Điểm cao vẫn trượt, thầy cô và ban tuyển sinh trường ĐH lưu ý teen 2K3 những điều này
Điểm chuẩn đại học năm nay chứng kiến sự tăng chóng mặt của nhiều ngành. Đáng chú ý, một số ngành cần trung bình ít 8,7 điểm/môn hay 30 điểm tuyệt đối mới có khả năng đậu.
Để không uổng phí sự cố gắng của mình, teen 2K3 cần lưu ý những gì cho mùa tuyển sinh 2021 – 2022?
Nhiều con đường đi đến giảng đường mơ ước
Thầy Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, nhiều bạn chỉ quan tâm đến vài số ít phương thức xét tuyển hay chỉ một phương thức xét tuyển bằng điểm chuẩn.
Thầy chia sẻ: “Tại trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, việc tuyển sinh theo các phương thức bao gồm: Dùng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG-HCM, tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG-HCM. Theo thống kê, 85% thí sinh trúng tuyển khóa 2020 đều sử dụng phương thức dùng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học”.
Thầy Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM) – Ảnh: NVCC
Không hẳn nhiên mà nhiều trường đại học lại mở nhiều phương thức xét tuyển. Tất cả là để cho thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn hơn khi một trường hợp nào không may xảy ra.
Bạn Chí Cường (Quận 3, TP.HCM) kể: “Mình có một người bạn học chuyên ban xã hội. Khi xét đại học, bạn xét hầu như tất cả các hình thức từ xét điểm học bạ, xét bằng điểm thi tốt nghiệp, bằng điểm thi đánh giá năng lực… Khi có điểm thi tốt nghiệp, bạn không ngậm ngùi, đắn đo suy nghĩ điểm mình có đậu hay không mà thử tiếp kỳ thi đánh giá năng lực. Đến giờ bạn chẳng còn quan tâm đến điểm thi của mình nữa vì bạn ấy đã đậu vào trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM bằng điểm của kỳ thi đánh giá năng lực ấy”.
Video đang HOT
Chí Cường – Ảnh: NVCC
Cô Kim Hiệp (giáo viên môn Địa, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) thường khuyến khích học sinh lựa chọn nhiều phương thức xét tuyển vì nhiều lợi ích. Cô chia sẻ: “Trong mùa tuyển sinh 2020, các trường Đại học sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Ngoài xét tuyển dựa trên điểm thi THPT Quốc gia năm 2020, nhiều trường còn sử dụng cả phương thức xét học bạ. Việc xét học bạ giúp giảm bớt áp lực thi cử cho thí sinh và sẽ không có tình trạng thí sinh đổ dồn về các thành phố lớn. Đồng thời, điều này đảm bảo chung của cả nước vì điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đồng thời giảm áp lực, chi phí nói chung đối với học sinh và xã hội”.
Cô Kim Hiệp (trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) khuyến khích học sinh chọn nhiều phương thức xét tuyển vì nhiều ưu điểm – Ảnh: NVCC
Vì sao điểm cao vẫn trượt?
Thầy Trần Nam nhận định: “Những ngành như Báo chí, Tâm lý học, Ngôn ngữ Anh, Quan hệ quốc tế… không phải năm nay điểm chuẩn mới cao mà thực tế này đã diễn ra hàng chục năm nay. Các bạn học sinh cũng cần lưu ý về logic: Đề thi dễ thì điểm chuẩn sẽ cao và ngược lại”.
Có thể thấy, các trường hợp “điểm cao vẫn trượt” là vì các thí sinh chọn ngành hot. Thực tế, nếu thí sinh chọn nguyện vọng khác phù hợp với năng lực, “tấm vé” giảng đường mơ ước nằm trọn trong tay thí sinh. Điểm chuẩn cao hay thấp là điều bạn không thể quyết định được. Tuy nhiên, điều bạn có thể làm là THỬ! Phải thử nhiều cách và con đường để đi đến nơi mà mình muốn.
“Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học hay các kỳ thi quốc gia tương tự là một phương án tốt, nhưng không phải là phương thức tối ưu nhất để chọn ra những cá nhân tài năng và phù hợp nhất với một ngành học nào đó. Có nhiều ngành học cần sự lượng giá năng lực ứng viên một cách đa chiều hơn như: dùng điểm thi sát hạch theo tiêu chí riêng của ngành học, dùng bài phỏng vấn trực tiếp, ứng viên trình bày bài luận hay xét đến hoạt động xã hội. Có lẽ, xu hướng về phương thức tuyển sinh sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới”, thầy Trần Nam cho biết thêm.
