Điểm khởi đầu của những dấu ấn mới
Hơn 2 tháng kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi tuyên bố từ chức, các lực lượng chính trị và cử tri Italy đã sẵn sàng để tham gia cuộc bầu cử quốc hội nhiệm kỳ 2022-2027, diễn ra ngày 25/9.
Toàn cảnh một cuộc họp Quốc hội Italy ở Rome, Italy. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh nước này cùng với Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, cuộc bầu cử quốc hội tại Italy là một sự kiện đặc biệt không chỉ đối với chính trường Italy mà còn là tâm điểm thu hút sự quan tâm, chú ý của EU và hầu hết cộng đồng quốc tế.
Khác với thông lệ hơn 100 năm qua, đây là lần đầu tiên Italy quyết định tổ chức cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9. Điều này buộc các lực lượng chính trị Italy phải đẩy mạnh chiến dịch vận động tranh cử từ trước đó, ngay khi người dân còn tận hưởng kỳ nghỉ Hè hằng năm, dù nắng nóng năm nay vô cùng gay gắt. Yếu tố khác biệt về thời điểm và thời tiết này cũng được đánh giá có thể tác động nhất định đến tâm lý và chiều hướng lựa chọn của cử tri trước những vấn đề liên quan đời sống thực tiễn, nhất là khi Italy nói riêng và EU nói chung đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Về thành phần cử tri, đây cũng là lần đầu tiên những công dân Italy trong độ tuổi từ 18-25 được chính thức tham gia bầu cử các đại diện của mình ở cả thượng viện, ngoài việc được đi bầu hạ viện. Trong lần bầu cử gần nhất vào năm 2018, luật bầu cử của Italy vẫn còn quy định rằng chỉ những công dân từ 25 trở lên mới có quyền trực tiếp lựa chọn các thượng nghị sỹ. Với quy định mới được áp dụng trong bầu cử lần này, bộ phận cử tri trẻ sẽ đóng vai trò lớn hơn và do đó, cũng được các lực lượng chính trị ra sức vận động, tranh thủ thông qua những chính sách, cam kết gắn liền với quyền lợi và tương lai của giới trẻ.
Một điều chỉnh rất quan trọng khác, cũng được Italy áp dụng lần đầu tiên, đó là giảm số lượng đại biểu quốc hội. Trong đó, số lượng hạ nghị sỹ và thượng nghị sỹ từ nhiệm kỳ tới sẽ chỉ còn lần lượt là 400 và 200 người, thay vì số lượng tương ứng trước đây là 630 và 315 người. Cơ hội trúng cử thu hẹp khiến cho mức độ cạnh tranh càng quyết liệt hơn, không chỉ giữa các liên minh và đảng chính trị mà ngay cả trong nội bộ liên minh và từng đảng cụ thể. Để có sự hiện diện trong quốc hội, mỗi đảng chính trị phải đạt ngưỡng tối thiểu 3% số phiếu ủng hộ. Trường hợp ứng cử với tư cách thành viên trong liên minh thì phải đáp ứng một điều kiện bổ sung, trong đó liên minh đạt 10% số phiếu theo ngưỡng tối thiểu cần thiết. Thành phần trong quốc hội sẽ bao gồm 37% số đại biểu (147 thuộc hạ viện, 74 thuộc thượng viện) được lựa chọn theo thể thức đa số tuyệt đối trong khi 61% còn lại (lần lượt là 245 và 122 trong hạ viện và thượng viện) được phân phối theo tỷ lệ giữa các liên minh hoặc đảng độc lập có tỷ lệ ủng hộ đạt ngưỡng quy định. Số lượng 2% còn lại (8 trong hạ viện và 4 trong thượng viện) được dành cho các đại biểu thay mặt khoảng 5 triệu công dân Italy ở nước ngoài.
Đáng chú ý, cuộc bầu cử lần này còn ghi nhận dấu ấn lịch sử của đảng Anh em Italy (FDI) khi vươn lên và liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử. FDI từ một đảng đối lập trong quốc hội đã trở thành nhân tố chính dẫn dắt và củng cố sức mạnh cho liên minh trung hữu. FDI giữ vai trò nòng cốt, phối hợp với hai đồng minh lớn khác là Liên đoàn (Lega) và Tiến lên Italy (Forza Italia), đang giúp liên minh trung hữu giành được khoảng 45% sự ủng hộ của cử tri. Ngược lại, tỷ lệ ủng hộ dành cho liên minh trung tả dưới sự dẫn dắt của đảng Dân chủ (PD) đang dừng ở mức 30%, trong khi mức ủng hộ cho khối trung dung, gồm đảng Hành động và đảng Italia Viva, là khoảng 6,4%.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Rome, Giáo sư Fabio Massimo Parenti thuộc Viện “Lorenzo de’ Medici”, cũng dẫn ra các dự báo cho thấy liên minh trung hữu, với những cố gắng tập hợp, liên kết lại để tận dụng lợi thế hiện có, nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng. Trong khi đó, phe trung tả đã không thể hình thành một liên minh thống nhất và mạnh mẽ, khi tất cả các lực lượng chính trị Italy đều phải sắp xếp lại đội hình cho cuộc tổng tuyển cử.
