Điểm mặt những văn bản oái oăm gây tranh cãi, bức xúc của ngành giáo dục
Sinh viên “bán hoa” đến lần thứ tư sẽ bị đuổi học, cộng điểm cho Mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học, cấm học sinh viết vẽ vào sách giáo khoa (SGK), …là một trong những quy định lạ đời của ngành giáo dục khiến dư luận dậy sóng.
Sinh viên “bán hoa” đến lần thứ tư sẽ bị đuổi học
Vừa qua, bộ GD&ĐT công bố Dự thảo thông tư ban hành Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy.
Theo đó, nếu sinh viên hoạt động mại dâm lần thứ nhất sẽ bị khiển trách, lần thứ hai bị cảnh cáo, lần thứ ba bị đình chỉ có thời hạn và đến lần thứ tư thì bị buộc thôi học. Còn nếu hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ chịu hình thức xử lý nặng hơn, bị buộc thôi học ngay lần đầu tiên bị phát hiện vi phạm.
Quy định trên có khác nào ngầm thừa nhận sinh viên có hoạt động “bán hoa” đến mức phải đưa vào quy định để xử lý. Điều này khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ đến tột cùng. Và ngay sau đó, bộ GD&ĐT đã phải rút lại dự thảo gây tai tiếng này.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ngành giáo dục ban hành một văn bản khiến dư luận dậy sóng. Trước đó, ngành giáo dục cũng đã từng có nhiều quy định, lệnh cấm gây bức xúc cho xã hội khiến báo chí phải tốn nhiều giấy mực.
Trẻ dưới 5 tuổi không được học chương trình nước ngoài
Tháng 11/2012, bộ GD&ĐT triển khai hướng dẫn thực hiện Nghị định 73 của Chính phủ “Quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục”, trong đó có điều: “Trẻ dưới 5 tuổi không được học chương trình nước ngoài”.
Và Nghị định này cũng không được thực hiện vì bị cho là vô lý, không đúng thực tế, không có cơ sở khoa học, ảnh hưởng chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Quy định trẻ dưới 5 tuổi không được học chương trình nước ngoài. (Ảnh minh họa).
Cấm phát tán thông tin tiêu cực
Video đang HOT
Tháng 2/2013, bộ GD&ĐT ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi cho nơi tiếp nhận theo quy định, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý, không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào.
Sau đó, đầu tháng 3/2013, bộ GD&ĐT đã phải bãi bỏ quy định này vì không đúng với Luật tố cáo.
Cộng điểm cho Mẹ Việt Nam anh hùng dự thi đại học
Tháng 7/2013, bộ GD&ĐT ban hành thông tư 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Điều gây xôn xao dư luận là, đối tượng 03 (được cộng 2 điểm) đối với Mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng.
Thông tư khiến dư luận tranh cãi vì việc ưu tiên áp dụng cho Mẹ Việt Nam anh hùng và người hoạt động cách mạng trước năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ tháng 1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945 quá hình thức, vì những người này không ai còn tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Và tháng 7/2013, bộ GD&ĐT đã ra Thông tư Bãi bỏ đối tượng ưu tiên Mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học bởi quy định này không phù hợp với thực tế.
Không được dạy nội dung ngoài sách giáo khoa
Tháng 10/2017, bộ GD&ĐT ban hành Văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.
Văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK”. Văn ban nay bị giáo viên phản đối kịch liệt vì quá mâu thuẫn và không đung vơi việc thay đổi phương phap dạy học.
Sau đó, Bô GD-ĐT giải trình một cách chiếu lệ rằng, việc diễn đạt đã gây hiểu lầm.
Học sinh không được viết, vẽ vào sách giáo khoa
Gần đây nhất, tháng 9/2018, bộ GD&ĐT có chỉ thị về sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Bộ yêu cầu các trường hướng dẫn học sinh không được trực tiếp viết, vẽ vào SGK.
Chỉ thị này một lần nữa khiến dư luận ồn ào vì SGK là tài sản của học sinh nên không ai có quyền cấm các em viết, vẽ vào sách.
Thạc sĩ Phan Thế Hoài (chuyên gia giáo dục tại TP.HCM)
Theo nguoiduatin
Dự thảo quy chế của Bộ GD-ĐT vượt quyền và trái luật!
Đây là nhận định của các chuyên gia về luật xung quanh một số nội dung trong dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ CĐ, TC hệ chính quy mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến và gây bức xúc khi có những quy định lạ lùng.
Những quy định không hợp lý trong dự thảo quy chế công tác HS-SV gây băn khoăn kể cả với các chuyên gia về luật pháp
Nhà trường chỉ nên tập trung xử lý các vi phạm kỷ luật
Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên chuyên ngành luật Hiến pháp hành chính, Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho biết nước ta hiện có 4 hình thức vi phạm pháp luật: hình sự, hành chính, dân sự và kỷ luật. Nhưng với góc độ nhà trường chỉ nên tập trung xử lý các vi phạm kỷ luật, còn các vi phạm khác thì đã có tòa án. Ví dụ sinh viên thực hiện môi giới mại dâm bị khởi tố hình sự thì đương nhiên buộc thôi học.
