Điểm học và thi chênh nhau quá lớn
Học bạ của học sinh THPT lớp 12 đã xuất hiện “lỗ hổng” lớn, từ việc Bộ GD&ĐT chủ trương lấy điểm lớp 12 tham gia vào công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.
Theo Quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Bộ GD&ĐT tiếp tục có quy định lấy kết quả học lực lớp 12 tham gia vào việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh với tỷ lệ: 50:50.
Vênh trên 2 điểm
Một thống kê gần đây của Bộ GD&ĐT về giữa điểm học và điểm thi THPT quốc gia nói lên nhiều điều. Kết quả của 2 kỳ thi THPT quốc gia 2015 và 2016 đã cho thấy có độ vênh đáng kể giữa điểm trung bình (ĐTB) lớp 12 với ĐTB các môn thi. Tính trung bình cả nước, độ vênh giữa ĐTB lớp 12 và ĐTB các môn thi khoảng gần 2,5 điểm.
Ở cáctỉnh, độ vênh đều trên 2 điểm, trong đó địa phương có mức chênh lệch cao nhất đến 3,31 điểm (Long An và Tiền Giang) và thấp nhất là 1,66 điểm (Bắc Kạn).
Tính theo cụm thi, các thí sinh thi tại các cụm ĐH (dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH) được thầy cô “cho” ĐTB lớp 12 cao hơn hẳn với điểm bình quân gần 7,5 điểm, trong khi học sinh (HS) dự thi ở các cụm tốt nghiệp (không dùng điểm thi để xét tuyển vào các trường ĐH) có điểm bình quân của ĐTB lớp 12 chỉ vào khoảng 6,5 điểm.
Học sinh lớp 12 đang ôn tập chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Người Lao Động.
Nếu đối chiếu giữa các trường công lập với trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, độ vênh này rất khác biệt nhau. Phần lớn trường tư thục và trung tâm giáo dục thường xuyên đều có độ chênh lệch giữa ĐTB lớp 12 với ĐTB thi cao hơn 3 và ở hơn 50 trường THPT có độ chênh lệch lớn hơn 4 điểm.
Có hơn 50% trường THPT trên cả nước đã “cho” ĐTB lớp 12 của HS từ 7 điểm trở lên, vì vậy không lấy làm lạ khi số HS rớt tốt nghiệp chủ yếu là do vướng phải điểm liệt (từ một điểm trở xuống) trong các môn thi.
Có việc nâng điểm vô tội vạ?
Video đang HOT
Mấy năm qua, nhiều trường ĐH, CĐ ở tốp giữa và cuối đã lấy kết quả học bạ (kể cả hạnh kiểm) để xét điều kiện tuyển sinh. Sau 4 năm thực hiện quy định trên, chúng tôi nhận thấy có một số mặt được: Ý thức học tập của các em lớp 12 tốt hơn, “tiếng nói” của thầy cô giáo giảng dạy có trọng lượng hơn, các môn “phụ” không có cảm giác bị học sinh bỏ rơi, coi thường nữa.
Tuy nhiên, quy định này cũng làm nảy sinh sự thiếu đồng bộ trong đánh giá, cho điểm học sinh và gia tăng thêm căn bệnh chạy theo thành tích, điểm số ở không ít thầy cô giáo, nhà trường.
Vì vậy, khi bàn thảo, chốt lại đề án tuyển sinh, vẫn có nhiều hội đồng tuyển sinh, các giảng viên ĐH, CĐ còn băn khoăn, lo ngại chưa tin vào kết quả đánh giá phổ thông, chất lượng dạy và học ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Do đó, các trường chưa dám dùng phương án xét tuyển bằng học bạ.
Thực tế, vẫn có các biểu hiện tiêu cực, dễ dãi, “bệnh” thành tích dẫn tới việc nâng điểm vô tội vạ… cho HS lớp 12.
Điều này đã có tính phổ biến, lây lan rộng khắp, khiến các thầy cô giáo tâm huyết, trung thực bức xúc, khó chịu. Nơi hội nghị, họp hành, nhiều lãnh đạo nói hùng hồn phải đánh giá, cho điểm chính xác, tuyệt đối không có chuyện nâng điểm nhưng trong thực tế lại “chỉ đạo” ngầm, “chỉ đạo” miệng cho giáo viên phải… “hết lòng” vì học sinh thân yêu của mình.
