Điểm mặt những siêu lừa phố Wall phải ngồi sau song sắt
Là nơi quy tụ những nhà đầu tư hàng đầu thế giới, nhưng thị trường chứng khoán Mỹ cũng không ít lần chao đảo vì những tay “siêu lừa”, lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt hàng tỷ USD. Sau đây là những gương mặt khét tiếng nhất.
Mới hồi tuần trước, cơ quan công tố Mỹ vừa tuyên phạt cựu tỷ phú Allen Stanford 110 năm tù vì lừa đảo 7 tỷ USD. Người đàn ông này bị cáo buộc đến 13 tội danh trong đó có lừa đảo, âm mưu bán các chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng mình ở Antigua, một quốc gia nhỏ ở Carribe, cho hàng nghìn nhà đầu tư tại Mỹ và châu Mỹ La-tinh. Cách thức lừa đảo vẫn rất quen thuộc: huy động với lãi suất cao sau đó lấy tiền của người sau trả cho người trước.
Allen Stanford đã khiến hàng nghìn nạn nhân trắng tay
Nạn nhân chủ yếu là những giáo viên về hưu, người cao tuổi, công nhân lọc hóa dầu…Vụ việc đã gây chấn động dư luận Mỹ khi rất nhiều gia đình lâm vào cảnh tay trắng trong khi Stanford sống xa hoa trên những đồng tiền lừa đảo và một mực không thừa nhận tội danh. Dù vậy đây cũng chưa phải vụ lừa đảo đình đám duy nhất trên phố Wall.
1. Samuel Israel III
Samuel Israel III từng là một nhà quản lý quỹ đầu cơ có tên Bayou Funds. Tên này không chỉ chiếm đoạt của các nhà đầu tư hơn 300 triệu USD mà còn lập hiện trường…giả chết để mong thoát án tù. Khi vụ việc vỡ lở năm 2005 do Bayou Funds phá sản, Israel III bị cáo buộc đã giả mạo email, giả mạo nhà tư vấn đầu tư, âm mưu biển thủ quỹ đầu cơ.
Năm 2008, sau khi bị kết án 20 năm tù, chỉ vài ngày trước khi bị đưa vào trại, người ta phát hiện thấy chiếc xe của Israel III bị bỏ lại trên một cây cầu bắc qua sông Hudson River, bang New York. Trên đầu xe có dòng chữ “tự sát là giải thoát”. Dù vậy các nhà điều tra nhanh chóng nhận định tên này đang tìm cách chạy trốn và tích cực truy lùng. 1 tháng sau, thủ phạm phải đầu hàng và bị tăng án phạt thêm 2 năm.
2. Marc Dreier
Video đang HOT
Từng là một luật sư với cuộc sống như một ông hoàng, sở hữu 2 tòa biệt thự bên bờ biển, một xe Aston Martin cùng 1 du thuyền 18 triệu USD, nhưng thực chất Marc Dreier là một kẻ lừa đảo. Tên này đã huy động được tới 700 triệu USD từ việc bán các kỳ phiếu giả cho các nhà đầu tư trước khi bị bại lộ năm 2008.
Kkhi thị trường chứng khoán sụp đổ, các nhà đầu tư bắt đầu quay lại đòi tiền và cuối cùng cơ quan điều tra vào cuộc phát hiện các kỳ phiếu đều là giả và Marc Dreier đã biển thủ hàng triệu USD tiền đầu tư của khách hàng. Tính tổng cộng các nạn nhân đã bị mất tới 400 triệu USD. Dreier sau đó bị khép tội lừa đảo, giả mạo việc chuyển tiền, phát hành chứng khoán giả và rửa tiền. Án phạt dành cho tên này là 20 năm tù.
3. Marcus Schrenker
Marcus Schrenker đã chiếm đoạt 1,5 triệu USD của khách hàng để tiêu xài vào những thứ xa xỉ như thuê máy bay, mua xe siêu sang, mua ngôi biệt thự hơn 3000m vuông. Tuy nhiên, tên này nổi tiếng vì đã giả chết năm 2009 trong một vụ tai nạn máy bay.
Khi nhận thấy vụ lừa đảo của mình sắp bại lộ, nhà quản lý quỹ tại khu vực Indianapolis đã lái chiếc máy bay 1 động cơ tới Florida. Sau đó tên này giả phát tín hiệu cấp cứu rồi nhảy dù ra ngoài trước khi để máy bay lao xuống đất. Thế nhưng chỉ 2 ngày sau tên này bị phát hiện tại một điểm cắm trại ở thành phố Tallahassee, bang Florida và bị kết tội lừa đảo trên thị trường chứng khóan cùng các tội danh khác liên quan đến vụ nổ máy bay. Các quan tòa dành cho y án phạt 14 năm tù.
