Điểm chuẩn biến động mạnh do đâu?
Bức tranh điểm chuẩn năm nay có nhiều biến động theo xu hướng ngành nghề. Nếu y khoa luôn ở vị trí dẫn đầu thì năm nay không cao như mong đợi, thậm chí còn thấp hơn một số ngành khác.
Phụ huynh và thí sinh làm thủ nhập học tại một trường đại học ở TP.HCM trong ngày 9.8 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Y khoa không còn dẫn đầu
Trước kia cả nước chỉ có khoảng chục trường đào tạo y dược, giờ tăng lên nhiều nên cũng giúp hạ nhiệt điểm chuẩn ngành y dược. Nó cũng là biểu hiện cho nhận thức của xã hội đã thay đổi, không quá coi trọng một ngành nào đó
PGS NGUYỄN VĂN KHẢI (Hiệu trưởng Trường Y Dược Hải Phòng)
Năm nay, điểm chuẩn theo điểm thi THPT quốc gia 2019 vào ngành y khoa của các trường ở nhiều mức khác nhau. Dẫn đầu điểm chuẩn ngành này vẫn là Trường ĐH Y Dược TP.HCM và Trường ĐH Y Hà Nội. Năm nay, cả hai trường đều cùng lấy mức điểm gần nhau 26,75 (Trường ĐH Y Hà Nội) và 26,7 (Trường ĐH Y Dược TP.HCM). Mức điểm này tuy tăng so với năm ngoái nhưng không còn dẫn đầu về điểm chuẩn.
Cùng ngành y khoa, nhưng các trường ĐH công lập khác điểm chuẩn chỉ ở khoảng trên dưới 8 điểm/môn (đã gồm điểm ưu tiên). Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm nay điểm chuẩn ngành này chỉ ở 23,5 (thí sinh hộ khẩu TP.HCM) và 24,65 (thí sinh hộ khẩu địa phương khác). So với năm ngoái, chỉ tăng nhẹ từ 1,5 – gần 2 điểm. Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng có điểm chuẩn ở mức 23,95 với ngành y khoa chất lượng cao. Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội lấy 21 điểm, Trường ĐH Y khoa Vinh: 22,4; Trường ĐH Tây Nguyên: 23; Trường ĐH Y Dược Cần Thơ: 24,3 điểm…
Không chỉ y khoa, ngành sư phạm điểm chuẩn cũng không ở tốp đầu. Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, điểm chuẩn cao nhất là sư phạm toán với 24 điểm, một số ngành sư phạm chỉ ở mức 18,5 điểm.
Tuy vậy PGS Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng Trường Y Dược Hải Phòng, tỏ ra hài lòng với bức tranh điểm chuẩn ngành y dược năm nay, vì vừa đảm bảo yêu cầu về chất lượng vừa hài hòa với các khối ngành khác. Đạt được điều này là có sự góp phần quan trọng của yếu tố điểm sàn. Điểm sàn không chỉ nâng cao chất lượng đầu vào của trường tốp dưới, từ đó rút ngắn khoảng cách điểm chuẩn trong hệ thống trường y dược, mà còn giúp các trường làm căn cứ mà định vị vị thế của mình. “Điểm chuẩn của khối ngành y dược năm nay không quá chênh lệch với các khối ngành khác khi mà điểm các trường tốp khối ngành kinh tế, ngành kỹ thuật cũng cao tương đương, thậm chí có ngành còn cao hơn cả ngành y. Tôi cho đó là một biểu hiện lành mạnh trong định hướng phát triểnnghề nghiệp của xã hội. Người giỏi trải rộng ở mọi lĩnh vực chứ không đổ dồn vào một ngành nào đó”, PGS Khải nhận xét rồi lý giải: “Có một nguyên nhân làm nên sự hài hòa đó là sự mở rộng quy mô và đơn vị tham gia đào tạo ngành y dược. Trước kia cả nước chỉ có khoảng chục trường đào tạo y dược, giờ tăng lên nhiều, nên cũng giúp hạ nhiệt điểm chuẩn ngành y dược. Đấy là một sự tăng trưởng tự nhiên. Thứ hai, nó là biểu hiện cho nhận thức của xã hội đã thay đổi, không quá coi trọng một ngành nào đó”.
