[Điểm nóng TTCK tuần 06/05-12/05] “Bóng ma” chiến tranh thương mại ám ảnh thị trường
Sau một tuần giao dịch, nhà đầu tư có phần bình tĩnh hơn trước thông tin áp thuế của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc. Rủi ro sẽ vẫn hiện hữu, nhưng áp lực lên chỉ số là bao nhiêu sẽ vẫn là một câu hỏi khó trả lời.
1. TTCK Việt Nam lao đao vì chiến tranh thương mại
Những gì diễn ra trên bảng điện đã cho thấy một tuần giao dịch khó khăn với nhà đầu tư trên thị trường. VN-Index chốt tuần giao dịch 952,55 điểm, giảm hơn 20 điểm so với thời điểm mở cửa đầu tuần (974,14 điểm). VN30-Index giảm từ mức 895 điểm mở cửa phiên giao dịch 6/5 xuống 876,45 điểm. HNX-Index cũng không nằm ngoài xu hướng này khi chốt tuần giảm hơn 1 điểm.
Thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với sắc đỏ. Biến động tiêu cực từ thị trường quốc tế khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khiến những nhà đầu tư lo ngại về sự theo thang của chiến tranh thương mại. Những thị trường chứng khoán lớn, đặc biệt là Trung Quốc rơi vào cảnh bán tháo trên diện rộng với những chỉ số chủ chốt mất từ 5 đến 7% giá trị. Việt Nam cũng không tránh khỏi “cơn bão” khi sắc đỏ bao trùm thị trường. Một loạt những cổ phiếu dẫn dắt giai đoạn trước trở thành cái tên dẫn đầu đà sụt giảm. Từ nhóm vốn hóa lớn (bluchips) cho tới nhóm trung bình (midcap) hay vốn hóa nhỏ (penny), sắc đỏ đều là màu chủ đạo của thị trường.
Những phiên tiếp sau đó, “bóng ma” chiến tranh thương mại tiếp tục ám ảnh thị trường khiến những chỉ số chính lần lượt mất các mốc hỗ trợ quan trọng. VN-Index từ ngưỡng 970 điểm, lần lượt mất mốc 960 rồi 950, tương tự, VN30-Index cũng lùi về những ngưỡng thấp hơn.
Bất chấp đà giảm không phanh, thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp. Dòng tiền bắt đáy tỏ ra thận trọng, chọn lọc cổ phiếu và không mua đuổi. Trong khi bên bán cổ phiếu giữ thế chủ động nhưng không đẩy giá quá thấp. Trạng thái giằng co ở vùng giá dưới tham chiếu duy trì trong nhiều phiên sau đó khiến tâm lý nhà đầu tư, phần đông, đều chán nán. Các công ty chứng khoán đều khuyến nghị quan sát, tìm cách hạ danh mục và chờ đợi một xu hướng xác định.
Phiên cuối tuần trở lại với sắc xanh, đồng điệu với những thị trường lớn, nhưng sự phục hồi không quá chắc chắn. VN-Index trở lại ngưỡng 950 nhưng kèm theo những rủi ro vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là thanh khoản của thị trường vẫn còn rất yếu.
Dầu khí có thể xem là tia sáng hiếm hoi của thị trường khi những mã cổ phiếu họ P lần lượt bứt phá, bất chấp xu hướng chung của thị trường. Trong khi đó, những mã chủ chốt dòng bất động sản, tài chính, ngân hàng vẫn trong cảnh đìu hiu.
Tuần mới sẽ bắt đầu với những thông tin tiêu cực về tình hình thương mại thế giới khi Tổng thống Mỹ liên tục phát tín hiệu cho thấy sẽ tạo áp lực lên Trung Quốc. Tuy nhiên, sau một tuần giao dịch, nhà đầu tư có phần bình tĩnh hơn. Rủi ro sẽ vẫn hiện hữu, nhưng áp lực lên chỉ số là bao nhiêu sẽ vẫn là một câu hỏi khó trả lời.
Video đang HOT
2. TTCK Thế giới giảm mạnh
Sự sụt giảm vào các phiên cuối tuần đã khiến các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ có tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2019. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.942 điểm (giảm 0,83%), chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.881 điểm (giảm 0,93%), và chỉ số Nasdaq Composite với tỷ trọng lớn cổ phiếu công nghệ đóng cửa ở 7.916 điểm (giảm 0,81%).
Cổ phiếu công nghệ, công nghiệp và vật liệu đều suy giảm khi các nhà đầu tư lo lắng về các rào cản thương mại gia tăng. Các cổ phiếu ngành tiêu dùng thiết yếu thu hút dòng tiền theo chiến lược phòng thủ. Nỗi sợ chiến tranh thương mại gia tăng sau khi Tổng thống Donald Trump đăng bài tweet vào ngày 5/5 rằng thuế suất đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng lên 25% vào nửa đêm ngày thứ Năm. Tuy nhiên phản ứng của thị trường đối với việc tăng thuế không mạnh như một số người đã lo ngại, các cổ phiếu đã có chút hồi phục vào cuối phiên giao dịch thứ Sáu. Các nhà phân tích cho rằng những sự đe dọa về thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc chỉ là một cách gây áp lực trong đàm phán.
