Điểm danh những virus đáng sợ trên Trái Đất
Dưới đây là những loại virus đáng sợ trên Trái Đất khi có thể gây nên những căn bệnh nguy hiểm hoặc có tỷ lệ lây lan vô cùng nhanh.
Các nhà khoa học đã xác định được virus Marburg vào năm 1967 khi những đợt bùng phát nhỏ xảy ra giữa các nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm tại Đức, những người được cho là đã tiếp xúc với những con khỉ mắc bệnh từ Uganda. Virus Marburg tương tự như virus Ebola khi cả 2 đều gây sốt xuất huyết, tức là những người mắc bệnh sẽ sốt cao và chảy máu khắp cơ thể, dẫn đến sốc, suy giảm chức năng các cơ quan và tử vong.
Tỷ lệ tử vong trong đợt bùng phát đầu tiên do virus Margurg gây nên là 25% nhưng tỷ lệ này lên tới hơn 80% trong đợt bùng phát từ năm 1998 – 2000 tại Cộng hòa Dân chủ Congo cũng như trong đợt bùng phát năm 2005 ở Angola, theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Virus Ebola
Những đợt bùng phát đầu tiên của virus Ebola ở con người xảy ra đồng thời tại Cộng hòa Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1976. Dịch Ebola lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể từ người hoặc con vật nhiễm bệnh. Mức độ nguy hiểm của các chủng của virus này rất khác nhau, Elke Muhlberger, một chuyên gia về virus Ebola và là giáo sư vi sinh học tại Đại học Boston nhận định.
Một chủng của virus Ebola là Ebola Reston thậm khí không cả gây bệnh. Tuy nhiên, đối với chủng Bundibugyo, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50%, và thậm chí lên tới 71% đối với chủng ở Sudan, WHO cho biết.
Cũng theo tổ chức này, đợt bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi đầu năm 2014 là một trong những đợt bùng phát lớn nhất và phức tạp nhất của dịch bệnh này cho tới nay.
Virus dại (virus rabies)
Mặc dù vaccine phòng dại cho động vật đã được sản xuất vào những năm 1920 giúp dịch bệnh này hiếm khi xảy ra ở các nước phát triển nhưng tình trạng các ca mắc bệnh dại vẫn là một vấn đề nghiêm trọng tại Ấn Độ và một số khu vực châu Phi.
Virus dại (hay virus rabies). Ảnh: CDC
“Virus này phá hủy não bộ. Đó thực sự là một căn bệnh vô cùng tồi tệ. Chúng ta đã có vaccine ngừa bệnh dại và chúng ta có kháng thể có thể chống lại virus dại. Do đó, nếu ai đó bị một loài động vật bị dại cắn, chúng ta có thể điều trị cho người này”, Muhlberger khẳng định.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết: “Dù vậy, nếu người đó không được điều trị, chắc chắn 100% người đó sẽ tử vong”.
Video đang HOT
Virus gây chết người đáng sợ nhất trong thế giới hiện đại chính là HIV.
“Virus này vẫn là một kẻ giết người lớn nhất”, Amesh Adalja, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm và là người phát ngôn Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ cho biết.
Ước tính 32 triệu người đã tử vong vì virus HIV kể từ khi dịch bệnh này lần đầu tiên được ghi nhận vào đầu những năm 1980.
“Bệnh truyền nhiễm gây thiệt hại lớn nhất với nhân loại ngày nay là HIV”, Adalja cho biết,
Các loại thuốc chống virus hiệu quả đã giúp những ngưới mắc bệnh có thể kéo dài sự sống thêm nhiều năm. Tuy nhiên, dịch bệnh này vẫn tiếp tục tàn phá các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, những nơi mà 95% các ca mắc HIV mới xảy ra. Theo WHO, cứ 25 người trưởng thành thì có 1 người dương tính với virus HIV ở châu Phi, nơi chiếm hơn 2/3 những người mắc HIV trên thế giới.
Đậu mùa
Năm 1980, Hội đồng Y tế Thế giới tuyên bố thế giới đã xóa sổ bệnh đậu mùa. Tuy nhiên, trước đó, con người đã phải chật vật chống lại căn bệnh này trong hàng nghìn năm và từng có thời điểm, cứ 3 người mắc bệnh đậu mùa thì có 1 người tử vong. Trong khi đó, những người khỏi bệnh thường bị nhiều vết sẹo rỗ và mù lòa.
Các nhà sử học ước tính, 90% dân bản xứ ở châu Mỹ đã tử vong vì bệnh đậu mùa khi các nhà thám hiểm châu Âu đặt chân đến vùng đất này. Chỉ riêng trong thế kỷ 20, bệnh đậu mùa đã khiến 300 triệu người tử vong.
