Điểm chuẩn 2018: Trường giảm gần 9, trường tăng hơn 8
Nếu năm ngoái một thí sinh đạt 29,35 điểm vẫn trượt ngành Y Đa khoa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM thì năm nay thủ khoa của trường này là 29,1 điểm. Điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay giảm thường là vài điểm, cá biệt có trường giảm tận 9 điểm.
Công an, quân đội có trường giảm 9 điểm
Trong mùa tuyển sinh năm nay, điểm chuẩn có nhiều biến động nhất phải kể đến khối các trường công an, quân đội.
Nếu như năm ngoái, thí sinh dù đạt mức tối đa 30 điểm vẫn trượt đại học thì năm nay, điểm chuẩn cao nhất của khối ngành này chỉ khoảng 26 điểm.
Mức điểm chuẩn trung bình giảm từ 3-5 điểm. Cá biệt, có ngành giảm tới 9 điểm so với năm 2017. Cụ thể, tại Học viện Quân y năm 2018, đối với thí sinh nam miền Bắc xét tuyển bằng tổ hợp A00 có điểm xét tuyển giảm gần 9 điểm so với năm ngoái xuống còn 20,05 điểm. Năm 2017, mức điểm trúng tuyển đối với nhóm thí sinh này là 29.
Đối với thí sinh nam miền Nam, điểm chuẩn cũng giảm đến 6,65 điểm so với năm ngoái, từ 27,25 xuống còn 20,60 điểm. Như vậy, mức điểm chuẩn theo từng đối tượng và từng khối xét tuyển của Học viện Quân y năm 2018 đều giảm khá sâu so với năm ngoái.
Cũng trong bối cảnh điểm chuẩn giảm chung, Học viện An ninh nhân dân, vốn có điểm trúng tuyển cao nhất nhì cả nước, nay cũng có xu hướng giảm. Năm ngoái, thí sinh nữ muốn dự thi khối D01 vào Học viện An ninh phải đạt mức điểm lên tới 30,5 thì năm nay, mức điểm chuẩn đã hạ xuống còn 26,1 điểm.
Hay một trường quân đội là Học viện Kỹ thuật Quân sự, năm 2017, điểm trúng tuyển vào trường đối với thí sinh nữ miền Bắc là 30 điểm tuyệt đối thì năm nay, với mức điểm 25,10 – thí sinh nữ miền Bắc đã có thể đỗ.
Khối ngành Y Dược hạ thấp, không có ngành nào điểm trên 25
Nếu năm ngoái một thí sinh đạt 29,35 điểm vẫn trượt ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM vì quy định làm tròn điểm và tiêu chí phụ, thi năm nay thủ khoa của trường này là 29,1 điểm. Thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất vào trường chỉ 29.15. Tất cả các trường y không có ngành nào có điểm chuẩn từ 25 trở lên.
Tại TP.HCM, điểm chuẩn Trường Đại học Y Dược TP.HCM ngành cao nhất là Y Đa khoa còn 24,95 điểm – giảm 4,3 điểm so với năm 2017 và giảm 1,8 điểm so với năm 2016. Ngành Răng – Hàm – Mặt có điểm chuẩn 24,45 – giảm 4,55 điểm so với năm 2017 và giảm 1,55 điểm so với năm 2016. Ngành thấp nhất là 18 – giảm 4,25 điểm so với năm 2017 và giảm 2,5 điểm so với năm 2016.
Đây là năm thứ hai Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển sinh trong phạm vi cả nước và ngành có điểm chuẩn cao nhất năm nay chỉ gần bằng ngành có điểm chuẩn thấp thứ hai năm ngoái. Theo đó, Răng- Hàm- Mặt có điểm chuẩn cao nhất là 23,3 – giảm 4 điểm; còn ngành Y đa khoa giảm gần 5 điểm; Nhìn chung, các ngành đều giảm ở mức 4 điểm so với năm 2017.
