‘Điểm sàn đã đẩy hàng nghìn học sinh ra nước ngoài’
Cho rằng điểm sàn mỗi năm đẩy hàng nghìn học sinh ra nước ngoài khiến đất nước bị chảy máu ngoại tệ, GS Trần Phương đề nghị bỏ điểm sàn, bỏ ba chung và lấy kết quả phổ thông kết hợp với xét tuyển học bạ vào đại học.
Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Trần Hồng Quân cho rằng, hiện có nhiều loại trường (nghiên cứu và thực hành) với những sứ mạng riêng nên không thể nào cào bằng tuyển sinh ba chung. “Cần thực hiện tuyển sinh đa tiêu chí. Các tiêu chí đó đều có trọng số phù hợp với môn học và ngành tuyển. Và sự đa dạng trong tiêu chí này chỉ có từng trường tự chủ mới làm được”, ông Quân nói.
Còn GS Trần Phương, hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định, năm qua nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu do chủ trương của Bộ về ba chung và điểm sàn. Đây là tiêu chí không thích hợp cho mọi ngành học, ví như Kế toán không cần tới Lý, chỉ cần toán phổ thông cũng làm được.
Các trường ngoài công lập đề xuất tuyển sinh đại học dựa trên nhiều tiêu chí trong năm 2013. Ảnh: Hoàng Hà.
Điểm sàn mỗi năm đã đẩy hàng nghìn học sinh ra nước ngoài học khiến đất nước bị chảy máu ngoại tệ. “Bỏ điểm sàn, bỏ ba chung và lấy kết quả phổ thông kết hợp với xét tuyển học bạ”, GS Phương đề xuất.
Video đang HOT
Theo ông, thi tốt nghiệp phổ thông sẽ gồm 8 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ. Các trường cũng dựa vào học bạ của học sinh 3 năm cuối và có thể phỏng vấn thêm. Một số ngành đặc biệt thì thi năng khiếu…
“Năm nay vẫn thi ba chung, vẫn có điểm sàn thì nên coi đó chỉ là một căn cứ (20%), xét thêm các tiêu chí như kết quả thi tốt nghiệp phổ thông (30%), xét học bạ 3 năm học (30%), như vậy sẽ không trường nào thiếu sinh viên”, GS Phương nói và khẳng định, Bộ giữ ba chung là làm thay việc của các trường.
Trong khi đó, hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị cho rằng, ba chung cũng đem lại một số thuận lợi và ba chung cũng như điểm sàn cũng không có tội. Tuy nhiên, vài năm gần đây điểm sàn không được xác định đúng đã khiến một số trường phá sản do không còn nguồn tuyển.
“Tôi cho rằng các em đã tốt nghiệp THPT đều đủ điều kiện học bất cứ trường đại học nào. Và nên chăng, nhà nước xã hội hóa các trường ngoài công lập hiện nay?”, thầy Nghị đặt câu hỏi.
Hoàng Thùy
Theo VNE
Trường tư tung chiêu hút thí sinh
Nhiều học bổng, quà tặng ở mức quá cao đang được các trường ĐH, CĐ ngoài công lập quảng bá.
Kỳ tuyển sinh 2013, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn thông báo dành 30 học bổng toàn phần năm thứ nhất (khoảng 41,7-118,9 triệu đồng/suất) cho thủ khoa tốt nghiệp THPT, 30 suất 100% học phí hai lớp chương trình TOEIC, TOEFL (khoảng 5,8-13,8 triệu đồng/suất) cho á khoa tốt nghiệp THPT và 30 suất 100% học phí TOEIC, TOEFL (khoảng 2,9-6,9 triệu đồng/suất) cho tam khoa tốt nghiệp THPT.