“Dịch bệnh này là một gánh nặng khổng lồ với thế giới khi không chỉ gây nên tử vong mà còn dẫn đến mù lòa. Đó chính là động lực cho chiến dịch xóa sổ căn bệnh này khỏi hành tinh của chúng ta”, chuyên gia Adalja khẳng định.
Virus Hanta
Hội chứng viêm phổi Hantavirus (Hantavirus pulmonary syndrome, viết tắt HPS) lần đầu tiên thu hút sự chú ý ở Mỹ vào năm 1993 khi một người đàn ông trẻ khỏe xứ Navajo, bang Arizona và vị hôn thê của anh ta tử vong chỉ vài ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng khó thở. Một vài tháng sau, các nhà chức trách y tế đã phân lập được virus hanta khỏi một con cheo cheo (hay còn gọi là hươu chuột) sống trong nhà của 1 trong những người mắc bệnh. Hơn 600 người ở Mỹ đã mắc HPS và trong số đó có 36% tử vong vì dịch bệnh này, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết.
Tuy nhiên, loại virus này không lây nhiễm từ người sang người mà thay vào đó, con người chỉ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với phân của những con chuột mắc bệnh.
Virus cúm
Theo WHO, trong suốt mùa cúm, khoảng 500.000 người trên thế giới đã tử vong vì căn bệnh này. Tuy nhiên, thỉnh thoảng khi một chủng virus cúm mới xuất hiện, một đại dịch có thể xảy ra, với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.
Đại dịch cúm chết chóc nhất hay còn gọi là cúm Tây Ban Nha bắt đầu năm 1918 đã khiến 40% dân số thế giới mắc bệnh và ước tính khoảng 50 triệu người đã tử vong.
“Tôi cho rằng một dịch bệnh giống như đại dịch cúm năm 1918 có thể sẽ tái diễn. Nếu một chủng virus cúm mới tìm cách xâm nhập vào con người và có thể dễ dàng lây nhiễm từ người này sang người khác cũng như gây ra ốm nặng, chúng ta sẽ đối mặt với một vấn đề lớn”, Muhlberger cho biết.
Virus Dengue
Virus Dengue lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1950 ở Philippines và Thái Lan, rồi từ đó lan khắp các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn cầu. Ước tính khoảng 40% dân số thế giới hiện đang sống trong những khu vực có thể xảy ra dịch bệnh do virus dengue gây nên. Căn bệnh do muỗi truyền nhiễm này có thể lan nhanh hơn khi thời tiết ấm lên.
Dengue khiến khoảng 50 – 100 triệu người mắc bệnh mỗi năm, WHO cho biết. Mặc dù tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết dengue thấp hơn so với các loại virus khác, khoảng 2,5%, nhưng “chúng ta thực sự cần suy nghĩ nhiều hơn về virus dengue bởi nó thực sự là mối đe dọa với chúng ta”, Muhlberger cho biết.
Vaccine phòng Dengue đã được Hiệp hội Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ thông qua năm 2019 và được tiêm phòng cho trẻ em từ 9 – 16 tuổi ở những khu vực mà căn bệnh này xuất hiện phổ biến. Tại một số quốc gia, vaccine đã được thông qua có sẵn cho những người từ 9 – 45 tuổi.
Virus rota
Hiện có sẵn 2 loại vaccine để bảo vệ trẻ khỏi virus rota, vốn là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus này có thể lây nhiễm qua đường miệng và đường phân.
Mặc dù trẻ em ở các nước phát triển hiếm khi tử vong vì nhiễm virus rota nhưng căn bệnh do virus này gây nên là kẻ giết người đáng sợ ở các nước đang phát triển, những nơi mà phương pháp bù nước vẫn chưa được điều trị rộng rãi.
WHO ước tính, trên khắp thế giới, 453.000 trẻ em dưới 5 tuổi đã tử vong vì nhiễm virus rota năm 2008. Tuy nhiên, các nước tiêm vaccine phòng virus này cho trẻ đã ghi nhận sự thuyên giảm đáng kể đối với các trường hợp phải nhập viện và tử vong do virus rota.
SARS-CoV
Virus gây nên Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2002 ở tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc. Virus này ban đầu có thể đã xuất hiện ở dơi và sau đó truyền sang các loài động vật có vú ban đêm như cầy hương trước khi lây nhiễm sang con người. Sau khi gây nên dịch bệnh ở Trung Quốc, SARS đã lan rộng khắp 26 quốc gia trên thế giới, lây nhiễm cho hơn 8.000 người và khiến hơn 770 người tử vong trong 2 năm.
SARS gây nên sốt, ớn lạnh, đau nhức người và thường dẫn đến viêm phổi. Tỷ lệ tử vong của dịch bệnh SARS là khoảng 9,6%, song đến nay chưa có phác đồ điều trị hay vaccine đặc hiệu nào được thông qua. Tuy nhiên, không có trường hợp mới nào mắc SARS kể từ đầu những năm 2000, CDC cho biết.
