Điểm liệt các môn thi tốt nghiệp PTTH và nhận định của chuyên gia về chất lượng thực
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố biểu đồ điểm thi của thí sinh thi tại các cụm thi do trường đại học chủ trì để xét tuyển đại học, cao đẳng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Biểu đồ này tính chi tiết đến 0,25 điểm.
Theo đó trong tổng số hơn 720.000 thí sinh dự thi ở các cụm đại học, có đến 20.480 em bị điểm liệt (dưới 1). Môn Toán chiếm số lượng bài bị điểm dưới 1 lớn nhất – gần 18.000 bài (hơn 2.600 bài bị điểm 0).
Gần 18.000 thí sinh dự thi môn Toán để xét tuyển đại học, cao đẳng bị điểm liệt.
Biểu đồ điểm thi 8 môn cụm đại học chủ trì
Lịch sử là môn tiếp theo có lượng bài bị điểm liệt lớn – hơn 1.200 bài. Tuy nhiên, số bài thi đạt điểm 9 trở lên ở môn này cao hơn nhiều so với kỳ vọng, lên tới 2.000.
Môn Ngoại ngữ có hơn 530 bài bị điểm liệt; Ngữ văn là 492; Địa lý là 375. Môn Sinh học, Vật lý và Hoá học có số bài thi bị điểm dưới 1 ít nhất với lần lượt là 15 và 20 bài.
Từ ngày 1/8, các thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Video đang HOT
Trước đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT được công bố đạt trên 93%. So với các năm trước, con số này giảm đáng kể: giảm 7% so với năm 2014; giảm khoảng 6% so với các năm 2013 và 2012. Trong tổng số hơn 816.000 thí sinh dự thi lấy kết quả xét tốt nghiệp có hơn 68.700 em trượt.
So sánh trên cả nước, tỷ lệ tốt nghiệp của thí sinh dự thi tại cụm trường đại học chủ trì cao hơn (95%) cụm do các Sở Giáo dục chủ trì (84%).
‘Tỷ lệ gần 92% tốt nghiệp chưa phản ánh thực chất’
Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá dù tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm nay giảm hơn các năm trước nhưng vẫn còn khá cao, đặc biệt là với thí sinh thi ở cụm do các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), đánh giá nhìn chung năm nay kỳ thi có 38 cụm do các đại học chủ trì nên đã nghiêm ngặt hơn, chỉ các cụm địa phương vẫn tổ chức như những năm trước. “Nhưng tỷ lệ 91,58% tốt nghiệp đã thực sự chính xác chưa thì phải tỉnh táo xem xét lại”, PGS Cương nói.
Thầy Cương cho rằng tỷ lệ 84,45% đỗ tốt nghiệp ở cụm thi do Sở Giáo dục chủ trì là quá cao. “Tôi đánh giá các em này chỉ đỗ 50% mới chính xác. Trên thực tế, nhiều học sinh đã phản ánh với tôi rằng, việc coi thi ở các Sở rất dễ, phao trắng trường thi”, thầy Cương nói.
Chuyên gia này cũng nhận định việc Bộ Giáo dục nói tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các cụm thi do Sở chủ trì thấp hơn cụm thi do các trường đại học minh chứng cho việc coi thi ở địa phương đã nghiêm túc là không chính xác. Bởi lẽ, các học sinh thi ở cụm địa phương chỉ với mục tiêu xét tốt nghiệp, chủ yếu là học lực yếu, kém nên chắc chắn số lượng trượt cao hơn.
Thí sinh căng thẳng trước giờ vào phòng thi. Ảnh: Giang Huy.
Hiệu trưởng THPT Anhxtanh Hà Nội Đào Tuấn Đạt cũng nhận định, tỷ lệ tốt nghiệp giảm chỉ chứng tỏ được rằng việc coi thi nghiêm hơn so với những năm trước. Còn thực sự đã nghiêm túc 100% chưa thì không thể có câu trả lời xác đáng, bởi lẽ 50% điểm xét tốt nghiệp là điểm trung bình các môn học của lớp 12. Bộ không công bố điểm trung bình lớp 12 thì không thể có dữ liệu phân tích.
Thầy Đạt cho rằng, nhìn vào phân bố điểm thi sẽ thấy được tỷ lệ tốt nghiệp có thực chất hay không. Đề thi có 6 điểm với yêu cầu về kiến thức và kỹ năng ở mức độ đơn giản. Học sinh sức học trung bình yếu có thể vượt qua những câu hỏi này và phải được ít nhất 5 điểm. Ví dụ Toán là môn học sinh đầu tư nhiều công sức nhất, nhưng thấy tỷ lệ lớn các em không được 5 điểm.
GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng, không thể dựa vào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở cụm địa phương thấp hơn cụm quốc gia mà khẳng định công tác coi thi đã nghiêm túc. Học sinh thi ở cụm địa phương chủ yếu là các em học kém nên kết quả sẽ thấp hơn thí sinh có mong muốn xét vào đại học. 91,58% đỗ tốt nghiệp THPT là tỷ lệ còn cao, chưa phản ánh hết được thực chất việc học của học sinh. “Đó là các em chỉ phải thi 4 môn. Nếu thi nhiều môn hơn, chắc chắn con số này sẽ thấp hơn nữa”, ông Nhĩ nói.
