Điểm sàn khối ngành sức khỏe, giáo viên được xác định thế nào?
Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục quy định điểm sàn- ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với nhóm ngành sức khỏe, giáo viên.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy chế tuyển sinh 2020 trình độ ĐH; tuyển sinh trình độ CĐ ngành mầm non.
Theo đó, năm nay, căn cứ phương thức tuyển sinh, các trường xác định và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong Đề án tuyển sinh, riêng nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH và ngành Giáo dục Mầm non trình độ CĐ (gọi chung là ngành đào tạo giáo viên) do Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào;
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do các trường quy định phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh. Giám đốc ĐH, học viện, hiệu trưởng trường ĐH, trường CĐ tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non (gọi chung là hiệu trưởng) chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với Bộ GD&ĐT, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan.
Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập THPT trong học bạ thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT phải đảm bảo các ngưỡng theo quy định của Quy chế này.
Trong đó, điểm bài thi/môn thi xét tuyển hoặc điểm trung bình cộng các bài thi/môn thi xét tuyển sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng tổ hợp các bài thi/môn thi theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định (sau khi có kết quả thi);
Xét tuyển trình độ ĐH sử dụng kết quả học tập THPT: Điểm bài thi/môn thi xét tuyển hoặc điểm trung bình cộng các bài thi/môn thi xét tuyển được quy định như sau:
Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng – Hàm – Mặt, Dược học tối thiểu là 8,0 trở lên;
Đối với các ngành: Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng tối thiểu là 6,5 trở lên;
Video đang HOT
Đối với ngành Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao tối thiểu là 6,5 trở lên. Nếu đối tượng dự tuyển là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đoạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia, quốc tế hoặc có điểm thi năng khiếu do trường tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9,0 trở lên theo thang điểm 10,0) thì điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT tối thiểu là 5,0 trở lên;
Đối với ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật tối thiểu là 6,5 trở lên. Nếu đối tượng dự tuyển có điểm thi năng khiếu do trường tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9,0 trở lên theo thang điểm 10,0) thì điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT tối thiểu là 5,0 trở lên;
Xét tuyển trình độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non sử dụng kết quả học tập THPT: Điểm bài thi/môn thi xét tuyển hoặc điểm trung bình cộng các bài thi/môn thi xét tuyển tối thiểu là 6,5 trở lên.
Cho đến giờ, khối trường sư phạm cũng như khối trường sức khỏe vẫn chưa có thông tin cụ thể về phương án tuyển sinh năm nay.
Hỗ trợ 3,63 triệu/tháng, ngành sư phạm đã đủ hấp dẫn?
Hỗ trợ chi phí sinh hoạt hàng tháng cho sinh viên sư phạm ngoài việc miễn học phí là điều Bộ GD-ĐT đang tính đến để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Song chừng ấy liệu đã đủ hấp dẫn?
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm để xin ý kiến dư luận.
Theo đó, ngoài học phí được miễn toàn bộ, mỗi tháng, sinh viên sư phạm sẽ được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Mức này được điều chỉnh hàng năm theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thực tế
Những khoản hỗ trợ được "luật hóa" này nhằm mục tiêu thu hút người tài theo học ngành sư phạm hướng đến đào tạo cho xã hội những thế hệ giáo viên chất lượng.
Hỗ trợ thêm phí sinh hoạt 3,63 triệu/tháng, ngành sư phạm đã đủ hấp dẫn? Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Chị Lê Hằng, tốt nghiệp và trở thành giáo viên tại một trường ở Hà Nội từ gần một năm nay chia sẻ: "Trước đây khi mình còn đang đi học mà được hỗ trợ như thế này thì tốt quá. Như vậy sinh viên sư phạm giờ đây gần như không phải lo về vấn đề gì trong quá trình đi học bởi học phí vốn đã được miễn giờ có thêm chi phí sinh hoạt".
Nguyễn Quốc T., hiện là sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ chút tiếc nuối khi giai đoạn em vào trường trước khi có nghị định này. Tuy nhiên, T. cho hay em cũng không quá buồn bởi "đổi lại" không chịu việc ràng buộc phải hoàn trả chi phí nếu ra trường chẳng may không xin được việc.