Năm 2017, Trường ĐH Y Hà Nội cán mốc kỷ lục với điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa lên tới 29,25 kèm theo 4 tiêu chí phụ. Thế nhưng, năm nay điểm chuẩn ngành này đã giảm 4,5 điểm, chỉ còn 24,75. Hầu hết các ngành cũng có xu hướng giảm từ 4-6 điểm. Ngành Y tế Công đồng thấp nhất là 18,1 trong khi năm 2017 là 23,75.
Theo ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, xu hướng giảm điểm mạnh của năm nay không đáng lo ngại. Ông Tú cho rằng có 2 lý do dẫn tới giảm điểm là do đề khó và do điểm cộng khu vực, ưu tiên năm nay bớt đi rất nhiều. Vì thế việc giảm điểm chuẩn là chuyện bình thường.
“Có thể năm nay điểm chuẩn của Trường ĐH Y Hà Nội có thấp hơn một số trường quân đội, công an, thì đó là xu thế của xã hội trong một khoảnh khắc nào đó. Nhưng điểm chuẩn của trường vẫn nằm trong tốp đầu cả nước” – ông Tú nói.
Video đang HOT
Vị hiệu phó này cũng khẳng định, trường không lo ngại về chất lượng đầu vào của thí sinh năm nay vì do yếu tố khách quan là đề khó. Đồng thời, trường có hệ thống đảm bảo chất lượng để rà soát, đánh giá sinh viên trong quá trình học tập.
Tại Trường ĐH Y Thái Bình, điểm chuẩn vào ngành Y khoa giảm 4,8 điểm so với năm ngoái (từ 27,5 xuống 22,7 điểm), ngành Dược học giảm 4,45 điểm (từ 26 điểm xuống 21,55 điểm). Càng hiếm khi chưa có năm nào chỉ với 15,75 điểm, thí sinh đã có thể đỗ vào Trường ĐH Y Thái Bình. Năm nay với mức điểm này, thí sinh có thể trúng tuyển vào ngành Y tế công cộng của trường.
Tương tự, tại Khoa Y của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đều giảm 4,5 điểm so với năm 2017.
Ở các trường tư thục, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành lần đầu tuyển sinh ngành Y khoa, mức điểm chuẩn đã lên tới được 20 (kém nửa điểm so với Học viện Quân y). Trong khi đó ngành Y khoa ở Trường ĐH Duy Tân có điểm chuẩn là 19. Ngành Y đa khoa của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ trở về mức 18 điểm như năm 2016, sau khi đã tăng lên 20 điểm vào năm 2017. Ngành Y khoa của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng chỉ có điểm chuẩn 18,5.
Ngành Sư phạm giảm từ 1- 4 điểm
Đây là năm đầu tiên các trường, ngành sư phạm trên cả nước phải áp chung một mức điểm sàn 17 điểm.
Điểm chuẩn vào các ngành của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2018 dao động từ 16-23,35 điểm. Năm 2017, mức điểm chuẩn vào trường này từ 17-27,75 điểm. Năm ngoái, ngành Sư phạm Toán học (dạy bằng tiếng Anh) có điểm chuẩn cao nhất 27,75 thì năm nay, ngành này giảm xuống 23,3 điểm. Ngành Sư phạm Ngữ văn đối với khối C00 năm 2018 có mức điểm chuẩn là 24, giảm 3 điểm so với năm 2017.
Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, điểm chuẩn các ngành sư phạm cũng giảm trung bình 4 điểm. Như thường lệ, ngành Sư phạm Toán học có điểm chuẩn cao nhất với 22,25 nhưng mức này đã giảm 4 điểm so với năm ngoái. Sư phạm Hóa học giảm 4,2 điểm, Sư phạm Vật lý giảm 4 điểm; Sư phạm Tiếng Anh giảm 3,5 điểm; Sư phạm Ngữ văn giảm 4 điểm; Sư phạm Sinh học giảm 4,25; SP Sử giảm 4,25; Sư phạm Địa lý giảm 3,5; Giáo dục Tiểu học giảm 3,5 điểm…
Điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cũng không khá hơn khi các ngành Sư phạm Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin có môn chính nhân hệ số 2 nhưng chỉ ở mức 22 điểm (trung bình 5,5 điểm/ môn). Các ngành còn lại lấy bằng ngưỡng điểm Bộ GD-ĐT quy định.