Dự kiến trong đêm 25/9, số liệu đầu tiên về cuộc bầu cử sẽ bắt đầu được hé lộ trước khi Bộ Nội vụ Italy đưa ra những công bố chính thức. Trong quá trình vận động tranh cử, liên minh trung hữu đã thể hiện rất tự tin về một chiến thắng cách biệt trước các lực lượng chính trị khác. Qua đó, liên minh trung hữu có thể độc lập quyết định thành lập chính phủ mới mà không cần sự tham gia của các thành phần ngoài liên minh.
Theo thỏa thuận nội bộ, đảng thành viên đứng đầu trong liên minh về số ghế ở quốc hội có quyền ưu tiên trong việc lựa chọn ứng cử viên thủ tướng. Như vậy, với lợi thế vượt trội của FDI, lãnh đạo đảng này là bà Giorgia Meloni có khả năng sẽ trở thành nữ chính trị gia đầu tiên vươn lên vị trí điều hành toàn bộ cơ quan hành pháp của Italy trong thời gian tới.
Video đang HOT
Ông Draghi 'sập bẫy' và sự sụp đổ khó ngờ của chính phủ Italy
Quyết định từ chức của thủ tướng Italy khiến dư luận nước này dậy sóng. Trong khi đó, không ai dám chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của chính phủ hiện tại.
"Ông Draghi tự kết thúc" là tiêu đề bài viết được đăng trên trang nhất của tờ báo bảo thủ Il Tempo, ngay sau khi Thủ tướng Italy Mario Draghi từ chức lần hai. Ngược lại, trang tin đối thủ La Stampa gọi ông là nạn nhân của một vụ tấn công chính trị, cho rằng chính phủ của ông đã bị "nhấn chìm".
Việc ai chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của vị thủ tướng, từng là cựu giám đốc đáng kính của Ngân hàng Trung ương châu Âu, đang là chủ đề tranh luận gay gắt giữa các chính trị gia Italy, trong bối cảnh dư luận dậy sóng vì sự sụp đổ của liên minh cầm quyền.
Các cuộc thăm dò vào tuần trước cho thấy người Italy hoàn toàn muốn ông Draghi tiếp tục tại vị để dẫn dắt đất nước vượt qua các thách thức kinh tế và địa chính trị, hơn là tiến hành một cuộc bỏ phiếu sớm.
Sự sụp đổ khó tin
Lorenzo Pregliasco, người sáng lập YouTrend, cơ quan phân tích và thăm dò chính trị có trụ sở tại Turin, cho biết: "Sự sụp đổ của chính phủ đã được dự đoán, nhưng cách nó xảy ra thật khó tin, ngay cả theo tiêu chuẩn của Italy. Không ai thực sự muốn chịu trách nhiệm về điều này".
Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cho rằng tính toán sai lầm của đảng Phong trào 5 sao, sự chính trực và bản chất không khoan nhượng của ông Draghi, kết hợp với chủ nghĩa chính trị thực dụng từ đảng Liên đoàn cực hữu của ông Matteo Salvini, đã khiến chính quyền hiện tại sụp đổ.
Thủ tướng Italy Mario Draghi (trái) cùng Ngoại trưởng Luigi Di Maio. Ảnh: Bloomberg.
Quyết định từ chức và giải tán Quốc hội của ông Draghi được đưa ra vào ngày 21/7, sau khi Phong trào 5 sao (M5S), chính đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền của ông Draghi, cùng đảng Liên đoàn và đảng trung hữu Forza, quyết định tẩy chay cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội.
Trước đó, ông Draghi đã kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm sau khi cáo buộc những đảng này cố gắng phá hoại chương trình nghị sự của chính phủ và yêu cầu họ tuân theo các kế hoạch cải cách của ông.
Trong khi đó, sau một ngày tranh luận gay gắt hôm 20/7, lãnh đạo đảng Liên đoàn cực hữu Salvini đã nắm bắt cơ hội từ bỏ liên minh cầm quyền, vốn ngày càng khiến ông không hài lòng, và thúc đẩy các cuộc bầu cử sớm, tạo cơ hội cho các đảng cánh hữu chiến thắng.
Theo giáo sư Daniele Albertazzi, Đại học Surrey (Anh), Thủ tướng Draghi đã "sa vào một cái bẫy". Đảng Liên đoàn "không gây ra điều này, tất cả đều được dọn sẵn cho họ".
Trong khi đó, ông Roberto D'Alimonte, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Luiss (ở Rome), nói rằng phe cánh hữu ở Italy tin tưởng "họ sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo. Họ đã nhận được một cơ hội vàng".