Khoa học máy tính, công nghệ thông tin, kinh tế bứt phá
Điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Đông phương học: 28,5 điểm
PGS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội – nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết trường có ngành Đông phương học tổ hợp C00 năm nào điểm chuẩn cũng thuộc diện cao nhất trong khối dân sự của cả nước. Năm 2017 là 28,25; năm ngoái là 27,75; năm nay là 28,5. “Có nhiều lý do để điểm chuẩn cao. Trước hết là vì chỉ tiêu ít, khoảng 100, mà diện xét tuyển thẳng lại nhiều nên chỉ tiêu trong thực tế còn giảm đi nữa, nguyện vọng lên đến mấy nghìn. Đây lại là một ngành nóng, sinh viên chưa ra trường đã đi làm rồi, đi thực tập đã có lương rồi”, PGS Tuấn nói.
Hầu hết các ngành liên quan đến khoa học máy tính và công nghệ thông tin ở các trường đều rất cao. Chẳng hạn ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mức điểm cao nhất là 27,42 ở ngành khoa học máy tính. Các ngành kỹ thuật máy tính, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo cũng là nhóm có điểm chuẩn cao khoảng 26 – 27. Ngành khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có điểm chuẩn 25,75 điểm.
Các trường khối kinh tế cũng có điểm cao tương tự. Chẳng hạn ngành kinh doanh quốc tế, kinh tế quốc tế của Trường ĐH Kinh tế quốc dân có điểm chuẩn cao nhất là 26,15. Hầu hết các ngành của Trường ĐH Ngoại thương đều có điểm chuẩn rất cao. Trường ĐH Kinh tế – Luật lấy 25,7 điểm với ngành kinh tế quốc tế, chương trình kinh tế đối ngoại. Còn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ngành cao nhất là kinh doanh quốc tế với 25,1 điểm.
PGS Lê Hiếu Học, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, cũng nhận xét: “Các ngành kỹ thuật gắn liền với ứng dụng trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật có điểm chuẩn rất cao phù hợp với xu hướng. Đó là lĩnh vực mà xã hội, khoa học công nghệ cần, được truyền thông nhiều. Hơn nữa, thí sinh thích học các ngành đó vì vừa là xu hướng vừa “được tác động từ truyền thông”, do được tiếp cận với máy tính và các thiết bị thông tin di động từ sớm. Số lượng các cơ sở đào tạo (chất lượng, uy tín) các ngành đó không nhiều, mà nhu cầu lại lớn, nên điểm trúng tuyển cao”.
Video đang HOT
Nhiều ngành kỹ thuật “giẫm chân tại chỗ”
Trong khi đó, một số ngành kỹ thuật, công nghệ khác điểm khá thấp. Nhiều ngành thuộc khối này, thí sinh trúng tuyển với điểm trung bình mỗi môn chưa tới 5 dù đã gồm điểm ưu tiên.
Ngay trong chính các trường có đào tạo khối ngành này, điểm chuẩn cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa ngành cao nhất và thấp nhất. Chẳng hạn tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM là 14 – 23,1; Trường ĐH Giao thông vận tải (Hà Nội) 14,5 – 21,5; Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) 15,11 – 23… Nhiều ngành khối ngành này tại Trường ĐH Mở TP.HCM chỉ lấy 15 – 16 điểm.
Đặc biệt, các ngành liên quan đến môi trường, một số trường dù hạ điểm chuẩn tới sàn vẫn không đủ chỉ tiêu. Một trường ĐH ngoài công lập có đào tạo ngành này cho biết có thể không đào tạo trong năm nay vì ở mức 14 điểm không có thí sinh nào trúng tuyển.
PGS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, cho rằng vẫn có một số ngành kỹ thuật, đặc biệt là các ngành có tính đặc thù, điểm chuẩn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng việc làm sau này của người học, cũng như so với yêu cầu về chất lượng đầu vào của khối ngành này. Một số trường điểm chuẩn chưa cao lắm, nhà nước cần hỗ trợ các trường có giải pháp nâng chất lượng đầu vào cho các trường để từng bước chủ động được việc đào tạo nhân lực cho những ngành kỹ thuật đặc thù. “Ở mặt bằng điểm như năm nay, nếu điểm chuẩn dưới trung bình (tức dưới 15 điểm/3 môn) thì tôi cho là thấp. Vậy mà cũng có khá nhiều trường tuyển mức đó, thậm chí có trường còn tuyển 13 – 13,5 điểm”, PGS Đông nhận xét.
Còn trước sự tăng mạnh điểm chuẩn các ngành khối kinh tế, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, lý giải: “Một phần do phổ điểm thi năm nay cao hơn, phần khác là vẫn nhiều thí sinh quan tâm tới khối ngành này”.
