Điểm danh những trang tìm kiếm hạ gục Google
Vừa rồi, trang CocCoc lại làm nóng thị trường tìm kiếm Việt khi tuyên chiến với Google. Tại Việt Nam, đã có khá nhiều tuyên bố đánh bại Google như thế nhưng đều thất bại và rơi vào quên lãng. Nhưng Google không phải là kẻ bất bại, vẫn có rất nhiều nơi gã khổng lồ tìm kiếm phải chịu lép vế.
Nga: Yandex
Yandex là công cụ tìm kiếm tiếng Nga hiện đang chiếm tới hơn 60% thị phần tại Nga, trong khi kẻ thù lớn Google chỉ chiếm có 26% tại đất nước này (2012).
Giá trị thị trường của Yandex hiện ở mức khoảng 7,5 tỷ USD và doanh thu năm 2012 đạt khoảng 8 tỷ USD.
Yandex được đánh giá là vượt qua Google nhờ khả năng phân tích và tìm kiếm tiếng Nga vượt trội so với Google. Không chỉ mạnh mẽ ở Nga, gã khổng lồ Yandex còn vươn vòi bạch tuộc ra thống trị Ukraina, Belorussia và Kazakhstan.
Ngoài ra, Yandex còn đánh bại công cụ Bing của gã khổng lồ Microsoft để giành vị trí thứ 4 thị trường tìm kiếm thế giới. Trong tháng 11 và 12 năm 2012, Yandex đã xử lý 4.844 tỷ truy vấn, còn con số của Bing chỉ là 4.477 tỷ.
Yandex cũng đang mở rộng đầu tư sang nhiều thị trường, trong đó có việc mở rộng sang cung cấp dịch vụ bản đồ tại Mỹ (hợp tác cùng Nokia) hoặc đầu tư vào các quốc gia để cung cấp công cụ tìm kiếm bằng ngôn ngữ bản địa như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam. Tại Việt Nam, Yandex đầu tư vào công ty cổ phần mạng Tầm Nhìn Mới để cho ra mắt trang tìm kiếm Wada với tham vọng sánh vai cùng Google.
Là công cụ tìm kiếm số 2 thế giới và chiếm tới 76% thị phần tìm kiếm tại Trung Quốc, nhưng có vẻ thắng lợi của Baidu không vẻ vang như Google.
Trụ sở Baidu.
Gã khổng lồ tìm kiếm Trung Quốc cũng có một công nghệ nhận diện tiếng Trung dược đánh giá là vượt bậc. Tuy nhiên, sự thành công của Baidu được cho rằng nhờ chính sách chặn truy cập vào các dịch vụ ngoại quốc của Trung Quốc. Một phần nhờ cái Vạn Lý Tường Lửa đã chặn Facebook, Twitter và Google,… mà tại Trung Quốc mới xuất hiện những dịch vụ thống trị thị trường trực tuyến Trung Quốc như Renren, Sina, Youku, Baidu,…
Trong năm 2012 doanh thu của Baidu đạt khoảng 1 tỷ USD.
Baidu hiện đang đầu tư sang một loạt các nước. Hiện tại ở Việt Nam, Baidu đang triển khai một số dịch vụ như mạng Baidu Trà đá quán hay trang danh bạ web Hao123.com.vn. Khi các dịch vụ này ra mắt, đã có rất nhiều cáo buộc trong nước về mối nguy bảo mật từ các dịch vụ này. Baidu hiện chưa tham gia vào thị trường tìm kiếm Việt Nam.
Video đang HOT
Tại Hàn Quốc, công cụ tìm kiếm Naver hiện đang chiếm 73% thị phần, tiếp theo là công cụ Daum với 18% thị phần.
Trụ sở NHN Corp – chủ quản trang Naver.
Hàn Quốc là quốc gia Google có thị phần tệ nhất với chỉ khoảng 3%. Với sự thống trị của Naver và Daum, trong ngắn hạn Google sẽ không có nổi 10% thị phần ở quốc gia Đông Bắc Á.