Nhìn vào bảng phổ điểm thi THPT quốc gia, GS Nhĩ đặc biệt trăn trở với điểm Ngoại ngữ nhiều thí sinh còn kém quá. Với trình độ như vậy, việc hội nhập với quốc tế của Việt Nam sẽ khó khăn. Nguyên Thứ trưởng Giáo dục cho rằng, nên thay đổi các quy định không cho trẻ mẫu giáo học ngoại ngữ, chỉ dạy học từ năm lớp 3. “Điều này chưa hợp lý bởi trẻ nhỏ dễ tiếp thu ngôn ngữ nhất. Học sinh ở Singapore vào tiểu học là đã biết 1.000-2.000 từ tiếng Anh rồi”, ông nói.
Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào thời điểm nắng nóng gay gắt, trong lúc con làm bài, nhiều phụ huynh vật vạ vỉa hè chờ đợi. Ảnh: Giang Huy.
Nhận xét chung về kỳ thi THPT quốc gia, Hiệu trưởng Đào Tuấn Đạt cho rằng Bộ Giáo dục đã lúng túng trong việc công bố điểm. Dù mỗi trường cấp 3 được cung cấp một phần mềm, toàn bộ dữ liệu của học sinh trước khi thi đã được nhập vào phần mềm này và chuyển tới Sở và Bộ. Khi có kết quả, các trường chỉ cần mở phần mềm này ra là có thể biết được kết quả của trường. Tuy nhiên, cho đến sáng 24/7, sau khi Bộ công bố kết quả tốt nghiệp thì các trường vẫn hoàn toàn không biết thông tin đầu ra, bởi dữ liệu vẫn hoàn toàn trống trơn.
Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh, PGS Văn Như Cương cho rằng, đã nảy sinh nhiều bất cập từ khâu tổ chức, phân loại cụm thi đến chấm thi, độc quyền điểm. Tính minh bạch của các con số tốt nghiệp mà Bộ Giáo dục công bố cũng cần xem xét. Bởi đến nay trường Lương Thế Vinh và nhiều trường khác hoàn toàn không xem được kết quả thi của học sinh trường mình. Các thí sinh cũng khó biết điểm của những người khác do công tác tra cứu khó khăn.
Việc phân loại điểm thi để nhận thí sinh vào của các trường đại học cũng bị khó khăn bởi cách ra đề phục vụ 2 mục tiêu. “Cùng là 6 điểm nhưng các trường đại học đâu biết có bao nhiêu % trong số đó là kiến thức cơ bản học sinh làm được, bao nhiêu % là nâng cao. Có em chỉ đạt 5 điểm nhưng 3 điểm cơ bản, 2 nâng cao thì lại là rất quý. Điểm thi mà không phân loại được như thế, liệu các trường có tuyển đúng được học sinh”, PGS Văn Như Cương đặt câu hỏi.
Chuyên gia giáo dục này nhìn nhận, những lúng túng hiện tại của kỳ thi mới là bước nhỏ. Từ bây giờ, công việc xét tuyển của các thí sinh, trường đại học mới thực sự là mớ “bòng bong”. Các thí sinh đạt điểm thuộc tốp giữa tầm 17-21 có nguy cơ trượt đại học lớn bởi bối rối trong chọn trường. Ngoài ra, các em sẽ phải quay “như chong chóng” để theo dõi thông báo thí sinh đỗ trên các trường nhằm kịp thời gửi hồ sơ sang nơi khác, phải vận dụng hết mối quan hệ, tính toán chiến lược để có khả năng đỗ đại học cao.
“Trước đây các em thi xong thì được nghỉ xả hơi. Giờ vất vả thi xong tiếp tục trải qua cuộc chạy đua còn cam go, khắc nghiệt hơn nữa”, PGS Văn Như Cương nói.
Phổ điểm của từng môn thi
Nguyên Thứ trưởng Nhĩ nhận định, cách tổ chức kỳ thi 2 trong 1 như vừa qua là không cần thiết, gây vất vả cho toàn xã hội và chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng bị lúng túng trước nhiều vấn đề. Ông Nhĩ đề nghị tách các mục tiêu, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các đại học để họ chọn được đúng sinh viên vào từng ngành phù hợp. Bộ Giáo dục chỉ nên chú trọng vào kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng ở mức ra đề thi chung để tiêu chí đánh giá được đồng bộ. Khâu tổ chức nên giao cho các địa phương và có sự tin tưởng ở họ.
“Không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà nên bỏ cách thi nặng nề như các năm vừa qua. Bộ Giáo dục nên giao quyền tổ chức cho các Sở còn Bộ chỉ tham gia ở khâu ra đề. Các Sở đã mất công đào tạo học sinh suốt 12 năm mà không giao cho họ quyền đánh giá tốt nghiệp là không có sự tin tưởng. Làm điều gì mà không có niềm tin ở cấp cơ sở thì cũng khó thành”, GS Nhĩ phân tích.
Chuyên gia giáo dục này cũng cho rằng, cách thi chỉ có 3 môn chính, một môn tự chọn sẽ làm học sinh học lệch nhiều. Ông thiên về phương thức thi như Đại học quốc gia, làm một bài thi đánh giá năng lực chung cho tất cả môn để thúc đẩy sự học toàn diện. Đồng thời việc thi chỉ trong một ngày tiết kiệm được thời gian, công sức của cả thí sinh, người nhà so với thi THPT ròng rã 4 ngày vừa qua.
Tối 23/7, Bộ Giáo dục công bố công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015. Theo đó tỷ lệ đỗ của khối THPT đạt 93,42%, khối giáo dục thường xuyên đạt 70,08%, bình quân chung là 91,58%. Tỷ lệ tốt nghiệp của các thí sinh dự thi tại cụm thi do trường đại học chủ trì là 94,74%, cụm do các Sở Giáo dục chủ trì là 84,45%. Như vậy trong tổng số 816.830 thí sinh dự thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT có đến hơn 68.700 em bị trượt.
Theo Baogiaothong