Lee Farkas đang thụ án tù 30 năm vì lừa đảo
4. Lee Farkas
Lee Farkas từng là chủ tịch của Taylor, Bean & Whitaker Mortgage Corp nhưng hiện đang phải thụ án tù 30 năm sau khi bị các quan tòa phát hiện là chủ mưu vụ lừa đảo 2,9 tỷ USD. Vụ việc này đã dẫn đến sự sụp đổ của TBW và Colonial Bank năm 2009.
Theo các công tố viên Farkas cùng các đồng phạm đã che dấu những khoản lỗ lớn bằng cách chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản mở tại Colonial Bank để chi trả cho các khoản thấu chi và bán các tài sản cầm cố không có thực, vô giá trị hoặc đã được bán cho người khác. Ngoài việc phải ngồi tù 30 năm, Farkas còn bị buộc phải bồi thường 38,5 triệu USD.
5. Garrett Bauer, Matthew Kluger và Kenneth Robinson
Bộ ba nêu trên đã phải nhận án 17 năm tù vì giao dịch nội gián, thu lời bất chính 37 triệu USD. Theo các công tố viên tòa án liên bang Mỹ, Matthew Kluger là một luật sư làm việc tại nhiều công ty uy tín trong quá trình phạm tội. Lợi dụng những thông tin có được, tên này đã “bắn” tin về các vụ mua bán, sáp nhập sắp diễn ra cho Kenneth Robinson. Tên này sau đó chuyển thông tin cho Garrett Bauer, một tay kinh doanh chứng khoán để mua gom các cổ phiếu.
Để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, các tên này đã dùng nhiều mánh lới che giấu trong đó có việc sử dụng điện thoại dùng 1 lần hay điện thoại công cộng. Dù vậy đến năm 2011 cả 3 đã bị bắt. Kluger lãnh án 12 năm tù, mức phạt kỷ lục dành cho tội giao dịch nội gián. Bauer nhận 9 năm tù. Robinson, do đã bí mật cộng tác với cơ quan điều tra để ghi âm đoạn hội thoại với 2 đồng phạm, chỉ bị kết án 2 năm tù.
Theo Dân Trí
Tỉ phú lừa đảo Allen Stanford lãnh án 110 năm tù
Tỉ phú tai tiếng người Mỹ Allen Stanford đã bị tuyên án 110 năm tù trong hôm 14.6 do lừa đảo các nhà đầu tư hơn 7 tỉ USD theo mô hình đa cấp Ponzi.
Tỉ phú Allen Stanford - Ảnh: Reuters
Thẩm phán Mỹ David Hittner nói hành động của Stanford nằm trong số những vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử và các nhà đầu tư bị mất tiền vào tay siêu lừa này lâm vào hoàn cảnh tồi tệ hơn cả các nạn nhân của Bernard Madoff, chủ mưu một mô hình Ponzi nổi tiếng khác.
Stanford đã bị tống giam trong ba năm qua sau khi được đánh giá là có nguy cơ bỏ trốn.
Với bản án 110 năm tù, trùm lừa đảo 62 tuổi gần như chắc chắn sẽ không bao giờ được hưởng tự do trở lại.
Bản án sẽ khiến một số người hài lòng song ít có khả năng mang lại sự khuây khỏa về tài chính cho khoảng 30.000 nhà đầu tư đến từ hơn 100 quốc gia, những người bị lừa gạt bởi các khoản đầu tư giả mạo tại Ngân hàng Quốc tế Stanford.
Các nhà điều tra không thể tìm ra 92% trong số 8 tỉ USD mà ngân hàng này tuyên bố sở hữu trong các nguồn dự trữ tiền mặt và bất động sản, theo AFP.
Vào tháng 3, một bồi thẩm đoàn đã kết án Stanford 13 tội danh, bao gồm lừa đảo, vì bán các giấy chứng nhận tài khoản ký gửi từ ngân hàng của ông ta ở đảo Antigua thuộc vùng Caribe cho hàng ngàn nhà đầu tư tại Mỹ và Nam Mỹ.
Theo Reuters, Stanford đã chi số tiền lừa đảo để mua sắm các du thuyền, chi cho bồ bịch, tài trợ cho một giải đấu cricket và các chi phí khác trong một cuộc sống hào nhoáng.
Stanford đã từ chối nhận tội lừa đảo hoặc điều hành mô hình đa cấp Ponzi, đồng thời lên án chính phủ Mỹ hủy hoại một doanh nghiệp mà ông ta nói rằng có đủ tài sản để hoàn trả cho những người gửi tiền.
"Họ hủy hoại chúng và biến chúng trở thành con số không... Tôi không phải là kẻ trộm cắp", Stanford tuyên bố.
Theo Thanh Niên