Có con năm nay học lớp 11 và cũng đang cân nhắc chuyện vào các trường sư phạm, chị Ngọc Hoa (Thanh Hóa) cho rằng đây có thể là một "điểm cộng" để gia đình chị quyết định cho con theo học ngành này. Song, chị Hoa cũng chợt lo ngại khi nghĩ đến chuyện ra trường con mình không xin được việc.
"Chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo hướng này rất tốt song để thực sự hấp dẫn thì còn phải đi cùng với việc giải quyết việc làm cho người học sau ra trường. Chứ như hiện nay chỉ tiêu tuyển dụng vào ngành ở đa số các địa phương đều rất eo hẹp trong khi cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp tràn lan. Quan trọng nhất vẫn là có việc làm ngay sau khi ra trường. Nếu không, thêm điều khoản hoàn trả chi phí lại càng phức tạp", chị Hoa chia sẻ.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Chị Nguyễn Diệp, giáo viên một trường THPT trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) ủng hộ hướng này bởi chị cho rằng hỗ trợ được sinh viên học tập là điều tốt chứ không chỉ riêng đối với ngành sư phạm.
"Đó chính là điều nên làm của hệ thống đại học công. Ở những nước phát triển họ còn hỗ trợ cả sinh viên nước ngoài nữa. Điều này sẽ tạo ra cơ hội thực hiện quyền tiếp cận tri thức cho tất cả mọi người".
Theo chị Diệp, có thể chính sách này cũng sẽ thu hút được thêm một lượng học sinh lựa chọn ngành sư phạm.
Song, nếu mục đích của việc hỗ trợ kinh phí là để thu hút sinh viên học ngành sư phạm thì theo chị Diệp là chưa đủ.
"Thực tế việc các học sinh có học lực giỏi không muốn thi sư phạm là vì nghĩ đến cơ hội nghề nghiệp sau này chứ không quá đặt nặng vấn đề chi phí học tập. Chi phí học tập chỉ 4 năm, nhà nghèo vẫn có thể cố, nhưng cơ hội và thu nhập từ công việc ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống tương lai. Thực tế hiện nay nếu tham gia giảng dạy ở các trường công thì cơ hội được tuyển dụng là quá khó, áp lực về thủ tục hành chính lớn trong khi lương thấp. Nếu tham gia giảng dạy ở các trường tư thì lại gặp nhiều hơn các áp lực từ học sinh, phụ huynh và thời gian giảng dạy", chị Diệp nói.
"Vấn đề không chỉ là có một chỗ làm mà là môi trường, tính chất và đãi ngộ của công việc nữa. Học sinh của tôi, phần đa các em khá giỏi thường không thích đi dạy. Lý do các em đưa ra là môi trường công việc không năng động, không kích thích sự sáng tạo..."
Chị Diệp cho rằng muốn kéo người giỏi vào vẫn cần nhất đãi ngộ đầu ra. Bởi những người thực sự có năng lực thì môi trường làm việc mới là yếu tố quyết định. "Đãi ngộ đầu ra không chỉ hiểu đơn giản là tiền lương mà còn là môi trường làm việc,..."
Cô Hồ Thị H., Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở Nghệ An cũng cho rằng vấn đề cốt lõi thu hút người tài không chỉ nằm ở học phí mà quan trọng hơn là tuyển dụng, bố trí và đãi ngộ việc làm.
"Nếu đào tạo và tuyển dụng còn đi theo 2 đường thẳng song song như mấy năm qua thì chính sách miễn học phí và hỗ trợ phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm chắc sẽ không còn mấy ý nghĩa", cô H. nói.
Hải Nguyên
Theo vietnamnet
Mong chờ một nền giáo dục nhân văn trong thập niên mới Thập niên 20 của thế kỷ 21, người ta trông đợi vào một nền giáo dục nhân văn, hiện đại mà ở đó giáo viên và học sinh đều cảm thấy hạnh phúc. Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 1 - KHẢ HÒA Năm 2020 với ngành GD-ĐT có ý...