Điểm chuẩn lớp 10 : Học sinh “chới với”
Điểm chuẩn ở cả ba nguyện vọng của các trường gần như đều tăng bình quân 1-2 điểm, thậm chí có trường tăng 3-4 điểm.
Theo nhận định của nhiều giáo viên và thí sinh ngay sau khi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 (khóa ngày 21 và 22-6) vừa kết thúc thì đề thi tuyển sinh có mức độ khó tương đối (chiếm 2-3 điểm), do vậy, điểm vào lớp 10 năm học mới sẽ không có biến động, tương đương năm 2011, thậm chí giảm. Tuy nhiên, sáng 13-7, khi Sở GD&ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn vào 58 trường THPT có thi tuyển thì phụ huynh, học sinh đều “chới với”. Điểm chuẩn ở cả ba nguyện vọng (NV) của các trường gần như đều tăng bình quân 1-2 điểm, thậm chí có trường tăng 3-4 điểm.
Tốp trên, tốp dưới đều tăng điểm chuẩn
Lý giải về điểm chuẩn năm nay tăng, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng: Điểm tăng tức là đề thi không quá khó, đề thi tập trung ở phần kiến thức cơ bản cao. Tuy nhiên, trong cấu trúc đề thi phân hóa học sinh cũng rõ ràng, có những câu hỏi dành cho học sinh khá và cũng có 1, 2 câu hỏi nhỏ dành cho học sinh giỏi, xuất sắc. Ngoài ra, chất lượng giáo dục tại các trường ngoại thành, vùng ven cũng được nâng lên rõ rệt.
Anh Lưu Đức Toàn, phụ huynh ở quận 7, khá bất ngờ với điểm chuẩn năm nay. Anh cho biết con trai anh nguyện vọng (NV) 1 vào Trường THPT Lê Quý Đôn, có tham khảo điểm chuẩn năm 2011 là 35 điểm, cộng thêm 1,5 điểm khuyến khích và đinh ninh con mình sẽ trúng tuyển NV1 vào Lê Quý Đôn. Tuy nhiên, điểm chuẩn năm nay vào Lê Quý Đôn ở NV1 là 36,75 điểm nên con anh Toàn đành ngậm ngùi vào NV2 ở Trường THPT Trưng Vương (35,25 điểm).
Tương tự, chị Nguyễn Hoàng Thùy Trang (quận 1) có con gái chọn NV1 vào Trường THPT Bùi Thị Xuân (điểm chuẩn năm 2011 là 37). Kết quả thi, con chị được 37,5 điểm chắc tấm vé vào trường này. Không ngờ, điểm chuẩn năm nay vọt lên 39,25 nên con chị phải chọn NV2 ở Marie Curie.
Các trường tốp dưới như THPT Diên Hồng (quận 10), THPT Trường Chinh (quận 12), THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận) điểm chuẩn các NV cũng tăng 1-2 điểm.
Video đang HOT
Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm học 2012-2013 tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, quận 3
Rộng cửa cho học sinh rớt cả ba NV
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, số lượng học sinh trúng tuyển vào các trường công lập năm nay là 40. 377 em, đạt tỉ lệ 80,73% (năm ngoái khoảng 79%) và có 1.578 em trúng tuyển vào các trường chuyên. Tỉ lệ học sinh rớt cả ba NV là 19,27% với 9.636 em. Năm học 2012-2013 có 23.042 chỉ tiêu ở các trường ngoài công lập, 9.735 chỉ tiêu ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), 2.620 chỉ tiêu ở các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) nên gần 10.000 học sinh rớt cả ba NV không lo thiếu chỗ học.
“Các phòng giáo dục phải phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền về chủ trương phân luồng sau THCS để phụ huynh hiểu. Các trưởng phòng giáo dục tham mưu với UBND quận thực hiện chính sách phân luồng học sinh vào các trường TCCN, trung cấp nghề vì ở đó cơ hội học tập lên cao của các em vẫn còn” – ông Đạt nhấn mạnh.
Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, lưu ý: Những thắc mắc của phụ huynh về điểm chuẩn, BGH các trường phải giải thích cặn kẽ và không được cho học sinh thay đổi NV khi đã công bố điểm chuẩn. Những thắc mắc có cơ sở như đủ điểm mà không có tên trong danh sách trúng tuyển, điểm số sai, những lý do nộp hồ sơ trễ hạn thì phải được giải quyết triệt để (ngay cả thí sinh lo chạy những NV theo ý muốn, cuối cùng không được đành phải quay về học NV đã chọn thì cũng giải quyết cho các em). Trường hợp những học sinh rớt cả ba NV thì phòng giáo dục phải xem xét, sắp xếp chỗ học hợp lý cho các em tại các trung tâm GDTX, tư vấn chọn trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề cho các em.
Hồ sơ nhập học lớp 10 Thời gian để học sinh nộp hồ sơ nhập học: Từ ngày 16-7 đến 16 giờ 30 ngày 26-7-2012. Hồ sơ nhập học gồm: 1. Đơn xin dự tuyển 10 có ghi ba NV ưu tiên xét vào các trường THPT 2. Phiếu báo điểm tuyển sinh 10 trên đó có ghi ba NV 3. Học bạ cấp THCS (bản chính) 4. Bằng tốt nghiệp THCS (bản chính). Học sinh mới công nhận tốt nghiệp nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp (tạm thời) do các cơ sở giáo dục cấp và nộp bản chính văn bằng vào hồ sơ khi được Phòng GD&ĐT cấp phát bằng 5. Bản sao giấy khai sinh hợp lệ 6. Giấy xác nhận được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích (nếu có) do cơ quan có thẩm quyền cấp Riêng học sinh năm trước chưa trúng tuyển nay trúng tuyển, cần nộp thêm giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, doanh nghiệp đang trực tiếp quản lý vào đơn xin dự tuyển về việc người dự tuyển không trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc bị hạn chế quyền công dân.
Theo Quốc Việt ( Pháp Luật TP.HCM)
Đề thi cao đẳng cũng ra theo hướng mở
Ngày 14/7, thí sinh cả nước sẽ tiếp tục tham dự kỳ thi cao đẳng. Năm nay kỳ thi này vẫn tiếp tục theo phương thức "ba chung" nhưng có nhiều cải tiến liên quan đến quyền lợi sĩ tử.
Trong 2 đợt thi ĐH, thí sinh quan tâm đến cách ra đề thi mở của Bộ GD&ĐT. Theo lãnh đạo Bộ, khuynh hướng này cũng có ở kỳ thi CĐ sắp tới
Đề cập đến những vấn đề nóng
Trao đổi về hướng ra đề trong kỳ thi CĐ sắp tới, ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD - cho biết: "Quan điểm chung của Bộ là đề thi bám sát chương trình phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12, đảm bảo kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh. Đề thi phải đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của học sinh. Với nguyên tắc đó, đề thi sẽ ra để đảm bảo những học sinh trung bình, trung bình khá có thể làm được khoảng từ 4-6 điểm, học sinh khá có thể được 6, 7 điểm còn để đạt được điểm 8, 9, 10 phải là học sinh có học lực giỏi".
Trả lời câu hỏi về việc đề thi có tiếp tục ra theo hướng mở hay không, ông Nghĩa nói: "Đề thi mở là hướng được xác định nhiều năm và sẽ tiếp tục được thực hiện để tránh học sinh học vẹt, học tủ. Những đề thi mở cũng sẽ đề cập đến những vấn đề nóng của xã hội mà học sinh quan tâm".
Nhiều cơ hội xét tuyển
Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - cho biết: "Điểm mới của kỳ thi năm nay là các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển. Căn cứ điểm sàn và chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường không hạn chế số đợt xét tuyển, không quy định điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn đợt trước, trên nguyên tắc: Điểm trúng tuyển chưa nhân hệ số không thấp hơn điểm sàn bảo đảm chỉ tiêu đã xác định và thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 30/11 hằng năm".
