Điểm chuẩn tăng, thí sinh lo lắng đổi nguyện vọng
Các chuyên gia giáo dục nhận định điểm trúng tuyển chung của nhiều ngành năm nay sẽ tăng, do vậy thí sinh cần có lựa chọn chính xác để chắc suất ở đợt xét tuyển đầu tiên
Nằm trong chuỗi chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” năm 2019, sáng 15-7, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Điều chỉnh nguyện vọng (NV) và cơ hội trúng tuyển ĐH”. Ban tư vấn đã giải đáp hàng trăm câu hỏi để gỡ rối những băn khoăn, trăn trở của các em về việc thay đổi NV sau khi biết điểm thi THPT quốc gia.
Khi điểm ở ranh giới đậu – rớt
TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam – nhận xét ở thời điểm này, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả thi THPT quốc gia thì hầu hết các câu hỏi tập trung vấn đề có khả năng đậu vào trường nào. Điều này cũng dễ hiểu bởi nếu so với điểm trúng tuyển của các trường năm 2018 thì các em đủ hoặc dư một ít nhưng mặt bằng điểm thi năm nay tốt hơn năm ngoái nên dự kiến nhiều ngành ở các trường ĐH điểm chuẩn có thể tăng.
Các chuyên gia trả lời tư vấn tại chương trình sáng 15-7 Ảnh: TẤN THẠNH
Thí sinh Bùi Bảo Ngọc gửi câu hỏi: “Kết quả điểm thi của em cao hơn 1 điểm so với điểm trúng tuyển năm 2018 của ngành mà em đăng ký xét tuyển. Với kết quả này, liệu em có khả năng trúng tuyển không?”. Bạn đọc Hà Lực hỏi con anh thi được 24,6 điểm có thể trúng tuyển vào ngành ngôn ngữ Anh hệ chất lượng cao của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM không? Còn thí sinh Thanh Long băn khoăn khi đăng ký xét tuyển vào ngành marketing của Trường ĐH Tài chính – Marketing và kết quả thi của em chỉ hơn điểm trúng tuyển năm ngoái của ngành này 0,25 điểm…
Những băn khoăn của thí sinh và phụ huynh đã được các khách mời của chương trình lần lượt trả lời. TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo – ĐHQG TP HCM, cho rằng các trường hợp thí sinh hỏi đều có mức điểm cao hơn điểm trúng tuyển năm 2018 của ngành xét tuyển nhưng mức điểm chênh lệch không nhiều. Với mức điểm trên, thí sinh có cơ hội trúng tuyển nhưng không chắc chắn vì điểm trúng tuyển vào một ngành học phụ thuộc nhiều yếu tố, như số chỉ tiêu, số thí sinh đăng ký xét tuyển, kết quả thi của thí sinh từng năm.
Với tình hình kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh năm 2019 có phần cao hơn của năm 2018 nên có thể dự đoán là điểm trúng tuyển chung của nhiều ngành sẽ tăng. Do vậy, thí sinh cần có các phương án dự phòng.
TS Đặng Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, khuyên thí sinh Thanh Long với mức điểm đang có, nên đăng ký các NV là ngành marketing chương trình đại trà, ngành marketing chương trình chất lượng cao, ngành quản trị kinh doanh chương trình đại trà, ngành quản trị kinh doanh chương trình chất lượng cao thì khả năng trúng tuyển sẽ cao.
Video đang HOT
Giành cơ hội ở đợt xét tuyển đầu
Thí sinh Nhật Khánh bày tỏ băn khoăn về việc em đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa TP HCM nhưng bạn thân của em, học cùng trường, cùng mức điểm thi giống em lại xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương. Em có nên theo bạn đổi NV xét tuyển không?