Không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra. Vì vậy, 2K3 ơi, nếu bạn còn ngồi ở trên ghế nhà trường, hãy tham khảo tất cả phương thức tuyển sinh năm nay để lấy cho mình kinh nghiệm, để không phải “đau tim” vì mình đặt niềm tin quá nhiều vào quá ít lựa chọn nhe!
Điểm đầu vào cao ngất ngưởng: Mức lương ngành Logistics như thế nào?
Ngành Logistics có mức điểm đầu vào cao ngất ngưởng và học phí, cơ hội việc làm, mức lương đều cao.
Điểm đầu vào cao ngất ngưởng: Mức lương ngành Logistics như thế nào? Ảnh: Ngọc Lê
Điểm cao ngất ngưởng
Hiện nay có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, điểm chuẩn đầu vào ngành này tại các trường ở mức khá cao.
Mùa tuyển sinh năm 2020, Trường Đại học Kinh tế quốc dân với điểm chuẩn 28 ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, tức thí sinh phải đạt trung bình trên 9 điểm mỗi môn. Đây cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường.
Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cơ sở đào tạo khối ngành kinh tế lớn nhất phía Nam có mặt bằng chung điểm chuẩn đại học cao hơn 2 điểm so với năm 2019, cao nhất là Logistics và quản lý chuỗi cung ứng 27,25 điểm.
Cũng là một đại học ở TPHCM, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) với 27,25 điểm ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Đây cũng là mức điểm chuẩn cao thứ ba của đại học này năm nay, sau ngành Khoa học máy tính 28 điểm và Kỹ thuật ôtô 27,5 điểm.
Cơ hội việc làm ra sao ?
Hiện cả nước có hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này và con số này dự đoán sẽ càng tăng nhanh trong thời gian sắp tới.
Các vị trí công việc dành cho những người chọn học chuyên ngành Logistics khá đa dạng. Sinh viên học ngành này sau khi ra trường có thể đảm nhiệm các vị trí như: Nhân viên xuất nhập khẩu; Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu; Nhân viên thu mua; Nhân viên quản lý hàng hóa; Nhân viên quản lý điều hành hoạt động vận tải; Nhân viên kinh doanh Logistics...
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, đưa ra kết quả khảo sát giai đoạn 2020 - 2025, nhu cầu nhân lực tại TPHCM dự báo mỗi năm có khoảng 310.000 - 330.000 chỗ làm việc, trong đó ngành Logistics chiếm 5%.
Mức lương như thế nào?
Theo ông Đỗ Thanh Vân - Phó Giám Đốc phụ trách, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, ngành nghề Logistics và quản lý chuỗi cung ứng vẫn luôn là nhóm ngành có nhu cầu nhân lực và thu nhập cao. Phần lớn những người làm nghề này được thống kê có mức lương bình quân từ 8-10 triệu đồng/tháng.
"Sinh viên tốt nghiệp ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc khác nhau tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngành Logistics sẽ tiếp tục cần nhiều nhân lực trong những năm tới. Mức thu nhập của ngành này cũng cao hơn mặt bằng chung song nguồn cung cấp lao động chưa đáp ứng được nhu cầu" - ông Vân nhận định.
Với điểm chuẩn đầu vào, mức lương và cơ hội nghề nghiệp cao, quá trình đào tạo kéo dài, thí sinh cần cân nhắc giữa đam mê và năng lực trước khi đặt bút đăng ký vào ngành Logistics.
Logistics là gì?
Logistics là vòng tròn bao gồm các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan... nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.
Như vậy, nhân viên Logistics sẽ là người phụ trách các công việc liên quan đến chuỗi các hoạt động nói trên.
Nếu làm tốt Logistics thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí vận chuyển không hề nhỏ, điều đó đồng nghĩa với giá thành sản phẩm sẽ được hạ xuống, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và đem về nhiều lợi nhuận.
'Ngôn ngữ là bạn đường không thể thiếu của con người' Theo GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, sự kỳ diệu, vẻ đẹp và ý nghĩa của ngôn ngữ đã khuấy động những con tim, khối óc tò mò và nhạy cảm. Con người đã hình thành một ngành khoa học về nó. GS.TS Nguyễn Thiện Giáp là một trong những nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học nổi tiếng của Việt Nam. Ông quan tâm các...