Trong dự thảo quy chế có ghi: "Trường hợp học sinh, sinh viên (HS-SV) bị kỷ luật mức đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học, nhà trường phải gửi thông báo cho địa phương và gia đình HS-SV biết để phối hợp quản lý, giáo dục". Thạc sĩ Quang cho rằng, vi phạm về hoạt động mại dâm mà trường báo về địa phương là trái pháp luật. Bởi trong xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm trong hoạt động mại dâm không được công khai danh tính.
"Quy định này của Bộ không chỉ lấn sân sang các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật khác, mà thậm chí vượt quyền và có tính chất trái pháp luật", thạc sĩ Quang nói.
Thạc sĩ Quang còn đặt vấn đề: "Ở góc độ giáo dục thì quy định này cũng rất đáng phải bàn ở nhiều khía cạnh. Ví dụ HS-SV vi phạm pháp luật, nhà trường là môi trường giáo dục mà đuổi học thì ai sẽ là người giáo dục họ? Tất nhiên vấn đề còn phải bàn nhiều nhưng có những quy định không khéo lại phản giáo dục".
Chưa có luật biểu tình mà đưa vào quy định là sai
Một số quy định khác trong dự thảo này cũng gây thắc mắc cho cả những người đang nghiên cứu về luật.
Một giảng viên môn luật hành chính một trường ĐH tại TP.HCM, cho biết quy định về hành vi vi phạm khiếu nại cũng không cần thiết vì các hành vi đó đều đã nêu trong luật khiếu nại và nghị định về an ninh trật tự về xử phạt liên quan các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích nhà nước.
Còn hành vi biểu tình, cũng theo giảng viên này, hiện nay chưa có luật nên Bộ GD-ĐT đưa vào là sai vì phải có luật biểu tình rồi thì mới có các hành vi liên quan luật biểu tình. "Phải trên cơ sở luật biểu tình mới nói được là biểu tình trái pháp luật. Hơn nữa nghị định liên quan việc xử lý hành vi vi phạm liên quan biểu tình hiện vẫn chưa có, không có cơ sở pháp lý để đưa vào quy chế quy định này. "Quy chế mà bao quát hết tất cả những cái mà luật chưa có thì trái với nguyên tắc pháp chế", giảng viên này nhấn mạnh.
Từ những quy định không đúng chuẩn của dự thảo, giảng viên này phân tích: Về góc độ luật, nhiều hành vi vi phạm đã được quy định trong các văn bản pháp luật khác rồi. Trước pháp luật mọi người phải chịu trách nhiệm pháp lý như nhau. Do đó HS-SV hay người ngoài đều phải chịu trách nhiệm tất cả các vi phạm theo quy định của luật, từ luật hình sự đến luật hành chính. Vì thế, nếu đưa các nội dung vi phạm trên vào quy chế sẽ vừa thừa vừa thiếu, không bao quát và cũng không đầy đủ do đã có quy định trong văn bản khác và có thể dẫn đến chồng chéo giữa các văn bản luật. "Chỉ cần quy định một điểm chung là HS-SV nếu vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật là đủ", người này chia sẻ.
Ý KIẾN
Làm sao nhà trường phát hiện, xử lý?
"Các hành vi liên quan trật tự xã hội như chất gây nghiện, môi giới mại dâm, chứa mại dâm, an toàn giao thông,... thì pháp luật hành chính hay hình sự đã có quy định xử lý thì phải để cho cơ quan chức năng xử lý. Khi có kết quả xử lý của cơ quan chức năng thì nhà trường sẽ căn cứ đó mà xử lý kỷ luật HS-SV của trường. Cần gì phải quy định nếu "nghiêm trọng" thì giao cơ quan chức năng giải quyết, bởi các hành vi trên chủ yếu xảy ra ngoài phạm vi nhà trường, nằm ngoài sự quản lý của nhà trường thì làm sao nhà trường phát hiện xử lý hay nhận thấy nghiêm trọng mà chuyển cơ quan chức năng xử lý?". Luật sư Nhàn cũng cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ nên quy định những hành vi vi phạm kỷ luật, nội quy, quy chế xảy ra trong phạm vi nhà trường.
Luật sư Nguyễn Văn Nhàn (Đoàn luật sư TP.HCM)
Không cần thiết
"Bộ quy định chi tiết xử phạt cụ thể mỗi hành vi khi đã có quy định xử phạt khác là không cần thiết. Vi phạm hành chính có nhiều loại và tính chất khác nhau. Có lẽ Bộ GD-ĐT chỉ nên đưa ra một khung hình phạt với các lỗi vi phạm với nhiều cấp độ. Chẳng hạn, những hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng, vi phạm thuần phong mỹ tục thì vi phạm lần đầu cũng xứng đáng bị đuổi học. Những vi phạm ở cấp độ nhẹ hơn thì có thể cảnh cáo, sau đó đuổi học. Để xử lý vi phạm nào, Bộ chỉ cần trích dẫn những quyết định xử phạt hành chính đã có sẵn".
Luật sư Nguyễn Minh Thuận (Đoàn luật sư TP.HCM)
Đăng Nguyên (ghi)
Theo thanhnien
Có nên đưa hoạt động mại dâm vào quy chế của học sinh, sinh viên!? Bộ GD-ĐT vừa công khai để lấy ý kiến dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy. Theo dự thảo quy chế, sinh viên hoạt động mại dâm lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học - MÃ PHONG Trong mục lục một số...