Giải đáp, cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM), khuyên khi em đăng ký vào Trường ĐH Bách khoa là em có ý nguyện vào ngành nghề cụ thể phù hợp khả năng và sở thích của mình. “Em nên xem xét cẩn thận các yếu tố như đã từng được các thầy cô tư vấn hướng nghiệp. Em cần xem lại tổng điểm thi 3 môn 22,5 điểm là theo khối nào (A, A1, D…) có phù hợp với trường ĐH, ngành nghề không? Khả năng học tập rèn luyện ở trường ĐH, môi trường làm việc ứng với ngành nghề đó?…
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng nếu kết quả thi THPT quốc gia không như mong muốn hoặc thí sinh có điểm thi ngang bằng hay hơn điểm chuẩn năm 2018 của ngành đã đăng ký nhưng không chắc chắn thì thí sinh có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung NV cho phù hợp để có cơ hội trúng ngay đợt xét tuyển đầu tiên.
Số liệu xét tuyển hằng năm cho thấy đợt xét tuyển đầu tiên (từ ngày 6 đến 8-8) là quan trọng nhất vì khi kết thúc, khoảng 70% chỉ tiêu đã được lấp đầy, nhiều trường ĐH lớn, những ngành học hấp dẫn đã tuyển đủ chỉ tiêu. Trong các đợt xét tuyển sau ngày 15-8 chỉ còn những trường, ngành còn thiếu chỉ tiêu mới tiếp tục xét tuyển bổ sung.
Điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 22-7
Theo quy định, thí sinh có thể điều chỉnh, thay đổi, bổ sung nguyện vọng (NV) từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 29-7 đối với phương thức điều chỉnh trực tuyến; đến 17 giờ ngày 31-7 theo phương thức điều chỉnh trên phiếu. Việc điều chỉnh NV nếu có cũng nên xem xét kỹ.
Theo nguoilaodong
Vẫn nhiều cơ hội vào đại học nếu điểm thi không như ý
Sau khi biết điểm thi, nhiều thí sinh có mức điểm không như mình kỳ vọng, hoặc cao hơn so với dự đoán. Vậy thí sinh có nên điều chỉnh nguyện vọng? Nếu có thì làm thế nào để có cơ hội trúng tuyển cao nhất?
Chuyên gia các trường đại học trao đổi trong buổi tư vấn tại Báo Thanh Niên chiều 15.7 - Đào Ngọc Thạch
Các chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ đã có nhiều lời khuyên bổ ích trong chương trình tư vấn trực tuyến "Cần làm gì sau khi biết kết quả thi" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 15.7 tại thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên.
Nên tận dụng các phương thức xét tuyển
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), năm 2019 có nhiều phương thức tuyển sinh mới so với các năm trước. "Chẳng hạn phương thức xét từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét từ điểm công nhận tốt nghiệp, tổ chức thi riêng hoặc kết hợp giữa điểm học bạ và điểm thi. Các phương án này có giá trị độc lập", tiến sĩ Hải liệt kê.
Bà Trương Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, khuyến khích thí sinh (TS) nên tận dụng tối đa các phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển.
Trả lời cho thắc mắc các phương thức xét tuyển này có giá trị như nhau không, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: "Tất cả các phương thức xét tuyển đều giúp TS có cơ hội như nhau, khi trúng tuyển thì chương trình học, giảng viên, cơ sở vật chất cho việc học tập, học phí, học bổng, bằng cấp... đều như nhau, không phân biệt".
Có nên điều chỉnh nguyện vọng
Thời điểm này, nhiều TS cũng băn khoăn không biết có nên điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian sắp tới hay không. Tiến sĩ Võ Thanh Hải nhìn nhận: "Từ thời điểm này, câu chuyện xét tuyển bắt đầu rất gay cấn. Đó là các bạn cần phải xem mức điểm của mình còn phù hợp so với lúc đăng ký nguyện vọng hồi tháng 4 hay không? Những bạn đạt điểm cao hơn so với mức điểm chuẩn vào ngành, trường mình yêu thích trong 3 năm trở lại đây thì không có gì lo lắng. Nhưng với TS có số điểm thấp hơn so với kỳ vọng, nhất là nằm trong phổ điểm có số lượng TS quá nhiều, thì các em bắt buộc phải cân nhắc để điều chỉnh".