So với năm ngoái, điểm chuẩn các ngành sư phạm của Trường ĐH Vinh (Nghệ An) năm nay lại trội lên. Nếu năm ngoái trường áp một mức điểm chuẩn chung cho các điểm chuẩn các ngành sư phạm là 15,5 (trừ Giáo dục Tiểu học) thì năm nay điểm chuẩn nhiều ngành chạm ngưỡng 20. Cụ thể Sư phạm Toán học: 19, Sư phạm Tin học, Vật lý, Sinh: 20. Riêng ngành Giáo dục Tiểu học có điểm chuẩn 18 và giảm 4 điểm so với năm ngoái.
Điểm chuẩn khối ngành Kinh tế, Kỹ thuật giảm sâu từ 3- 6 điểm
Nhìn vào mặt bằng chung, khối ngành Kinh tế, Kỹ thuật có mức điểm chuẩn giảm 3-6 điểm. Cụ thể, tại Trường ĐH Ngoại thương năm 2017, mức điểm chuẩn của hầu hết các ngành đều xoay quanh mốc 27 điểm thì năm nay, điểm chuẩn đã giảm xuống mức khoảng 23 điểm.
Về xu hướng điểm chuẩn giảm mạnh của năm nay, bà Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết, trường không bất ngờ với kết quả này.
“Ngay từ lúc có phổ điểm, trường đã tư vấn cho thí sinh là điểm chuẩn vào trường sẽ dao động từ 7,5-8,5/ môn. Điểm chuẩn chính thức cũng chạy đúng theo như thế”.
Bà Hương lưu ý, với Trường ĐH Ngoại thương, điểm chuẩn sẽ khác các trường khác, vì trường lấy điểm chuẩn theo nhóm ngành – nghĩa là điểm chuẩn công bố là mức điểm chuẩn thấp nhất của nhóm ngành đó. Khi phân chuyên ngành, sẽ có những chuyên ngành có mức điểm chuẩn cao hơn.
Với phần đông các trường khác, điểm chuẩn được tính theo từng chuyên ngành, điểm chuẩn sẽ rải khá rộng, ví dụ từ 20 đến 24. Điểm chuẩn giữa các chuyên ngành của Ngoại thương rải hẹp hơn, chỉ chênh nhau khoảng 1 điểm.
“Tất nhiên điểm chuẩn năm nay không thể cao như năm ngoái. Nhưng nếu tính trên phổ điểm chung thì Ngoại thương vẫn nằm trong khoảng cao của phổ điểm quốc gia”.
Điểm chuẩn nhóm ngành cao nhất của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội năm nay là 24,1. Tuy nhiên, theo thống kê ban đầu, có khoảng 40-50% thí sinh đỗ vào trường có mức điểm từ 25 điểm trở lên, bà Hương cho biết.
Với một số ngành điểm cao như Kinh tế quốc tế và Luật năm 2017 lấy 28,25 điểm thì năm nay, điểm chuẩn ngành này giảm xuống chỉ còn 24,1 điểm, tức giảm hơn 4 điểm.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội có mức điểm chuẩn dao động 20,5 – 24,35 điểm. Một số ngành có truyền thống điểm cao như Kinh tế quốc tế hay Kinh doanh quốc tế năm nay vẫn dẫn đầu. Tuy nhiên, so với năm 2017, điểm chuẩn của những ngành này cũng đã giảm từ 3-4 điểm .