Chịu tác động từ xu hướng lựa chọn ngành nghề
Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, điểm chuẩn năm nay có sự phân hóa rất rõ về ngành nghề. Điểm chuẩn chịu sự tác động rất lớn từ xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh, mà xu hướng này năm nay bám sát với sự dịch chuyển nền kinh tế. Các ngành về dịch vụ, công nghệ cao được thí sinh lựa chọn nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, điểm chuẩn còn cho thấy có một khoảng lệch khá lớn giữa phổ điểm thi các khối. Chẳng hạn, điểm tổ hợp khối B00 thấp hơn nhiều so với các khối khác. Điều này đúng khi mà theo thống kê, chỉ có khoảng 700 thí sinh có điểm thi ở tổ hợp này từ 27 trở lên trong khi khối A là trên 1.100, khối A1 trên 1.500… Vì điều này nên điểm chuẩn các ngành khối sức khỏe có xét theo tổ hợp B00 không cao vượt trội so với các ngành khác như những năm trước đây. Những ngành công nghệ có xét điểm tổ hợp này điểm chuẩn cũng khá thấp.
Đồng quan điểm này, tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho rằng điểm chuẩn đã phản ánh khá rõ nét sự dịch chuyển của nền kinh tế ảnh hưởng mạnh tới lựa chọn ngành học của thí sinh.
Trường khối công an giảm sâu, trường quân đội tuyển bổ sung
Điều bất ngờ là điểm chuẩn năm nay với diện thí sinh phía bắc, đặc biệt thí sinh nam của Học viện Cảnh sát Nhân dân lao dốc so với năm ngoái. Thậm chí, tổ hợp A01 năm nay giảm hơn 7 điểm so với năm ngoái.
Trong khi đó, cuối giờ chiều 8.8, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng ra thông báo điểm chuẩn tuyển sinh đào tạo đại học, cao đẳng quân sự vào các học viện, trường quân đội năm 2019, nhưng đến đầu giờ sáng 9.8, ban tuyển sinh lại phát đi thông báo về tuyển nguyện vọng bổ sung vào các trường quân đội năm 2019, ở cả trình độ đại học và cao đẳng. Trong đó mô tả cụ thể chỉ tiêu và mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Theo đó, ở trình độ đại học, có 2 trường quân đội tuyển bổ sung, với tổng số chỉ tiêu là 25; ở trình độ cao đẳng, có 2 trường quân đội tuyển bổ sung ngành quân sự cơ sở với tổng số 230 chỉ tiêu.
Theo Thanh niên
Điểm chuẩn HV Cảnh sát giảm sâu, Bách khoa, Ngoại thương vượt Y, Dược
Điểm chuẩn Học viện Cảnh sát Nhân dân "lao dốc" khiến nhiều người ngỡ ngàng. Khối ngành Kinh tế, Khoa học máy tính điểm chuẩn tăng mạnh.
Hôm nay, các trường đại học trên cả nước vẫn tiếp tục công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển năm 2019. Những ngôi trường "thương hiệu" của cả nước đã có sự thay đổi vị trí nếu chỉ xét về điểm chuẩn.
Công an có ngành giảm hơn 7 điểm
Điểm chuẩn Học viện Cảnh sát Nhân dân năm 2019 khiến nhiều người sửng sốt vì mức trúng tuyển giảm sâu.
Cụ thể, điểm chuẩn các ngành Nghiệp vụ Cảnh sát phía Bắc với thí sinh nam năm nay giảm mạnh so với 2018. Thậm chí, điểm chuẩn ngành này ở khối A01 giảm đến 7,53 điểm, từ 27,15 của năm 2018 giảm còn 19,62 điểm. Ở tổ hợp xét D01, năm ngoái điểm chuẩn là 24,65 thì năm nay còn 19,88. Khối C01 của ngành này cũng giảm 1 điểm.
Điểm chuẩn Học viện Cảnh sát Nhân dân năm nay giảm mạnh do với năm 2018. Ảnh: Chụp màn hình.
Tương tự, điểm chuẩn Học viện An ninh Nhân dân năm nay cũng giảm ở nhiều ngành. Đáng chú ý, ngành Nghiệp vụ An ninh đối với nam ở tổ hợp C01 giảm 2,35 điểm ở phía Bắc; 4,15 điểm ở phía Nam.
Ngược lại, điểm chuẩn năm 2019 của khối ngành quân đội lại tăng, có trường còn tăng mạnh. Cụ thể, điểm chuẩn của Học viện Quân y ở tổ hợp A00 đối với thí sinh nam miền Bắc tăng gần 5 điểm, từ 20,05 (2018) tăng lên 25,25 (2019).