MERS-CoV
Virus gây nên Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đã bùng phát ở Saudi Arabia năm 2012 và sau đó tại Hàn Quốc năm 2015. Virus gây nên dịch MERS cùng họ với virus SARS-CoV, SARS-CoV-2, và có thể cũng có nguồn gốc từ dơi. Dịch bệnh này khiến lạc đà nhiễm bệnh trước khi truyền sang con người, gây sốt, ho và khó thở với những người mắc bệnh.
MERS thường diễn biến thành viêm phổi cấp và có tỷ lệ tử vong từ 30 – 40%, khiến cho virus MERS-CoV trở thành loại virus corona truyền từ động vật sang người gây tử vong cao nhất cho tới nay. Dịch bệnh này hiện cũng chưa có phác đồ điều trị hay vaccine đặc hiệu nào được thông qua.
SARS-CoV-2
Virus SARS-CoV-2 cùng họ với virus SARS-CoV hay còn được biết tới là một trong các loại virus corona. Các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên được ghi nhận ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Virus này giống với SARS-CoV, có thể có nguồn gốc từ dơi, truyền qua một loài động vật trung gian trước khi lây nhiễm sang con người.
Virus SARS-CoV-2. Ảnh: NIAID-RML
Kể từ khi xuất hiện, virus SARS-CoV-2 gây nên đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 2,6 triệu người mắc bệnh và gần 185.000 người tử vong tính tới ngày 23/4, làm đảo lộn cuộc sống trên toàn thế giới.
Những người cao tuổi hoặc những người mắc các bệnh nền là những người có nguy cơ cao mắc Covid-19 nặng hoặc tử vong vì dịch bệnh này. Các triệu chứng thường thấy của bệnh nhân mắc Covid-19 là sốt, ho khan, khó thở và diễn biến thành viêm phổi ở một số trường hợp nghiêm trọng./.
Kiều Anh
Bệnh nhân Ebola bỏ trốn, làm bùng nỗi lo dịch tiếp tục lây lan
Dịch Ebola bùng phát ở đông Congo có thể lại lan rộng sau khi một bệnh nhân bỏ trốn khỏi một bệnh viện, gây thêm khó khăn cho các nỗ lực phong toả bệnh dịch, WHO cho biết.
Reuters dẫn tin từ WHO cho biết hôm 19/4, khi chỉ còn hai ngày nữa là Cộng hoà dân chủ Congo có thể tuyên bố đại dịch Ebola lớn thứ hai thế giới kết thúc thì mỗi loạt các ca nhiễm mới được phát hiện vào ngày 10/4, sau hơn 7 tuần không có ca nhiễm mới nào.
Kể từ đó, giới chức y tế Congo đã tìm mọi cách để ngăn chặn bệnh dịch tái lây lan. Tuy nhiên, hôm 17/4, một tài xế xe ôm 28 tuổi, dương tính với virus Ebola đã chạy trốn khỏi bệnh viện đang chữa trị ở thành phố Beni.
"Chúng tôi đã dùng mọi cách để đưa anh ta ra khỏi cộng đồng", Boubacar Diallo - một quan chức phục trách chiến dịch đối phó với Ebola của WHO cho biết. "Chúng tôi đang chờ các ca thứ phát từ anh ta".
Dù dịch Ebola đã giết hơn 2.200 người từ tháng 8/2018 song các nghiên cứu cho thấy, nhiều cộng đồng ở Congo vẫn không tin bệnh này là có thực.
Virus Ebola (EVD) còn có tên gọi khác là sốt xuất huyết Ebola (EHF). EVD có thể gây ra một căn bệnh cấp tính, nguy hiểm tới sức khỏe con người và có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời. Khi bị nhiễm virus Ebola, hệ miễn dịch và các cơ quan quan trọng trong cơ thể sẽ bị tấn công và tổn thương nghiêm trọng. Ngoài ra, nó còn làm giảm các yếu tố đông máu, gây ra chảy máu không kiểm soát được.
Ebola xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976, sau 2 đợt bùng phát đồng thời- một ở Nzara, Nam Sudan và một ở Yambuku, DRC. Sau đó xảy ra tại một ngôi làng gần sông Ebola, vì vậy căn bệnh này đã được đặt tên theo dòng sông.
Hoài Linh
Các nước châu Phi áp dụng bài học từ dịch Ebola sang chống Covid-19 Uganda điều chuyển các nguồn lực truy vết các ca Ebola sang cho các bệnh nhân Covid-19, nhưng không phải nước nào cũng được chuẩn bị tốt như vậy. Nhân viên Bộ Y tế tiến hành xét nghiệm Covid-19 ở một nhà dân ở Goma, Congo, ngày 31/3/2020. Các nước châu Phi đã từng bị dịch Ebola tấn công hiện đang áp dụng...