Lâu nay, trong nhà trường, nhiều thầy, cô giáo còn nảy sinh tư tưởng hoài nghi lẫn nhau; bản thân và nhà trường đánh giá, ghi điểm nghiêm túc, thực chất, đúng quy định thì liệu rằng đồng nghiệp khác, trường khác có làm giống mình không? Hoặc, tư tưởng điểm số trong tay mình tội gì mà không dễ dãi, nâng lên “ làm đẹp” học bạ để học sinh được lợi, không thua thiệt học sinh các trường bạn.
Chính sự “lệch chuẩn” trong nhận thức và hành động của nhiều nhà trường, thầy cô giáo khiến các quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT về đánh giá, ghi điểm học sinh bậc THPT trở nên chông chênh, dễ đổ vỡ.
Nhiều học sinh lớp 12 biết nhà trường, giáo viên đang “thương” mình về điểm số nên càng chủ quan, lười biếng, thiếu chuyên cần trong học tập toàn diện. Thực tế cho thấy, con số thực, đánh giá đúng chất lượng dạy – học vẫn còn xa vời.
Chất lượng đào tạo ĐH, CĐ bị giảm sút, giảng viên than thở, kêu trời về tình trạng nhiều sinh viên “ngồi nhầm” ĐH.
Chúng ta chỉ còn biết hy vọng ở các sở GD&ĐT, bậc THPT, mỗi ngày có thêm những cán bộ quản lý, thầy cô giáo tâm huyết, biết gạt bỏ tư lợi, mọi cám dỗ, nói không với căn bệnh thành tích.
Đồng thời, chúng ta luôn nhất quán từ nhận thức đến việc làm cụ thể để góp phần đưa chủ trương đúng đắn trên của Bộ GD&ĐT trở thành hiện thực, tạo sự công bằng, khách quan cho mọi đối tượng học sinh, gây dựng được niềm tin chắc chắn ở các trường ĐH, CĐ.
Theo Hữu Sơn / Người Lao Động
90% học sinh giỏi: Mừng hay lo?
Nhiều em là học sinh xuất sắc 5 năm liền nhưng không làm nổi bài kiểm tra đánh giá đầu vào THCS hoặc vào được trường nhưng không theo được.
Đến hôm nay, các trường đã tổng kết xong năm học 2016-2017. Cũng giống như mọi năm, câu chuyện thành tích học tập của các con lại được dịp "làm mưa làm gió" trên các trang mạng xã hội. Bố mẹ nào cũng tỏ rõ niềm tự hào khi con mình có thành tích học tập xuất sắc. Đây có phải là tín hiệu đáng mừng cho nền giáo dục nước nhà?
Năm học này, Bộ GD&ĐT đã thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22 trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của Thông tư 30 từng gây nhiều tranh cãi trước đó. Tuy nhiên, kết quả cuối năm học này cũng không khác là mấy, tỷ lệ học sinh giỏi vẫn chiếm phần đa.
Các con ra về, ai cũng hớn hở vì thành tích cuối năm học, chỉ khác là con được khen toàn diện, con thì được khen từng mặt. Còn các ông bố, bà mẹ tự hào khoe thành tích học tập của con bằng những điểm 9, điểm 10 nhưng không ít người trong số đó vẫn vương vất một nỗi lo: Liệu con mình có thực sự xuất sắc, giỏi giang như được đánh giá trong học bạ hay vẫn là chuyện thành tích của ngành giáo dục?
Nhiều trường có tiêu chí tuyển sinh học sinh vào lớp 6 phải đạt 100 điểm trong 5 năm tiểu học. Ảnh minh họa.
Rõ ràng, ngành giáo dục vẫn đang cố gắng nói "không" với bệnh thành tích. Nhưng, thực tế thực hiện lại không dễ dàng. Việc "cởi bỏ" điểm số trong các bài kiểm tra, đánh giá trong năm học khiến học sinh thoải mái hơn khi đến trường. Các con chỉ tập trung bài kiểm tra cuối kỳ.
Nhà trường, cô giáo không bị ép buộc thành tích như trước kia nhưng vẫn chưa "cởi bỏ" được hoàn toàn, vì quy định xét tuyển, nhiều trường yêu cầu học sinh phải đạt 5 năm liên tục học sinh giỏi, xuất sắc mới được vào trường chuyên, lớp chọn, tức là điểm số của các em phải đạt 100 điểm/5 năm học.