Theo nhiều chuyên gia, Google bị đánh bại ở Hàn Quốc do hãng quá thiếu các nội dung được địa phương hóa. Thêm nữa, kết quả tìm kiếm từ Naver hiển thị nhiều nội dung có thể tương tác hơn hẳn so với kết quả tìm kiếm của Googe. Điều đó một phần là do Naver vốn là một cổng thông tin với nội dung tổng hợp phong phú cùng các dịch vụ như Blog và một dịch vụ “mạng xã hội” Café.
NHN Corp (công ty chủ quản Naver) đạt doanh thu hơn 2 tỷ USD trong năm 2012.
Tại thị trường Việt Nam, Naver đã từng ra mắt thanh công cụ Naver Toolbar hỗ trợ một số công cụ như từ điển, trình duyệt virus online cho người dùng. Nhưng hiện nay NHN (công ty chủ quản Naver) nổi tiếng nhờ việc cung cấp ứng dụng liên lạc miễn phí Line hơn.
Nhật Bản: Yahoo Nhật Bản
Tại Nhật, Yahoo Nhật chiếm tới 56% thị phần, trong khi Google chỉ chiếm 31% thị phần.
Yahoo Nhật.
Tuy nhiên, Yahoo lại sử dụng các kết quả tìm kiếm của Google trong công cụ tìm kiếm của mình. Thị phần tìm kiếm vẫn được tính cho Yahoo Nhật bởi đây là cổng thông tin lớn nhất và là trang web có lượng truy cập số 1 Nhật Bản. Trước đó, vào năm 2009, Yahoo Nhật Bản dùng Bing, theo thỏa thuận hợp tác giữa Yahoo Mỹ và Microsoft.
Có sự “ngược dòng” này là do Yahoo Mỹ chỉ chiếm 34,74% cổ phần của Yahoo Nhật Bản, trong khi nhà mạng SoftBank nắm 35,44%, phần còn lại thuộc về các cổ đông Nhật.
Tại Việt Nam, Softbank, cổ đông lớn nhất của Yahoo Nhật hiện đang có cổ phần tại Socbay, một trang tìm kiếm tiếng Việt.
Ngoài ra, tại Cộng hòa Séc, trang Seznam cũng từng số một so với Google trong nhiều năm ròng (46% so với 45% vào tháng 3/2012), nhưng với sự mở rộng quy mô gần đây của Google ở thị trường Séc, Seznam sẽ bị Google vượt qua. Theo một nguồn chưa được kiểm chứng, Google đã vượt qua Seznam với 52% thị phần.
Nhìn qua những thị trường mà Google bị đánh bại, có thể thấy gã khổng lồ tìm kiếm chỉ chịu “ngã ngựa” ở các quốc gia sử dụng ngôn ngữ không thuộc ngữ hệ Latin như Nga, Hàn Quốc, hay sự ngăn chặn của chính phủ sở tại như ở Trung Quốc.
Theo GenK
Đánh giá trang tìm kiếm CocCoc.vn
Một công cụ tìm kiếm được đầu tư 15 triệu USD, được xây dựng trong hơn 2 năm, với sự giúp đỡ của hơn 40 kỹ sư từ Nga liệu có thể làm được gì?
Mặc dù người dùng Việt gần như đã coi Google là công cụ tìm kiếm duy nhất, và nhiều nỗ lực xây dựng công cụ tìm kiếm của người Việt đã thất bại hoặc dần trôi vào quên lãng, nhưng dường như ước mơ ấy vẫn chưa bao giờ ngừng cháy. Mới cuối năm trước, trang Wada với sự đầu tư của Yandex, gã khổng lồ tìm kiếm của Nga ra đời. Thì đầu năm nay, CocCoc.vn, một trang tìm kiếm cũng nhận sự đầu tư khác từ Nga cũng vừa mở cửa chào đón người dùng.
Hãy cùng chúng tôi đánh giá sơ bộ về công cụ tìm kiếm này.
