn luôn nhấn mạnh sự cần thiết tiến hành cải cách sâu rộng trong khối nhằm tăng cường sức mạnh của đồng tiền chung này. Bởi lẽ ngoài uy tín và vị thế mà đồng euro tạo dự được sau 20 năm ra đời, không thể phủ nhận đồng tiền chung châu Âu euro đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng và các bất đồng chính trị. Dù đã được củng cố nhờ một số chính sách tiền tệ của châu Âu, nhưng đồng euro vẫn là "một người khổng lồ yếu ớt".
Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng đây là một sinh nhật buồn của đồng euro. Còn nhớ, cách đây đúng 20 năm, đồng euro chưa hiện diện chính thức nhưng đã được giới tài chính sử dụng như một công cụ tài chính ảo trong các hoạt động giao dịch. 3 năm sau, ngày 1-1-2002, những đồng euro đầu tiên mới xuất hiện trên thị trường. 10 năm đầu tiên, đồng euro lớn lên trong sự "vô tư" nhờ những thành công tức thì.
Tuy nhiên, 10 năm kế tiếp, đồng euro phải trải qua một cuộc khủng hoảng dài hơi và dữ dội. Ngay giữa mùa hè năm 2012, đồng euro suýt bị cuốn trôi theo cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ dẫn đến sự tan rã của hệ thống ngân hàng tại châu Âu.
Chính những sự kiện đó đã cho thấy rõ những "khuyết tật ban đầu" trong quá trình hình thành đồng tiền chung euro: thiếu sự đoàn kết về ngân sách chung châu Âu thông qua biện pháp tương trợ nợ công, đầu tư và các rủi ro, cách biệt sâu sắc giữa các thị trường, thiếu một định chế cung cấp tín dụng trong trường hợp khẩn cấp khi một nước gặp khó khăn...
Các chuyên gia khi đó cho rằng đồng euro đã không làm tròn nhiệm vụ tập hợp các nền kinh tế, và sự bất cân đối giữa các nước thành viên ngày càng nghiêm trọng sâu. Dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã được thành lập, song các nước liên minh vẫn chưa lập được cơ quan quyền lực chính trị cũng như ngân sách duy nhất.
Nhằm ngăn chặn khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị "nổ tung", một loạt biện pháp đã được đề ra: thiết lập chương trình mua lại nợ công có điều kiện của một nước thông qua việc phát hành trái phiếu châu Âu, giảm lãi suất xuống mức thấp nhất... Tổng cộng trong giai đoạn này, châu Âu đã mua lại 2.600 tỷ euro nợ công.
Cuộc khủng hoảng năm 2012 là dịp để châu Âu sửa chữa những điểm yếu đáng quan ngại nhất của đồng tiền chung châu Âu và lập lại các luật lệ cho việc quản lý. Trên bình diện chính trị, châu Âu và các nước thành viên trong khối Eurozone đã có rất ít các chính sách để điều chỉnh những khiếm khuyết ban đầu. 19 quốc gia vẫn chưa có được các công cụ cần thiết để đồng nhất các nền kinh tế hoặc các hoạt động đầu tư để ứng phó với các thách thức kinh tế.
Gilles Moec, nhà kinh tế của Bank of America Merrill Lynch nhắc lại mục tiêu ban đầu khi cho ra đời đồng euro: "Trong những năm 1990, điều quan trọng nhất đối với châu Âu trên bình diện kinh tế là cung cấp cho thị trường một đồng tiền duy nhất nhằm chấm dứt các biến đổi tỷ giá hối đoái giữa các nước thành viên, còn trên bình diện chính trị là giúp cho nước Đức thống nhất có cùng nhịp chèo với Tây Âu".
Trớ trêu thay, cũng chính nước Đức ngày nay là rào cản lớn nhất cho mọi ý định cải cách khu vực đồng euro. Mọi giải pháp do Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, Pháp và nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất để bình ổn khu vực đồng tiền chung đều gặp phải sự phản đối từ Berlin.
Mặc dù vậy, không thể nói đã hết hy vọng để đồng euro có thể trở nên lớn mạnh và bền vững hơn. Là đồng tiền thứ hai được sử dụng nhiều trên thế giới, đồng tiền chung này vẫn được đại bộ phận người dân châu Âu ủng hộ. Khoảng 74% số người dân châu Âu khi được hỏi ý kiến đã nói rằng đồng euro đang có lợi cho EU, 64% cho rằng đồng Euro mang lại lợi ích cho chính đất nước của họ.
Bảo Trân (tổng hợp)
Theo antg.cand.com.vn
Sẽ thêm một năm lạc quan cho tỷ giá? Tỷ giá đồng VND đã có một năm thành công khi được đánh giá là một trong những đồng tiền có sức chống chọi tốt nhất trước các đợt tăng lãi suất của FED. Ảnh minh họa. Ngày 20/12, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % sau cuộc họp chính sách. Đây là quyết...