Không nhân nhượng
Ông Draghi, 74 tuổi, được bổ nhiệm chức thủ tướng vào đầu năm 2021, để dẫn dắt Italy vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19.
Ban đầu, liên minh đa đảng của ông giành được nhiều thành tựu, thúc đẩy phục hồi kinh tế mạnh mẽ từ mức suy giảm 9% GDP năm 2020, đồng thời giành được sự chấp thuận của Brussels đối với chương trình cải cách kinh tế, mở ra 200 tỷ euro trong quỹ phục hồi Covid-19 của EU.
Thủ tướng Mario Draghi đến dinh tổng thống vào ngày 21/7. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ông đã thất vọng vì gặp khó khăn khi đàm phán với liên minh về việc cải cách, bao gồm tăng cường kiểm soát đăng ký tài sản để thu thuế, bán đấu giá các bãi biển sinh lợi và ban hành luật cạnh tranh mới.
Lập trường cứng rắn của ông chống lại xung đột Nga - Ukraine cũng khiến các bên lo ngại. Đảng Phong trào 5 sao và đảng Liên đoàn được cho là có mối liên hệ với Moscow.
Cuối cùng, căng thẳng bùng lên vào tuần trước khi đảng Phong trào 5 sao tẩy chay một cuộc bỏ phiếu về gói viện trợ 26 tỷ euro để ứng phó với lạm phát.
Các nhà phân tích cho rằng lãnh đạo đảng này, ông Giuseppe Conte, đã giận dữ vì sự chia rẽ trong nội bộ và muốn quyết đoán hơn để chống đỡ nền tảng quyền lực đang dần sụp đổ. "Đảng Phong trào 5 sao đã rạn nứt, chia rẽ và mất phương hướng vì một nhà lãnh đạo yếu kém", Pregliasco nói.
Điều mà ông Conte dường như không mong đợi là Thủ tướng Draghi cảm thấy buộc phải từ chức ngay lập tức, dù dự luật đã được thông qua bất chấp sự phản đối của đảng Phong trào 5 sao.
Những người ủng hộ Draghi cho rằng ông không còn nhiều lựa chọn sau động thái phản đối của một đồng minh quan trọng như vậy. Thủ tướng cũng tức giận vì đảng Liên đoàn đã ủng hộ một cuộc đình công của các tài xế taxi nhằm phản đối dự thảo luật cạnh tranh.
Tuy nhiên, ông D'Alimonte cho rằng đơn từ chức đầu tiên của Thủ tướng Draghi là một sai lầm. "Tôi hiểu lý do, ông ấy cảm thấy mệt mỏi vì bị chia rẽ nên muốn kết thúc trận chiến của họ. Nhưng nếu ở trong vị trí của ông ấy, tôi sẽ không làm vậy".
Tổng thống Sergio Mattarella đã bác bỏ đơn từ chức của thủ tướng vào tuần trước, nhưng chỉ thị yêu cầu ông Draghi kêu gọi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm trong tuần này đã đẩy cuộc khủng hoảng đến đỉnh điểm.
Trong một bài phát biểu trước Quốc hội hôm 20/7, ông Draghi dùng giọng điệu cứng rắn, chỉ trích các thành viên liên minh và khẳng định chỉ sẵn sàng ở lại nếu họ ủng hộ chương trình cải cách của ông.
"Ông ấy đến gặp Quốc hội mà không có bất kỳ thương lượng nào. Những gì ông ấy làm là nói với họ rằng 'tôi sẽ không nhân nhượng, nếu không thích, hãy tự quản lý chính phủ'", Albertazzi nói.
Trong khi đó, đối với các đảng thiên hữu của Italy, sức hấp dẫn của một cuộc bầu cử chớp nhoáng và việc thoát khỏi liên minh cầm quyền là rất lớn. "Họ đã lợi dụng cuộc khủng hoảng do đảng Phong trào 5 sao gây ra để giật dây", ông Pregliasco cho biết.
Song các nhà phân tích cho rằng các bên có thể phải trả giá khi "nhấn chìm" một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng và được kính trọng nhất trong lịch sử thời hậu chiến của Italy.
Sau tất cả biến động kịch tính trên chính trường Italy, dòng tiêu đề u ám trên trang nhất của tờ La Repubblica vào sáng 21/7 có thể tóm tắt tâm trạng cả đất nước: "Italy bị phản bội".
Italy: Tổng thống bác đơn xin từ chức của Thủ tướng, nguy cơ bầu cử sớm vẫn còn Cùng với việc bác đơn xin từ chức của Thủ tướng Mario Draghi, Tổng thống Sergio Mattarella còn yêu cầu ông Mario Draghi ra trước Quốc hội, để việc đánh giá tình hình, phát sinh do kết quả của cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện. Thủ tướng Italy Mario Draghi phát biểu tại một phiên họp của Thượng viện ở Rome,...