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương phân tích: "Năm nay mức điểm từ 17 - 20 khá phổ biến. Các em xem mức điểm mình đạt được là bao nhiêu, rồi tham khảo điểm chuẩn các năm vào ngành mà mình chọn, đồng thời so sánh với điểm xét tuyển của các trường. Nếu phù hợp rồi thì không cần điều chỉnh, các em chỉ nên điều chỉnh khi điểm quá thấp hoặc quá cao so với dự kiến".
Tương tự, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, lưu ý TS hết sức thận trọng khi điều chỉnh. "Không nên theo tâm lý đám đông mà phải xem xét có thực sự cần thiết hay không. Trước tiên, phải tìm hiểu phổ điểm của các tổ hợp môn, xem điểm của mình rơi vào phân khúc nào, đồng thời tham khảo điểm chuẩn ngành mình muốn trong 3 năm trở lại đây ở khoảng nào...", thạc sĩ Tư nhận định.
Có 3 ngày điều chỉnh nguyện vọng thử
Từ ngày 16 - 18.7, Bộ GD-ĐT cho phép TS có thể dùng tài khoản của mình để thay đổi nguyện vọng thử nghiệm. Việc điều chỉnh nguyện vọng chính thức bằng phiếu bắt đầu từ ngày 22 - 31.7 (có thể tăng nguyện vọng) hoặc trực tuyến từ ngày 22 - 29.7 (không được tăng số lượng nguyện vọng), nộp tại trường THPT mình theo học.
Cơ hội trúng tuyển nhiều ngành "hot"
Bà Trương Thị Ngọc Bích cho biết Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM có mức điểm xét tuyển dự kiến cho 20 ngành đào tạo là 15 điểm ở tất cả các tổ hợp môn. Nếu không có gì thay đổi thì dự kiến điểm trúng tuyển sẽ tăng từ 1 - 2 điểm so với năm 2018. Nhóm ngành kinh doanh quản lý, marketing, luật, quan hệ công chúng và truyền thông, ngôn ngữ Nhật, Hàn... thu hút nhiều TS.
Thạc sĩ Hồ Thanh Tình cũng thông tin: "Năm 2019, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét 5.700 chỉ tiêu các nhóm ngành kinh tế, sức khỏe, nhân văn, kỹ thuật nghệ thuật... TS quan tâm nhiều đến các ngành sức khỏe, kinh tế, kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ ô tô".
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dành 65% chỉ tiêu cho phương thức điểm THPT quốc gia, 25% cho việc xét học bạ lớp 12 và 5% cho kết quả thi năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM ở các khối ngành sức khỏe, kinh tế, kiến trúc, mỹ thuật, du lịch...
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn hiện đang nhận hồ sơ theo phương thức xét tuyển học bạ lớp 12 với điểm trung bình từ 6,0 và điểm 3 môn tổ hợp từ 18 trở lên cho các ngành như kỹ thuật phần mềm, ngôn ngữ Anh, quản trị nhà hàng khách sạn...
Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) xét tuyển bằng 3 phương thức: xét tuyển thẳng, học bạ lớp 12 và điểm thi THPT quốc gia cho các ngành an toàn thông tin, thiết kế đồ họa, tài chính ngân hàng, kỹ thuật xây dựng... Ngoài ra, trường có chương trình tài năng, tiên tiến và quốc tế.
Tại Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, TS có điểm học bạ 3 môn xét tuyển đạt 15 điểm, thi THPT quốc gia 13 điểm trở lên là có thể nộp hồ sơ vào những ngành mà doanh nghiệp đang cần như ngành công nghệ ô tô, công nghệ cơ khí, điện công nghiệp, kế toán, quản trị nhà hàng khách sạn...
Theo Thanh niên
Dự đoán điểm chuẩn ngành Y Dược và trường công an, quân đội tăng cao Đại diện nhiều trường đại học nhận định mức trúng tuyển năm 2019 tăng từ 1 đến 3 điểm. Các trường đào tạo Y Dược và khối công an, quân đội sẽ có điểm chuẩn cao. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm và phổ điểm thi THPT quốc gia 2019, nhiều chuyên gia dự đoán điểm chuẩn đại học sẽ tăng....