Học bổng "khủng" ngoài tầm tay
Đồng thời, trường này cũng dành 100 suất học bổng ĐH toàn phần bốn năm, trong đó 80 suất dành cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt và 20 suất dành cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh cho những thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Tuy nhiên, thí sinh cũng lưu ý học phí năm qua của trường này đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt là khoảng 42-48 triệu đồng/năm, còn chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh khoảng 109-119 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Hoa Sen năm ngoái có học phí ĐH chương trình tiếng Việt 39-45 triệu đồng/năm, chương trình tiếng Việt và tiếng Anh 48-51 triệu đồng/năm; còn học phí CĐ từ 37-39 triệu đồng/năm. Năm nay, trường thông báo dành 60 học bổng tài năng, học bổng các ngành khoa học-công nghệ trị giá 45 triệu đồng/suất và 60 học bổng khuyến học, vượt khó trị giá 30 triệu đồng/suất. Tuy nhiên, để đạt học bổng tài năng, phải là thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường, đạt loại giỏi ba trên năm học kỳ năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12; có điểm thi ĐH từ 22 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên). Còn học bổng dành cho các ngành khoa học-công nghệ phải là thí sinh đăng ký dự thi và trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường, đạt điểm trung bình môn toán từ 8,0 trở lên 3-5 học kỳ theo quy định, điểm thi ba môn dự thi CĐ-ĐH không dưới 18 điểm (không tính điểm ưu tiên)...
ThS Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, tư vấn cho học sinh thông tin tuyển sinh các trường CĐ. Ảnh: Quốc Dũng
Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM cấp học bổng trị giá 360 triệu đồng khi đăng ký nguyện vọng 1 hoặc 290 triệu đồng khi đăng ký nguyện vọng bổ sung và đạt điểm thi từ 21 trở lên, sau đó mỗi năm học tại trường đạt điểm trung bình các môn học từ 7,0 trở lên. Được biết năm trước học phí của trường là 74 triệu đồng/năm, chưa kể học phí tiếng Anh.
Trường ĐH Hà Hoa Tiên thưởng một máy tính xách tay cho thí sinh đạt điểm thủ khoa (25 điểm trở lên), đạt điểm á khoa được thưởng một máy tính để bàn. Trong khi hằng năm điểm thi vào trường rất thấp, như năm 2012 thí sinh cao nhất chỉ đạt 19,5 điểm, năm 2011 chỉ đạt 14 điểm... Còn Trường ĐH Thành Đông cam kết giảm 50% học phí học kỳ đầu tiên và miễn phí chỗ ở một năm cho tất cả sinh viên; đồng thời sinh viên có điểm thi từ 16 (cộng cả điểm ưu tiên) được học bổng 6 triệu đồng, sinh viên có điểm thi 15 được học bổng 3 triệu đồng.
Trường CĐ cũng tung chiêu
Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn sẽ miễn học phí hai học kỳ cho các thí sinh có điểm TOEIC đạt 500 điểm trở lên, miễn học phí một học kỳ cho thí sinh đạt điểm TOEIC từ 350 điểm trở lên. Tuy nhiên, với học sinh mới tốt nghiệp THPT sẽ không nhiều học sinh lấy chứng chỉ này. Thêm vào đó, chuẩn đầu ra khả năng ngoại ngữ sinh viên tốt nghiệp chỉ yêu cầu 350 điểm TOEIC, học phí của trường 8-9 triệu đồng/năm.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt Trần Mạnh Thành, trường này sẽ miễn học phí học kỳ 1 cho những thí sinh đạt 23 điểm trở lên trong từng khối thi. Trong khi đó, học phí của trường từ 250.000 đến 350.000 đồng/tín chỉ lý thuyết, từ 500.000 đến 700.000 đồng/tín chỉ thực hành. Học phí thu theo từng học kỳ và theo khối lượng học tập (tính bằng số tín chỉ) do sinh viên đăng ký, bình quân 14-18 tín chỉ/học kỳ.
Tuy nhiên, thực tế tại các trường ngoài công lập hằng năm cho thấy chưa năm nào các trường từng đưa ra "chiêu" thông báo tuyển được thí sinh có điểm cao. Vì với mức điểm cao, hầu hết thí sinh đều đã chọn các trường công lập có học phí rẻ hơn, truyền thống dạy có chất lượng hơn.
Theo Quốc Dũng (Pháp luật TP.HCM)
Nghiên cứu xác định điểm sàn theo khu vực Cần xác định điểm sàn theo khu vực, thí sinh tiếp tục được mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình là 2 vấn đề "nóng" được nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị thi và tuyển sinh 2013 diễn ra ngày 22/1. Không tuyển đủ chỉ tiêu là do điểm sàn? Tại hội nghị, nhiều ý kiến của đại...