Với các trường khối kỹ thuật như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mức điểm chuẩn dao động từ 18 – 25,35. Ngành có mức điểm chuẩn cao nhất của trường là Công nghệ thông tin với mức điểm 25,35. Năm ngoái, mức điểm chuẩn vào ngành này là 28,25 điểm. Như vậy, mức điểm đã giảm gần 3 điểm so với năm 2017. Trong bối cảnh “đề khó, điểm hầu hết giảm”, kết quả tuyển sinh của Trường Bách khoa Hà Nội có sự nỗ lực chủ động thông tin cho thí sinh sát sao.
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) có điểm chuẩn cao nhất là 23.25 (nhóm ngành Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Máy tính) giảm gần 5 điểm so với năm ngoái (28 điểm). Điểm chuẩn các ngành đều giảm mức 3-5 điểm. Nhóm ngành Kỹ thuật, Điện tử – Viễn thông điều khiển tự động hóa giảm 4,75 điểm; Ngành Dệt – Công nghệ May giảm 5,25 điểm; Nhóm ngành xây dựng giảm 5,75 điểm…
Thông tin từ trường này thống kê chỉ có 250 thí sinh có tổng điểm từ 25 trở lên. Khoảng 60% thí sinh (2.435 thí sinh) có tổng điểm từ 22 điểm trở lên.
Tương tự, điểm chuẩn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) điểm trúng tuyển cao nhất là Nhóm ngành máy tính và Công nghệ thông tin với 22.75 điểm. Điểm chuẩn các ngành đào tại tại TP.HCM hầu như đều giảm, khoảng chênh lệch so với năm trước trung bình giảm khoảng 4 điểm. Năm nay, điểm chuẩn thấp nhất của trường này là 16 điểm thấp hơn 2 điểm so với ngành thấp nhất năm 2017. Theo thông kê chỉ có trên 417 em có điểm từ 23 trở lên.
Bất ngờ: trường thủ đô tăng cao, trường quốc tế chỉ 14 điểm?
Năm nay, Trường ĐH Thủ đô gây bất ngờ vì điểm chuẩn các ngành tăng đột biến so với chính mình. Đây cũng là hiện tượng cá biệt của mùa điểm chuẩn 2018. Cũng như mọi năm, điểm chuẩn của trường này được tính trên thang 40, trong đó có một môn nhân hệ số 2.
Năm nay, ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành tăng gần 11 điểm so với năm 2017. Cụ thể, mức điểm chuẩn của ngành này năm 2017 là 19,5 điểm. Năm 2018, mức điểm chuẩn tăng lên là 30,42. Như vậy, nếu quy đổi về thang 30, trường đã tăng 8.25 điểm ở ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành.
Đây không phải là ngành duy nhất của trường tăng điểm chuẩn. Ngành Quản trị Khách sạn có điểm chuẩn là 30,75 cũng đã tăng 9,75 điểm so với năm ngoái. Năm 2017 mức điểm chuẩn của ngành này là 21 điểm. (Quy đổi về thang 30, điểm chuẩn ngành này đã tăng khoảng hơn 7 điểm).
Ngành Luật có điểm chuẩn là 29,28, tăng hơn 8 điểm so với năm ngoái là 21,25 điểm (Quy về thang 30, điểm chuẩn ngành này đã tăng 6 điểm). Các ngành còn lại cũng đều tăng nhẹ từ 1-4 điểm so với năm 2017.
Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) lần đầu tiên, điểm chuẩn của ngành Du lịch cao hơn ngành báo chí. Nếu năm ngoái hai ngành này cùng có điểm chuẩn là 27,25 cho khối C và 25,5 cho khối D thì năm nay ngành Báo chí có điểm chuẩn thấp hơn du lịch 0,3 điểm ở cả hai khối C, D.
Trong khi đó, dù có tên là “trường quốc tế”, nhưng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng lại có tận 28/31 ngành có điểm chuẩn 14.