Chính vì thế, cha mẹ muốn con được học ở trường lớp như ý thì lại phải lao vào cuộc đua điểm số, "làm đẹp" học bạ. Còn cô giáo vì nể nang, thương học trò nên cũng "nhắm mắt" cho các con điểm thật cao hoặc cho các con học "tủ" để lúc thi điểm số đều đẹp như mơ.
Làm một thăm dò nhỏ ở một trường trung học cơ sở có tiếng ở Hà Nội về chất lượng học sinh được tuyển vào trường khi trường này đặt yêu cầu các con phải có 10 điểm 10 trong 5 năm học. Lãnh đạo trường này cho biết có nhiều em khi vào trường đã không theo học được cùng các bạn.
Nhiều em do sự "chèo lái" của cha mẹ từ lớp một đến lớp 5 nhưng khi vào trường chỉ sau năm học lớp 6 đã phải tìm đường sang nơi khác. Đây thực sự là thực tế đáng buồn và các em là người đầu tiên phải chịu thiệt thòi.
Cũng đã có nhiều cha mẹ "sốc" khi cả cấp tiểu học con không biết đến điểm 9, chỉ toàn điểm 10 nhưng khi lên lớp 6 con có điểm liệt, điểm 3, 4. Nhiều em là học sinh giỏi, xuất sắc 5 năm liền nhưng khi làm bài đánh giá xét đầu vào lớp 6 lại không vượt qua được, thậm chí bị điểm liệt.
90% học sinh giỏi có phải con số đáng mừng? Ngành giáo dục đã thay đổi cách đánh giá, giảm tải học hành, không lệ thuộc điểm số. Nhưng tiêu chí lựa chọn học sinh ở cấp học kế tiếp lại không có nhiều thay đổi, thậm chí còn dễ khiến người ta gian dối hơn trước thì ai biết đâu là chất lượng thật của ngành giáo dục.
Khi tất cả chỉ chăm chăm lo cho mục đích của riêng mình, không nhìn vào năng lực thực tế, giá trị đích thực của những thành tích ấy sẽ gây hậu quả khôn lường.
Một nền giáo dục mà hầu hết học sinh đều học lực giỏi sẽ làm sai lệch các tiêu chí đánh giá năng lực, hiệu quả. Hậu quả đầu tiên, chính các em là người phải gánh chịu. Các em sẽ "ảo tưởng" về thành tích, năng lực của mình; thấy rằng việc đi học và đạt điểm cao là quá dễ dàng và nhiều khi coi điểm số, thành tích đó là việc của người lớn.
Thứ hai, việc đánh giá không đúng năng lực học sinh tạo sự bất bình đẳng, không công bằng cho chính các em. Những em giỏi thực sự cũng bị "cào bằng" với những bạn thua kém hơn nhưng có "sự sắp đặt" của cha mẹ, thầy cô.
Thực tế, nhiều cha mẹ muốn giành điểm ưu tiên cho con mình bằng các giải thưởng phụ, tìm kiếm tài năng ở các cuộc thi. Thế nhưng, "bệnh thành tích" ở những cuộc thi này cũng không được buông tha. Nhiều cha mẹ đã sẵn sàng "mua - bán" giải thưởng, tạo thành tích ảo, tăng cơ hội cộng điểm cho con.
Một nền giáo dục muốn nói không với bệnh thành tích, muốn đi vào thực chất nhưng chúng ta vẫn bị soi chiếu bởi những quy định về thành tích thì đến bao giờ những tiêu cực đó mới bị triệt tiêu? Những băn khoăn, lo lắng này sẽ kéo dài đến bao giờ khi mà năm học nào tỷ lệ cũng trên 90% học sinh giỏi, xuất sắc?
Theo Vũ Hạnh / VOV
Nam sinh lớp 6 phải học lại lớp 1 không phải chuyện hiếm gặp Theo TS Vũ Thu Hương, tình trạng "ngồi nhầm lớp" là biểu hiện thiếu trung thực trong ngành giáo dục. Việc đánh giá nhà trường, thầy cô dựa vào thành tích của học sinh là sai lầm. Gần đây, câu chuyện về chị Tô Thị Quỳnh Giao (ngụ phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đến nhiều cơ quan ở Sóc Trăng...