Khi mùa báo về kinh doanh quý 1 dần qua đi thì nỗi lo ngại rủi ro thương mại lại quét qua các thị trường châu Âu, khiến các chỉ số chứng khoán đồng loạt suy giảm. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.203 điểm (giảm 2,01%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.059 điểm (giảm 0,92%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.327 điểm (giảm 2,26%).
Đồng bảng Anh cũng bị ảnh hưởng giảm 1,3%, do quá trình Brexit vẫn chưa được giải quyết trong khi rủi ro thương mại tiếp tục tăng cao. Trong khi đó đồng euro đã giảm vào đầu tuần nhưng đã tăng trở lại 1,6% so với đồng đô la Mỹ vào cuối tuần khi các thông tin vĩ mô tích cực xuất hiện. Vào thứ Sáu, Đức đã báo về sự gia tăng bất ngờ trong xuất khẩu với mức tăng 1,5% so với tháng trước và 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng công nghiệp của Đức cũng bất ngờ tăng. Tuy nhiên, trước đó Ủy ban châu Âu (EC) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng eurozone xuống còn 1,2% vào năm 2019 so với dự báo trước đó là 1,3%. EC cũng lưu ý rằng thâm hụt ngân sách của Ý đang trên đà đạt 3,5% vào năm 2020, cao hơn mức trần 3.0% theo quy định tài khóa của Liên minh châu Âu.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã đóng cửa vào thứ Hai, ngày cuối cùng của việc đóng cửa nghỉ lễ kéo dài 10 ngày, và giao dịch trở lại vào thứ Ba. Kết thúc tuần, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 21.344 điểm (giảm 3,71%).
Đồng yên đứng ở mức 109,72 mỗi đô la Mỹ, mạnh hơn đáng kể trong hai tuần qua do dòng tiền tìm đến nó như một kênh trú ẩn trước các bất ổn của thị trường. Về các chỉ số vĩ mô PMI đã tăng lên 50,2 điểm trong tháng 4 từ mức 49,2 điểm của tháng 3. Điều này cho thấy sự tích cực trở lại trong hoạt động sản xuất của Nhật Bản. Các công ty đã tăng cường thuê công nhân và lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh. Tuy nhiên, đơn hàng xuất khẩu mới đang sụt giảm do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.
Tuần qua thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm do căng thẳng thương mại với Mỹ lại tăng lên. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.939 điểm (giảm 1,51%) và Hang Seng Index đóng cửa ở 28.550 điểm (giảm 2,7%), gần mức thấp nhất ba tháng qua. Hành động tăng thuế quan mới nhất của Mỹ đã giáng một đòn mạnh vào tâm lý nhà đầu tư trong thời gian ngắn. Tuy nhiên theo nhiều nhà phân tích, nó ít có tác động lâu dài đến các nền tảng kinh tế của Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn nhiều so với hầu hết mọi người nhận ra. Mặc dù là một nước xuất khẩu lớn, nhưng xuất khẩu ròng của Trung Quốc chiếm khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội năm 2017. Hơn nữa, Trung Quốc hiện cũng đang giao dịch nhiều hơn với các nước khác so với Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản.
Lê Hằng
Theo Trí thức trẻ
Tiền gửi của kho bạc đang chi phối diễn biến thị trường tiền tệ
Đang có những diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ trong thời gian gần đây. Theo đó, trong nửa đầu tháng 4-2019, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng cao liên tục. Nhưng từ một tuần trở lại đây, lãi suất liên ngân hàng lại đột ngột giảm mạnh.
Trong nửa đầu tháng 4-2019, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng cao liên tục, kỳ hạn qua đêm và một tuần lần lượt chạm mức 4 và 4,5%/năm. Đây là diễn biến thực sự rất khó hiểu với tất cả ngân hàng bởi hiện tại thường là thời điểm nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất trong năm.
Tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt mức 3,19% trong quí 1-2019, thấp hơn con số 3,29% của cùng kỳ năm 2018 và 4,37% của năm 2017. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua được 8,35 tỉ đô la Mỹ, đồng nghĩa với việc phải bơm gần 194.000 tỉ đồng ra nền kinh tế.
Chính vì vậy mà thanh khoản của thị trường tiền tệ được các ngân hàng dự báo sẽ rất dư thừa. Lãi suất các kỳ hạn qua đêm và một tuần hoàn toàn có thể giảm xuống mức 1%/năm như diễn biến đã từng xảy ra trong năm 2018.
Tuy nhiên, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng cao liên tục kể từ đầu tháng 4 đến ngày 20-4-2019 do Kho bạc Nhà nước (KBNN) rút tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (NHTM) về NHNN. Rồi trong tuần qua, KBNN lại chuyển tiền gửi từ NHNN về lại các NHTM.