TS Kinh tế Nguyễn Kiều Dung: “Nên coi điểm thi là chuyện tương đối”
Không có gì đảm bảo lấy điểm chuẩn đại học ngành Y Đa khoa 27 như mấy năm trước thì những người có điểm 25 -26 sẽ học Y không tốt bằng những người 27 cả.
Các trường đại học muốn ngành nào có sinh viên giỏi nhất hội tụ đông, thì tự sắp xếp thôi. Ví dụ, kết thúc năm thứ nhất, cho những sinh viên giỏi nhất của các khoa được quyền lựa chọn khoa mà họ thích nhất, còn những sinh viên kém của các khoa thì bị đẩy sang những chỗ trống ở các khoa khác còn lại, hoặc kém quá thì cho nghỉ học.
Cách này các trường chuyên như THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đã thực hiện từ mấy chục năm nay. Học sinh hệ chuyên 1 thành tích học không tốt thì bị chuyển sang hệ chuyên 2, và ngược lại, học sinh xuất sắc nhất hệ 2 được sang hệ 1.
Một cách khác là chưa phân khoa năm thứ nhất. Kết thúc năm thứ nhất, trường cho sinh viên chính thức chọn nguyện vọng, ưu tiên nguyện vọng của những sinh viên có thành tích năm thứ 1 tốt nhất.
Những cách này còn đánh giá năng lực chính xác hơn là dựa vào điểm thi đại học.
Năm nay điểm thấp nhất vào trường y chỉ 18 điểm, trường Bách khoa cũng tuyển cả thí sinh 18 điểm. Những năm đề thi dễ thì khoa Y tế Cộng đồng của Trường ĐH Y Hà Nội điểm chuẩn cũng chỉ 22, khoa điểm chuẩn thấp nhất Bách khoa cũng chỉ thế thôi. Muốn những sinh viên giỏi nhất được học đúng khoa (ví dụ ngành Y Đa khoa của Y, hoặc ngành Khoa học Máy tính của Bách khoa là những ngành điểm cao nhất của các trường đó) thì hết năm thứ nhất cho họ chọn lại nguyện vọng.
Lê Huyền – Thuý Nga – Nguyễn Thảo
Theo vietnamnet.vn
Điểm trúng tuyển cao nhất của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là 23,3 điểm
Căn cứ kết quả lọc ảo lần 6 của Bộ GD-ĐT ngày 5/8/2018, Hội đồng Tuyển sinh Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã xác định điểm trúng tuyển vào trường năm nay. Ngành Răng hàm mặt dành cho thí sinh có hộ khẩu ngoài TPHCM có điểm trúng tuyển cao nhất là 23,3 điểm.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố điểm trúng tuyển năm 2018 vào chiều ngày 6/8
Trong khi đó, cũng ngành Răng hàm mặt nhưng điểm trúng tuyển đối với thí sinh hộ khẩu tại TPHCM là 22,5 điểm. Tương tự, ngành Y đa khoa đối với thí sinh ngoài TPHCM điểm chuẩn là 22,7 điểm, cao hơn thí sinh tại TPHCM 0,7 điểm.
Ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Y tế công cộng: 16,85 điểm (thí sinh ngoài TPHCM) và 18,5 điểm (đối với thí sinh tại TPHCM).
Điểm trúng tuyển các ngành chi tiết như sau:
Lưu ý: Điểm trúng tuyển bao gồm tổng điểm Toán Hóa Sinh, Đối tượng ưu tiên và Khu vực ưu tiên.
Lê Phương
Theo Dân trí
Chọn học lớp 10 ở trung tâm GDTX Không còn cảnh phải mòn mỏi chờ học sinh đến đăng ký như những năm trước, mùa tuyển sinh năm nay, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) tại TP.HCM đang tuyển được thí sinh. Phụ huynh và học sinh nộp hồ sơ nhập học tại Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5, TP.HCM) - ẢNH: KHẢ HÒA Có bao nhiêu học...