Điểm chuẩn ĐH Bách khoa vượt Y, Dược
PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, chia sẻ trường đã tuyển được trên 60% thí sinh trúng tuyển tổ hợp A00 thuộc top 5% toàn quốc. Trong đó, 1/3 số thí sinh trong diện top 1% có tổng điểm khối A00 cao nhất toàn quốc.
Điểm trúng tuyển vào trường cũng dao động ở mức cao, từ 20-27,42 điểm. Chuyên ngành Khoa học máy tính xác lập kỷ lục điểm chuẩn với 27,42 điểm.
Điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính của ĐH Bách khoa Hà Nội lên đến 27,42 điểm. Ảnh: Chụp màn hình.
TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương, cho biết năm 2019 điểm chuẩn các ngành của trường tăng từ 1,5-2 điểm so với năm ngoái.
Ngành có mức điểm xét tuyển cao nhất của trường này năm nay là kinh tế đối ngoại, thương mại quốc tế theo tổ hợp A00 với 27 điểm. Nhóm ngành kinh tế, kinh tế quốc tế và luật có mức 26,2 điểm.
Trong khi đó, ĐH Y Hà Nội xác nhận mức trúng tuyển cao nhất của trường năm nay là 26,75 thuộc về ngành Y đa khoa. Tương tự, ngành Y khoa của ĐH Y Dược TP.HCM cũng có mức trúng tuyển cao nhất là 26,1 điểm.
Ngành Dược học của ĐH Dược Hà Nội cũng có mức trúng tuyển là 24,5 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2018 (23,5 điểm).
Dù khác biệt về tổ hợp xét tuyển, đây là lần đầu tiên điểm chuẩn một ngành của ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Ngoại thương, vượt qua điểm chuẩn của ngành Y đa khoa, ĐH Y Hà Nội.
Gần 9 điểm mỗi môn mới đỗ Sư phạm Toán
Năm 2019, điểm chuẩn ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh khối A00 của ĐH Sư phạm Hà Nội là 26,4 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2018 và tiệm cận với điểm chuẩn cao nhất của ĐH Y Hà Nội. Như vậy thí sinh phạt đạt gần 9 điểm mỗi nếu muốn đậu vào ngành Sư phạm Toán nếu không được cộng điểm ưu tiên.
Năm nay, điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên và khoa học giáo dục của ĐH Sư phạm Hà Nội đều từ 18-26,4 điểm.
Khoa học máy tính, Kinh doanh quốc tế "hot" ở các trường
Năm nay, điểm chuẩn khối ngành kinh tế nói chung và ngành Kinh doanh quốc tế nói riêng đều tăng ở nhiều trường.
Đáng chú ý, điểm chuẩn trung bình của ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) là 24,13. Trong đó điểm trung bình trúng tuyển khối ngành kinh tế là 24,2; khối ngành kinh doanh và quản lý 24,38 điểm và khối ngành luật là 23,51 điểm.
Ngành Kinh doanh quốc tế, Kinh tế đối ngoại có điểm chuẩn rất cao. Ảnh minh họa: Việt Hùng.
So với năm 2018, điểm chuẩn của trường năm nay tăng từ 1,6 đến 4,1 điểm. Riêng chương trình Kinh tế Đối ngoại của ngành Kinh doanh Quốc tế của trường có mức trúng tuyển cao nhất là 25,7 điểm.
Kinh doanh quốc tế cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất tại ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương với mức điểm lần lượt là 25,1; 26,15 và 27.
Một ngành khác đã có điểm chuẩn "tăng nhiệt" trong vài năm trở lại đây và đã thiết lập kỷ lục trong năm 2019 là ngành Khoa học máy tính. Điểm chuẩn ngành này dẫn đầu ở các trường có đào tạo.
Điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính tại ĐH Bách khoa Hà Nội là 27,42. Tại ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) mức trúng tuyển ngành này là 25,75.
Nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin cũng dần đầu điểm chuẩn tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) với 25 điểm. Tương tự, tại ĐH Khoa học Tự Nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) điểm chuẩn ngành Máy tính và Khoa học thông tin cũng dẫn đầu với 23,5 điểm.
Theo Zing
Tại sao phụ huynh "mua điểm" bằng mọi giá vào trường công an, quân đội? Vào trường công an, quân đội, sinh viên được nuôi ăn ở, ra trường lại có việc làm ngay, dễ thăng tiến nếu là con ông cháu cha, chưa kể có cơ hội để trở nên... giàu có. Trong 108 thí sinh Hòa Bình và Sơn La được nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, có 64 em (chiếm 59%) trúng...