Động thái này khiến cho cung tiền trên thị trường tăng cao đột ngột và đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm rất mạnh, kỳ hạn một tuần đã giảm từ mức 4,5% xuống chỉ còn dưới 3%/năm. Việc lãi suất tăng rồi giảm mạnh trong thời gian ngắn cho thấy khối lượng tiền được chuyển có thể rất lớn.
Chúng ta biết rằng, tiền gửi của KBNN do Bộ Tài chính quản lý nhằm mục đích phục vụ chi tiêu của Chính phủ. Đây được xem là bên đại diện và trực tiếp điều hành chính sách tài khóa. Tuy nhiên, việc tăng giảm số tiền gửi này tại các NHTM đã ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến trên thị trường tiền tệ trong thời gian vừa qua. Theo đó, như chỉ ra ở trên, lãi suất tăng giảm rất mạnh chỉ trong vòng một tháng đã gây ra những tác động tiêu cực đến các thị trường khác.
Tỷ giá cũng đã bất ngờ tăng rất mạnh trong tuần vừa qua, gần chạm ngưỡng 23.300 đồng/đô la Mỹ sau khi duy trì mức ổn định liên tục quanh ngưỡng 23.200 đồng/đô la từ tháng 12-2018 đến nay. Lợi suất (yield) của trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng đã có những đợt tăng giảm trái chiều chỉ trong một thời gian ngắn.
Nguyên nhân là do lãi suất trên thị trường liên ngân hàng chính là chi phí đầu vào để các ngân hàng mua bán ngoại tệ hay đầu tư vào TPCP. Nếu động thái trên của KBNN chỉ gây ra những xáo trộn trên thị trường tiền tệ thì NHNN hoàn toàn dễ dàng xử lý.
Tuy nhiên, hệ quả sẽ là rất lớn nếu như nó không được kiểm soát và lan ra toàn bộ nền kinh tế. Kịch bản người dân và doanh nghiệp tăng cường mua ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá như đã từng diễn ra trong những tháng cuối năm 2018 hoàn toàn có thể lặp lại. Cơ chế tác động sẽ là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng xuống thấp sẽ kích thích các ngân hàng đẩy mạnh đầu cơ ngoại tệ. Tỷ giá tăng nhanh trong một thời gian ngắn sẽ kích hoạt tâm lý phòng ngừa của các doanh nghiệp.
Rõ ràng việc KBNN đang gửi tại các ngân hàng trên 240.000 tỉ đã gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho thị trường tiền tệ.
Mặc dù đây không phải là vấn đề mới, nó đã tồn tại từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có một cách giải quyết triệt để. KBNN cứ phát hành TPCP để huy động vốn theo kế hoạch được giao từ đầu năm tài khóa. Các bộ, ngành và địa phương giải ngân nguồn vốn đầu tư công rất chậm đã là câu chuyện thường kỳ từ nhiều năm nay. Tiền huy động không sử dụng hết được KBNN đem gửi tại các ngân hàng để tối ưu hóa nguồn vốn trong lúc tạm thời nhàn rỗi.
Vòng luẩn quẩn này, KBNN huy động vốn từ các ngân hàng rồi lại đem gửi lại cho chính các ngân hàng, cứ lặp đi lặp lại. Thiệt hại đầu tiên chính là ngân sách nhà nước. Theo đó, KBNN đang phải phát hành TPCP với lãi suất quanh mức 5-6%/năm tùy từng kỳ hạn. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi của KBNN tại các NHTM chỉ quanh mức 3-4%/năm, bằng với mức lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.
Bỏ qua vấn đề có lợi ích nào đó hay không trong câu chuyện này, sẽ là rất khó hiểu nếu thực trạng trên còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Tại sao không ban hành quy định không cho phép KBNN gửi tiền tại các NHTM? Nếu giải ngân đầu tư công chậm thì tại sao KBNN không dừng phát hành TPCP?
Tất nhiên, câu chuyện điều hành ngân sách không đơn giản như vậy, không phải cứ muốn là có thể huy động vốn trong vòng 1-2 ngày được. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và NHNN hoàn toàn có thể ngồi lại để đưa ra các tính toán nhằm xác định các hạn mức cụ thể nhằm giảm thiểu tới mức tối đa lượng tiền thừa của KBNN trong khi ngân sách vẫn phải chi trả lãi suất đều đặn hàng ngày.
Theo ước tính thì hiện có khoảng trên 1 triệu tỉ đồng TPCP đang lưu hành, nhưng có tới 240.000 tỉ được KBNN gửi tại các NHTM và một con số tương đương tại NHNN thì hoàn toàn không hợp lý đối với công tác cân đối ngân sách của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay.
Theo .thesaigontimes.vn
Thị trường tài chính 2019: Bitcoin xuống dốc, vàng đầy hi vọng Việc thiếu hỗ trợ kỹ thuật nói chung sẽ dẫn tới sự suy sụp của đồng Bitcoin trong khi thị trường vàng đang dần phục hồi và đi lên trong năm 2019. Năm 2019 hứa hẹn sẽ là một năm tăng trưởng thật sự của tiền ảo. Tuy nhiên, theo ý kiến của Samuel Leach, chuyên gia tiền ảo và là nhà sáng...