Về tốc độ tìm kiếm, có thể nói CocCoc khá chậm trong việc thực hiện truy vấn của người dùng. Tốc độ tìm kiếm của CocCoc chậm gấp đôi so với Google và gấp 1,5 lần so với Bing. Thậm chí, cả với một số cụm từ ngắn và thông dụng như "Hà Nội", "Hải Phòng" tốc độ truy vấn lên trên 10 giây, quá chậm cho một công cụ tìm kiếm.
Vì thế, nếu nhu cầu dùng tìm kiếm là một nhu cầu thiết yếu và bạn quá bận rộn, thì CocCoc có lẽ không phải là một lựa chọn tốt. Bởi với việc giải quyết công việc hàng ngày, bạn có thể phải truy vấn cả hàng trăm từ khóa, và mỗi từ khóa bạn phải tốn trên 5 giây thì đã khiến bạn mất rất nhiều thời gian vàng ngọc.
Tuy nhiên, để đánh giá một công cụ tìm kiếm, không thể chỉ dựa vào tốc độ, mà còn phải dựa vào độ chính xác mà kết quả tìm kiếm mang lại cho người dùng cũng như các tiện ích cung cấp thêm nữa.
Độ chính xác
Tìm kiếm hàng hóa, sản phẩm
Đánh giá độ chính xác của một cỗ máy tìm kiếm là một việc không đơn giản, với khả năng chưa cao của mình, người viết đánh giá CocCoc theo hướng phục vụ những nhu cầu thường nhật của người dùng và đánh giá độ chính xác qua việc công cụ tìm kiếm có thể đáp ứng được mong muốn của người dùng hay không.
Thử với từ khóa Mua thinkpad uy tín Hà Nội, trong 5 kết quả đầu, có 2 kết quả đáp ứng dược đúng tiêu chí là tìm ra địa điểm uy tín, và đó là qua giới thiệu của các thành viên diễn đàn, chứ không phải là hàng tự quảng cáo. Thử một từ khóa khác bán galaxy S3 cũ Hải Phòng thì 5 kết quả có 2 đúng nhu cầu tìm kiếm.
Những kết quả được bôi vàng là kết quả đáp ứng nhu cầu của người viết bài.
Qua việc tìm kiếm này, có thể thấy một điểm yếu của CocCoc là chưa xác định rõ ngày tháng trong tìm kiếm, hay có lựa chọn giới hạn thời gian tìm kiếm. Bởi với những kết quả rao vặt kiểu này, giới hạn thời gian là rất cần thiết, vì các món hàng thường được bán trong vài ba ngày, thậm chí với các sản phẩm Apple thì chỉ hơn một ngày.
Tuy nhiên, có thể đánh giá tìm kiếm trên CocCoc đáp ứng được một phần nhu cầu, và hãng đã loại bỏ được khá nhiều kết quả rác mà Google chưa lọc được.
Tìm kiếm địa điểm
Thử với từ khóa Xem múa rối nước Hà Nội 3 kết quả đầu là đường link Youtube cho các clip quay về rối nước, và kết quả thứ 4 thì ra được địa điểm tổ chức múa rối nước là Nhà hát múa rối nước Thăng Long. Đặc biệt hơn, bên phải của các kết quả tìm kiếm hiện lên các địa điểm, và có cả ảnh 360 độ xung quanh Nhà hát múa rối nước, kèm địa chỉ, số điện thoại liên hệ.
Ảnh 360o của Nhà hát múa rối nước Thăng Long.
Ảnh chụp 3600 là một tiện ích khá tốt để giúp người dùng định vị được vị trí của địa điểm muốn tới và dùng các "dấu mốc" là các địa điểm xung quanh để đỡ bị đi "quá trớn". Đặc biệt là với tôi, một người mắt khá kém và còn chưa mấy thông thuộc đường xá Hà Nội.
Thử một số kết quả liên quan tới ăn uống như Kem Tràng Tiền, Café Đinh, Café Lâm, Lẩu Kichi Kichi,... các kết quả hiển thị khá chính xác, và ưu tiên kết quả bản đồ lên đầu tiên, giúp người dùng dễ tìm được điểm đến hơn.