Như vậy, thí sinh dự thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường đã đăng ký nguyện vọng thì được trường tổ chức thi cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi CĐ. Thí sinh được quyền sử dụng giấy chứng nhận gốc hoặc bản sao công chứng để xét tuyển tùy theo quy định của từng trường.
Về việc những thí sinh tham gia kỳ thi này, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 mà có điểm đạt mức tối thiểu (điểm sàn của kỳ thi CĐ) thì có được tham gia xét tuyển vào hệ CĐ của các trường ĐH hay không, ông Bùi Anh Tuấn thông tin: "Thí sinh dự thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ mức điểm tối thiểu quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0), được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi CĐ để đăng ký xét tuyển vào các trường CĐ hoặc hệ CĐ của các trường ĐH còn chỉ tiêu xét tuyển, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định".
Như vậy thí sinh có điểm sàn kỳ thi CĐ sẽ có cơ hội được xét tuyển vào hệ CĐ của các trường ĐH. Tuy nhiên trên thực tế những năm thi chung, nhiều trường ĐH chỉ lấy nguồn tuyển là những thí sinh tham gia thi ĐH.
Về việc như vậy có khiến thí sinh thi CĐ bị thiệt, một cán bộ của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho hay việc xét tuyển đối tượng thí sinh nào sẽ do các trường quyết định. Bộ chỉ quy định: Đối với một trường CĐ, hoặc hệ CĐ của trường ĐH nếu còn chỉ tiêu xét tuyển thì các trường thông báo điều kiện nhận hồ sơ trong đó phải công bố đối tượng xét tuyển là những thí sinh nào. Căn cứ trên chỉ tiêu, hội đồng tuyển sinh của trường sẽ xác định mức điểm trúng tuyển cho từng đối tượng.
Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý giấy chứng nhận kết quả thi ĐH được dùng để xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ có cùng khối thi, trong vùng tuyển. Còn giấy chứng nhận kết quả thi CĐ thì chỉ được dùng xét tuyển vào các trường CĐ có cùng khối thi, trong vùng tuyển và còn chỉ tiêu, hoặc hệ CĐ của các trường ĐH còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển đã được các trường công bố công khai.
Nhiều biện pháp ứng phó quy định mang máy ghi âm, ghi hình Theo quy chế tuyển sinh đã được Bộ GD&ĐT sửa đổi, năm nay Bộ có chủ trương khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tuyển sinh và quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh. Trong 2 đợt thi ĐH, các trường ĐH có nhiều cách ứng phó với quy định cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh chỉ có chức năng ghi thông tin, không được truyền thông tin ra ngoài phòng thi. PGS-TS Bạch Văn Hợp - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho biết: "Nếu phát hiện thí sinh nào mang các thiết bị này vào, cho dù nằm trong danh mục cho phép, trường cũng đề nghị thí sinh đó ở lại phòng thi, đến hết giờ thi mới được ra ngoài". Thạc sĩ Trịnh Minh Huyền - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - nêu rõ: "Trường có yêu cầu thí sinh kê khai tính năng của thiết bị nếu có ý định sử dụng trong phòng thi và làm cam kết là đã hiểu về quy chế của Bộ GD-ĐT". Trong khi đó, PGS-TS Mai Hồng Quỳ cũng cho hay mỗi điểm thi của trường đều được tăng cường 2 kỹ thuật viên công nghệ thông tin để giám sát chuyện này. Giám thị chỉ có nhiệm vụ coi thi và khi phát hiện có thí sinh sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình sẽ báo với giám sát để kiểm tra. Trường cũng nhắc nhở thí sinh nữ búi tóc cao để hạn chế việc đeo tai nghe của các thiết bị này.
Theo Thanh Niên
Khối B: Đề Sinh dễ nhưng phần lý thuyết dài 9h sáng nay (9/7), thí sinh khối B bước ra hội đồng thi với tâm trạng khá thoải mái. Nhiều em cho biết đề không khó, hi vọng đạt điểm cao. Tại Hà Nội, sáng nay, sau hơn hai tiếng làm bài thi môn Sinh mở đầu cho kỳ thi đại học đợt 2 của khối B, nhiều thí sinh đến tận phút...