Một nhu cầu khá thường xuyên khác của người dùng là tra cứu thông tin về các địa điểm cung cấp dịch vụ thiết yếu như cây ATM, cây xăng. Thử tìm kiếm ATM VIB Bank Minh Khai, khá bất ngờ khi kết quả hiện ra là những cây ATM của ngân hàng này ở các đường sát với đường Minh Khai (VIB Bank không có cây ATM nào ở đường Minh Khai).
Tuy nhiên, dường như CocCoc mới chỉ cố gắng tối ưu hóa các địa điểm ở Hà Nội, dẫn đến việc tìm kiếm các địa điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh kết quả còn chưa được như ý. Thử với các từ khóa ATM Vietcombank Hai Bà Trưng Hồ Chí Minh hay ATM Vietcombank Quận 1 thì hiện địa điểm thỏa mãn nhu cầu, nhưng không cung cấp bản đồ cho người dùng, các địa điểm được cung cấp bản đồ lại hầu hết ở Hà Nội.
Tương tự với từ khóa cây xăng kết hợp địa điểm, kết quả ở Hà Nội khá hợp lý và hữu ích, trong khi kết quả ở Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều truy vấn chưa đạt yêu cầu.
Tìm kiếm Nội dung số
Ngoài các nhu cầu trên, nhu cầu tìm kiếm các nội dung số như truyện tranh, game, phim online là một nhu cầu khá mạnh của người dùng Việt.
Thử nghiệm với một số bộ truyện tranh hot như Naruto, To Love Ru, Jindo,... với các từ khóa truyện tranh, đọc truyện tranh online, đọc truyện online, thì CocCoc làm khá tốt, khi người dùng có thể tìm được đúng nội dung yêu cầu. Chỉ có một kết quả chưa chuẩn lắm là là khi tìm cụm từ đọc truyện naruto online thì trang đầu tiên đưa ra kết quả là trang chủ, chứ không phải là trang mục của bộ truyện Naruto (web đó vẫn có bộ truyện này).
Về game online, thử tìm kiếm với các game đang nổi hiện nay như Độc cô cửu kiếm, Đại hiệp truyện, Thiên long bát bộ, Võ lâm truyền kỳ 2... thì kết quả hiển thị của CocCoc phần lớn là những tin tức game, tuy vậy trang chủ của game vẫn nằm trong top 5. Một số game như Thiên long bát bộ, Thế giới hoàn mỹ thì trang chủ hiển thị ở kết quả đầu tiên trong. Như vậy, tìm kiếm game online phát hành ở Việt Nam trên CocCoc chỉ dừng ở mức tạm ổn với game mới và khá tốt với game cũ.
Đối với game offline, nhu cầu chủ yếu ở tìm link tải và các hướng dẫn chơi game, vượt màn. Thử với từ khóa download full, download, download game một vài tựa game nổi tiếng như Diablo III, Starcraft II, thì hầu hết đều đáp ứng được nhu cầu.
Như vậy, CocCoc là một trình tìm kiếm khá tốt. Tuy nhiều điểm chưa thể so sánh với các gã khổng lồ tìm kiếm khác, nhưng khả năng hỗ trợ tiếng Việt tốt của CocCoc làm người viết khá là ngạc nhiên.
Nếu như bạn không quan tâm lắm tới tốc độ trả về kết quả tìm kiếm và khó chịu với một số kết quả tìm kiếm bị các trang rác "lũng đoạn" trên Google, CocCoc là một lựa chọn tốt cho bạn.
Theo Genk
Coccoc.com chính thức "tuyên chiến "với Google Coccoc - Tham vọng lớn của ngành công nghệ Việt Nam? Liệu Google có bảo toàn được vị trí là công cụ tìm kiếm số 1 tại Việt Nam khi đầu năm 2013 vừa qua cộng đồng công nghệ lại đón chào một sản phẩm mới: Cốc Cốc( coccoc.com) -công cụ tìm kiếm dành riêng cho tiếng Việt với quyết tâm vượt qua...